Thứ 5, 02/05/2024, 16:55[GMT+7]

Người “Đối thoại với cánh đồng” (Kỳ 2)

Thứ 6, 13/03/2020 | 10:55:38
5,498 lượt xem
Rời chiến trường trở về quê hương với thương tật hạng 2/4, ông Trần Mạnh Báo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed không an phận mà lại lao vào một cuộc chiến cam go không kém nơi tiền tuyến. Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã vươn lên làm nên kỳ tích cuộc đời mình.

Đoàn công tác của Vương quốc Bhutan tham quan nhà máy sản xuất của ThaiBinh Seed.

Kỳ 2: Bước ngoặt cùng cây lúa

Đi học bằng mọi giá

Cựu chiến binh Trần Mạnh Báo chia sẻ, ông không bao giờ quên lời Bác Hồ dạy và trong gia đình cha ông đã dạy rằng “Con đã được tôi luyện trong khói lửa chiến trường, trở thành một đảng viên đã khó nhưng giữ được phẩm chất của người đảng viên suốt đời lại càng khó khăn hơn. Muốn vậy, kể từ sau khi thề dưới lá cờ Đảng thì làm bất cứ việc gì cũng phải nhớ mình là đảng viên”. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, tinh thần của một đảng viên và niềm say học, ngay khi về Đoàn an dưỡng 51 ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) được 3 ngày, ông đã đi tìm mượn sách để ôn lại kiến thức cũ với quyết tâm học tiếp cấp III để thi vào đại học. Ngày đó, ông có giấy gọi nhập học vào Trường Tuyên huấn 564. Đây là trường của Bộ Nội vụ chuyên dành cho thương binh và bộ đội ở miền Nam về còn khả năng học tập. Vào trường đó, học viên sẽ được học văn hóa hết cấp III rồi được học tiếp lý luận. Ra trường, đa số sẽ trở thành cán bộ tuyên huấn. Thế nhưng, ông đã không theo đuổi con đường này vì tình yêu với đồng ruộng và ước mơ tuổi thơ năm xưa. Trở về quê hương với thương tật hạng 2/4, ông xin chuyển ngành về Ty Nông nghiệp Thái Bình (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và được chấp thuận.

Về Ty Nông nghiệp Thái Bình, ông được biên chế vào Công ty Giống lợn Thái Bình. Tại đây, ông tiếp tục làm đơn xin đi học cấp III nhưng Công ty không giải quyết. Điều này khiến ông nhiều đêm thức trắng với những dằn vặt, suy nghĩ bởi niềm khao khát được học lúc nào cũng như ngọn lửa cháy trong tâm khảm ông. Tôi vẫn thấy ông nói với lớp thanh niên hiện nay rằng, “nhân bất học bất tri lý” - con người không học thì không biết lý lẽ, không biết được điều phải trái. Lời nói đó được ông chứng minh bằng chính quyết tâm, nghị lực của mình. Ông bảo: Bằng mọi giá tôi phải được học hành, không chịu phấn đấu sẽ bị xã hội bỏ lại phía sau. Ngày đó, ông đã gửi thư xin bố cho đi học tiếp; được sự đồng ý của bố và giúp đỡ của người chú, ông được chuyển về công tác tại Công ty Giống lúa Thái Bình. Từ đây, cánh cửa trường học mở ra đón ông. Hết cấp III, ông đi thi đại học và đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Vừa học vừa đi làm, đến năm 1978 ông tốt nghiệp đại học. Đó cũng là thời điểm ông được đề bạt làm Trại phó Trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ. Từ đây ông bước đi từng bước vững vàng nhưng cũng đầy gian truân, biến khát vọng thành hành động, trở thành người “đối thoại với cánh đồng”.

Thử thách ngày khởi nghiệp

Ông Báo nhớ lại: Ngày về Trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ, nhìn cơ ngơi của Trại tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trại có 56ha đất dành cho sản xuất giống nhưng mỗi năm chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống. Nghĩa là một năm mỗi héc-ta đất chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn, trong khi cách đó 20 năm Thái Bình đã là quê hương 5 tấn. Tôi nhận thấy bộ máy quản lý kiểu “cha chung không ai khóc” chính là cái “xiềng” đang “xích chặt” nền nông nghiệp của ta trong lạc hậu. Và chỉ “tháo tung” ra thì mới có thể giải quyết được vấn đề.

Ước mơ tạo được những bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao thôi thúc, ông Báo mạnh dạn xây dựng và xin thực hiện đề án “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Ngày đó, đề án của ông vấp phải nhiều sự phản đối gay gắt vì cho rằng đề án đi ngược lại đường lối, chính sách quản lý nông nghiệp của Đảng, Nhà nước. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, với lập luận đầy tâm huyết của ông, Ban Giám đốc Công ty đã đồng ý cho thực hiện đề án ở Trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ. Kết quả, sau 1 năm, người lao động từ chỗ hưởng 16kg gạo/tháng đã tăng lên 40kg gạo/tháng. Trên diện tích 56ha của Trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987. Từ thành công của đề án, ông Báo tiếp tục xây dựng hệ thống bán lẻ thóc giống, tìm cách làm bao bì đựng thóc giống. Đông Cơ tổ chức bán lẻ thành công, đây không chỉ là thành công của riêng ông hay của Trại mà đó còn là hệ thống bán lẻ thóc giống đầu tiên của ngành Giống cây trồng Việt Nam. Đó còn là thời điểm ra đời đầu tiên của những chiếc bao bì đựng thóc giống của ngành.

Sau 7 năm lăn lộn đóng góp cho Trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ với ngày đầu khởi nghiệp đầy thử thách, ông Báo được đề bạt làm Phó Giám đốc Công ty Giống lúa Thái Bình phụ trách kinh doanh, đến tháng 8/2000 ông nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty. Ở cương vị mới, ông tiếp tục dành nhiều tâm sức cho việc xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối giống cây trồng ra tỉnh ngoài. Chỉ riêng việc đem logo đi đăng ký bảo hộ cũng phải hàng chục năm mới được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, việc xây dựng bộ thương hiệu không chỉ có logo mà còn bao gồm tên Công ty, slogan và màu của doanh nghiệp. Việc xây dựng bộ thương hiệu đã khó nhưng việc làm cho thương hiệu trở thành nổi tiếng và xây dựng hệ thống phân phối, phát triển thị trường còn khó hơn nhiều. 

Ông chia sẻ: Thời kỳ này tôi có 2 chuyến xuất ngoại giúp tôi mở rộng tầm mắt, nhờ đó tôi có những lý lẽ, ý kiến hợp lý để thuyết phục dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo tại Thái Bình và được chấp thuận. 

Sau thành công đó, ông Báo cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thành công trong việc thực hiện dự án phát triển hệ thống cung cấp hạt giống tại Thái Bình. Trong những bước thăng trầm cùng doanh nghiệp, ông Báo luôn nhớ đến quá trình cổ phần hóa Công ty. Ngày đó, đối với doanh nghiệp nhà nước, khi tiến hành cổ phần hóa bao giờ cũng gặp 3 điều khó khăn đó là tài sản cố định, người lao động, vốn điều lệ và người sở hữu. Trong đó, vấn đề nan giải là mấy trăm cán bộ, công nhân của Công ty sẽ bị ảnh hưởng khi tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng, chỉ sau 3 tháng thực hiện, đến tháng 9/2004 Công ty được tỉnh công nhận thực hiện xong cổ phần hóa và được mang tên mới là Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC). Tại Đại hội cổ đông, ông Báo được bầu vào Hội đồng quản trị Công ty và được Hội đồng quản trị bầu giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc. Từ đây, trách nhiệm trên vai ông càng thêm nặng nề song cũng đầy tự hào và một chân trời mới của TSC được mở ra.

Mai Thư

(còn nữa)