Thứ 6, 03/05/2024, 02:01[GMT+7]

Kiến Xương: Phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị

Thứ 7, 16/03/2024 | 09:14:43
920 lượt xem
Thời gian qua, huyện Kiến Xương đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng rau má thủy canh của HTX Thủy canh nông xanh Garden (xã Hòa Bình, Kiến Xương).

Hình thành nhiều mô hình gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo

Gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo tại xã Bình Thanh và xã Bình Định là 2 mô hình thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra với mục đích tổ chức vùng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, giảm chi phí, tăng giá trị hiệu quả sản xuất. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Mô hình được thực hiện từ năm 2021 với quy mô 180ha phát triển ổn định, hiệu quả, giúp tăng thu nhập từ 250.000 đồng/sào trở lên so với sản xuất thông thường. Nhất là sau khi thành lập HTX mới, đầu tư 2 giàn sấy với công suất 30 tấn/ngày, HTX đã chủ động mở rộng dịch vụ kinh doanh thóc, gạo và sấy với nhãn hiệu sản phẩm OCOP gạo chợ Gốc và mở rộng liên kết bao tiêu sản phẩm. Kết quả hàng năm HTX tổ chức sấy cho các đối tác và nhân dân trên 750 tấn thóc, tổ chức bao tiêu sản phẩm trên 1.300 tấn thóc và 60 tấn gạo mang thương hiệu gạo chợ Gốc và gần 400 lít nước mắm mang thương hiệu mắm cáy chợ Gốc. Một số sản phẩm gạo có giá trị cao như ST25, Hạt ngọc 9 bán với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm tăng gần 1.300.000 đồng/sào. 

Giàn máy sấy của HTX Thương mại Dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định khẳng định: Mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống tại xã Bình Định được thực hiện từ năm 2021 với quy mô 202ha đến nay vẫn duy trì hiệu quả. HTX tham gia điều hành các khâu làm đất, thu hoạch, cấy, phòng, trừ sâu bệnh, thu mua sản phẩm, đồng thời đầu tư máy sấy với công suất 25 tấn/ngày, bình quân sấy khoảng 400 tấn thóc/năm, sản lượng liên kết tiêu thụ trên 1.500 tấn thóc/năm. Kết quả giúp tăng thu nhập cho người dân sản xuất lúa giống 350.000 đồng/sào so với sản xuất lúa thông thường.

Mô hình gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo cũng đang từng bước thực hiện hiệu quả ở nhiều xã khác. Tại xã Tây Sơn đã khôi phục và phát triển sản xuất lúa nếp thơm truyền thống Vũ Tây nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất; thực hiện quản lý và điều hành tập trung các khâu dịch vụ từ quy vùng, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu tập thể, tạo ra sản phẩm đặc trưng vùng miền có sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra còn tuyên truyền quảng bá sản phẩm gắn với phát triển du lịch tâm linh qua hoạt động lễ hội đình làng Lại Trì nhằm nâng tầm giá trị gạo nếp truyền thống. Hay như ở xã Hồng Tiến cũng đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất bằng việc khôi phục các nguồn lợi thủy sản tự nhiên, kết hợp nuôi rươi, cáy, sản xuất lúa hữu cơ.

Đa dạng các mô hình sản xuất công nghệ cao

Toàn huyện Kiến Xương có 12 mô hình đăng ký thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao và có 9 mô hình đi vào sản xuất hiệu quả như dưa lưới, dưa chuột, rau má, cà chua. Tất cả các mô hình đều trồng trong nhà màng, sản phẩm sạch, sử dụng công nghệ tưới nước tự động, không sử dụng thuốc trừ sâu và đặc biệt là đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Điển hình nhất là 5 mô hình trồng dưa trong nhà màng tại 4 xã Bình Định, Vũ Hòa, Thanh Tân, Vũ Lễ với diện tích mỗi mô hình từ 1.000 - 2.000m2 cho thấy các hộ gia đình đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả. 

Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi ở xã Bình Định. 

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương: Qua hạch toán hiệu quả kinh tế, một nhà lưới có diện tích 1.000m2, nếu tính bình quân một năm các hộ trồng 3 vụ dưa, mỗi vụ đạt trên 3,1 tấn bán với giá bình quân 40.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập 126 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư và khấu hao hạ tầng ban đầu, lợi nhuận đạt khoảng 62 triệu đồng/vụ, một năm 3 vụ sẽ cho lợi nhuận 186 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa. 

Ông Tạ Hữu Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thủy canh nông xanh Garden, xã Hòa Bình chia sẻ: Với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho địa phương, năm 2023 tôi đã đầu tư 1,5 tỷ đồng vào hệ thống nhà màng trên diện tích 2.000m2 để trồng 350.000 rọ rau má theo phương pháp thủy canh. Mô hình có nhiều ưu điểm nổi bật đó là tiết kiệm diện tích, dễ quản lý dịch bệnh, nhanh cho thu hoạch, không mất nhiều công chăm sóc; rau má cũng không bị nhiễm phèn, chì, mặn do tách biệt hoàn toàn với môi trường đất nên khi pha nước vẫn giữ màu xanh nguyên vẹn, không bị đen, mùi tanh như những loại rau má đất thông thường. Ngoài sản xuất ra các loại bột rau má thủy canh, phát triển các cửa hàng ở các tỉnh, đến nay HTX còn cung ứng sản phẩm rau má tươi cho thị trường. Bình quân mỗi tháng HTX đạt doanh thu trên 600 triệu đồng.

Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Không chỉ chú trọng nâng cao giá trị sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt, Kiến Xương còn quy hoạch khoảng 500ha để phát triển mô hình nuôi thủy sản trong ao bán nổi ở 12 xã ven sông. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá nước ngọt, tôm thẻ chân trắng, ương dưỡng cá giống. Tại các xã đang thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt, chi phí đầu tư ban đầu thấp, thuận lợi trong thu hoạch, dễ trả lại mặt bằng khi chuyển sang cấy lúa. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế của các mô hình với bình quân thu nhập từ 130 - 380 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận cao gấp từ 5 - 10 lần so với cấy lúa. Nhờ phát triển đa dạng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của huyện đạt 2,61%.


Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày