Thứ 7, 04/05/2024, 21:17[GMT+7]

Nhất nhật viễn thanh

Chủ nhật, 07/05/2023 | 14:51:57
3,851 lượt xem
Thời điểm những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đất đai cương vực hành chính của Thái Bình đang nằm trong sự điều hành của chính quyền thực dân nửa phong kiến tỉnh Nam Định và Hưng Yên, dân gian thường gọi là vùng Định An (chữ Yên theo Hán tự cũng có nghĩa là An), dưới sự đô hộ hà khắc của chế độ thực dân mới, người dân Thái Bình thuở ấy đồng lòng sát cánh với nhân dân hai tỉnh Nam Định - Hưng Yên tham gia kháng Pháp quyết liệt. Xuất hiện những “trung tâm kháng Pháp” mạnh trên đất Thái Bình như Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ...

Làng quê Phú Châu (Đông Hưng), một trong những địa điểm quan trọng thời chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Sử cũ ghi: Thực dân Pháp tập trung quân đánh sơn phòng Quảng Trị. Ngày 14/11/1888, vua Hàm Nghi bị bắt. Sau nhiều lần giặc thuyết phục, vua Hàm Nghi không đầu hàng, thực dân Pháp đưa Ưng Đường lên làm vua (Đồng Khánh). Đồng Khánh phong tên thực dân De Courcy chức “Bảo hộ quân vương”, tên Champeaux chức “Bảo hộ công”. Đối mặt với dân tộc và sĩ phu, y hạ lệnh quan quân các tỉnh, huyện giải binh, đầu hàng thực dân Pháp. Tại Hưng Yên, bọn Hoàng Cao Khải; ở Nam Định, bọn Vũ Văn Báo nhân danh triều đình ép quan chức và thủ lĩnh chống Pháp về nhận chức dịch ngụy quyền. Hầu hết các tri phủ, tri huyện, chánh tổng ở Thái Bình đều gửi trả ấn tín, công khai đứng về phía nhân dân đánh Pháp. Dựa vào súng đạn và đội quân thiện chiến, người Pháp cũng nặn được bộ máy chính quyền tay sai. Bùi Phủng (quê Trình Phố, nay thuộc An Ninh, Tiền Hải) được chỉ định tri phủ Thái Bình; Trần Văn Thùy giữ chức tri phủ Kiến Xương, Phạm Văn Thụ giữ chức tri phủ Tiên Hưng... Tiếp đó các tên Vũ Văn Trinh, Vương Hữu Bình... lục rục ra làm tay sai cho giặc. Lại cho xây các đồn binh của Pháp ở Thụy Anh (Thái Thụy), bến Hiệp (Quỳnh Phụ), phủ Bo (Kiến Xương, nay là thành phố Thái Bình), thành lập dõng binh cấp phủ, huyện, lập chính quyền tổng, xã. Nhân dân ta bấy giờ phải thừa lệnh 2 chính quyền song song tồn tại, cho đến những năm 1885 - 1890 thực dân Pháp mới chốt giữ được các phủ đường, huyện đường. Các làng quê về cơ bản vẫn là hậu phương hoặc trong tầm kiểm soát của các thủ lĩnh Cần Vương. Lòng dân hầu hết hướng về kháng chiến, Đô thống Tạ Hiện nói: “Ở núi rừng lấy núi rừng làm hiểm trở, ở đồng bằng lấy nhân dân làm hiểm trở”, biết dựa vào dân nên phong trào Cần Vương Thái Bình rất mạnh. Trong tác phẩm “Thái Bình phong vật chí”, tác giả Phạm Văn Thụ làm việc cho thực dân Pháp đã ghi: “Lúc bấy giờ dân chúng ngang ngạnh, làm sự càn dỡ... chế ngự vỗ yên chưa xong, diệt đám này lại nổi lên đám khác, phải lập ra chức bang tá để giúp việc làng canh phòng. Nhưng càng lập ra nhiều càng nhiễu hại cho dân... bọn đầu sỏ vô công rồi nghề như Bang Tốn, Lãnh Điền, Lãnh Nhàn, Lãnh Bí, Lãnh Hoan... kêu gọi nhau tụ họp..., bọn Đốc Hoan, Đốc Nhưỡng dám kháng cự đánh lại quý quan. Đốc Đen chiêu tập bọn côn đồ lập bè đảng, dân chúng theo về với bọn chúng rất đông..., quan Đề đốc Tạ Hiện đưa quân ở miền thượng du về chiếm giữ huyện Thụy Anh, Bang Tốn giả danh Cần Vương để chiêu tập dân chúng, dân binh cả nghìn người đến, sắm đủ khí giới..., ở Đông Quan, cha con Ngự sử Phạm Huy Quang làm dữ lắm..., ở Phụ Dực, Lãnh Nhàn tung hoành cướp phá”... Chiến dịch tổng phá tề được đồng khởi vào tháng 8 năm Đồng Khánh thứ nhất (1885). Ngày 10/8, Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Bang Thành đem nghĩa binh đánh chiếm huyện Duyên Hà. Tiếp đó, Bang Tốn cùng với đầu mục là bọn Lãnh Bí, Lãnh Hoan, Lãnh Gạo đem quân đi đánh chiếm 2 phủ Tiên Hưng, Kiến Xương. Bị vây đánh khắp 12 phủ huyện, công sứ 2 tỉnh Hưng Yên và Nam Định phải phối hợp tổ chức chiến dịch tổng càn quét, quyết tâm giành lại đất, giành lại dân. Tháng 11 và 12/1885, được sự chi viện của công sứ Bắc Kỳ, tướng Munier đem một binh đoàn cơ động có cả pháo binh yểm trợ, từ Hưng Yên, Hải Dương tiến xuống càn quét các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi, Phụ Dực... Bang Tốn cho cắm cốn ở đò Nông (Điệp Nông, Hưng Hà nay) chờ đánh giặc. Ngự sử Phạm Huy Quang cho củng cố đồn Gạch, đồn Phù Lưu (Đông Quan), đồn Rét, đồn Vũ Hạ (An Vũ, Quỳnh Phụ). Các ông Phan Huy Quý, Bá Điền trực tiếp đem quân phòng ngự ở Đỗ Đễ, Nghi Phú và đò Nhống (Lộng Khê, An Khê, Quỳnh Phụ). Những ngày đầu tháng 12 giặc lần lượt pháo kích vào các đồn binh nghĩa quân tại Hoàng Nông, Lộng Khê và các làng Nghi Phú, Đỗ Đễ..., cho pháo thuyền áp sát phá cốn và các bãi cọc trên sông Luộc. Phía Hưng Hà, giặc đổ bộ vào Tam Nông, Khả Thôn, Phan Thôn, Nhiễm Thôn. Các cuộc giao tranh dữ dội đã xảy ra giữa các bên. Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Nguyễn Thành cho quân lui xuống giữ Chấp Trung, Hà Lang Nam (nay thuộc Đoan Hùng, Tân Tiến, huyện Hưng Hà)...

Do sự phản bội của Cai Đấm (lý trưởng Phan Thôn), giặc dội bão lửa chiếm được làng, đốt phá nhà cửa, cướp bóc trâu bò. Con trai Bang Thành là Lãnh Giới cùng dân binh dùng súng hỏa mai bắn trả quyết liệt, gần nửa tiểu đội lính Pháp bỏ mạng, đến chiều tối giặc phải lui về co cụm ở cửa sông Nông. Một cánh quân Pháp xuôi sông Luộc vòng xuống Đô Kỳ liên kết với tên quản Suối từ Đô Kỳ đánh quân ta ở Chấp Trung, Hà Lang Nam. Bang Tốn, Đốc Nhưỡng bị truy gấp, cả tổng Canh Nông, tổng Thượng Bái đều bị địch đánh phá dữ dội. Tại mặt trận Quỳnh Côi, Phụ Dực, quân Pháp chia hai gọng kìm từ Ninh Giang vượt sang Đỗ Đễ, Nghi Phú và đò Lộng Khê hội với đồn binh ở bến Hiệp đánh mạnh vào các làng ven sông Luộc, chà xát hết các làng Đồng Trực, Đại Lẫm, Phong Bái. Các cánh quân của Nguyễn Bá Điền, Phạm Huy Quỹ phải lui về làng Tó (xã An Đồng, Quỳnh Phụ). Tại đây được viện binh của Đốc Duẩn, Đốc Phú, Phạm Huy Quế từ Bình Cách, Phù Lưu (Đông Hưng) lên tiếp viện, hai bên giao chiến một ngày, địch bị thương vong hàng chục tên. Nhân đêm tối, quân ta lui về giữ đồn Rét. Ngày hôm sau hai bên lại đánh lớn quanh làng Rét. Các tướng Lãnh Nhàn, Bá Điền, Hiệp Khân, Đốc Phúc lần nữa dốc lực lượng đánh lớn. Cuối cùng Pháp chiếm được căn cứ của nghĩa quân trên đất Thái Bình nhưng gần 100 lính viễn chinh bị thương vong.

Trước sức mạnh của binh đoàn tướng Munier, quân của Bang Tốn phải luồn càn, vượt sông Luộc sang bờ Bắc đóng trại Vàng (Quỳnh Phụ), Đô thống Tạ Hiện lệnh cho quân dân 3 phủ tiến lên bao vây phủ lỵ Kiến Xương. Đốc Phước, Lãnh Bí, Lãnh Hoan từ Thượng Hộ, Tường An bao vây phía tổng Tri Lai. Giám Thố, Lãnh Gió, Hiệp Vỡi... bao vây phía Lạc Đạo. Đốc Nhưỡng, Phạm Huy Quang, Đề Quảng bao vây phía tổng Cát Hộ. Phủ thành Kiến Xương thành ốc đảo bị bao vây trùng điệp, bức địch ở Hưng Nhân, Tiên Hưng, Duyên Hà phải tạm co cụm về Đô Kỳ; ở Quỳnh Côi, Phụ Dực phải co cụm về bến Hiệp để giữ các then chốt. Nhân cơ hội ấy nghĩa quân Bang Tốn cử một đội nghĩa dũng tinh nhuệ, phối hợp với lực lượng Ngũ Dinh của Trần Kế Đa, Trần Đình Dụng và Nguyễn Quang Tán (quê Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ) hội quân ở Xích Bích, Cẩn Du rồi kéo đi tập kích chiếm lại huyện lỵ Quỳnh Côi, tịch biên quỹ két, chiếm kho lương, tuyên bố thành lập chính quyền huyện, đưa về Bương Thượng (nay thuộc xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) lập huyện đường.

Cuối năm 1886, thực dân Pháp lại huy động lực lượng lớn tấn công và càn quét Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi, Phụ Dực... Một lần nữa, Ngự sử Phạm Huy Quang, Bang Tốn, Đốc Nhưỡng lại tổ chức cho nghĩa binh luồn càn với phương châm: giặc đông thì lánh, giặc nhỏ lẻ thì phục kích. Thực dân Pháp chật vật truy đuổi nghĩa quân vẫn không tìm được đội quân áo nâu lẩn quất trong dân. Khoảng tháng 10 năm ấy, Đốc Nhưỡng được sự giúp đỡ của Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy (Hưng Yên), Đốc Tít ở Hai Sông (Kinh Môn, Hải Dương) đem một đạo nghĩa binh mạnh đánh chiếm Đô Kỳ cùng Đốc Nhưỡng thân hành chỉ huy cuộc tập kích đánh úp các đồn, bốt, quân giặc tan rã...


Quang Viện