Thứ 4, 08/05/2024, 00:43[GMT+7]

EU nỗ lực khoanh vùng khủng hoảng

Thứ 3, 31/01/2012 | 08:51:05
1,193 lượt xem
Trong chiều và tối 30/1, lãnh đạo 27 nước châu Âu đã tới Brussels tham dự cuộc họp thượng đỉnh không chính thức. Tất cả đang nỗ lực tìm các giải pháp cho từng vấn đề, với nhiệm vụ trước mắt là khoanh vùng khủng hoảng trong năm nay và dần thoát ra khỏi khủng hoảng trong năm sau.

Hình minh hoạ.(Nguồn: Internet)

Các biện pháp nhằm tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các khoản nợ của Hy Lạp... sẽ là chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tiếp tục bàn thảo về Hiệp ước ngân sách mới của liên minh do Đức và Pháp đề xuất trong cuộc họp cuối năm ngoái. 

Từ mùa xuân năm ngoái đến nay, Liên minh châu Âu đã họp thượng đỉnh hơn 12 cuộc và đã đưa ra 4 kế hoạch khẩn cấp. Hội nghị gần đây nhất là ngày 9/12/2011 dường như đã tìm ra câu trả lời bằng việc đưa ra dự thảo hiệp ước ngân sách mới, cụ thể hóa các biện pháp trừng phạt các quốc gia vô kỷ luật. Dù cho nước Anh có phản đối thẳng thừng, thì hiệp ước này vẫn sẽ được đưa ra thảo luận tiếp trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 30/1 tại Brussels với mục tiêu ký kết được vào cuối tháng Ba năm nay.

Chính trị châu Âu giờ đây chỉ xoay quanh chuyện nợ công và đồng Euro. Ở Pháp, các ứng cử viên Tổng thống đều khai thác đề tài này trong chiến dịch tranh cử. Tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia, các chính phủ mới thành lập hiểu rõ chỉ có thể đứng vững được nếu tìm ra lời giải cho chuyện nợ nần.

Hai năm sau khi buộc phải lên tiếng cầu cứu, Hy Lạp vẫn chưa thỏa thuận được với các chủ nợ. Cứ đà này thì đến 8 năm nữa, nước này cũng khó có thể đưa mức nợ xuống còn 120% tổng thu nhập quốc nội. Tây Ban Nha vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp lên tới 22%, có tới gần 5 triệu rưỡi người xếp hàng chờ xin việc trong một đất nước 45 triệu dân. Italy thì phải kiếm cho đủ 250 tỷ Euro trong năm nay để trả nợ…
 
Chỉ cần ra siêu thị là thấy rõ, giờ đây người dân Tây Âu mua sắm với tâm trạng không mấy lạc quan. Có thể nói là họ lo lắng khi mà cuộc sống hàng ngày của họ bị ảnh hưởng, với tốc độ không nhanh nhưng cũng đủ để cho bất kỳ ai cũng có thể nhận ra. Rõ rệt nhất là giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng, cái gì cũng đắt đỏ hơn trước và người dân đều cân nhắc nhiều hơn khi đi mua sắm cho cuộc sống thường ngày.
 
Mức tăng trưởng trong khối các nước sử dụng đồng Euro chỉ xấp xỉ 0,2% trong năm ngoái. Quỹ Tiền tệ thế giới dự báo tăng trưởng năm nay của châu Âu cũng không khả quan hơn.
 
Các nước Tây Âu đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng dường như thời điểm khó khăn nhất đã qua. Năm 2012 này, cuộc khủng hoảng có thể sẽ không trầm trọng thêm nữa, nhất là vì giờ đây, tất cả các quốc gia trong khối sử dụng đồng Euro đều đã xác định rõ được các nguyên nhân và ý thức được mục tiêu cần tiến tới.

Theo VTV

  • Từ khóa