Thứ 3, 21/05/2024, 03:58[GMT+7]

“Ba Bứa” Nguyễn Sơn

Thứ 6, 10/05/2024 | 15:45:41
4,468 lượt xem
Dường như những trang sử ghi chép về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Sơn (? - 1802), một người con của Thái Bình là danh thần triều Tây Sơn không được tường tận lắm. Nhưng trong lòng dân ở vùng duyên hải Bắc Bộ từng đã lưu truyền khá nhiều giai thoại về đức độ, tài năng, tiết tháo của con người này như một hiện tượng kỳ thú, hy hữu trong lịch sử dân tộc. Đã một thời, kẻ gần người xa vẫn kính trọng gọi Nguyễn Sơn là cậu Ba làng Bứa hoặc tôn xưng bằng một cái tên rất dân dã, trìu mến là ông Ba Bứa.

Từ đường họ Nguyễn, xã Hồng Việt (Đông Hưng).

Theo “Từ điển Thái Bình”: “Ba Bứa (?-1789) biệt danh của Tú tài Nguyễn Sơn, con trai thứ ba của cử nhân Nguyễn Thiện, người làng Bá Thôn, nay thuộc xã Hồng Việt (Đông Hưng). Nguyễn Sơn tính nết ngang tàng, coi thường quan lại triều đình, được dân địa phương quý trọng gọi là cậu Ba làng Bứa - gọi tắt là Ba Bứa. Cuối đời Lê, ông dấy binh chiếm huyện Thần Khê, đánh phủ Tiên Hưng, hội quân với tướng Thiêm Liên đánh chiếm vùng Vân Đồn - Cát Bà, thanh thế lừng lẫy. Các bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Lê Quý kỷ sự”, “Lê quý dật sử” đều chép ông là Ba Bá. Sử gia Nguyễn Thu ghi: “Sơn - tức là Ba Bá, người Bá Thôn, huyện Thần Khê... Võ vẽ văn chương kinh sử, người khỏe mạnh, giỏi quyền thuật, mỗi khi ra trận thường đi đầu, luôn đánh bại quân triều đình ở Hải Dương, Yên Quảng...”. Ông có tài tranh biện đến cùng, các nhà chức sắc cho ông là ngang, những ai ngang bướng đến tột cùng mới xếp vào hạng Ba Bá (cậu Ba Sơn làng Bá), và thành thuật ngữ “ngang như Bứa”, thậm chí ví von “đồ Ba Bứa”. Thực ra Ba Bứa Nguyễn Sơn chỉ ngang ngạnh với bọn cường gian, sau ông theo Quang Trung, quản binh mã thành Phao Sơn (Chí Linh, Hải Dương), giữ chức Đô đốc”. 

Như vậy, nếu theo “Từ điển Thái Bình” thì Ba Bứa Nguyễn Sơn mất vào năm 1789, nhưng theo gia phả và một số tài liệu khác thì Nguyễn Sơn mất vào ngày mồng 6 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802). Tương truyền, thuở nhỏ Nguyễn Sơn có dung mạo và tư chất khác thường, giỏi biện bác và am tường võ nghệ. Bước vào tuổi tráng niên, Nguyễn Sơn đã dành mưu, sức của mình để lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, nuôi chí hướng dọc đất ngang trời, dấy cờ nghĩa để vần xoay thế cục với sự khởi đầu bằng cuộc tiến đánh huyện đường Thần Khê, gây chấn động trấn Sơn Nam và vùng duyên hải Bắc Bộ. 

Vào đầu năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Sơn đưa phần lớn lực lượng ra tham gia cuộc khởi nghĩa của Thiêm Liên ở Yên Quảng. Cậu Ba làng Bứa được phong làm Tiền tướng quân thống lĩnh đội quân tiên phong, đánh đâu thắng đấy. Chỉ trong vòng nửa năm, nghĩa quân do Nguyễn Sơn cầm đầu đã giành nhiều thắng lợi lớn ở vùng Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang (Hải Dương), Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Lực lượng tham gia nghĩa quân ngày một đông thêm. 

Sử cũ chép: “Tên Sơn (tức Ba Bứa), người làng Bá Thôn, huyện Thần Khê đem nhiều đồ đảng theo Liên (tức Thiêm Liên) người Yên Quảng. Sơn võ vẽ kinh sử, người khỏe mạnh, giỏi quyền thuật, mỗi khi giao chiến thường đi hàng đầu, luôn đánh bại được quân triều đình ở Hải Dương, Yên Quảng... thế lực của Thiêm Liên rất lừng lẫy”. 

Năm Tân Mão (1771) ba anh em nhà Tây Sơn dấy cờ khởi nghĩa. Trải 8 năm chiến đấu, đến năm Mậu Tuất (1778) nghĩa quân Tây Sơn đã diệt được chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế lập nên triều đại Tây Sơn, phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân. 

Tháng 5/1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc theo hai đường thủy bộ với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”. Trung tuần tháng 7/1786, quân Tây Sơn đánh chiếm Vị Hoàng (Nam Định). Nguyễn Huệ nghỉ lại Vị Hoàng để chuẩn bị kéo đại quân vào thành Thăng Long. Nghe tin đó Nguyễn Sơn đã liên hệ tìm đến yết kiến và tuyển chọn một số binh lính tinh nhuệ của mình bổ sung cho nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã ban tặng cho nghĩa quân Nguyễn Sơn 2 thớt voi, 2 súng lớn và một số binh khí. Nghe theo lời cổ súy của Nguyễn Huệ, Nguyễn Sơn đã cùng các binh sĩ còn lại trở về quê nhà tiếp tục chiêu mộ, luyện binh, chiến đấu “Phù Lê diệt Trịnh” trên chặng đường mới. 

Ngày 21/7/1786, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng Long lật đổ chúa Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê. Tháng tư năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Nhạc giao cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc. 

Ít lâu sau, Nguyễn Huệ rút về Nam. Khi quân Tây Sơn rút, Bắc Hà lại rối loạn. Vua Lê Chiêu Thống bất lực với việc chống chọi chúa Trịnh Bồng phải dựa vào Nguyễn Hữu Chỉnh để đánh bại quân Trịnh. Nhân cơ hội này, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền gây phản loạn chống lại Tây Sơn. Nghĩa quân của Nguyễn Sơn và Thiêm Liên hoạt động trong tình thế cam go. Vừa phải lo chống lại sự trả thù của quân Trịnh, vừa phải chống đỡ sự tàn sát của phe phái Nguyễn Hữu Chỉnh. Hay tin Bắc Hà rối ren và Nguyễn Hữu Chỉnh phản loạn, Nguyễn Huệ đã cử Vũ Văn Nhậm ra Bắc, tìm diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Trong những ngày Vũ Văn Nhậm hành binh ra Bắc, Nguyễn Sơn và Thiêm Liên bị một cánh quân do một viên tướng của quân Trịnh là Bùi Trọng Khang truy đuổi. 

Sách “Lê Quý kỷ sự” chép: “...Khang đuổi bọn Liên, Ba Bứa (Nguyễn Sơn) từ hải phận Đồ Sơn đến Yên Quảng thì theo kịp. Đánh kịch liệt, bắt được hết thuyền bè, khí giới. Bọn Liên chỉ kịp vớ một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát về Thanh Hóa theo Vũ Văn Nhậm”. 

Sau khi liên lạc được với Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Sơn tham gia đội quân Tây Sơn tiến công truy bắt và tiêu diệt được Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc Giang. Tình hình Bắc Hà tạm yên. Vũ Văn Nhậm được ủy quyền cai quản. Thế rồi, Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền mưu phản. Nguyễn Huệ phải thân chinh đưa quân ra Bắc Hà dẹp loạn, giết Vũ Văn Nhậm và trao quyền cai quản cho Ngô Văn Sở, đồng thời giao cho Nguyễn Sơn trấn ải thành Phao Sơn với sứ mệnh trấn giữ địa phận từ Lục Đầu Giang đến cửa Bạch Đằng, đề phòng giặc Bắc đánh sang (có tài liệu viết là vào dịp này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã phong hàm Đô đốc cho Nguyễn Sơn). 

Cuối năm Mậu Thân (1788), Lê Chiêu Thống đưa đường cho đội quân xâm lược Mãn Thanh vào chiếm đóng kinh đô Thăng Long. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và thân chinh cầm quân tiến ra Bắc Hà đánh quân xâm lược Mãn Thanh. Nguyễn Sơn đã đưa quân từ thành Phao Sơn phối hợp với các cánh quân khác tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung Nguyễn Huệ đột ngột băng hà. Con trai cả là Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi vua cha, dùng cậu ruột là Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư Giám quốc trông coi mọi việc trong ngoài. Vì Quang Toản còn quá nhỏ, Bùi Đắc Tuyên ngày càng chuyên quyền. Lòng người oán hận. Đại thần trong triều ngoài trấn nghi kỵ lẫn nhau. Nội bộ các tướng lĩnh lục đục. Nhà Tây Sơn ngày thêm suy yếu. Lợi dụng tình thế đó, cuối năm Canh Thân (1800), Nguyễn Ánh từ Gia Định vượt biển ra đánh thành Quy Nhơn, tướng Tây Sơn là Vũ Tuấn đầu hàng. Đầu năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đánh thành Phú Xuân, vua tôi Quang Toản không giữ nổi phải tháo chạy ra Bắc Hà. 

Ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh tập trung lực lượng đánh chiếm kinh đô Thăng Long. Do không chống đỡ nổi nên Quang Toản cùng một số tướng lĩnh chạy lên Kinh Bắc rồi bị bắt, sau đó bị hành hình. Khi Thăng Long thất thủ, Nguyễn Sơn vẫn tử thủ giữ thành Phao Sơn nhưng do thế cùng lực kiệt nên đã bị bắt. Khi quân Gia Định dụ ra làm quan, ông đã khảng khái trả lời: “Ta thà chết chứ không cam phận làm trâu ngựa cho quân Gia Định”. Sau đó chúng đã sát hại Nguyễn Sơn vào ngày mồng 6 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802). Các nghĩa sĩ đã bí mật đưa thi hài ông về an táng tại quê nhà. 

Để ghi nhận và tôn vinh một nhân vật đã có những cống hiến lớn lao trong lịch sử dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia “Địa điểm lưu niệm Nguyễn Sơn (từ đường họ Nguyễn)”.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)