Chủ nhật, 28/04/2024, 19:42[GMT+7]

Làng quê vào mùa cưới

Thứ 5, 15/12/2011 | 16:30:44
2,394 lượt xem
Các cụ ta thời xưa vẫn quan niệm:" đám cưới-làm nhà-tậu trâu" là 3 việc hệ trọng nhất trong đời một con người. Với người dân quê tôi, chuyện cưới xin cũng là một nghi thức lớn, quan trọng hàng đầu.

Cuối tuần vừa rồi, tôi tranh thủ về thăm nhà, cưới đứa bạn học cùng hồi cấp 2. Về quê vào dịp cuối năm, lại đúng "ngày lành, tháng tốt" nên khắp làng trên xóm dưới có tới gần chục đám cưới. Tiếng nhạc xập xình, tiếng chủ hôn trong các đám cưới với đầy những lời hoa mỹ có cánh chúc phúc cho đôi tân lang, tân nương vang vọng khắp chốn. Từ con trẻ, nam thanh nữ tú, các bà, các mẹ đến các bậc cao niên trong làng ai cũng xúng xính trong những bộ quần áo tươm tất gọi nhau đi dự lễ cưới.

Các cụ ta thời xưa vẫn quan niệm: "đám cưới-làm nhà-tậu trâu" là 3 việc hệ trọng nhất trong đời một con người. Với người dân quê tôi, chuyện cưới xin cũng là một nghi thức lớn, quan trọng hàng đầu. Khoảng mươi năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, nhiều gia đình có " bát ăn, bát để" nên chuyện tổ chức cỗ bàn trong các đám hiếu-hỉ càng có chiều hướng gia tăng. Hầu hết các gia đình dù giàu hay nghèo khi dựng vợ, gả chồng cho con cái đều bày vài chục  đến cả trăm mâm cỗ để khao anh em, hàng xóm, láng giếng. Trước mỗi đám cưới, gia chủ mời anh em họ hàng đến họp bàn, lên thực đơn, phân công mỗi người một việc. Đi kèm với đó hàng trăm thứ phải lo, chi tiêu: nào là in thiệp hồng, mua chè thuốc, thực phẩm, thuê bàn ghế, bát đũa, phông bạt, ban nhạc…

Các đám cưới ở quê giờ cũng “chịu chơi” lắm, ngoài chụp ảnh, làm abum, nhiều nhà còn thuê cả ca-me-ra đến để ghi lại thời khắc quan trọng nhất trong đời của đôi uyên ương. Nhà trai, nhà gái cách nhau có vài cây số nhưng cũng thuê xe ô tô đón dâu để có dịp mở mày mở mặt với xóm làng. Chuyện mua vàng làm của hồi môn trao trong lễ cưới cho con cái cũng khiến nhiều bố mẹ đau đầu, hàng xóm họ đều sắm cho con, đến lượt con mình không có sợ chúng nó tủi thân. Vậy là, trong thời buổi cái gì cũng đắt đỏ, giá vàng cứ tăng vùn vụt, bao nhiêu khoản phải chi tiêu cho chuyện cỗ bàn, gia chủ lại phải lo thêm mươi triệu để mua vàng làm của hồi môn cho con. Dù biết là tốn kém nhưng ai cũng tặc lưỡi " thôi đời người chỉ có một lần" nên đành cố và rồi sau cưới con vui đâu chẳng thấy, nhiều nhà lâm vào cảnh nợ nần, khiến cả bố mẹ lẫn đôi trẻ mất mấy năm "kéo cày trả nợ".

Mùa cưới là mùa vui, nhưng với mỗi người dân nông thôn mỗi khi nhận được tấm thiệp hồng còn là nỗi lo. Đi ăn cỗ cưới dù nhà trai hay nhà gái đều phải mừng "phong bì"chứ không như thời tôi còn rất bé khi gia đình nào có việc hiếu, hỉ thì họ hàng đến chung tay vào hộ, giúp chục bơ gạo tẻ, vài cân gạo nếp, hoặc cho vay con lợn rồi cả nhà cùng đến ăn cỗ, chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Cách đây vài năm, ăn cỗ đám cưới ở quê chỉ mừng 20 đến 30 ngàn đồng, rồi lên 50 ngàn đồng, giờ ít nhất cũng phải bỏ phong bì 100 ngàn đồng. Số tiền ấy với người nông thôn quanh năm lam lũ thì quả là không nhỏ chút nào. Mà không phải lâu lâu mới đi ăn cưới một đám, vào dịp cuối năm mỗi tháng gia đình nhận được cả chục thiệp hồng, chưa kể làm đất cho người quá cố, giỗ chạp, tân gia cũng nhận được lời mời và tất cả cũng phải lo "phong bì". Nhiều gia đình phải vay nợ hoặc bán bớt tạ thóc lấy tiền để đi ăn cỗ.

Chẳng nói đâu xa, ngay như gia đình tôi, là con trưởng nên mỗi khi người trong họ có "công to việc lớn" đều nhớ đến bác trưởng, đám cưới trong Nam, ngoài Bắc đều mời bác đi phát biểu, ông bà thay nhau đi ăn cỗ, có khi cả tuần bếp nhà chẳng đỏ lửa. Tính sơ sơ, từ đầu tháng đến giờ, khoản lương của ông hơn 2 triệu đồng đã đóng vào phong bì hết cả, từ nay đến cuối năm cũng còn khoảng dăm đám nữa.

Mùa cưới ở thôn quê chuyện bày cỗ, đi ăn cỗ nỗi lo của người lớn nhưng lại là niềm vui, ngày hội của con trẻ. Hễ có đám cưới là nam thanh, nữ tú trong làng, ngoài xã kéo đến ăn cỗ, chén chú chén anh chúc tụng, đôi khi xảy ra cãi vã, đánh nhau cũng chỉ vì uống vài chén rượu. Rồi chuyện nhạc cưới cũng làm phiền lòng xóm làng. Tại hôn trường nhiều đám cưới vào buổi tối, các "ca sỹ làng" thoả sức thi tài ca hát với đủ các loại từ nhạc trẻ, dân ca đến rock….xen lẫn đó là những điệu nhảy quay cuồng trong tiếng nhạc cực bốc, âm thanh bật to hết cỡ phá tan không khí yên bình vốn có ở làng quê.

Thiết nghĩ, cưới hỏi là nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân Việt Nam nhưng giờ đây cùng với những đổi thay của xã hội, nhiều đám cưới ở thôn quê lại gây không ít phiền toái và lãng phí. Hạnh phúc của đôi bạn trẻ không thể đem ra đong đếm bằng mâm cao, cỗ đầy mà quý hơn hết là những tấm lòng thảo thơm. Vì vậy, mỗi người chúng ta nên ý thức hơn trong việc tổ chức các đám hiếu hỉ, cần đơn giản, gọn nhẹ vừa tiết kiệm, vừa phù hợp với phong tục tập quán truyền thống.

Mạnh Cường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày