Thứ 2, 29/04/2024, 21:50[GMT+7]

Tăng 2.000 tỷ đồng GPMB cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; 2.400 tỷ đồng phát triển hạ tầng nghề cá tại Nghệ An

Chủ nhật, 17/03/2024 | 09:47:13
1,227 lượt xem
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.000 tỷ đồng; Nghệ An đầu tư 2400 tỷ đồng phát triển hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá… Đó là hai trong số các thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Một góc Khu kinh tế Vũng Áng.

Lâm Đồng xin chuyển vốn sang năm 2024 hơn 100 dự án

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình dự thảo Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách cấp tỉnh đến ngày 31/12/2023 đối với 1 đề án, 2 nhiệm vụ, 35 Dự án và số vốn dự kiến phân bổ cho lĩnh vực y tế, với tổng số tiền 334.197 triệu đồng.

Cụ thể, nguồn ngân sách tập trung 45.331 triệu đồng (gồm 1 đề án và 11 dự án); nguồn thu tiền sử dụng đất 23.268 triệu đồng (1 nhiệm vụ và 7 dự án); nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 130.427 triệu đồng (1 nhiệm vụ và 17 dự án); nguồn vốn tăng thu năm 2022 là 135.171 triệu đồng (1 dự án và số vốn dự kiến phân bổ cho lĩnh vực y tế).

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số tiền 9.553 triệu đồng.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới 1.661 triệu đồng (ngân sách Trung ương 130 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.530 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 7.892 triệu đồng (ngân sách Trung ương 6.198 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.694 triệu đồng).

UBND tỉnh cũng trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đến hết ngày 31/12/2024 đối với 67 dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện với tổng số tiền 184.800 triệu đồng. Trong đó, nhiều nhất là TP Bảo Lộc với 20 dự án, tương ứng số tiền 97.346 triệu đồng; TP. Đà Lạt với 8 dự án, tương ứng số tiền 50.512 triệu đồng.

Theo giải trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023, do một số nguyên nhân bất khả kháng nên một số dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 không giải ngân hết kế hoạch vốn.

Kiến nghị Thủ tướng phê duyệt Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 1569/BKHĐT - QLKKT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng.

Theo đó, trên cơ sở hồ sơ dự án, ý kiến thẩm định, giải trình bổ sung của các bộ và UBND tỉnh Hà Tĩnh, ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 5812/BC-BKHĐT ngày 21/7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, hồ sơ dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư, khoản 8 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Điều 9, khoản 1 Điều 10 và khoản 4 Điều 74 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Được biết, trong số các nội dung báo cáo bổ sung làm rõ được đề cập tại công văn số 1569 đáng chú là phương án xử lý đối với 54,5 ha đất đã được giải phóng mặt bằng tại Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ: tài chính, Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng đối với 54,5 ha đất đã giải phóng mặt bằng đã đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai để hoàn thiện các thủ tục thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, phần diện tích đất này chỉ là một phần diện tích trong khu đất thực hiện Dự án (thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất). Do đó, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với riêng phần diện tích 54,5 ha mà không điều chỉnh giảm, tách riêng phần diện tích này ra khỏi Dự án là không khả thi và đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh và nhà đầu tư không đề xuất việc này.  

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 69 Luật Đầu tư; khoản 3 Điều 23, khoản 2 Điều 33 và điểm a khoản 5 Điều 34 Luật Đất đai; khoản 3 Điều 6 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc thống kê, kiểm kê đất đai, hiện trạng sử dụng đất và các nội dung đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận, thẩm định, phê duyệt.

Căn cứ quy định và các lý do nêu trên, việc cho thuê đất đối với Dự án, trong đó có phần diện tích 54,5 ha đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án là phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành và thực tế của Dự án.

Đối với việc hoàn trả ngân sách nhà nước chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích 54,5 ha, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không để làm thất thoát tài sản nhà nước.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo thẩm định số 5812/BC - BKHĐT về hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của các bộ, ngành và địa phương liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng với quy mô sử dụng đất 964,84 ha tại Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 13.276,491 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.991,473 tỷ đồng và vốn huy động là 11.285,017 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án làkhông quá 72 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 70 năm kể từ ngày Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là Công ty cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes.

Đây là dự án theo mô hình khu công nghiệp chuyên ngành (sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô), là loại hình khu công nghiệp mới được quy định và khuyến khích phát triển tại khoản 4 Điều 2, Điều 31 và Điều 32 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và ngành, nghề sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thuộc Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP.

Dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, có các cam kết và ràng buộc chặt chẽ về điều kiện, tiến độ bàn giao đất và thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 2 tỷ USD.

Theo hồ sơ dự án nộp ngày 16/2/2023, Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes dự kiến đất xây dựng nhà máy, kho tàng là 662,17 ha (68,63%); đất trung tâm điều hành, dịch vụ, cơ sở lưu trú là 31,45 ha (3,26%); cây xanh - mặt nước là 135,04 ha (14%); đất hạ tầng kỹ thuật là 18,72 ha (1,94%) và đất giao thông là 117,46 ha (12,17%).

Nhà đầu tư dự kiến khi đưa vào hoạt động Dự án sẽ nộp ngân sách nhà nước tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân năm là 1.203 tỷ đồng; tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 23,97% và giá trị hiện tại ròng - NPV là 15.392 tỷ đồng; thời gian thu hồi vốn là 7 năm 9 tháng.

Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes dự kiến trong quý III/2023 sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý về Khu công nghiệp và quy hoạch; từ quý IV/2023 - quý I/2026 sẽ giải phóng mặt bằng khoảng 500 ha, xây dựng và đưa hạ tầng Khu công nghiệp đã xây dựng vào hoạt động kinh doanh; quý II/2026 - quý IV/2029: giải phóng mặt bằng với diện tích còn lại (464,84 ha), xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp phần diện tích còn lại của Khu công nghiệp; từ quý IV/2030: hoàn tất dự án hạ tầng Khu công nghiệp.

Đề xuất nâng cấp cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài khoảng 29 km được đầu tư bởi 2 Dự án thành phần.

Trong đó, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn chiều dài khoảng 15 km do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư, khởi công ngày 2/12/2019, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng tháng 2/2022; Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài khoảng 14 km do Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, khởi công tháng 9/2020, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 4/2023.

UBND tỉnh Ninh Bình cho biết là đến nay cả 2 dự án thành phần nói trên đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhất là địa bàn TP. Tam Điệp, tạo động lực, thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên tuyến đường chỉ được đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, vận tốc khai thác 80 - 90 km/h tùy theo từng đoạn tuyến. Từ khi được đưa vào khai thác, sử dụng, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến là rất lớn, đạt lưu lượng theo thiết kế và có xu hướng mãn tải trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, do tuyến đường không có làn dừng xe khẩn cấp nên khi có phương tiện bị hư hỏng có thể sẽ xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, gây mất an toàn giao thông (đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông trên tuyến.

Hiện nay, đối với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư điều chỉnh mở rộng quy mô từ 4 làn xe hạn chế lên thành 6 làn xe hoàn chỉnh và giao Sở GTVT Ninh Bình đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu khảo sát, lập dự án, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024, hoàn thành trong năm 2026.

Để đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, bất cập của tuyến đường cao tốc đầu tư theo quy mô phân kỳ và khai thác đồng bộ với đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn đang tổ chức thực hiện việc mở rộng lên 6 làn xe hoàn chỉnh (dự kiến hoàn thành trong năm 2026), UBND tỉnh Ninh đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng, hoàn thiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đoạn từ nút giao Mai Sơn đi tỉnh Thanh Hóa với quy mô tối thiểu đạt 4 làn xe hoàn chỉnh.

UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ sớm có phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện có tải trọng lớn hơn 10 tấn được phép lưu thông vào tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 để giảm bớt áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TP. Tam Điệp (hiện tại tuyến đường cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đang cấm xe tải trên 10 tấn).

Dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 do Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 12.111 tỉ đồng. Tuyến cao tốc này dài 63,37km đi qua địa bàn 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.

Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 được đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, rộng 17m (mỗi làn xe rộng 3,5m, không bố trí làn dừng xe khẩn cấp liên tục), vận tốc tối đa 80km/h, trong giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc này được mở rộng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Được biết, tại Công điện số 16/CĐ – TTg ngày 21/2/2024, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với ngay các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải; trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe. Đồng thời, rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tàng trên tuyến (như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ,...); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024. 

Xác định nhà thầu thi công dự án đường ven sông Nhật Lệ hơn 200 tỷ đồng

Sở GTVT tỉnh Quảng Bình vừa công bố nhà thầu trúng Gói thầu số 10 Xây lắp công trình thuộc Dự án Đường và kè nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá, TP Đồng Hới.

Khu vực ven sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới
Khu vực ven sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới

Theo đó, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP Thành An - Công ty CP Xây dựng tổng hợp Quảng Trị được xác định là đơn vị trúng thầu với giá dự thầu 227,824 tỷ đồng, đính kèm thư giảm giá 12,66% nên giá dự thầu sau giảm giá là 198,981 tỷ đồng (tương ứng giảm 16,3%), tổng điểm kỹ thuật đạt 94,25/100 điểm, xếp hạng 1 và được lựa chọn trúng thầu.

Được biết, gói thầu này có giá dự toán 237,734 tỷ đồng, được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, thông báo đóng thầu ngày 19/1/2024; sau đó được gia hạn đến ngày 29/1/2024.

Để trở thành đơn vị trúng thầu, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP Thành An - Công ty CP Xây dựng tổng hợp Quảng Trị đã vượt qua các nhà thầu khác bao gồm:

Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa - Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 494 - Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Đạt - Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Yến; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô; Liên danh Công ty CP Xây lắp thương mại Delta - Công ty CP Xây dựng công trình cảng - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Tân Hoàng Long; Công ty CP Xây dựng Tân Nam; Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Trường Thành - Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Đông Hải - Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Kỹ thuật, Công nghệ tín hiệu.

Dự án Đường và kè nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá (phía Nam cầu Nhật Lệ 3), TP. Đồng Hới được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 298 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn Ngân sách vượt thu năm 2021 và năm 2022 của tỉnh Quảng Bình. Dự án được giao cho Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư

Dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm 2023-2025. Quy mô đầu tư dự án bao gồm một tuyến chính dài khoảng 2,36 km và một tuyến kết nối dài khoảng 0,6 km. Tổng chiều dài toàn bộ dự án khoảng 2,96 km.

Điểm đầu tuyến chính sẽ có vị trí tại khu vực công viên cây xanh phía Nam cầu Nhật Lệ 2, điểm cuối tuyến tại phía Nam cầu Nhật Lệ 3, tiếp giáp với Khu neo đậu tàu thuyền trú bão và hậu cần nghề cá xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới. Tuyến kết nối có điểm đầu tại điểm cuối tuyến chính và điểm cuối tại vị trí giao với trục đường quy hoạch 36 m xã Bảo Ninh.

Mục tiêu dự án nhằm từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đô thị TP. Đồng Hới hoàn cảnh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo định hướng phát triển của tỉnh. Tạo điểm nhấn và thu hút đầu tư các dự án khu đô thị ven biển, khai thác có hiệu quả quỹ đất ven biển. Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ biển, hậu cần nghề cá cũng như nâng cao năng lực phòng tránh, và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông…

Chốt kinh phí lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 220/QĐ – BGTVT phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định này, cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Bộ GTVT; cơ quan lập quy hoạch là Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Cơ quan lập quy hoạch theo quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ GTVT ủy quyền cho Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch; phê duyệt dự toán chi tiết khi sử dụng “chi phí dự phòng” trong phạm vi dự toán kinh phí được Bộ GTVT phê duyệt, tuân thủ các quy định hiện hành.

Được biết, mục tiêu của Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu là nhằm bố trí không gian hợp lý để bảo đảm phát triển Cảng hàng không Lai Châu phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không và định hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận chuyển hàng không; quy hoạch vùng trời, đường bay, phương thức bay phục vụ khai thác sân bay; đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch Cảng, bao gồm khu bay và khu mặt đất cũng như các nội dung liên quan khác; xác định tính chất, vai trò, quy mô Cảng cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật…

Tại Quyết định số 220, Bộ GTVT phê duyệt dự toán công tác lập Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1,984 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Lai Châu được phê duyệt quy hoạch với quy mô là cảng hàng không quốc nội, quy mô cấp 3C, công suất thiết kế 0,5 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2050 là 1,5 triệu hành khách/năm; diện tích sử dụng đất là 117,09ha, vị trí xây dựng được quy hoạch là tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đánh giá, Dự án Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu; góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng an ninh; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Do là dự án động lực nên tỉnh Lai Châu mong muốn sớm được đầu tư nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu. Hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP.

Kế hoạch mới cho Dự án Nhiệt điện Quảng Trị

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 (Quy hoạch Điện VII).

Tháng 8/2013, Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng (hơn 2,2 tỷ USD). Công suất của Dự án lên đến 1.320 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 660 MW.

Theo tính toán, nhà máy sau khi đi vào hoạt động sẽ mang lại sản lượng điện 7.200 tỷ Kwh/năm.

Theo Sở Công thương Quảng Trị, sau khi ký Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Trị (ngày 11/7/2014), EGATi đã có nhiều nỗ lực và tích cực trong việc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và các bộ, ngành, đơn vị liên quan để triển khai Dự án.

Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2023, EGATi đã có văn bản gửi Bộ Công thương thông tin chính thức về việc không tiếp tục thực hiện dự án này, do khó khăn trong thu xếp vốn và cam kết của hai Chính phủ về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sở Công thương Quảng Trị cho biết, Ban Quản lý Dự án Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp (UBND huyện Hải Lăng) đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán số tiền 215,7 tỷ đồng đối với hạng mục công trình xây dựng Khu tái định cư và đường vào Khu tái định cư xã Hải Khê (giai đoạn I).

Về cơ bản, Khu tái định cư xã Hải Khê đã cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục xây dựng; các cơ sở trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà sinh hoạt cộng đồng đều đã được di dời lên khu tái định cư. Thế nhưng, trên thực tế, người dân thuộc khu vực quy hoạch dự án vẫn chưa thể di dời đến khu tái định cư khi dự án bất ngờ bị dừng lại.

Được biết, trong Biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị giữa UBND tỉnh Quảng Trị và EGATi (được ký kết ngày 11/7/2014), EGATi sẽ chịu trách nhiệm về chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.

Tuy nhiên, tại Biên bản thỏa thuận chấm dứt dự án vào ngày 29/9/2023 giữa EGATi và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (đại diện cho Bộ Công thương) có nội dung: “Các bên đồng ý miễn trừ mọi nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cho nhau liên quan đến biên bản này. Theo pháp luật hiện hành và theo biên bản thỏa thuận này, cho dù có bất cứ phát sinh nào trước và sau ngày ký thì sẽ không có bất kỳ biện pháp khắc phục và thiệt hại nào xảy ra đối với các bên hoặc một trong hai bên đã ký kết”. Do vậy, việc di dời các hộ dân đến nơi ở mới sau khi hoàn thành khu tái định cư (dự kiến do EGATi chi trả kinh phí) đành phải dừng lại vì không còn cơ sở thực hiện.

Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị cho biết, Sở đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh xem xét, thống nhất trước khi tổ chức ký Biên bản thỏa thuận chấm dứt nêu trên để chấm dứt việc phát triển dự án với EGATi.

“Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về tình hình triển khai dự án, các công việc mà tỉnh và nhà đầu tư đã bố trí kinh phí đầu tư để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho chuyển đổi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị từ nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí LNG nhằm phát huy các nguồn vốn đã bố trí đầu tư khu tái định cư…”, ông Khoa thông tin.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư mới triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị.

“Vừa qua, có một nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc liên danh với một nhà đầu tư lớn trong nước đã đề xuất thực hiện tiếp Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị với điều kiện Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh Dự án từ nhiệt điện than sang điện khí. Nhà đầu tư cũng đã có văn bản đề xuất dự án với Thủ tướng Chính phủ”, Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết.

Bình Dương đầu tư 6 hầm chui thay cho xây cầu vượt tại các nút giao đường vành đai 3 TP.HCM

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 11/3, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương làm việc với ông Oh Dongkun, Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu để trao đổi về tình hình vay vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng một số Dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao các dự án của Tập đoàn Tokyu đang đầu tư tại Bình Dương. Thông tin về Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vay vốn ODA, ông Lợi cho biết, trước đây khi Dự án được duyệt, Chính phủ chưa có chủ trương làm đường Vành đai 3 TP.HCM.

Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn trên đường Vành đai 3, TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương


















Tuy nhiên, hiện nay đường Vành đai 3 TP. HCM đang được xây dựng, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 26 km, hiện nay đoạn dài 15 km trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn đang khai thác và trùng với dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT).

Theo chủ trương ban đầu, đoạn trùng với đường BRT tại các nút giao với đường Vành đai 3 sẽ làm cầu vượt trên cao. Tuy nhiên, để Dự án phát huy hiệu quả, Bình Dương đề xuất điều chỉnh đoạn bị trùng này sang làm hầm chui.

“Bình Dương sẽ thực hiện dự án này và đang trình các cấp thẩm quyền sớm phê duyệt đúng trình tự và tiến độ”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thông tin.

Tại buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các sở, ngành phối hợp cùng Becamex Tokyu sớm sắp xếp làm việc với Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) để tiến tới thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án, cùng nhau hợp tác đồng thuận ngay từ khi dự án mới hình thành.

Được biết, Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương, có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến  vốn vay ODA) của Nhật Bản hơn 1.300 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh Bình Dương hơn 700 tỷ đồng.

Dự án bao gồm một số hạng mục chính như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (nay là đường Vành đai 3, nối giữa TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai, Long An).

Một hạng mục khác của Dự án là đầu tư tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối từ Thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên, dài hơn 30 km. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2019-2025.

Đà Lạt đề xuất kêu gọi đầu tư Dự án Khu Trung tâm thương mại quốc tế

UBND thành phố Đà Lạt vừa đăng ký danh mục kêu gọi đầu tư Dự án Khu Trung tâm thương mại quốc tế thuộc Quảng trường Lâm Viên (giai đoạn 2021 - 2025) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng.

Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P.V
Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P.V



















Theo đó, UBND thành phố Đà Lạt cho biết, hiện nay, Dự án Khu Trung tâm thương mại quốc tế thuộc Quảng trường Lâm Viên, Thành phố Đà Lạt đã được phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng chưa được đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025.

Do đó, để có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo, UBND Thành phố Đà Lạt đề nghị bổ sung danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn Thành phố dự án trên để đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025.

UBND Thành phố Đà Lạt cho biết, căn cứ các quy định Luật Đầu tư 2020, Luật Đất đai năm 2013 và một số quy định khác có liên quan thì vị trí thực hiện Dự án Khu Trung tâm thương mại quốc tế thuộc Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt có nguồn gốc là đất đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt.

Do đó, UBND Thành phố Đà Lạt đề xuất hình thức đầu tư là lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản a và b, Điều 119 (thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất) của Luật Đất đai 2013.

UBND Thành phố Đà Lạt đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng xem xét, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh bổ sung vào danh mục kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 theo thẩm quyền.

Cấp bách nâng cấp tuyến cao tốc Yên Bái - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe

UBND tỉnh Lào Cai vừa có công văn gửi Bộ GTVT và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn Yên Bái – Lào Cai lên quy mô 4 làn xe theo Công điện số 16/CĐ – TTg ngày 21/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, ưu tiên sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường đoạn Yên Bái - Lào Cai lên thành 4 làn xe theo phương án Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC đã báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hồi tháng 8/2023 và triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2024-2025.

Được biết, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2014, trong đó, đoạn Nội Bài – Yên Bái (Km0 – Km123+080) và đoạn cuối (Km244+155 – Km262+815) đã được đầu tư với quy mô 4 làn xe.

Riêng đoạn Yên Bái – Lào Cai (km123+080 – Km244+155) dài 121km đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe, gồm 38km được đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe và 83 km phân kỳ quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách cứng ở giữa.

Qua 10 năm khai thác mặt đường đoạn tuyến từ Yên Bái – Lào Cai đã bị xuống cấp, lưu lượng xe trên tuyến tăng cao dẫn đến tốc độ khai thác chậm, không đáp ứng tốc độ thiết kế (khoảng 50km/h), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Với quy mô hiện tại, đoạn tuyến này sẽ không đảm bảo được nhu cầu lưu thông và dự kiến đến năm 2025 sẽ vượt năng lực thông hành.

Trước đó, vào tháng 8/2023, VEC đã có báo cáo gửi Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tính cấp thiết của các hạng mục cần đầu tư xây dựng trên tuyến, từng bước hoàn thiện quy mô quy hoạch cao tốc, khả năng bố trí nguồn vốn xây dựng. VEC đề xuất phân tách thành 3 dự án thành phần.

Cụ thể, Dự án thành phần 1 có mục tiêu đầu tư nâng cấp, mở rộng từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn Yên Bái - Lào Cai (Km123+080 - - Km244+155), tổng chiều dài khoảng 121,33km.

Dự án thành phần 2 có mục tiêu đầu tư mở rộng 3 cầu (gồm cầu Sông Hồng, Sông Lô và vượt đường sắt Quốc Gia) đoạn Nội Bài – Yên Bái (Km0-:- Km123+080).

Dự án thành phần 3 có mục tiêu tạo nhám đoạn Nội Bài - Yên Bái (Km0 - Km123+080). Các hạng mục còn lại như xây dựng các nút giao liên thông sẽ được đầu tư bằng các nguồn vốn khác (địa phương đề xuất); đầu tư mở rộng lên 6 làn xe sẽ được đầu tư xây dựng tại thời điểm phù hợp với nhu cầu lưu lượng giao thông trên tuyến.

Đối với Dự án thành phần 1, VEC dự kiến đầu tư nâng cấp, mở rộng từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, có chiều rộng nền đường 24m, giải phân cách giữa 0,5m đồng bộ với các đoạn đã được mở rộng trong giai đoạn 1. Phần cầu có khổ cầu bằng khổ đường (2x11,75m và 2 đơn nguyên cầu cách nhau 0,5m).

Bên cạnh đó, do điều chỉnh quy hoạch đoạn Yên Bái – Lào Cai từ 4 làn xe lên 6 làn xe, do đó khi đầu tư xây dựng đơn nguyên hầm mới bên trái hầm hiện tại đề xuất quy mô mặt cắt ngang hầm phù hợp quy mô cao tốc 6 làn xe cho 1 chiều 3 làn xe hướng Lào Cai - Nội Bài.

Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2023 - 2029, trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư là từ năm 202 3 đến năm 2024. Giai đoạn thực hiện đầu tư từ năm 2024-2029, trong đó Dự án thành phần 1 từ năm 2024 – 2027; Dự án thành phần 2 và thành phần 3 từ năm 2026 - 2029.

Với quy mô đầu tư như trên, khái toán tổng mức đầu tư nâng cấp, mở rộng Dự án là 11.600,17 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) theo phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đã được Bộ Chính trị và Quốc hội chấp thuận (Ngân sách nhà nước 44,4% - VẸC 55,6%).

Cuối tháng 4, hoàn thành chạy thử đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, dự kiến, cuối tháng 4/2024, công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành.

Dự kiến, ngày 26/4 sẽ hoàn thành chạy thử đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.



















Đây chính là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa Dự án vào vận hành thương mại.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách với mục đích là kiểm tra sự sẵn sàng của toàn bộ hệ thống về phương diện vận hành. Vận hành thử được thực hiện với 57 kịch bản trong vòng 7 tuần, bắt đầu từ ngày 11/3/2024 và kết thúc vào ngày 26/4/2024 với các hoạt động: Kiểm tra lịch chạy tàu; thử nghiệm các dịch vụ trong điều kiện vận hành; xác minh tính đầy đủ và hiệu quả của các hướng dẫn vận hành và bảo trì cũng như các quy trình khẩn cấp; bảo đảm các quy trình chăm sóc khách hàng và thương mại được chuẩn bị tốt với đội ngũ nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng và trang thiết bị khả dụng và bảo đảm hiệu quả; tích hợp các dịch vụ khẩn cấp và an toàn để chuẩn bị cho vận hành thương mại; cho phép nhân sự vận hành và bảo trì có kinh nghiệm ban đầu trong điều kiện thực tế...

Đến nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã chỉ đạo Tư vấn Systra và các nhà thầuhoàn thành thi công lắp đặt, thử nghiệm và phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội đào tạo nhân sự vận hành, bảo trì sẵn sàng cho vận hành thử đoạn trên cao.

Trong đó, công việc xây lắp và thử nghiệm hệ thống các gói thầu đều đã hoàn thành, Tư vấn Systra đã cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành cho từng gói thầu (TOC). Tư vấn đã hoàn thành đào tạo cho toàn bộ nhân sự bảo đảm cho công tác vận hành thử. Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đang làm việc với tư vấn để có phương án đào tạo bổ sung nhân sự bù cho các nhân sự nghỉ việc, thai sản…

Hiện, quy trình vận hành và bảo trì đã được Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội tạm chấp thuận phục vụ cho giai đoạn vận hành thử, các quy trình này sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình vận hành thử trước khi vận hành thương mại. 

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, Tư vấn Systra, các nhà thầu, Hanoi Metro và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cơ bản thực hiện xong công tác kiểm đếm tài sản tại hiện trường trong tháng 2/2024, sẵn sàng bàn giao theo quy định, đồng thời phối hợp cùng các nhà thầu, Tư vấn Systra thực hiện công tác chứng nhận an toàn hệ thống, tư vấn kiểm tra, chứng nhận an toàn hệ thống theo kế hoạch.

Lâm Đồng mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp mới

Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Lâm Đồng vừa thông tin đến Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng về các KCN mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để phục vụ việc mời gọi nhà đầu tư.

Cụ thể, KCN Phú Bình tại thôn Phú Bình, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với diện tích 246 ha (trong đó, diện tích đất công nghiệp 170,23 ha).

KCN Phú Bình cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 45km về phía Tây Nam giáp đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương bên phải theo hướng từ thành phố Đà Lạt đi thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu nhằm đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN; KCN đa ngành kết hợp dịch vụ vận tải kho vận; tập trung đầu tư xây dựng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, bố trí các loại hình sản xuất công nghiệp, hiện đại, tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường.

Các loại hình công nghiệp, gồm ngành công nghiệp chế biến, sản xuất (khoảng 50%); ngành công nghiệp hỗ trợ (khoảng 30%); vận tải kho bãi (khoảng 20%). Số lượng công nhân dự kiến: khoảng 12.500 người.

Dự kiến về nhà ở cho công nhân, người lao động tại KCN Phú Bình có quy mô khoảng 4ha, tại khu dân cư kế cận KCN Phú Bình. Khi có quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ có số liệu cụ thể.

KCN Phú Bình đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 20/7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu KCN Phú Bình, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (tỷ lệ 1/2000). Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và hiện đang thực hiện công tác đấu thầu cắm mốc giới đồ án Quy hoạch phân khu KCN Phú Bình, huyện Đức Trọng, tỷ lệ 1/2000, đang trong giai đoạn xét thầu theo quy định (theo phương thức đấu thầu rộng rãi qua mạng).

KCN Phú Bình cần mời gọi nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính về xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.

Thứ hai là KCN Đạ Tẻh tại xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng với quy mô diện tích sử dụng đất 500ha. Trong đó, đất xây dựng KCN 430 ha; đất xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở nhà ở và thiết chế công đoàn 70 ha. Loại hình KCN này là KCN tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, có tính chất công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp không gây ô nhiễm.

KCN Đạ Tẻh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp với các loại hình, gồm công nghiệp chế tạo và lắp ráp linh kiện cơ khí và điện tử; công nghiệp chế biến rau củ, thực phẩm, hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khác có công nghệ sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường… KCN Đạ Tẻh cần mời gọi nhà đầu tư lập đồ án quy hoạch phân khu

Các KCN còn lại là KCN Tân Rai tại Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với diện tích 500 ha và KCN Lộc Châu - Đại Lào tại thành phố Bảo Lộc với diện tích 188ha.

Chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng, tỉnh Long An

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 226/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng.

Cụ thể, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An với quy mô sử dụng đất của dự án 112,87 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.443,122 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 268,5 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày 11/3/2024 đến ngày 28/11/2055.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Long An và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án không có công trình di sản văn hóa vật thể hoặc ảnh hưởng đến sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Long An; phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng đã được phê duyệt; đảm bảo vị trí, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Yêu cầu nhà đầu tư: (i) trong quá trình thực hiện dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản; (ii) phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; (iii) xây dựng phương án kết nối hạ tầng giữa khu công nghiệp Thịnh Phát hiện hữu và khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng (iv) tiếp thu ý kiến của các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

Kiếm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, việc sử dung vốn góp chủ sở hữu theo cam kết và việc đáp ứng đủ các điều kiện của nhà đầu tư theo quy định.

Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Thành phố Hạ Long dành 150 tỷ đồng cải tạo đồi Đặng Bá Hát thành công viên xanh

TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đang tiến hành lập dự án Quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang khu dân cư đường Đặng Bá Hát và dự kiến cuối năm 2024 đưa vào sử dụng.

Việc cải tạo khu vực đồi Đặng Bá Hát Nhằm cải tạo, chỉnh trang khu vực dân cư tuyến đường Đặng Bá Hát (thuộc phường Hồng Gai và phường Yết Kiêu), tạo tuyến phố đi bộ khang trang, hiện đại, phù hợp với địa hình tự nhiên, chỉnh trang tuyến kè chân đồi tạo điểm nhấn phát triển du lịch.

Khu vực đồi Đặng Bá Hát bao gồm khu dân cư có diện tích trên 71.000 m2; đất trụ sở cơ quan gần 6.400 m2; tuyến kè chân đồi là trên 15.000 m2. Tuyến đường Đặng Bá Hát dài 1km, chiều rộng mặt đường trung bình là 6,5 m với các đoạn đường cua được mở rộng khoảng 8-11,5 m. Đây là khu vực có vị trí tại trung tâm thành phố, thuận lợi kết nối giao thông và giáp tuyến đường bao biển.

Theo phương án thiết kế, TP Hạ Long sẽ tiến hành cải tạo lại không gian theo hướng hiện đại, không rườm rà, kiến trúc cảnh quan khu vực hài hoà với không gian xung quanh, đồng thời tạo nên hình thái kiến trúc riêng. Lấy tuyến đường Đặng Bá Hát và 5 trục đường bộ từ các ngõ là xương sống phát triển về cảnh quan và đô thị.

Với mục tiêu chính đặt ra là cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan tạo điểm nhấn về du lịch, kết hợp cải tạo chỉnh trang khu dân cư lân cận tại khu vực tuyến đường Đặng Bá Hát để hình thành tuyến đường điểm nhấn phát triển du lịch với không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc. Đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ sạt lở ở khu vực này do những đặc thù về địa hình đồi, dốc.

Do đó Dự án sẽ thiết kế các khu cây xanh và công viên, cảnh quan dọc tuyến đường Đặng Bá Hát với diện tích trên 60.000m2; xây dựng một số biểu tượng làm điểm nhấn kết hợp với đường dạo, điểm “check in” chính cho du khách. Các công trình dịch vụ nhỏ như: Khu vệ sinh, khu dịch vụ giải khát, kho… sẽ được thiết kế đặt ngầm phía dưới công viên nhằm tăng mật độ sử dụng đất. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 150 tỷ đồng.

Việc triển khai dự án đảm bảo nguyên tắc cơ bản giữ nguyên hiện trạng đường Đặng Bá Hát. Có phương án giao thông hợp lý, kết nối đa chiều, hạn chế ùn tắc, xung đột giao thông trong quá trình vận hành. Về cảnh quan, kiến trúc, hiệu ứng ánh sáng về đêm… đồng bộ, độc đáo, ấn tượng để định hướng cho người dân ngay từ bước cấp giấy phép xây dựng nhà ở; hạn chế tối đa việc tác động đến cây rừng hiện trạng; có phương án quy hoạch, cải tạo, bổ sung hệ thống cây xanh, cây có hoa theo mùa…

Thành phố Hạ Long cũng yêu các phòng, ban chức năng phối hợp với đơn vị nghiên cứu kết nối tuyến đường lên đồi Đặng Bá Hát với các khu dịch vụ, điểm đến lân cận để hình thành các tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch mới thu hút người dân và du khách. Đồng thời, từng bước định hướng, khuyến khích người dân làm dịch vụ, du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của khu vực này.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.000 tỷ đồng

Ban Quản lý Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Ban Quản lý) vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo báo cáo, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai được phê duyệt chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 hơn 2.800 tỷ đồng, Dự án thành phần 2 gần 2.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi rà soát hồ sơ thu hồi đất và đối chiếu với các quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường thì Dự án thành phần 1 tăng hơn 1.066 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 tăng hơn 1.019 tỷ đồng.

Dù kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng hàng nghìn tỷ đồng nhưng phần diện tích đất phải bồi thường lại giảm. Trong đó, Dự án thành phần 1 giảm gần 20 ha; Dự án thành phần 2 giảm hơn 23 ha so với báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt.

Lý giải về nguyên nhân khiến chi phí bồi thường tăng, Ban Quản lý cho biết, do giá đất bồi thường, bồi thường tài sản, chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật đều tăng.

Còn diện tích đất phải bồi thường giảm do phần diện tích đất công trong báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt đã tính luôn vào phần đất được bồi thường. Tuy nhiên, phần diện tích đất công chỉ được bồi thường tài sản trên đất và không được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Điều 82 Luật Đất đai.

Ngoài ra, kinh phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đường điện, nước của cả 2 dự án thành phần tăng gần 600 tỷ đồng.

Hiện nay, tiến độ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai đang chậm tiến độ so với kế hoạch do chưa giải phóng được mặt bằng.

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chia nhỏ các dự án giải phóng mặt bằng để giao các huyện thực hiện, thay vì để một mình Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh thực hiện. Đây là một trong những giải pháp mới nhất mà Đồng Nai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, với việc chi phí giải phóng mặt bằng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, có thể Đồng Nai sẽ mất thêm nhiều thời gian để làm các thủ tục và bố trí nguồn vốn thực hiện.

Nghệ An đầu tư 2400 tỷ đồng phát triển hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá

Đến năm 2030, Nghệ An sẽ có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác trên địa bàn sẽ được đầu tư nâng cấp, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.

Một cảng cá ở Cửa Lò, ảnh minh hoạ
Một cảng cá ở Cửa Lò, ảnh minh hoạ.

Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được thực hiện theo 2 phân kỳ giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2025, dự kiến đầu tư 677,4 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ 2026 - 2030, dự kiến đầu tư 1.671,5 tỷ đồng.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác trên địa bàn sẽ được đầu tư nâng cấp, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.

Trong số vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là hơn 1.673 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 71 tỷ 500 triệu đồng, ngân sách khác 603 tỷ 900 triệu đồng.

Trong 7 cảng cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp, có 3 cảng cá loại 1, 2 cảng cá loại 2 và 2 cảng cá loại 3. Tổng năng lực bốc dỡ của 7 cảng cá là 154.500 tấn/năm, tương đương 83,51% sản lượng khai thác hải sản.

Ba cảng cá loại 1, gồm Cảng cá Lạch Cờn (Xã Quỳnh Lập và phường Quỳnh Phương - thị xã Hoàng Mai); Cảng cá Lạch Quèn (Xã Tiến Thuỷ và Quỳnh Thuận - huyện Quỳnh Lưu) và Cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò); 2 cảng cá loại 2: Cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc - huyện Diễn Châu) và Cảng cá Lạch Lò (phường Nghi Tân và Nghi Thuỷ - thị xã Cửa Lò); 3 cảng cá loại 3: Cảng cá Quỳnh Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa - huyện Quỳnh Lưu); Cảng cá Lạch Thơi (xã Sơn Hải - huyện Quỳnh Lưu).

Các cảng cá này đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác tại cảng cá chỉ định, ngăn chặn các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định.

Đồng thời phát triển các cảng cá thành trung tâm dịch vụ hậu cầu nghề cá có khả năng tiếp nhận số lượng tàu thuyền có công suất lớn.

Nghệ An cũng đầu tư nâng cấp 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 2 khu neo đậu cấp vùng: Lạch Cờn và Lạch Quèn; 3 khu neo đậu cấp tỉnh: Lạch Thơi, Lạch Vạn và Lạch Lò. Toàn bộ các khu neo đậu đảm bảo cho 2.999 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, tương ứng với 92,28% tổng số tàu cá toàn tỉnh.

Ngoài ra, các luồng lạch trên địa bàn tỉnh được nạo vét và xây kè chắn cát, chắn sóng, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, không phụ thuộc vào thủy triều.

Đến năm 2030, các cơ sở cung ứng nhiên liệu, vật tư đầu vào và cơ sở thu mua chế biến sản phẩm th sản cho tàu cá được kiểm tra, hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định về nhu cầu hậu cần nghề cá. Hình thành được khu chế biến thuỷ sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô 30ha tại cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu.

Việc đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu, nạo vét luồng lạch phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đề xuất các chính sách thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cơ sở sản xuất nước đá, xăng dầu, kho lạnh, cơ sở chế biến, trang thiết bị nghề cá đảm bảo yêu cầu phục vụ nghề cá xa bờ.

Tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở sản xuất kinh doanh hậu cầu nghề cá một cách đồng bộ, đúng tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên lại lùi thời hạn vận hành đến quý IV/2024

Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM kiến nghị, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến Dự án metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên).

Báo cáo về kế hoạch thực hiện từ nay đến cuối năm, MAUR cho biết, trong quý III/2024 sẽ rà soát kết quả đánh giá an toàn của tuyến metro số 1. Đồng thời, thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Hoàn thành đào tạo nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng chủ chốt và tiến hành vận hành thử nghiệm.

Đến quý IV/2024, sẽ hoàn thành nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga.

Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục. Sau khi hoàn tất nghiệm thu các hạng mục thì sẽ vận hành thương mại toàn tuyến vào quý IV/2024.

Để đảm bảo tiến độ đề ra, MAUR, kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành phối hợp, hỗ trợ việc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án. Đồng thời, đề nghị nhà thầu Hitachi thực hiện gói thầu CP3 (gói thầu cơ điện) hoàn thành các công việc để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành khai thác.

Như vậy, mốc thời gian vận hành thương mại vào tháng 7 năm nay tiếp tục phải lùi lại do các công việc chưa hoàn thành.

Bên cạnh các vấn đề nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, đào tạo nhân sự, ghi nhận thực tế các cầu vượt dành cho người đi bộ dọc Xa lộ Hà Nội hiện nay cũng chưa hoàn thành.

Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM (trong tổng số 8 tuyến metro), Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (sau điều chỉnh).

Tuyến có chiều dài gần 20 km, bao gồm 14 ga với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao.

Vì sao Quảng Ngãi xin rút chủ trương đầu tư dự án công viên gần 900 tỷ?

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, đã có văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi xin rút nội dung trình HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án công viên cây xanh Thạch Bích.

Trước đó, ngày 22/2, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đăng ký với HĐND tỉnh về các nội dung trình ban hành nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có dự án công viên cây xanh Thạch Bích.

Về nguyên nhân, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng dự án có tổng mức đầu tư lớn nên tỉnh chưa đảm bảo được nguồn lực. Trong đó, khả năng nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2024 không đạt theo kế hoạch đề ra. Do vậy, dự án chưa đảm bảo điều kiện trình HĐND tỉnh Quảng Ngãi tại kỳ họp thứ 22 sắp tới đây.

Việc triển khai dự án và đề nghị ban hành dự án vào danh mục phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ bổ sung trong thời gian thích hợp, khi có đánh giá khả thi về nguồn thu tiền sử dụng đất.

Được biết, Dự án công viên cây xanh Thạch Bích được UBND TP.Quảng Ngãi đề xuất đầu tư trong giai đoạn năm 2024 - 2027, do UBND TP.Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với vốn đầu tư khoảng 893 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án trên được Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 13/3/2023.

Theo đó, toàn bộ phần diện tích 8,1 ha ở tổ 6, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), sẽ được giải tỏa để xây dựng công viên cây xanh với đầy đủ tiện ích, công năng và có thể tổ chức sự kiện lớn ngoài trời cấp thành phố, cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục, thể thao của người dân.

Cụ thể, hạng mục chính của dự án là công viên, cây xanh rộng tới 7,2 ha. Trong đó có vườn hoa, cây xanh rộng gần 2,8 ha; khu tổ chức sự kiện ngoài trời rộng hơn 1,3 ha… cùng hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, cấp điện và chiếu sáng cho công viên.

Thực hiện dự án, TP.Quảng Ngãi sẽ bố trí hơn 700 tỉ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư cho 160 hộ dân trong vùng ảnh hưởng.

Việc đầu tư công viên cây xanh Thạch Bích, kết hợp đầu tư đường Phan Bội Châu nối dài phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển địa phương. Đồng thời, sẽ góp phần hoàn thiện bộ tiêu chí của đô thị loại 1, phục vụ đời sống, nhu cầu của người dân TP.Quảng Ngãi hiện tại và tương lai; cũng như tạo điểm nhấn không gian kiến trúc, cảnh quan dọc bờ sông Trà Khúc… góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo động lực phát triển đô thị.

Vĩnh Long mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm, vốn hơn 53.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có Quyết định số 410/QĐ-UBND ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư trọng điểm nhằm khai thác và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thu hút các Dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch, bảo tồn ngành nghề truyền thống; các khu đô thị gắn với dịch vụ, thương mại; hạ tầng thích ứng và chịu đựng được trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Một số dự án trọng điểm trên các lĩnh vực được tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư như sau:

Trong lĩnh vực công nghiệp, Vĩnh Long mời gọi đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Mỹ Lợi tại ấp Mỹ Lợi, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn với diện tích 50 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 325 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Tân Bình tại xã Tân Bình, huyện Bình Tân với diện tích 40,72 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 410 tỷ đồng. Các dự án đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp Đông Bình (tại xã Đông Bình và xã Đông Thành, thị xã Bình Minh) và Khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long (tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân).

Trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, mời gọi đầu tư Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Tân Hạnh tại ấp Tân Hưng, Tân Bình, Tân Hiệp, Tân Thuận, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ với diện tích 716 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. 

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái xã Phú Thành tại ấp Phú Lợi, Phú Long, Phú Xuân, Phú Hưng, Phú Sung, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn với diện tích 250 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - du lịch, mời gọi đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông tại phường Tân Hội, TP. Vĩnh Long với diện tích 57 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự án Khu lò gạch, gốm Mang Thít tại các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít với diện tích 3.060 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 3.450 tỷ đồng.

Dự án Khu du lịch sinh thái Cù Lao Dài tại xã Thanh Bình - xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm với diện tích 2.200 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Lĩnh vực đô thị - nhà ở, thu hút đầu tư Dự án Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long tại Phường 9 và phường Trường An, TP. Vĩnh Long với diện tích 178,97 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và du lịch Cồn Chim tại phường Trường An, thành phố Vĩnh Long với diện tích 72,52 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 8.600 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị nông nghiệp sinh thái An Bình tại xã An Bình, huyện Long Hồ với diện tích 1638,2 ha; ước tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại Phường 8 tại Phường 8, TP. Vĩnh Long với diện tích 4,22 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Dự án đầu tư đô thị Tân Quới, huyện Bình Tân tại thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân với diện tích 11,5 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường, kêu gọi đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tỉnh Vĩnh Long tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ với diện tích 7,63 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẵn sàng vận hành tối ưu 1.244 MW trong cao điểm mùa khô

Với tổng công 1.244 MW, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có vai trò quan trọng trong cung ứng điện cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung.

Ông Thiên Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cho biết, sản lượng điện tích lũy của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 kể từ đầu năm đến ngày 12/3 là 1,287 tỷ kWh, đạt 26% so với kế hoạch năm 2024 do Bộ Công Thương giao.

Đây là nỗ lực của toàn công ty nhằm góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ đảm bảo điện.

Đối với công tác chuẩn bị cho mùa khô năm 2024, ông Sơn cũng khẳng định, Công ty xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đã dành mọi nỗ lực để triển khai các công việc: bố trí vận hành, sửa chữa bảo dưỡng, chuẩn bị nhiên liệu, đảm bảo môi trường…

Trong đó, để các tổ máy sẵn sàng vận hành, ngay từ cuối năm 2023, toàn bộ công tác đại tu, tiểu tu đã được hoàn thành sớm. Hiện nay, định kỳ hàng tuần, Công ty tổ chức họp với Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO3 (EPS), nhằm phối hợp xử lý khắc phục ngay các vấn đề phát sinh tại hệ thống thiết bị tổ máy.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng đã tăng cường đào tạo nhân lực vận hành, tổ hiệu chỉnh theo hướng chuyên sâu, tổ chức diễn tập xử lý sự cố.

"Từ tháng 3/2024, Công ty đã bố trí lịch trực tăng cường lãnh đạo, cán bộ nhằm đẩy mạnh công tác giám sát, chỉ đạo kịp thời đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2024", Giám đốc Công ty cho hay

Đối với vấn đề trọng yếu là chuẩn bị nhiên liệu, Công ty đã ký kết hợp đồng với các đơn vị đối tác, đảm bảo luôn đủ than cho phát điện ở mức cao và đảm bảo mức tồn kho tối ưu.

Trong đó, riêng các tháng 4,5,6, Công ty thu xếp nguồn than đảm bảo với hơn 937.000 tấn than cho phát điện, đáp ứng vận hành ổn định trong cao điểm mùa khô 2024.

Không chỉ đảm bảo đủ than, mà chất lượng than cũng được Tổng công ty và đơn vị chú trọng kiểm soát. Nhờ đó, thời gian qua, các tổ máy Vĩnh Tân 2 vận hành ổn định tin cậy và đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Cụ thể, suất hao nhiệt các tổ máy được cải thiện, giảm dần qua từng năm. Các tổ máy ít gặp sự cố, tỷ lệ dừng máy trong các năm qua thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) cũng chú trọng đầu tư cho Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân nhiều công nghệ hiện đại trong điều khiển, vận hành để hỗ trợ giám sát thông số vận hành, hiệu suất, suất hao tổ máy...

Kiểm tra thực tế tình hình chuẩn bị cho cao điểm mùa khô năm 2024, Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã đánh giá cao tinh thần nghiêm túc trong vận hành mùa khô năm 2024 của EVNGENCO3 và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân. Đồng thời tin tưởng Tổng công ty và đơn vị sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong sản xuất điện, đóng góp tích cực trong cao điểm từ tháng 4 tới tháng 7.

Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, nhu cầu điện đã tăng trưởng ở mức hai con số, trên 10%. Khi bước vào cao điểm nắng nóng, trọng trách cung ứng điện sẽ càng đặt lên khối nhiệt điện. Do đó, Tổng công ty và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải đảm bảo hệ số đáp ứng tốt nhất, với mức trên 99%.

Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu EVNGENCO3 tiếp tục chỉ đạo để nhà máy thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo độ khả dụng các tổ máy, không để xảy ra sự cố chủ quan, sự cố lặp lại. Tăng cường kỷ luật vận hành, kiểm tra, giám sát đảm bảo độ tin cậy thiết bị.

Đối với công tác nhiên liệu, cần tính toán dự phòng các tình huống bất thường để luôn kịp thời xử lý; đảm bảo đủ than cho phát điện trong mọi kịch bản. Đối với công tác môi trường, đây là vấn đề hết sức quan trọng, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát thông số môi trường, đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ, kiểm soát bụi, tiếp tục làm tốt việc giữ gìn khuôn viên Nhà máy xanh, sạch, đẹp.

Đối với Công ty EPS, lãnh đạo Tâp đoàn yêu cầu, cần chú ý tăng cường nhân lực, bố trí vật tư, thiết bị, máy móc dự phòng; sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa khô hiện nay, phối hợp cùng Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân để hoàn thành tốt việc đảm bảo cung ứng điện.

Theo Báo Đầu tư

  • Từ khóa