Chủ nhật, 28/04/2024, 04:50[GMT+7]

Trở về miền đất huyền thoại

Thứ 5, 23/02/2012 | 16:01:52
1,890 lượt xem
Giặc chỉ nghe thấy tiếng reo hò của quân binh nhà Trần đã tim đập, chân run. Chúng không tưởng tượng ra nổi cảnh phản công của quân dân nhà Trần với tinh thần tự tôn dân tộc quyết quét sạch bóng thù ra khỏi bờ cõi.

Di tích lịch sử bến Tượng thời Trần (A Sào - An Thái - Quỳnh Phụ. Ảnh: Thành Tâm

Lịch sử ghi: hơn bảy trăm năm trước, lúc đó thế giới đang trong cơn kinh hoàng, khiếp đảm  vì giặc Tác-ta (Đế quốc Nguyên - Mông) hung bạo lướt vó ngựa viễn chinh tàn phá hết nước này sang nước khác. Nhưng, khi chúng đặt chân đến miền đất Đại Việt với ngút ngàn bờ bãi dâu xanh, muôn dân hiền lành chất phác, ngẫm tưởng nuốt trôi đất nước nhỏ bé bên bờ biển xanh thỏa mộng bá vương với mùi hôi nồng nặc của đội quân kỵ mã, thì ngay lập tức lũ giặc Tác-ta ấy đã phải kinh hồn, lạc phách trước ý chí chiến đấu và tài nghệ quân sự tuyệt vời của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy thiên tài của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đến nỗi, Trấn Nam vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng có người kéo qua biên ải mới thoát chết.

Thực chất, nhà Trần đã có tầm nhìn xa trông rộng khi biết rằng đế quốc Nguyên - Mông chưa bao giờ nguôi ngoai ước mộng xâm lăng Đại Việt nên đã quyết định cho lập khu sản xuất lúa gạo lớn nhất Đại Việt ở A Sào - An Hiệp trang (nay là xã An Thái huyện Quỳnh Phụ), nhằm kế sách chiến đấu lâu dài bảo vệ non sông Đại Việt. Các kho lương cũng được bố trí thuận lợi cho việc “điều binh, khiển tướng”, đại quân có thể chiến đấu yên tâm vì quân không sợ đói. Bấy giờ các kho lương lớn như: kho Nại ( Liên Hiệp - Hưng Hà), Đại Nẫm ( Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ), Mễ Thương ( An Thái - Quỳnh Phụ); Phong Nẫm (Thụy Phong - Thái Thụy), Lưu Đồn (Thụy Hồng - Thái Thụy) luôn đầy ắp lương thảo có thể phục vụ đại chiến trong nhiều ngày. Người dân khắp vùng cùng các hào kiệt không tiếc thóc gạo đem đến kho lương hiến tặng đại quân.

Sử thần Ngô Sỹ Liên ghi lại: “Năm Đinh Tỵ ( 1257), đời Nguyên Phong, giặc Nguyên sang cướp, các vương hầu cũng đem người nhà và hương binh, thổ hào làm quân giúp vua”. Sử cũ ghi: để trấn giữ kho lương quan trọng này, vua Trần chọn cử viên tướng hoàng tộc trẻ tuổi, tài năng khác thường là Trần Quốc Tuấn giữ chức Thượng vị hầu làm trấn thủ. Trước đó nhiều năm, trong chiến lược xây dựng quân đội nhà Trần quyết định chỉ chọn lựa đinh tráng ở một vài lộ phủ trù phú và tin cẩn nhất để sung vào đội quân túc vệ, thứ quân thời ấy được coi là “nanh vuốt” của triều đình. Dân gian còn lưu truyền những câu chuyện cảm động về mối quan hệ quân dân nhà Trần rằng: bấy giờ Đại Việt bị quân Nguyên - Mông tàn phá, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về A Sào (An Thái), nơi điền trang xưa của Phụng Kiền Vương Trần Liễu, cha mình để đặt đại bản doanh. Nhân dân nơi đây hết sức phấn khởi, khắp thôn cùng, ngõ hẻm đều vang lên lời ca, tiếng hát đón ông. Cũng là do “lòng người vẫn luyến phục chủ cũ” nên nhân dân khắp vùng chẳng ai bảo ai đều ùn ùn mang thóc lúa tới A Sào mong muốn được góp công, góp của và sức người cùng đại binh nhà Trần đánh giặc Thát. 

Khi lượng thóc gạo của nhân dân chở đến đã đầy ắp kho Mễ Thương (nay là xã An Thái huyện Quỳnh Phụ), quân đội nhà Trần phải huy động lực lượng chuyển lương sang các kho khác. Cứ như vậy, người góp thóc, gạo, hiến đất cày, kẻ góp công...rồi những kho đụn chứa lương thực cho kháng chiến cứ nhiều lên mãi. Những kho đụn lớn nhân dân quen gọi là Đại Nẫm. Dân gian lưu truyền, ở An Hiệp trang có một hào trưởng giàu có tên Trình Quang Minh, vừa chủ động tự mình hiến lúa gạo cho quân đội vừa đứng ra thu gom lúa gạo trong nhân dân cho đại quân, về sau ông được tin dùng, Trần Hưng Đạo hết lời ngợi ca công đức, giao cho làm quản kho.

Một căn cứ địa vững chắc, một thế trận lợi hại phòng tuyến chống quân xâm lược phương Bắc của Đại Việt, điều này đã giúp cho tướng soái quân sự lỗi lạc nhà Trần vạch ra kế sách đánh giặc chủ động, táo bạo và độc đáo. Nhân dân các lộ đông - nam thêm niềm tin vào sức mạnh quân triều đình, cùng trăm họ hết lòng giúp vương tộc nhà Trần liên tiếp chiến thắng quân thù. Cuối năm 1287 bước sang đầu năm 1288, Trấn Nam vương Thoát Hoan hằn học vì bại trận đã quyết quay trở lại Đại Việt để rửa nhục. Hắn cầm đầu toán quân 50 vạn binh chủ lực, khát máu, được trang bị thêm những chiến thuyền cỡ lớn.

Tháng 2 năm 1288, chúng đặt chân tới kinh thành Thăng Long. Không thấy có sự phản kháng nào, chúng giật mình. Lúc đó, tham chính Ô Mã Nhi hằn học vì bị coi thường đã đốc thúc quân lính tức tốc tìm đường đuổi bắt các vua Trần. Đám thủy quân của Ô Mã Nhi đi dọc các triền sông, lùng sục tàn phá các làng quê yên bình của Đại Việt nhưng chúng không hề thấy dấu vết, tăm hơi các vua Trần. Ô Mã Nhi hung hăng vung gươm chỉ lên trời mà than rằng: “...ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời. Ngươi trốn lên núi, ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước, ta theo xuống nước”. Từ Thăng Long, hỗn quân Nguyên - Mông lục soát đến ngã ba Hải Thị (Tân Lễ - Hưng Hà) sau bao ngày nhọc công, đã không nhận ra dấu vết nào khác. Chúng tức tối. Ô Mã Nhi gầm gừ, dọa sẽ ăn tươi nuốt sống các vua Trần. Không làm gì được vua tôi nhà Trần, chúng tràn vào Long Hưng đào bới, đập phá lăng tẩm, tôn miếu xã tắc nhà Trần. Chúng cướp bóc, giết chóc, hãm hiếp phụ nữ...cho thỏa nỗi uất ức.

Lúc này, vua tôi nhà Trần dù đau xót trước cảnh tàn phá tông miếu, đốt làng, hãm hiếp,  giết người của quân giặc, vẫn bình tĩnh chỉ đạo các toán quân chủ lực tinh nhuệ, giữ vững dũng khí, bình tĩnh, bí mật lùi xuống vùng ven biển. Những căn cứ ven biển với lợi thế sông pha biển, lau lác um tùm vì đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nên quân đội nhà Trần có thể yên tâm chiến đấu lâu dài mà im hơi, lặng tiếng. Sự im lặng đã khiến quân giặc hoảng sợ. Nhưng, chúng hiểu được điều này thì cũng đã muộn. Hơn hai tháng lùng sục, không tìm được các vua Trần, quân lương kiệt quệ, thời tiết nóng bức cùng dịch bệnh đe dọa, giặc lâm vào thế khốn quẫn. Ngày 9 tháng 4 năm 1288, sau khi đánh giá đúng tình hình của địch, những đội quân tinh nhuệ, còn vẹn nguyên và cường tráng của nhà Trần bỗng dưng xuất hiện từ các lộ ven biển, đồng loạt ào lên, dưới sự chỉ đạo kiệt xuất của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương rầm rộ tiến lên phía Bắc, hội gặp với các cánh quân khắp vùng lập nên một trận Bạch Đằng Giang, phá tan giặc Thát, trở thành huyền thoại có một không hai trong lịch sử.

Ngược dòng lịch sử, trở về với miền đất huyền thoại mà nơi đây, bây giờ là thắng tịch A Sào (thuộc xã An Thái huyện Quỳnh Phụ), trước khi vào cuộc binh lửa khốc liệt quét sạch quân thù, Hưng Đạo Vương để quân chủ lực tinh nhuệ nghỉ ngơi, dưỡng sức. Rồi ông cho quân binh ngược dòng sông Hóa về A Sào, Đại Nẫm lấy thêm lương thảo, nạp thêm quân binh, thu thêm nhiều nghĩa sỹ khắp vùng tạo nên một đội quân hùng hậu đi đến đâu quân reo hò vang động đất trời đến đó. Cả một vùng cờ xí rợp trời. Giặc chỉ nghe thấy tiếng reo hò của quân binh nhà Trần đã tim đập, chân run. Chúng không tưởng tượng ra nổi cảnh phản công của quân dân nhà Trần với tinh thần tự tôn dân tộc quyết quét sạch bóng thù ra khỏi bờ cõi. Tại bến sông Hóa, cạnh A Sào, khi quân binh nhà Trần vượt sông tiến về Bạch Đằng Giang, voi chiến của Hưng Đạo Vương bị sa lầy. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho rỡ cả nhà gỗ lim để tìm cách cho voi chiến của Ngài thoát hiểm sình lầy. 

Chiến trận đang độ gấp gáp, quân tiền phương trông chờ vào đại quân của Hưng Đạo Vương. Thế trận dồn dập mà voi chiến càng ngày càng lún sâu trong sình lầy. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng nhìn voi mà lòng quặn đau. Nhân dân thương tiếc nhưng không có cách nào cứu được voi chiến của Ngài. Hưng Đạo Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: Nếu không thắng trận ta sẽ không trở lại bến sông này nữa. 

Nhân dân khắp vùng kéo đến úy lạo Hưng Đạo Vương. Quân đi tới đâu, nhân dân ùa ra tới đó, họ còn mang theo nhiều lương thảo, quà cáp hoan hỉ đưa tiễn quân binh ra trận với lời cầu chúc đại thắng. Trận ấy, tại Bạch Đằng Giang, chiến công vang dội chiến công. Quân Nguyên - Mông đã bị đánh tan. Những cọc gỗ, lưới sắt giăng đầy cửa Lục đã trở thành mồ chôn giặc Thát.

Lê Quang Viện

(Tài liệu tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư)

 

 


 

 

  • Từ khóa