Thứ 2, 29/04/2024, 14:24[GMT+7]

Mặt trận tổ quốc tỉnh Nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"

Thứ 2, 20/12/2010 | 08:11:11
4,006 lượt xem
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là bộ phận không tách rời của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tuy nhiên trong 10 năm qua việc chỉ đạo, hướng dẫn cuộc vận động cũng còn những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm chưa ngang tầm với mục đích yêu cầu đề ra.

Năm 2004, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh Thái Bình và đã đưa vào triển khai, hướng dẫn MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức thực hiện.

Công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động được chú trọng và đổi mới theo hướng đa dạng, nhiều chiều, vừa có chiều sâu, vừa có sức lan tỏa rộng, vừa có sức thuyết phục giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tính toàn dân, toàn diện, tính thiết thực của cuộc vận động, vì vậy đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nhiều khu dân cư, nhân dân đã sáng tác thơ ca và xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, cổ vũ cho cuộc vận động, tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

Xác định rõ nơi diễn ra cuộc vận động chủ yếu ở địa bàn khu dân cư, vì vậy vai trò Ban công tác Mặt trận và đội ngũ Mặt trận giữ vị trí đặc biệt quan trọng nên trong mỗi kỳ Đại hội, Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn MTTQ các cấp củng cố kiện toàn tổ chức. Hàng năm, tổ chức tập huấn cho từ 7.000 - 9.000 lượt cán bộ Mặt trận.

Sau mỗi lần bầu Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tập huấn cho Trưởng phó thôn, tổ dân phố về tổ chức thực hiện cuộc vận động, giúp cho đội ngũ cán bộ Mặt trận nắm chắc các quan điểm chỉ đạo, những nội dung cần vận động nhân dân hàng năm, làm cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện được thống nhất, luôn luôn đổi mới cho phù hợp với thực tiễn.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chọn 10 – 12 xã, phường, thị trấn để chỉ đạo làm điểm chung về cuộc vận động, ngoài ra còn hướng dẫn làm điểm riêng theo từng chương trình phối hợp. Mỗi cấp Mặt trận, trong từng nội dung đều chỉ đạo làm điểm. Việc đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hóa đã được ban chỉ đạo và MTTQ các cấp chỉ đạo đi vào nền nếp.

Việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc’ vào dịp kỷ niệm thành lập MTDTTNVN (18/11) hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng các văn bản mẫu, hướng dẫn các khu dân cư làm điểm, sau đó rút kinh nghiệm chỉ đạo tiến hành ở tất cả các khu dân cư trong toàn tỉnh.

Từ năm 2005 đến nay, có 97,4% số khu đã tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong ngày hội ở nhiều nơi đã diễn ra các trò chơi dân gian, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu thể dục thể thao, biểu dương các điển hình tiên tiến, gia đình văn hóa tiêu biểu tạo nên bức tranh sinh động về cuộc vận động lớn, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ngành, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về dự ngày hội với nhân dân đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động, làm cho mối quan hệ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ với nhân dân địa phương ngày càng gắn bó mật thiết.

Sáu nội dung của cuộc vận động đã được Mặt trận chỉ đạo lồng gắn trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo”, “Phòng chống mại dâm” trong chương trình phối hợp với Sở Lao động TBXH; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong chương trình phối hợp với Công an tỉnh.

Với Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới biển. Với Bộ CHQS tỉnh trong công tác giáo dục nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Phối hợp với Sở Y tế vận động toàn dân tham gia phòng chống  AIDS, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Phối hợp với Ban an toàn giao thông trong chương trình “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.

Phối hợp với ngành Tư pháp trong việc tổ chức hoạt động hòa giải, gắn với phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” của Hội người cao tuổi, gắn với phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, “Xứ họ đạo 4 gương mẫu” của đồng bào có đạo, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ (nay là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn).

Vì vậy, cuộc vận động đã phát huy được mọi tiềm lực trong nhân dân và thực hiện tốt phương châm của cuộc vận động là “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”.

Trong quá trình chỉ đạo, MTTQVN tỉnh luôn chú trọng việc xây dựng các mô hình và các điển hình tiên tiến. 15 năm qua đã 4 lần tổ chức sơ kết cuộc vận động và biểu dương các điển hình tiên tiến, khen thưởng và đề nghị các cấp, các ngành khen thưởng 178 lượt xã, phường, thị trấn và 635 khu dân cư.

Năm 2010 MTTQ cũng đã tổng kết 15 năm thực hiện cuộc vận động, nhiều Sở, ban ngành như Sở Văn hóa – thể thao - du lịch, Sở Công an, Sở lao động TBXH, Sở Giao thông vận tải, Bộ đội Biên phòng đã khen thưởng các khu dân cư thực hiện tốt cuộc vận động, thể hiện sự thống nhất, quan tâm của toàn ban chỉ đạo tỉnh và khẳng định cuộc vận đồng đã được xã hội hóa cao và tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh những năm qua.

Y nghĩa và hiệu quả của cuộc vận động đã được khẳng định. Cuộc vận động đã trúng và đúng, hợp ý Đảng lòng dân. Tuy nhiên trong 10 năm qua việc chỉ đạo, hướng dẫn cuộc vận động cũng còn những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm chưa ngang tầm với mục đích yêu cầu đề ra. Vì vậy trong những năm tới, MTTQ tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung và phương pháp thực hiện cuộc vận động. Nâng cao vai trò quản lý chủ trì của MTTQ cấp xã, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của các Ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố trong việc tổ chức thực hiện cuộc vận động.

Hai là: Gắn việc thực hiện cuộc vận động với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước, tăng cường các hoạt động tự quản ở cộng đồng tạo ra sự đồng thuận cả về nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện cuộc vận động.

Ba là: Tăng cường sự phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên lồng ghép giữa việc thực hiện các chương trình, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động. Phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa thể thao và du lịch trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng cuộc vận động, nhất là trong việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, tạo tiền đề xây dựng thôn, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa.

Bốn là:  Tiếp tục tổng kết nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, đổi mới công tác thi đua khen thưởng, cần ghi nhận và giải quyết một cách tích cực nhất những kiến nghị về kinh phí của cuộc vận động ở khu dân cư và đội ngũ cán bộ Mặt trận để có các cơ chế, điều kiện đảm bảo cho cuộc vận động không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng.

Nguyễn Thị Hoa

(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày