Thứ 2, 29/04/2024, 14:37[GMT+7]

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, thể thao và du lịch

Thứ 5, 21/03/2024 | 08:41:51
19,594 lượt xem
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh 21/3 hàng năm, với nhiều hoạt động sôi nổi trong toàn tỉnh nhằm thiết thực quảng bá các loại hình trình diễn dân gian, đồng thời là nơi gặp gỡ, lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật, thể thao của đông đảo quần chúng nhân dân.

Biểu diễn đi cà kheo tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

Độc đáo nghệ thuật diễn xướng dân gian

Với niềm tự hào sâu sắc về nghệ thuật cổ truyền, điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm nay là chương trình trình diễn múa dân gian với sự tham gia của hàng trăm người dân từ khắp các địa phương trong tỉnh. Mở màn là phần thể hiện ấn tượng của đội múa trống Giáo xứ Sa Cát (thành phố Thái Bình) - đội có quả trống và cồng to nhất Việt Nam. Âm thanh rộn rã, tưng bừng như gọi mời, thúc giục người về hội trong các phần thể hiện trống chào, trống trình, trống lễ hội với ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, chào đón mùa xuân mới đã tạo nên không khí vui tươi. Các điệu múa được dàn dựng công phu như một bức tranh đa dạng, độc đáo tái hiện những nét văn hóa truyền thống của mảnh đất, con người Thái Bình còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong đó, tục múa ông Đùng bà Đà tượng trưng cho ước vọng sinh sôi nảy nở, mong nhiều hoa trái; múa sênh tiền - mõ lộn với những động tác gõ thanh tiền điêu luyện thể hiện sự tài tình, khéo léo của người con gái; múa bơi chải cạn tưởng nhớ đến công đức của Đức thánh Dương Không Lộ - người đã có công chữa bệnh cho nhà vua; múa ếch vồ thể hiện lại thời trai trẻ của Đức thánh Dương Không Lộ cùng với cha mẹ làm nghề chài lưới, đi các kênh rạch mò cá, bắt ếch mưu sinh; múa giáo cờ giáo quạt với 36 cấp múa diễn tả tâm trạng của một cô công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha; múa kéo chữ vừa mang tính chất là một trò chơi, một môn thể thao vừa mang tư tưởng giáo dục, tính nghệ thuật cao mô phỏng đánh trận và chiến thắng trở về...

Ông Bùi Tấn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định (Kiến Xương) chia sẻ: Vinh dự đại diện cho huyện Kiến Xương tham gia biểu diễn tại ngày hội, đội múa rồng dân gian xã Bình Định mang đến tiết mục đã được tập luyện, biểu diễn thường xuyên trong các sự kiện văn hóa và lễ hội trở thành nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Điệu múa mang khát vọng vươn lên để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hỗ trợ các em học sinh trong màn biểu diễn múa kéo chữ, cô giáo Nguyễn Thị Đào, Trường THCS Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) cho biết: 120 em học sinh rất háo hức thể hiện điệu múa kéo chữ, mang đến chương trình màn kéo chữ Thái và chữ Bình, ghép lại là chữ Thái Bình. Thuận lợi trong việc luyện tập, biểu diễn múa kéo chữ là các em học sinh được sinh ra, lớn lên tại nơi có lễ hội La Vân nổi tiếng, có ông bà, bố mẹ đã từng tham gia biểu diễn múa kéo chữ trong các dịp lễ hội hàng năm nên như một lẽ tự nhiên, các em được thừa hưởng niềm tự hào và mong muốn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương.

Lan tỏa đam mê

Video: 250324-Bao_ton_nghe_thuat_mua_lan_-_S2.mp4?_t=1711361354

 

Tiếp nối chuỗi chương trình nghệ thuật dân gian, giải lân sư rồng và võ cổ truyền tỉnh được tổ chức quy tụ 200 VĐV đến từ 12 CLB mạnh trên địa bàn tỉnh với tiết mục đặc sắc như: múa trống hội, múa lân địa bửu, múa lân leo cột, múa tứ quý long hưng... Anh Nguyễn Văn Hưng, Trưởng đoàn lân sư rồng Hưng Nghĩa Đường thông tin: Các thành viên trong đoàn tâm đắc, đầu tư nhất với tiết mục múa rồng vì năm nay là năm rồng. Sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả không chỉ khích lệ anh em trong đoàn thêm cố gắng cống hiến trên sân khấu mà còn là sự ghi nhận đối với những cố gắng trong nhiều tháng qua của cả đoàn.

Vượt quãng đường hơn 30km, cùng các con nhỏ tới xem biểu diễn lân sư rồng, anh Dương Văn Đức, một khán giả cho biết: Thời tiết mưa, lạnh nhưng nhiệt huyết của các đoàn biểu diễn trên sân khấu cũng như của khán giả đã kéo mọi người lại gần nhau trong không khí rất ấm áp, thân tình. Điều đáng trân trọng là các đoàn lân sư rồng thu hút rất đông người trẻ với những tiết mục kết hợp ấn tượng giữa truyền thống và hiện đại, tiếp nối nét đẹp văn hóa dân tộc.  

450 thành viên của 35 CLB khiêu vũ từ các tỉnh, thành phố trên cả nước là con số ấn tượng cho thấy sức hút của chương trình giao lưu ca nhạc, vũ quốc tế trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh năm nay. Tại chương trình, hơn 10 thành viên CLB khiêu vũ Ánh Dương (Hội Người mù tỉnh) đã tự tin biểu diễn. Tiếng nhạc vang lên, dù đôi mắt nhắm nghiền chẳng thể nhìn thấy nhưng bù lại, đôi tai và cả cơ thể của họ hòa theo từng điệu nhạc. Khi tiết mục kết thúc cũng là lúc những tràng pháo tay không ngớt cùng những lời chúc mừng, chung vui dành cho thành viên CLB cũng như HLV Đỗ Thanh Tuấn, người trực tiếp truyền lửa đam mê và sát cánh cùng các thành viên CLB khiêu vũ Ánh Dương. HLV Đỗ Thanh Tuấn chia sẻ: Để hoàn thiện được bài nhảy cơ bản biểu diễn tại chương trình, các thành viên CLB mất hơn 2 tháng tập luyện rất kỹ với rất nhiều nỗ lực, đam mê, nghị lực khiến tôi vô cùng khâm phục.  

Phong phú về nội dung và hình thức, mang đậm bản sắc văn hóa, các hoạt động ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh 21/3 thu hút sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, qua đó tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương. Trong khuôn khổ ngày hội, lần đầu tiên hội nghị triển khai gian hàng điện tử trên Cổng du lịch thông minh nhằm quảng bá, giới thiệu về các điểm đến ấn tượng nội tỉnh cũng đã được tổ chức. Qua đó thiết thực khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và cổ vũ, động viên mỗi người dân tích cực lao động sản xuất, công tác, học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sôi nổi các điệu múa dân gian tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


Tú Anh