Chủ nhật, 28/04/2024, 02:44[GMT+7]

Làng quê sức sống cội nguồn

Thứ 5, 01/12/2011 | 16:10:58
4,243 lượt xem
Ai cũng có gốc tích từ nông thôn, sinh ra và lớn lên ở một làng quê, chịu ảnh hưởng của lễ giáo - văn hóa làng xã, khi kể về làng mình đều tự hào và khi xa luôn mong nhớ, tìm về. Với mỗi người Việt, làng quê không chỉ là vùng đất danh lam thắng địa mà còn lưu giữ rất nhiều điều kỳ thú, có giá trị lớn lao về mặt vật chất, tinh thần và là gốc rễ, cội nguồn xứ sở, bản sắc dân tộc .

Khi nói tới một xuất xứ cổ đại, người ta luôn viện dẫn về một làng quê, rằng ở đó, tại một vùng- một làng- một xóm, dưới chân núi, ven sông, bên lũy tre hay cội đa có hiện tượng ấy, con người ấy. Nhờ bề dày lịch sử, làng quê là một bảo tàng sống động của mọi thứ dù là cũ kỹ, xa xưa nhất. Chỉ cần về làng, dạo một vòng cũng đủ thu lượm được toàn vẹn phong cảnh, đời sống, tâm tư các thế hệ, sống dậy quanh mình hình bóng của tiền nhân, của bà con ruột thịt và hòa vào các di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể, phi vật thể cùng những sinh hoạt dân dã lâu đời.

Về làng quê, mỗi người sẽ tìm về được với truyền thống lịch sử hào hùng xây dựng và bảo vệ vùng đất của mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Mỗi làng quê không tự dưng sinh ra. Để xây dựng một xóm ấp, người dân trong đó có công rất lớn của các cá nhân là các danh tướng, sĩ phu và dòng họ đã khai khẩn đất hoang và trong một thời gian dài mọi người đoàn kết no đói, sướng khổ có nhau chống chọi với thiên tai, địch họa để có cuộc sống ổn định và phát triển. Bao nhiêu người đã ngã xuống vì thú dữ, lũ lụt, tên đạn nhằm giữ yên ruộng vườn, nhà cửa. Cũng có bao người ngày đêm miệt mài sáng tạo, tăng gia sản xuất và gây thêm các nghề phụ, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho mỗi người. Cũng đề ra các điều luật và hoạt động vui chơi, lễ hội nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần làng xã.

Về làng quê là về với thiên nhiên nguyên sơ, trong lành và tươi đẹp với những đồng bãi, kênh mương, ruộng vườn bát ngát. Với những âm thanh tự nhiên của chim thú, gió mưa, sóng nước và những tiếng động đặc trưng của đời sống nông nghiệp như tiếng người giục trâu, cho lợn gà ăn; tiếng cưa xẻ, đan dệt, tiếng trẻ nô đùa, trai gái hát hò; tiếng kinh cầu ở các đình chùa... mang những tiết điệu khác nhau nhưng đều là hồn thiêng sông núi chỉ đem lại niềm vui, sự thanh thản chứ không chứa nỗi u hoài.

Về làng quê cũng là về với lối kiến trúc truyền thống thấm đẫm hồn Việt. Đó là những ngôi nhà dân lô xô mái lá, mái ngói khói bếp tỏa mờ, những ngôi chùa, đình, miếu, đền, phủ trầm mặc ẩn dưới tán cây thơm ngát hương hoa. Mỗi công trình đều mộc mạc, thân thiện được dựng từ nguyên liệu sẵn có như tre nứa, lá cọ, lá dứa, rơm rạ, gỗ xoan, gỗ mít, đất nện, gốm sứ, đá ong, gạch xỉ... Cấu tạo rộng mở, thông thoáng cho bất cứ ai cũng có thể nương nhờ. Ngoài giá trị nghệ thuật cao thì từ lâu là những quần thể kiến trúc tâm linh cho các sinh hoạt thờ cúng, vui chơi của cả cộng đồng.

Về làng quê là về với tín ngưỡng dân gian đa thần, đậm sắc màu phồn thực. Do coi trọng tự nhiên, ở làng quê còn giữ được niềm tin yêu, kính sợ trước các hiện tượng trời đất và nảy sinh tín ngưỡng thờ nhiều linh vật, linh thú, linh thần. Đặc biệt người dân có tục thờ gia tiên. Với suy nghĩ có mẹ cha thì mới có ta. Cha mẹ đẻ đau nuôi dưỡng con cái nên người thì khi mất con cái phải chăm sóc mộ phần, lập ban thờ trong khuôn khổ gia đình ngày đêm hương khói tưởng nhớ. Ngoài cúng tế ở phạm vi mỗi nhà, các dòng họ còn xây dựng nhà thờ chung của gia tộc để thờ tự các vị tiền bối. Giỗ tết, con cháu về tề tựu ăn cỗ quanh linh đường, để được chia vui, xẻ buồn như thể có ông bà, cha mẹ đã khuất ở bên. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ở quê cũng có tục thờ thánh nhân - thành hoàng, nhằm tri ân những người có công dựng làng, khởi nghệ thể hiện qua các lễ hội hàng năm và tục dâng hương, rước kiệu thánh vòng quanh làng như một lời cảm tạ của toàn thể dân chúng trước thần linh, tiền hiền, hậu hiền.

Về làng quê là về với các phường hội, nghiệp nghề. Thường mỗi làng xưa nay đều có một nghề như trồng lúa, trồng hoa, dệt lụa, nặn gốm... Ngoài ra, tùy nơi trong một làng cũng thấy nhiều nghề phụ do mỗi nhà, mỗi dòng tộc giữ một nghề riêng bí truyền. Bằng lao động thủ công, họ đã tạo ra đa dạng các sản phẩm không chỉ nuôi dưỡng dân làng mà còn cung ứng cho nhu cầu bên ngoài. Cũng là về với các điệu múa và diễn xướng cổ truyền như xoan, ghẹo, ví, đúm, trống quân, dô, hò, vè, tuồng, chèo..., các trò chơi võ thuật như đấu vật, đẩy gậy, ném bóng, bơi chải, pháo đất, đi kheo... Về với thổ ngữ, tiếng nói, cách phát âm bản xứ. Với các trang phục dung dị như áo tứ thân, áo cánh xẻ tà, quần nái cộc mầu bùn thể hiện sự hòa hợp không phải so đo, lo lắng vì ai cũng giống ai. Với các món ăn đạm bạc thường ngày là rau dưa hoặc tôm cua giàu chất xơ, can xi, ít chất ngậy béo giúp cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn.

Về làng quê là về với sự siêng năng, cần kiệm. Mọi người sống bằng mồ hôi sức lực với quan niệm đói cho sạch rách cho thơm, chứ không vì tham tiền bất chính. Do đó, nhà cửa mở toang, trâu bò lợn gà thả rông không bao giờ sợ mất. Mỗi người cũng sống giao hòa, tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ sự sống nên lúc nào cũng hoan hỷ, dễ tính.

Về làng quê là về với gia phong, lễ nghĩa và tình người. Ở đâu người ta cũng sống nghĩa cử, hòa hiếu. Vợ chồng con cái biết bảo ban nhau. Anh em hòa thuận, nhường nhịn. Ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền. Cũng vì thế, nhiều nhà có tam, tứ đại đồng đường- nhiều thế hệ cùng chung sống đông đúc vẫn hạnh phúc, vui vẻ.

Về làng quê là về với các dòng họ, tổ tiên nhiều đời. Từ các nhóm cư dân đầu tiên, ở làng theo thời gian phát sinh nhiều dòng họ, và trong một họ thì cứ năm đời lại tách ra một chi mới, thành thử nhiều người có quan hệ máu mủ, thân tộc. Cũng chính nhờ quan hệ ruột thịt này, mọi người luôn sát cánh cùng nhau lao động sản xuất và bảo vệ làng xóm. Ai cũng có trách nhiệm cưu mang các thành viên dòng tộc, với ý nghĩa sẩy cha còn chú sẩy mẹ bú dì, nó lú có chú bác nó khôn. Để dòng họ phát triển, rõ tổ tông và sau này cho phép con cháu các đời về nhận họ, mỗi gia tộc đều lập gia phả, tổ chức giỗ chạp trong nội tộc cho mọi người cùng chiêm bái. Nhân ngày giỗ, con cháu tứ phương lại về tụ họp, xem ai còn ai mất, gia cảnh ra sao để mọi người tương trợ tương ái. Tổ ấm gia đình, gia tộc vì vậy đã trở thành động lực, niềm tin để mỗi người phấn đấu hoàn thiện mình trên đường đời và cũng nhờ nó thôi thúc họ trở về với quê hương nguồn cội.

Là con dân Việt Nam, mỗi người đều gắn kết với làng xóm, quê mình bởi một sức mạnh vô hình. Dù đi đâu, làm gì đều canh cánh hướng về và khi mất muốn yên nghỉ trên mảnh đất quê nhà. Nhiều người tìm về cội nguồn không chỉ để tìm lại niềm vui, sự thanh thản cho bản thân sau những năm xa cách mà còn để hòa chung vào nhịp sống ngàn đời, chia xẻ những âu lo, trăn trở, nỗi buồn của thân hữu, bạn bè và góp công góp của xây dựng quê hương.

Mỗi địa phương đều tự hào là quê của các danh nhân, vọng tộc, sản vật, trò chơi, lễ hội đặc sắc. Hàng năm đều tổ chức những hoạt động văn hóa du lịch hoành tráng nhằm quảng bá, giới thiệu về cảnh vật thiên nhiên, lịch sử, văn hóa vùng, miền.

Chu Mạnh Cường

(Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày