Thứ 5, 02/05/2024, 23:11[GMT+7]

Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4

Thứ 6, 13/11/2020 | 10:37:31
1,188 lượt xem
Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Cán bộ Đoàn Thanh niên huyện Quỳnh Phụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Quỳnh Phụ.

Hiện nay, cổng DVCTT của tỉnh đã cung cấp 947 DVCTT mức độ 3, trong đó có 398 DVCTT mức độ 4. Khi tham gia DVCTT mức độ 3, tổ chức, cá nhân có thể điền thông tin vào các mẫu văn bản điện tử, nộp trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh. Với dịch vụ này, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Khi chuyển lên sử dụng DVCTT mức độ 4, người sử dụng có thể thanh toán lệ phí trực tuyến, sử dụng các hình thức thanh toán điện tử. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến, trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Theo ông Đỗ Như Lâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Khi sử dụng DVCTT mức độ 3,4, người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết TTHC ở mọi lúc, mọi nơi tại bất cứ đâu có kết nối internet, không phải đi lại nhiều lần, không mất thời gian chờ đợi. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh mạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ…

 Thúc đẩy sử dụng DVCTT, đặc biệt là các DVCTT mức độ 3,4, thời gian qua, UBND tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã thống nhất sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có địa chỉ https://dichvucong.thaibinh.gov.vn để tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các quy trình điện tử triển khai DVCTT đã được phê duyệt, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của các sở, ngành địa phương. Trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ được phân công, hiện nay các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đều đang tích cực triển khai đẩy mạnh sử dụng DVCTT mức độ 3,4. Cổng DVCTT của tỉnh đã cung cấp 947 DVCTT mức độ 3, trong đó có 398 DVCTT mức độ 4, vượt mức yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2019, kết quả tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 của tỉnh chỉ chiếm tỷ lệ 7,4% tổng số hồ sơ tiếp nhận thì 10 tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng lên 14,3%.

Thời gian qua, cùng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đơn vị trong tỉnh, Tỉnh đoàn, các huyện, thành đoàn đã tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4  cho cán bộ đoàn ở các cơ sở. Sau các buổi tập huấn, đội hình thanh niên tình nguyện đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thành phố, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại các hộ gia đình. Anh Nguyễn Tuấn Anh, Quỹ đầu tư phát triển Thái Bình cho biết: Trước đây tôi đến làm các dịch vụ tại bộ phận một cửa thời gian chờ đợi đến lượt khá lâu. Sau khi đến đây được các bạn đoàn viên hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến trên smart phone tôi thấy rất tiện lợi và nhanh chóng, giảm bớt thời gian chờ. Sau này tôi sẽ áp dụng khi giải quyết các TTHC của công ty để tiết kiệm thời gian.

Mặc dù Thái Bình đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 thời gian qua của tỉnh vẫn còn thấp. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở Y tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Trở ngại lớn nhất khiến người dân, doanh nghiệp hạn chế nộp hồ sơ trực tuyến là do thói quen sử dụng hồ sơ giấy của người dân và một số doanh nghiệp; đồng thời trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa từng tiếp cận với máy tính, điện thoại thông minh nên không thể nộp hồ sơ trực tuyến. Trong quá trình nộp hồ sơ trực tuyến, người dân thường quên mã hồ sơ nên không thể bổ sung thêm hồ sơ nên lại đến nộp trực tiếp…

Nhằm thúc đẩy việc sử dụng DVCTT mức độ 3,4 hướng đến xây dựng chính quyền điện tử theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 cho các sở, ngành, các địa phương. Theo đó, một số sở, ngành và các huyện, thành phố phải đạt tối thiểu 40% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ của các TTHC được UBND tỉnh công bố thực hiện. Đối với các sở, ngành: Công thương, Y tế, Giao thông vận tải phải đạt tối thiểu 50%. Để đạt được mục tiêu đề ra cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Theo ông Đỗ Như Lâm: Để đẩy mạnh sử dụng DVCTT mức độ 3,4 tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của DVCTT mức độ 3,4 đến rộng rãi hơn với người dân, doanh nghiệp. Bố trí tăng cường lực lượng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, những người gặp khó khăn khi nộp hồ sơ trực tuyến về quy trình, các bước nộp hồ sơ trực tuyến. Nghiên cứu giảm thành phần hồ sơ yêu cầu phải nộp nhằm tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện DVCTT mức độ 3,4. Đối với các TTHC liên quan đến doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng cơ chế không nhận hồ sơ giấy đối với các TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3,4. Bố trí lực lượng của các đơn vị bưu điện, chuyển phát tham gia hỗ trợ người dân trong nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Đào Quyên