Thứ 7, 04/05/2024, 20:53[GMT+7]

Dĩ nông hưng quốc

Thứ 6, 23/06/2023 | 10:59:36
4,527 lượt xem
Sử cũ ghi, các vương triều từ Đinh, Lý, Trần, Lê... đều coi “Dĩ nông vi bản” nghĩa là “nông nghiệp làm gốc” thành quốc kế dân sinh, các vua đều gắng động viên nông dân tích cực trồng lúa và hoa màu sung nguồn lương thảo dự trữ vừa yên lòng dân vừa tính kế lâu dài giữ nước. Để yên lòng dân, năm 1010, ngay khi dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã xuống lệnh: “Những kẻ trốn tránh phải về quê cũ” làm ăn. Năm 1043, Lý Thái Tông hạ chiếu: “...kẻ nào bán hoàng nam trong dân làm gia nô (hoặc có ý định ấy) đều bị thích chữ vào mặt, đánh 100 trượng”...

Đài tưởng niệm vỡ đê Đìa, xã Hồng An, huyện Hưng Hà tháng 8 năm 1945 và cũng là nơi hai lần Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân đắp đê ngăn lũ lụt.

Theo các nguồn khảo luận, thời nhà Trần (1226 - 1400), việc đắp đê được coi trọng, từ triều đình đến phủ lộ đều đặt quan Hà đê sứ. Các đê sông Hồng (Hoàng Giang), sông Luộc (Nông Kỳ), sông Trà Lý (Bạch Lãng) đủ sức chắn lũ. Tinh thần sống chết để giữ đê còn lưu lại qua chuyện phúc thần các làng Bồ Xuyên tả (nay thuộc phường Hoàng Diệu), Tống Thỏ (xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình): “...một năm trời làm lũ lớn, đê Trà Lý vỡ, quan Hà đê cùng dân vật lộn hàn khẩu, nước dâng quá mạnh thành thác chảy vào đồng, quan Hà đê sứ uất quá nhảy theo dòng tự tử”. Đền miếu hai quan Hà đê sứ hiện vẫn còn, nay gọi là đền Quan Lớn thuộc phường Hoàng Diệu. Phúc thần làng Đồng Vi, xã Đông La, huyện Đông Hưng cũng vậy, ông vâng lệnh giữ đê Lỗ Xỉ, đê vỡ, ông phi ngựa theo dòng tuẫn tiết để tỏ lòng trung thành với vua và hết lòng vì dân. Công cuộc khẩn hoang thời Trần có quy mô lớn hơn triều Lý nhiều lần. Đích thân Thái sư Trần Thủ Độ hoạch định đào sông Cầu Nại (sông Thái sư). Thực hiện phép “Ngụ binh ư nông”, lúc có giặc đến thì đánh, lúc không có giặc thì tăng gia sản xuất. Từ cuối những năm 1250, nhà Trần đã đưa nhiều tướng súy về mở đất ở Thái Bình, đặc biệt là vùng cửa Đại Bàng và cửa Thái Bình.

Để bảo đảm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các đời đều cấm lạm sát trâu, bò. Năm 1117, Lý Nhân Tông ra nghiêm lệnh cấm việc giết mổ trâu bò cày kéo. Linh nhân hoàng thái hậu “dụ vua” quy định cụ thể: “Kẻ nào giết trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (bắt đi phục dịch việc quân), vợ cũng bị đánh 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (lấy da trâu, bò làm mặt trống, bắt đi chăn tằm), láng giềng biết mà không tố cáo phạt 80 trượng. Theo các nguồn khảo luận, để phát triển kinh tế, trước hết là nông nghiệp, ngay từ thời Lý (1010 - 1225) vua đã hạ lệnh đắp đê, công trình chưa lớn nhưng cũng là sự quan tâm của nhà nước. Thời nhà Trần, vua Thái Tông ra lệnh tất cả các lộ đều phải đắp đê phòng lụt, gọi là đê “quai vạc” từ đầu nguồn đến bờ biển. Nhiều công trình thủy lợi ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Chu được chính vua sai các quan đi khảo sát, lo liệu. Đất đai Thái Bình từ buổi quốc gia độc lập đã thành vựa lúa, càng được các triều quan tâm. Từ thời nhà Lý, truyền thuyết “ba sư một sãi” (tương truyền là Không Lộ, Từ Đào Hạnh, Giác Hải) đã về Lưu Xá, nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà cùng Thái phó Lưu Điều tu tại chùa Diệc, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà) tổ chức “Đắp đê sông Hồng, khai thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phình sông Hóa”. Đoạn sông các ngài đào có tên là sông Kinh Đào, tắt dòng “Đằng Châu cửu khúc” ở địa giới huyện Phụ Dực (sách Đại nam nhất thống chí, phần tỉnh Hưng Yên nhiều lần nhắc đến đoạn sông này) và chính dòng “kênh đào” này đã chia lũ sông Hồng sang sông Thái Bình, tăng lưu lượng dòng chảy, bổ sung dòng phù sa cho đôi bờ sông Hóa. Thời nhà Hồ, chắt ruột Trần Quốc Tuấn (cháu trưởng Trần Quốc Tảng, con trưởng Trần Quốc Anh) là Trần Quốc Kiệt giữ chức An phủ sứ phủ Tân An (vùng cửa Thái Bình - Trà Lý) biết đắp đê ngăn nước mặn tiện việc cày cấy của dân được vua thưởng tước một tư. Thái sư Trần Thủ Độ và Thái sư Hồ Quý Ly đều cho đào sông ngòi ở vùng Hưng Nhân (Tiên Hưng phủ chí), hoàng phi Đàm Chiêu Trinh đào sông Kênh Đồng ở tổng Hà Nội (nay thuộc xã Đông Xuân,  Đông Quang, huyện Đông Hưng).

Để khích lệ nông dân ra sức khẩn hoang, bắt đầu từ Lý Nhân Tông đã thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, cho lính 6 phiên chia nhau thường trực, còn cho về giúp việc cấy gặt. Thời Trần, vua Trần Thái Tông còn dùng chế độ giảm tô thuế cho người khai khẩn được nhiều ruộng, người nào có 1 mẫu nộp 1 quan tiền, 3 - 4 mẫu nộp 2 quan, 5 mẫu trở lên nhiều mấy cũng chỉ nộp 3 quan. Những năm mất mùa đều giảm sưu thuế. Nhà Trần còn cho cả các tù nhân đi khẩn ruộng, các công chúa, tôn thất, các đại vương cùng khẩn hoang đất bãi thành ruộng màu. Đích thân các vua triều Lý cũng nhiều lần đi cày ruộng tịch điền, xem dân gặt lúa, lấy việc lúa tốt làm vui. Tháng 2 năm Mậu Dần (1038), Lý Thái Tông về Kỳ Bố (nay thuộc địa phận phường Hoàng Diệu, Kỳ Bá và Trần Lãm, thành phố Thái Bình) cày “tịch điền”, vua không bắt dân cày mà “sai hữu ty dọn cỏ, đắp đàn. Vua thân tế thần nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày”. Các quan phải dọn cỏ đắp đàn vất vả, có người can “đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo”. Hai triều Lý, Trần, đất Thái Bình đã đón hàng vạn cư dân các vùng cùng dân sở tại mở rộng khai khẩn đất hoang.

Trước đó, thời Tiền Lê, con cháu họ Lê (dòng Lê Hấp Ni) mở ấp Lê Xá (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), Lưu Ngữ, một quan lại nhà Lê được phong ấp đã về bờ Nam sông Luộc, mở ấp Lưu Xá. Thời nhà Lý, Hưng Nhân đại vương Phùng Tá Chu và thân phụ Phùng Tá Thang tổ chức khẩn hoang, mở rộng ấp Hưng Nhân (nay là xã Hồng An), ấp Mỹ Xá (thị trấn Hưng Nhân). Con cháu nội thị hầu Phạm Kính Ân mở rộng khai khẩn đất Dương Xá, Đăng Xá, dòng Nguyễn Cố mở ấp Tinh Cương, họ Tô mở đất Phù Ngự (Liên Hiệp, Hưng Hà). Một nhánh họ Trần tụ cư ở cửa Trần, mở rộng làng Khé (Trần Xá). Một số người Tống phản chiến trong trận đánh sông Cầu (1076) được Lý Nhân Tông cho về ở và khẩn điền, mở rộng làng Tống Óc (xã Thái Hưng, Hưng Hà). Theo chúng tôi: các ông Lưu Ngữ, Phạm Kính Ân, Phùng Tá Thang, Nguyễn Quế, Tô Trung Từ hoặc trước các ông vài đời đến khẩn các vùng đất trên cũng chỉ là hoàn thiện khai phá, làm cho hương ấp giàu đẹp thêm, thực ra ở đây đã có dân bản địa, đời sau thấy các ông có công và có danh vọng mà liệt vào danh mục tổ khai ấp, tôn làm phúc thần mà thôi. Miếu đền thờ các ông không phải vì công khai ấp mà là công đóng góp với triều đình. Các ông Trần Nhân Huệ, Vũ Uy và các công chúa, thượng hầu chép ở phần sau cũng như vậy.

Sử cũ chép: Tháng 10 năm Thiệu Long thứ 9 (1266), Trần Thánh Tông đã xuống chiếu yêu cầu “các công chúa, vương hầu, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khẩn ruộng hoang, lập thành điền trang”. Có rất nhiều vương tôn quý tộc có công lớn hoàn thiện việc khẩn điền, nhiều đất đầm bãi thành ruộng mật điền, thành xóm làng. Theo tấm mộc bài làng Đa Bối thì Nguyễn Việt, Nguyễn Siêu... được phép khai thác 123 mẫu, chị em công chúa Trần Thị Quý Minh, Trần Thị Bảo Hoa, Quang Ánh cùng nội quan Túc Quốc hầu và họ Bùi ở Thái Giang, họ Quách ở Thái Phúc (huyện Thái Thụy) và dân các họ mở rộng ấp Phất Lộc, ấp Thượng Liệt, Trung Liệt, Hạ Liệt, Hoàng Nguyên, Hoài Hữu, vì vậy đời sau dân tôn làm phúc thần. Thiệu Ninh phu nhân, Trung Tĩnh thượng hầu có công hoàn thiện khẩn hoang, mở rộng đồng ruộng ở làng Văn Ông, Đồng Hải (xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng) và rất nhiều trại lớn nhỏ quanh vùng được 7 làng lập đền thờ...


Quang Viện