Thứ 2, 06/05/2024, 18:57[GMT+7]

Ngành công nghiệp Nỗ lực vượt khó

Thứ 6, 04/07/2014 | 08:55:04
1,231 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn phải đối mặt với không ít những khó khăn thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với sự chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành và đặc biệt là nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so với

Công nhân Công ty Cổ phần BITEXCO Nam Long (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) vận hành dây chuyền sản xuất sợi. Ảnh: Minh Đức

 

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp quy mô lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh... Kết quả 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 15.330 tỷ đồng, bằng 44,7% kế hoạch, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013. Ðã có thêm 6 dự án hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất với tổng số vốn là 180 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như chế biến gỗ, kinh doanh nước sạch, chế biến thủy - hải sản và dự án sản xuất linh kiện điện tử. Có 16/22 sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2013, trong đó có 10 sản phẩm tăng trưởng từ 10% trở lên, 6 sản phẩm giảm. Sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tăng trưởng khá, có 124/140 dự án đầu tư ở các khu công nghiệp đã đi vào sản xuất, tạo việc làm cho gần 47.500 lao động, tăng 5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất các khu công nghiệp tăng trưởng 12% và chiếm 37,6% giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Hoạt động trong các làng nghề vẫn duy trì ổn định 242 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tăng 1 làng nghề so với năm 2013, tạo việc làm cho khoảng 155.000 lao động, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất khu vực làng nghề tăng khoảng 9,5% và chiếm 21,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

 

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát các hoạt động xúc tiến đầu tư và ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị định số 19/NÐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm UBND tỉnh đã chấp thuận nghiên cứu dự án và giới thiệu địa điểm đầu tư cho 45 dự án, tăng 87,5% so với cùng kỳ đồng thời cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 41 dự án với tổng vốn đăng ký 1.552,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn cấp mới, gia hạn, điều chỉnh các thủ tục về đất đai cho 61 dự án. Với nỗ lực đó đã góp phần nâng tổng số dự án đầu tư trong toàn tỉnh đến nay là 707 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 100,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 445 dự án đi vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 100.000 lao động. Từ đầu năm đến nay đã có 4 dự án FDI đầu tư và điều chỉnh tăng vốn đầu tư của 4 dự án góp phần nâng tổng số dự án FDI trong toàn tỉnh lên 54 dự án với tổng vốn đầu tư 412,2 triệu USD. Có 12 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn đã ký kết 1.379 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 241,8 tỷ đồng, vốn giải ngân ước đạt gần 53,6 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch.

 

Công ty TNHH Sao Vàng (Cụm công nghiệp Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ) thu hút hơn 3.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Về hoạt động xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 470,7 triệu USD, tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 43,78% kế hoạch năm 2014; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 500,1 triệu USD, tăng 28,08% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 50,51% kế hoạch năm.

 

Tuy nhiên theo đánh giá khách quan, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu và kế hoạch đề ra. Số dự án đầu tư vào địa bàn trong những năm qua đạt thấp, quy mô nhỏ do đó giá trị sản xuất công nghiệp mới tăng không đáng kể. Nghề và làng nghề phát triển còn thiếu bền vững. Ðặc biệt ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nhưng lại chủ yếu là gia công, nhiều đơn hàng xuất khẩu phải thông qua môi giới nước ngoài nên giá trị gia tăng thấp, hiệu quả không cao...

 

Ðể đạt được giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 34.265 tỷ đồng, tăng 12,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.075 triệu USD, tăng 10,2% so với năm 2013, trong thời gian tới tỉnh ta tiếp tục chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chú trọng các doanh nghiệp, nhóm sản phẩm có giá trị sản xuất lớn và khả năng tăng trưởng cao. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã đăng ký, đang triển khai đầu tư để sớm đi vào sản xuất. Chủ động phối hợp, giải quyết những khó khăn vướng mắc các dự án lớn của trung ương đầu tư trên địa bàn. Ðổi mới nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thu hút đầu tư đồng thời đôn đốc tạo điều kiện cho các công ty đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Sông Trà, Cầu Nghìn tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các tổ hợp sản xuất, các hộ sản xuất trong làng nghề về đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường, trở thành vệ tinh vững chắc cho các doanh nghiệp lớn.

Thu Thủy

 

  • Từ khóa