Thứ 5, 02/05/2024, 10:46[GMT+7]

Hiệt kiệt làng Phố

Thứ 5, 03/08/2023 | 23:18:36
4,461 lượt xem
Sử cũ ghi: năm Bính Ngọ đời Hồng Đức 17 (1480), vua Lê Thánh Tông sai Trấn Lộ tướng quân Lê Đình Ngạn (thường gọi là Chu Ngạn) ra trấn giữ cửa bể Đông, đóng đồn binh tại Kỳ Bố (nay là phường Kỳ Bá, Trần Lãm, Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), trong một lần tuần du, Chu Ngạn phát hiện ra vùng đất phù sa màu mỡ nhô lên giữa trời nước, không có dân cư sinh sống. Lập tức, Chu Ngạn tâu với vua Lê xin đứng ra chiêu dân xiêu tán lập ấp, khai khẩn đất đai. Nhận chỉ dụ của vua, Lê Đình Ngạn lui về Hậu Lộc (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) chiêu tập các các quan võ từng đánh Nam, dẹp Bắc vừa nghỉ trí sĩ, thu dung dân chúng đưa về khai phá vùng đất mới, hình thành lên các làng ven biển, trong đó có Trình Phố...

Di tích lịch sử cấp quốc gia từ đường Ngô Quang Bích, làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải.

Theo các nguồn khảo luận, luồng dân cư lớn cuối cùng đến tụ cư trên đất “trước biển” diễn ra vào những năm hai mươi của thế kỷ XIX, trong đó, người có công lao lớn là Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức cuộc khẩn hoang có quy mô lớn, lập ra huyện Tiền Hải. Tiếng lành đồn xa, cư dân từ các tỉnh Nam Định, Lỵ Nhân (Hà Nam) tiếp tục kéo về đây tìm kế sinh nhai. Do có sự tụ cư, cộng sinh nên dễ nhận ra điểm nổi bật của cư dân Trình Phố nói riêng cư dân Thái Bình nói chung là sự đa dạng về nguồn gốc, xuất xứ cư dân từ nhiều địa phương tụ hội để khai hoang lập ấp và phân chia thành hai tầng lớp khá rõ rệt đó là một bộ phận dân chúng xiêu tán, không tài sản bỏ quê hương đi tìm mảnh đất mới để kiếm kế sinh nhai và một bộ phận khác là những người có gốc gác từ dòng dõi “danh gia, vọng tộc” ít nhiều cũng có thế lực chính trị hoặc hào trưởng, tổ tiên họ là những người được vua ban thực ấp, thái ấp ở địa phương.

Các nguồn khảo luận cho thấy, Trình Phố (xã An Ninh, huyện Tiền Hải) là làng quê nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt, số lượng người đỗ đạt của làng chiếm tỷ lệ khá cao so với nhiều địa phương trong tỉnh và trong huyện Tiền Hải. Làng cũng có các dòng họ lớn như Chu, Trần, Bùi, Phạm, Ngô... Người Trình Phố tự hào: “Trình Phả có mả làm quan”, câu phương ngôn truyền từ thời xưa khẳng định tinh thần khắc phục khó khăn, hiếu học của người dân Trình Phố nức tiếng vùng Sơn Nam Hạ. Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), làng Trình Phố mới được chính thức thành lập, dù là làng mới nhưng làng đã có người đỗ đại khoa đó là Tiến sĩ Ngô Quang Bích (còn gọi là Nguyễn Quang Bích) và 3 cử nhân gồm Bùi Bổng, Bùi Viện, Nguyễn Đức Trạch... Cử nhân Bùi Viện và Tiến sĩ Ngô Quang Bích là hai nhân vật kiệt xuất của Trình Phố, những hoạt động yêu nước và canh tân đất nước của hai ông có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển xã hội phong kiến thời bấy giờ. Cử nhân Bùi Viện (1839 - 1878), hiệu là Mạnh Dực, ông sinh ra ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải) trong một gia đình nhà nho kiêm nghề bốc thuốc. Theo tộc phả, họ Bùi quê gốc ở Thanh Hóa, di cư đến vùng đất ven biển này từ triều Lê và đến định cư ở Trình Phố vài đời trước. Theo tài liệu khảo cứu, Bùi Viện là đời thứ tám tính từ khi tông tộc thiên di. Ông là con trưởng của hào trưởng Bùi Ngọc (tức Việp). Bùi Viện đỗ tú tài năm Giáp Tý (1864), đỗ cử nhân năm Mậu Thìn (1868) nhưng không đỗ tiến sĩ. Sau này, các nghiên cứu của học giả trong nước và ngoài nước cho rằng Bùi Viện là một nhà canh tân lỗi lạc kiêm nhà kinh tế, ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Tháng 7/1873, 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, vua Tự Đức chính thức cử Bùi Viện sang Hoa Kỳ tìm hiểu xã hội phương Tây, hy vọng có thể dựa vào một nước có tiềm lực lớn nhằm làm đối trọng, giảm bớt áp lực của Pháp đang ráo riết thực hiện âm mưu chiếm nốt Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Cử nhân Bùi Viện là nhà nho tiến bộ, có chủ trương tự lực canh tân đất nước nhưng cách làm của ông khác biệt so với những nhà nho cũng có tư tưởng canh tân khác. Với chủ trương dùng chính sách ngoại giao khôn khéo, giao thiệp với các nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhằm làm cân bằng lực lượng để chế ngự người Pháp đang gây áp lực buộc triều đình Huế đầu hàng. Bùi Viện không cầu viện các nước ở phương Đông như các nhà nho đương thời, ông có tư tưởng cầu viện quốc gia hùng cường, có sức mạnh đối đầu với thực dân Pháp, đó là đế quốc Hoa Kỳ. Nhiều nghiên cứu cho rằng, cử nhân Bùi Viện, người làng Trình Phố là nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử nước Việt vượt biển sang Hoa Kỳ và đã hai lần gặp Tổng thống Hoa Kỳ đàm đạo. Do nhiều yếu tố lịch sử và địa lý mà hiện tại khó có thể tìm đầy đủ cứ liệu ghi chép về cuộc công du của Bùi Viện vượt biển sang Hoa Kỳ. Có một tác phẩm duy nhất ghi chép về sự kiện này dưới nhan đề: “Bùi Viện và Chính phủ Mỹ” của nhà sử học Phan Trần Chúc, in từ năm 1945. Cách đây không lâu, người mê sách, nhất là sách lịch sử văn hóa bắt gặp cuốn sách mới xuất bản có tên gọi: “Bùi Viện và cuộc duy tân của triều Tự Đức thế kỷ XIX”, song người đọc cảm thấy chưa thỏa mãn yêu cầu về cứ liệu lịch sử còn sơ sài, chưa giúp hậu thế hiểu được tư duy táo bạo trong tư tưởng lớn với mong ước cứu nước của Bùi Viện. Theo một số nguồn khảo luận, bắt đầu chuyến công du của cử nhân Bùi Viện khi rời triều đình, một mình lênh đênh trên biển với phương tiện là chiếc bè gỗ từ cửa biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên Huế), sau hai tháng lênh đênh trên biển, đối mặt với bão biển, Bùi Viện đến được Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc). Theo những ghi chép còn lưu được, ở Hồng Kông, Bùi Viện đã làm quen và trở thành thân thiết với một viên sứ thần (nay gọi là đại sứ) của nước Mỹ. Vị sứ thần này rất thông thạo tiếng Hán nên qua người bạn ngoại quốc này Bùi Viện biết Hoa Kỳ trước đây là một nước lạc hậu và cũng chịu cảnh chia rẽ Nam - Bắc như phân tranh Trịnh - Nguyễn ở nước Nam ta. Bùi Viện nhận thấy cuộc cách mạng của người Mỹ nhằm thống nhất hai miền Nam - Bắc nước Mỹ là bài học sâu sắc và là nguồn cảm hứng để ông tìm đến học hỏi. Ông quyết định sang Hoa Kỳ thay bằng việc ở lại Hồng Kông tìm cơ hội sang Bắc Kinh nhờ cậy trợ giúp.

Khoan hãy nhắc đến thành công hay thất bại của hai chuyến công du sang Hoa Kỳ yết kiến tổng thống Mỹ Grant của Khâm sai đại thần Bùi Viện, chỉ thông qua bút phê đầy cảm khái của vua Tự Đức: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho” là hậu thế có quyền tự hào về người Việt và nhân tài làng Trình Phố...

Sử cũ chép: Trong khi các tư tưởng lớn canh tân đất nước đương thời như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Trần Đình Túc, Đinh Văn Điền... không được vua Tự Đức chấp nhận thì các đề nghị cải cách của quan Khâm sai đại thần Bùi Viện tuy không có bề rộng nhưng táo bạo gắn với thực tiễn đất nước (như cải cách và trang bị cho lực lượng hải quân, tăng cường phòng vệ vùng biển, đặc biệt là vấn đề kinh tế - xã hội biển) được vua Tự Đức cho thi hành ngay. Về quân sự, tháng 8/1876, vua Tự Đức giao cho ông trách nhiệm tổ chức “Nhu tuần tải” và cử ông làm Chánh quản đốc trực tiếp phụ trách. Với nhiệm vụ này, ông đã thành lập được đội “Tuần dương quân” (Hải quân) với lực lượng chủ yếu là dân chài lưới rất thông thạo sông biển. “Tuần dương quân” đóng đồn chính tại cửa Ba Lạt (cửa biển giáp ranh hai tỉnh Thái Bình và Nam Định nay)...


Quang Viện