Thứ 5, 02/05/2024, 09:52[GMT+7]

Sản xuất công nghiệp - TTCN ở Đông La Giữ vững vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế

Chủ nhật, 31/08/2014 | 16:43:48
734 lượt xem
Những ngày này trên mọi nẻo đường ở Đông La (Đông Hưng) đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9 của dân tộc. Trong các thôn, làng, mọi người đều thi đua hối hả làm nghề, ra sức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống sung túc, ấm no. Đông La được đánh giá là xã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất huyện Đông Hưng, có làng nghề phát triển sôi động nhất và cũng là một trong những xã đi đầu phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của huyện.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Quý Như tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Là xã có số dân đông với 11.000 khẩu, Đông La luôn giữ vững, phát triển mạnh đồng đều trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ những năm 1970 Đông La đã có nghề làm hương, thêu, thảm, ươm cây giống, dệt chiếu và sau này đã du nhập và phát triển thêm nhiều nghề khác như nghề hàn xì, nhôm kính, chế biến lương thực thực phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, dịch vụ vận tải. Hiện nay, tính riêng lĩnh vực vận tải, Đông La phát triển vượt trội nhất vùng với 15 ô tô khách, 80 ô tô tải hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2003 đến nay Đông La đã giữ vững danh hiệu là xã đa nghề, thu hút 5.500 lao động (chiếm tỷ lệ 80% tổng lao động toàn xã), thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ phát triển nghề nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông La bình quân đạt 17%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm trên 40% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm tới 65%, nhà cao tầng chiếm 30%, hộ nghèo còn 2,83%.

Có được kết quả đó, ngay từ khi có Nghị quyết 01 của tỉnh về phát triển nghề và làng nghề Đông La đã ra nghị quyết xây dựng củng cố khôi phục làng nghề truyền thống du nhập nghề mới, đồng thời quy hoạch đất ven quốc lộ tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Hỗ trợ củng cố lại hệ thống điện, nâng cấp trạm biến áp, thành lập công ty cổ phần điện năng nâng công suất máy lên gấp 2,5 lần để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các hội, đoàn thể trong xã tích cực mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động. Từ năm 2003 đến nay toàn xã đã mở được hơn 10 lớp đào tạo nghề cho hơn 700 lao động, trong đó tập trung vào nghề may công nghiệp, đồ gỗ, thêu. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về mặt bằng để phát triển sản xuất, điển hình là đã tạo điều kiện cho Cơ sở may Lan Duật mượn gần 1.000m2 đất công ích trong 5 năm. Đặc biệt năm 2004, cùng với các cấp Đông La tập trung mọi nguồn lực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. Do đó, đến nay đã có 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào trên địa bàn, trong đó 40 doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp trên diện tích 27 ha, tạo việc làm cho 3.500 lao động. Một số doanh nghiệp lớn đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm như Công ty TNHH Minh Danh, Công ty TNHH Thuận Khang, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh XNK Lam Sơn...      

Cổ Dũng 2 là thôn phát triển nghề nhanh, bền vững nhất của xã Đông La, ông Mai Thanh Lãng, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Sản xuất công nghiệp luôn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của thôn, chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế. Toàn thôn hiện có 267 hộ với 1.066 khẩu, trong đó 450 người trong tuổi lao động. Nghề chính của người dân trong thôn là sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với 60 hộ tham gia, tạo việc làm cho gần 200 lao động, số lao động còn lại tập trung làm các nghề như cơ khí, gò hàn, cắt kính, làm cửa nhựa, chăn ga gối đệm... Các cơ sở sản xuất hầu hết đều mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc công nghệ mới, mở rộng mặt bằng sản xuất thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện nay trong thôn có 15 doanh nghiệp, 40 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân đạt từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng... Kết quả đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt ngày càng cao: năm 2013 đạt 28 triệu đồng/người, dự kiến năm 2014 đạt 32 triệu đồng/người và tới năm 2015 dự kiến vươn lên 35 triệu đồng/người.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Quý Như là một điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, ông Mai Quý Như chủ cơ sở cho biết: "Sản xuất đồ gỗ là nghề có sẵn ở địa phương nên ngay từ khi đi bộ đội về tôi đã vay vốn ngân hàng mua gỗ về sản xuất ngay tại gia đình mình. Tới khi làm ăn có lãi, gia đình đã dồn vốn mua 7 xuất đất ngoài trục đường xã với tổng diện tích trên 1.000m2 để mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi tháng cơ sở nhận khoảng 10 hợp đồng sản xuất ra hàng trăm sản phẩm như giường, tủ, bàn, ghế và các vật dụng nội thất gia đình. Nhờ phát triển nghề gỗ mỹ nghệ, cơ sở không chỉ đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng".

Ông Đỗ Long Nhật chủ cơ sở sản xuất đồ thờ Long Nhật cho biết: Nhận biết đồ gỗ sẽ ngày càng phát triển sôi động nên từ năm 1993 được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương gia đình đã thuê trên 1.000m2 đất mặt đường để phát triển nghề. Đến nay, sản phẩm đồ thờ của cơ sở đã được khách hàng trong cả nước biết đến với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Hàng năm cơ sở có hàng trăm đơn hợp đồng đặt hàng ở các tỉnh trong cả nước, bình quân các hợp đồng có giá trị từ 50 - 70 triệu đồng, có khách hàng đặt sản phẩm lên tới hàng trăm triệu đồng. Trừ chi phí mỗi năm cơ sở thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Để giữ vững thế mạnh trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như hiện nay, thời gian tới Đông La tiếp tục tạo điều kiện hành lang pháp lý thuận lợi cho các tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Duy trì sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, tăng cường sự liên kết nhằm tạo thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp.

Thu Thủy

  • Từ khóa