Thứ 4, 01/05/2024, 03:46[GMT+7]

Đền Buộm: Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh

Thứ 2, 01/04/2024 | 13:59:22
1,005 lượt xem
Đền Buộm, xã Tân Tiến (Hưng Hà) là một trong những di tích lịch sử văn hóa nằm trong khu quần thể di tích lịch sử đền Tiên La, thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục, người có công đánh quân xâm lược Đông Hán. Đây là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan chiêm bái, du xuân đầu năm.

Đền Buộm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Sử cũ ghi: Năm 39 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi các hào kiệt cả nước về tụ nghĩa, Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục đã chiêu tập binh mã, dựng cờ mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân”, lập đàn tế trời đất cùng quân sĩ vùng Đa Cương đầu quân để hợp sức chống quân Đông Hán. Mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng toàn thắng. Năm 42, vua Đông Hán sai Mã Viện đem quân sang tái chiếm nước ta. Đông Nhung Đại tướng quân thống lĩnh quân tiên phong cùng Hai Bà Trưng quyết liệt đánh trả. Trong trận quyết chiến, Hai Bà Trưng đã anh dũng hy sinh vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên). Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục cùng quân sĩ lui về vùng Đa Cương tiếp tục kháng chiến. Tại đây, quân Đông Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng vây ép nghĩa quân. Sau 39 ngày đêm giao chiến ác liệt, quân lương cạn kiệt, bà cùng quân sĩ đã anh dũng hy sinh tại gò Kim Quy (thuộc địa bàn xã Tân Tiến và Đoan Hùng ngày nay) vào ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên). Cảm kích, biết ơn công đức và chí khí oai hùng của bà, nhân dân quanh vùng đã lập đền thờ. Theo phong tục cổ truyền, hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày khai mạc lễ hội đền Buộm. 

Đền Buộm là một trong những di tích lịch sử văn hóa nằm trong khu quần thể di tích lịch sử đền Tiên La.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Buộm được xây trên khoảng đất rộng rãi, cao và thoáng đãng. Nằm cạnh dòng sông Tiên Hưng, trên mảnh đất xã Tân Tiến anh hùng, cổng đền quay mặt về phía Tây Nam. Quần thể di tích được xây dựng với 3 tòa: hậu cung, đệ nhị và đệ tam. Tòa hậu cung là nơi đặt tượng thờ Đông Nhung Đại tướng quân, pho tượng được thiếp vàng lộng lẫy, toát lên thần thái oai linh của liệt nữ tướng quân. Cùng với hệ thống câu đối, đồ thờ, đồ tế khí bằng đồng được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, mang đề tài chim muông, cây lá là những đồ vật trang trí bằng gốm, sứ có niên đại hàng trăm năm. Bên cạnh đó, còn có bộ bàn ghế được làm từ gốc và thân cây nhãn tuổi đời trên 120 năm được các nghệ nhân chạm trổ hình rồng ngậm ngọc, phun nước và vờn mây tinh xảo. Tòa đệ nhị nối với tòa đệ nhất và hậu cung tạo thành hành lang khép kín, là nơi nhân dân và du khách thập phương đặt hương hoa và cử hành lễ Thánh. Tổng thể của công trình phải kể đến tòa đệ tam, gồm 5 gian, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Trải qua những biến cố của thời gian và thăng trầm của lịch sử, hệ thống cột gỗ, trụ đỡ, mái ngói và những vật liệu trang trí tại đây đã xuống cấp trầm trọng, nhiều lần hạ giải, trùng tu. 

Nghệ nhân đồng thầy Hoàng Lê Thêm, thủ nhang đền Buộm cho biết: Do có nhân duyên với đền Buộm, cuối năm 2001, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu làm thủ nhang. Trước kia do chiến tranh tàn phá, kiến trúc của ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Tôi đã cùng với chính quyền, nhân dân địa phương đứng lên trùng tu, tôn tạo xây dựng lại đền. Đặc biệt, bằng nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp, phát tâm công đức của du khách thập phương, các nhà hảo tâm, tháng 8/2022, đền Buộm đã khởi công xây dựng cổng đá nguyên khối với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng, tạo sự uy nghi lộng lẫy của đền. 

Hiện nay, đền Buộm đã trở thành một điểm hội tụ ánh hào quang lịch sử, điểm du lịch văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. 

Đền Buộm có nghệ thuật kiến trúc độc đáo.

Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của ngôi đền đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, có sức hút khôn lường du khách muôn phương tìm về như một sự hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt. Về với lễ hội đền Buộm, du khách sẽ có ấn tượng đẹp với nhiều nghi thức tế lễ của 20 đoàn tế đến từ các địa phương trong và ngoài huyện và chứng kiến lễ rước Thánh từ đình làng Lương Ngọc, xã Tân Tiến về đền Buộm. 

Ông Nguyễn Duy Hiền, huyện Thái Thụy chia sẻ: Hàng năm, tôi đều đến với lễ hội đền Buộm. Tôi thấy rất ấn tượng với sự mến khách của người dân nơi đây. Được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc của ngôi đền và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc ta, tôi càng tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước. 

Nghi thức tế lễ của 20 đoàn tế tại đền Buộm.

Ông Lê Gia Tứ, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tuy có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết song đền Buộm luôn được bảo tồn, tôn tạo mỗi ngày thêm nguy nga, lộng lẫy, là điểm đến của đông đảo du khách. Do đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ, phát huy các giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Thanh Thủy