Thứ 2, 29/04/2024, 10:03[GMT+7]

Tứ cố cổ danh

Chủ nhật, 16/04/2023 | 07:31:54
3,080 lượt xem
Người dân làng Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về quê quán, danh tài, đức độ của tướng quân Điện súy Phạm Ngũ Lão. Những địa danh từng gắn với việc đồn trú của ông như đống Lá Cờ, đống Tiên Hình, đường Voi Phục, đống Sành, đường Mũi Gươm... tất cả đều nằm dọc sông Đồng Bằng (một nhánh bắt nguồn từ sông Đào Động chảy về Hệ, Thụy Ninh nay). Đông các Đại học sĩ thượng thư bộ Lại Nguyễn Bính ghi rằng: Trần Hưng Đạo đã vào vãng cảnh đền vua cha Bát Hải (đền Đồng Bằng) và tướng quân Điện súy Phạm Ngũ Lão có đề thơ lưu bút tại đền.

Vật cầu - môn thể thao truyền thống trong lễ hội làng Hét, xã Thái Thượng (Thái Thụy) tưởng nhớ danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Một trong những nét đặc sắc của triều Trần, một vương triều với nhiều võ công hiển hách, có những đóng góp quan trọng về văn hiến trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam là việc xuất hiện những vị tướng văn võ song toàn ở mọi tầng lớp, mà người tiêu biểu nhất là Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng xuất thân từ tầng lớp nông dân. Bài thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão được khắc trên cuốn thư treo trang trọng tại cung đệ Nhị đền Đồng Bằng theo thể “thất ngôn tứ tuyệt”, nội dung như sau: “Xuân nhật tảo di hoa ảnh mộng/ Thu phong viễn tống hạc thanh lai/ Lưu quang điện hạ thiên tùng thụ/ Quả thịnh thần tiên nhất thủ tài”. Những câu thơ bất hủ của tướng quân Điện súy Phạm Ngũ Lão có thể suy đoán rằng Đào Động ngoài địa danh là “Lý triều tứ cố cảnh” còn là địa bàn quân sự quan trọng của nhà Trần mà có thể cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, thứ ba (1285 - 1288) liệt oanh với những chiến công vang dội của quân dân Đại Việt khiến quân giặc bạo tàn Nguyên Mông khiếp vía, kinh hồn.

Sử gia Phan Huy Chú trong “Lịch triều Hiến chương loại chí”, phần ghi chép và bàn về các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ, riêng triều Trần có 4 người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão. Theo các nguồn khảo luận, tướng quân Phạm Ngũ Lão sinh năm Ất Mão (1255) tại làng Phù Ủng (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đúng vào lúc vương triều Trần đang động viên sức dân cả nước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai. Ông cùng tuổi với Thượng tướng, Thái sư Trần Nhật Duật, hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông, chú ruột vua Trần Nhân Tông, cũng là một danh tướng quân kiệt xuất của vương triều. Phạm Ngũ Lão thoạt tiên là gia tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một vị thánh tướng của dân tộc Việt Nam và thế giới. Chính những ngày tháng được rèn cặp dưới trướng Quốc công đã giúp ông trưởng thành toàn diện, phát huy sở trường văn võ của mình để sau này trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất. Truyền ngôn, Hưng Đạo Vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng, Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường mải nghĩ không biết quan quân trảy đến, một người lính dẹp đường quát mãi anh thanh niên vẫn cứ trầm tư bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, máu chảy đầm đìa, Hưng Đạo Vương lấy làm lạ liền xuống voi tiến lại phía chàng trai hỏi đầu đuôi sự việc. Phạm Ngũ Lão tâu với Hưng Đạo Vương về việc mải suy nghĩ chuyện ở làng có người tên Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ, tổ chức ăn mừng, cả làng kéo đến, riêng Ngũ Lão thì không. Người mẹ hỏi con tại sao không đến, Ngũ Lão thưa với mẹ: “Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm”. Cảm kích ý chí của chàng trai, Hưng Đạo Vương thu nạp Phạm Ngũ Lão vào đội quân tinh nhuệ, sau đó không lâu, Phạm Ngũ Lão trở thành danh tướng của Hưng Đạo Vương. Không những thế, Phạm Ngũ Lão còn được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương. Điều đó cũng khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong thuật dùng người hiền xuất thân từ tầng lớp bình dân đồng thời cho thấy cách chiêu mộ hiền tài phong phú của vương triều Trần là phát huy sức mạnh toàn dân để phát huy sĩ khí cả nước trong trị quốc và đánh giặc. Với tài năng thiên bẩm và chí hướng đúng đắn của mình, lại được đích thân Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rèn cặp, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất trong hai lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên Mông. Sau này, khi phò tá ba đời vua Trần ông đã lập chiến công hiển hách, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới. Tháng 9 năm 1284, để đối phó với tình hình căng thẳng từ sức ép chiêu hàng của triều đình nhà Nguyên và sự lung lay giữa đánh hay hòa của nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn cho tổng duyệt các quân tại Đông Bộ Đầu để nâng cao sĩ khí toàn quân, củng cố tinh thần chiến đấu của các vua Trần. Trong cuộc đại duyệt ấy, Trần Quốc Tuấn đã cắt cử bố phòng và điều những tướng tài giỏi nhất lên các mặt trận quân sự quan trọng, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc, Thượng tướng Thái sư Trần Nhật Duật bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc cho thấy sự tin cậy tuyệt đối của Trần Quốc Tuấn cũng như các vua Trần vào vị tướng trẻ không cùng dòng tộc Phạm Ngũ Lão, khi ấy mới tròn 30 tuổi.

Được Hưng Đạo Vương giao trọng trách phòng thủ hướng chính diện đối mặt với quân Nguyên Mông hung bạo mà tập đoàn quân Thoát thế tiến công ồ ạt như triều dâng thác đổ, chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh, quân ta “thất lợi” và liên tiếp phải lui binh chiến thuật, bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản kích. Phạm Ngũ Lão đã bố phòng ở các cửa ải chặn giặc, cùng dân binh đánh những trận đầu tiên khi chúng xâm phạm vào đất đai Tổ quốc, khôn khéo từng bước lui binh theo ý đồ chiến lược đã định. Khi được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tin tưởng, Phạm Ngũ Lão đã tận hiến tài năng quân sự của mình trong chiến cuộc lui binh thần diệu sau khi hết sức quả cảm đánh giặc tại các cửa ải Nội Bàng, Chi Lăng... và theo kế sách lui binh thành công, trong đó địa bàn xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy nay. Sau chiến thắng Hàm Tử quan trọng đập tan đội hải thuyền hùng hậu của nguyên soái Toa Đô, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định tập kích Chương Dương. Tướng quân Phạm Ngũ Lão lĩnh ấn tiên phong dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải sử dụng đường thủy từ Long Hưng tiến đánh Chương Dương, nơi tập trung phần lớn thủy quân và kỵ binh địch.

Trong những cuộc lui binh chiến lược về lộ Long Hưng (Hưng Hà), lộ An Tiêm (nay là huyện Thái Thụy) có ý nghĩa sống còn, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ là một tướng tài kiệt xuất. Khi chiến sự với quân Nguyên Mông tiếp tục bất lợi, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phải phò hai vua bỏ Thăng Long lui về miền duyên hải Long Hưng, Thiên Trường... Cũng lúc ấy, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra phía Bắc, phá vỡ ải Nghệ An đang tràn ra Thanh Hóa khiến cục diện chiến tranh thập phần nguy ngập với quân ta. Lúc đó, theo mệnh lệnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão lập tức đi tiên phong trong đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải tác chiến trên mặt trận mới chống nhau với nguyên soái Toa Đô, một tướng tài lão luyện của quân Nguyên Mông và cuối cùng Toa Đô, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp... cùng vạn hộ quân Nguyên Mông đã bị bắt sống, đem về tế yết tại lăng mộ tổ vua Trần ở Long Hưng ngày khải hoàn.


Quang Viện