Thứ 5, 02/05/2024, 08:30[GMT+7]

Thanh tĩnh ngôi nhà chặng cuối tuổi già, hỏi có phải là viện dưỡng lão?

Thứ 6, 22/03/2024 | 10:04:35
2,969 lượt xem

Ảnh minh họa.

TUỔI GIÀ XƯA VÀ NAY

“Ngày xưa” là hai từ mà các bậc cao niên hay nhắc tới, với nhiều ký ức, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau... Ở đây xin nói đến “ngày xưa” dưới góc độ các cụ có lắm con nhiều cháu, cuộc sống tuy còn nghèo nhưng có được sự gắn kết chặt chẽ giữa con cháu, gia đình, họ mạc.

Vậy nên “ngày xưa” người già thường chung sống với con cháu trong cùng một mái ấm gia đình.

“Ngày nay” hầu như mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, hoặc hãn hữu là hơn chút nữa. Chúng phải đi kiếm sống mỗi người một nẻo, nên khó có điều kiện ở gần hoặc sống cùng bố mẹ.

 “Ngày nay” tuy kinh tế - xã hội phát triển nhưng cuộc sống áp lực đủ đường: nào là công nghệ số, trí tuệ thông minh, việc làm, cơm áo gạo tiền, con cái học hành, chọn trường chọn lớp, ốm đau bệnh tật, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, tắc đường, lừa đảo trộm cắp luôn rình rập... thôi thì đủ thứ trên đời làm cho con người khá mệt mỏi.

“Ngày nay” không ít gia đình khá giả nhưng con cháu mải mê, say việc, say tiền, say học vị, say quyền lực mà quên đi những thứ đời thường mà người già cần và quý hơn cả vật chất. Họ nghĩ đơn giản rằng: có người giúp việc, có tiền, có của ngon vật lạ, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, quần áo lụa là, thuốc thang đầy đủ là “ok” lắm rồi.

Vậy nên người già “ngày nay” cứ tự kéo dần ra xa cuộc sống chung với con cháu trong cùng một mái ấm gia đình.

TUỔI GIÀ CẦN PHẢI TỰ THÍCH NGHI

1. Tự phục vụ

- Kể cả gia đình có điều kiện, nhà có người giúp việc, thì người già cũng đừng nên ỷ lại.

- Ỷ lại là sinh lười, lười là sinh trì trệ.  Trì trệ làm cho kém lưu thông khí huyết, ứ tắc kinh mạch. Kém lưu thông sẽ sinh đủ thứ chứng, làm cho người già mệt mỏi khó chịu như: đau mỏi tê buồn, hoa mắt, ù tai chóng mặt, đái són, táo bón, đờm ứ gây ho khó thở, phù nề...

- Đừng tưởng được chăm sóc “tận răng” là đẳng cấp. Thực ra “trời hành” thì phải chịu, chứ sung sướng nỗi gì, khi nó bảo há là phải há, nó bảo nuốt là phải nuốt, nó bảo nhổ là phải nhổ, nó cho ăn bẩn, ăn sạch biết lối nào mà lần... phụ thuộc nhiều là mất hết cả tự do.

2. Thay đổi thái độ

- Người già khi thấy mình đã “lực bất tòng tâm” rồi thì không nên nói nhiều, dạy nhiều, lý sự nhiều làm chi nữa. Vì lũ trẻ chúng rất thông minh, chúng thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới; chúng sẽ rất khó chịu khi phải nghe người già càm ràm những từ “ngày xưa”, những điều cổ hủ...

3. Bỏ tham - sân - si

- Già rồi đừng nên tham lam nắm giữ điều hành quá sức: kể cả tiền, tài, vật chất..., rất dễ sinh mâu thuẫn, đố kỵ, mất đoàn kết ngay cả trong gia đình, họ tộc và xã hội. Già rồi chắc cũng chẳng ai còn ham ăn uống nhiều, ham vui thú nhưng cũng nên cẩn thận, đề phòng đồ độc hại, tránh hóc sặc và phòng đột tử.

- Già rồi đừng có tức giận là rất dễ tăng xông, đau tim, đau đầu, khó ngủ. Không nên xét nét khó tính, dễ làm cho con cháu và người thân xa lánh, sẽ cô đơn mà ôm khổ nuốt sầu.
- Hiểu và bằng lòng rằng: càng già càng quên lẫn, không còn minh mẫn nữa. Vì vậy, tuổi già thì “si” là đương nhiên (y học gọi là chứng sa sút trí tuệ); tuổi già nên dễ tính hơn, đừng cố chấp, nên buông bỏ bớt thì sẽ thấy thoải mái, an vui.

VIỆN DƯỠNG LÃO

Ngày xưa, khi nói đến viện dưỡng lão thì người già cứ như là bị con cái ruồng bỏ mà phải đến sống ở đó. Dư luận xã hội thì cho rằng con cháu bất hiếu mới đưa bố mẹ đến. Tâm lý cả bố, mẹ, con, cháu đều cảm thấy cắn rứt, phiền lòng khi có người thân sống ở viện dưỡng lão.

Ngày nay, viện dưỡng lão đã là: điểm lựa chọn của khá nhiều người cao tuổi, kể cả người giàu có; là nơi tự do nhất của người già (Không phải giữ ý tứ với con cháu như ở nhà, hoạt động theo ý thích, cảm xúc của riêng mình; không phải chờ đợi con cháu về ăn cơm từng bữa như ở nhà; được chia sẻ thoải mái với những người bạn đồng cảnh, đồng tuế, tâm giao, ý hợp).

KẾT LUẬN LÀ:

Sống ở đâu? Sống với ai? Ăn uống gì?... Không quan trọng.

Miễn là cảm thấy: Thoải mái, vui vẻ, bình an...

Đó chính là chất lượng cuộc sống, đó chính là hạnh phúc tuổi già.

Bác sĩ:  Bùi vũ khúc