Thứ 5, 02/05/2024, 16:59[GMT+7]

Long hổ hoàn bão

Thứ 6, 20/10/2023 | 15:34:47
6,722 lượt xem
Theo các nguồn khảo luận, địa phận huyện Chu Diên thời thuộc nhà Lương (thế kỷ V - VI), nay là các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, địa bàn này là nơi có nhiều chi lưu sông hợp lại với sông Hồng, sông chảy từ thượng nguồn Lào Cai đến huyện Khoái Châu chia chi lưu sông Chàng Thưa, chảy xuôi 10km lại chia phụ lưu ở cửa Vường (năm 1895 do bồi lở cửa Vường thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà), tên cũ là Lỗ Giang, sông Diên Hà, lại có tên sông Tiểu Hoàng, sông Bo, thời Nguyễn là sông Trà Lý. Dòng chính của sông Hồng tiếp tục xuôi xuống Hà Lao (đời Đường), Ba Lạt (thời Lý), cửa Muộm, nay vẫn quen gọi là Ba Lạt.

Từ cửa Phạm Lỗ sâu vào nội đồng là các làng Duyên Lãng, Thượng Lãng (xã Minh Hòa), xưa là đầm lầy.

Trong bài “Phú Hoàng Giang” của Nguyễn Bảo (thời Lê Thánh Tông) thì cửa Vường xưa vừa sâu, bài phú tả cửa Vường vừa rộng tả “Nước sông ngàn tầm từ trời đổ xuống”. Phía Tây có Linh Từ Thủy Tiên, phía Đông có đền Mẫu Phủ Luộc, từng đi vào tục ngữ “Cao nhất là núi Tản Viên, sâu nhất là vực Thủy Tiên Linh Từ”, hay “Một trăm cửa bể phải nể cửa Vường”. Đó là tâm điểm quan trọng, từ thời Hán, Tống, Tề, Lương dù theo sông dài hay sông Tiểu Hoàng, từ Hoàng Cương, Tâm Khẩu về Chu Diên, Châu Lỵ đều bắt buộc phải qua nơi này. 

Theo các tài liệu khảo cứu, đời Lý Anh Tông đã xây dựng cung Ngự Thiên (cách ngã 3 Vường 5km), nay thuộc xã Hồng An, đời Trần đã xây dựng cung Lỗ Giang ở tả ngạn sông, nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Thời thuộc Minh, phủ lỵ Kiến Xương đóng tả ngạn Tiểu Hoàng Giang (nay thuộc xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư), nghĩa quân Lê Điệt và Nguyễn Thuật đã tấn công, giết tri phủ ngụy Hầu Bảo tại đây. Hai trận A Lỗ và Đại Mang (năm 1285 chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, tập II) mở đường để đánh các trận Chương Dương, Hàm Tử, tiến tới giải phóng kinh thành Thăng Long. Cửa Vường có trạm tuần kiểm, nên gọi là Cửa Tuần Vường. Phía tả ngạn sông là một dải cồn cao chạy từ Kẻ Nhội (Đồng Lôi) sang Kẻ Giai (Cổ Trai) xã Hồng Minh, thẳng lên là Mang Nhân, Hưng Nhân (lỵ sở huyện Diên Hà đời Lý), cạnh đó là Chiềng (xã Thái Hưng), nơi con trưởng nhà Lang ở ăn lộc, cạnh “Chiềng” là làng Còng, nơi tìm được 2 trống đồng trong tầng văn hóa Đông Sơn. Từ cửa Phạm Lỗ sâu vào nội đồng là các làng Duyên Lãng, Thượng Lãng (xã Minh Hòa), xưa là đầm lầy. Ven bên bờ sông là các ấp Đông Lâm (xã Hồng An), Phú Lâm (Hòa Tiến), xưa là rừng già. Truyền ngôn, vùng Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, đời ông nội Lý Bí là Lý Tấn đã định cư trên đất này. Lý Tấn lấy bà Lê Thị Oanh người Ái Châu (Thanh Hóa), Lý Toàn lấy bà Đào Thị Oanh người Chu Diên (Thái Bình), Lý Bí lấy bà Đỗ Thị Khương người hương Màn Để (Chu Diên). Hiện làng Cổ Trai còn gò Thần Đồng, tương truyền nơi Lý Bí thường tụ tập, dạy bảo trẻ mục đồng (khi ông còn niên thiếu), miếu Long Hưng địa nơi Lý Tấn cắm lều trại trong buổi đầu mở ấp, Lý Bí làm lễ tế cờ “Trống đồng vang vang 8 cõi” (Văn tế Lý Nam Đế). Cống Tiêu Tư, tương truyền là nơi Tiêu Tư thua trận đã trốn chạy vào đây. Chuyện được kể rằng: khi được tin Lý Bí tập hợp đồng sự mưu chống lại nhà Lương. Tiêu Tư và Ô Sát mặt đen, vận áo đen, bị Lý Bí dụ vào bến Hợm, rồi tung quân bộ từ Mả Nẻ, Mả Nhơi, Mả Hơi, mả Gai, mả Cẩu, mả Nhồi ra đánh. Tiêu Tư phải chui vào cống, còn Ô Sát thì tử trận. Gò Ô Sát là nơi chôn xác tên tướng giặc Lương. Lý Bí thất trận, Tiêu Tư tổng huy động lực lượng tiếp tục truy đuổi. Để bảo toàn lực lượng Lý Bí đã theo đường Phủ Đông ra Thâm Động luồn sông Tiểu Hoàng, vượt sang hữu ngạn, tạm lánh vào đầm Dạ Hương, Dạ Thanh (nay là thôn Thanh Bản và thôn Phương Tảo, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư). Tiêu Tư truy đuổi không bắt được vua Lý, lui về giữ Long Biên, Triệu Quang Phục trở lại Kẻ Giai để củng cố đồn lũy. Hiện Kẻ Giai còn ngôi đền 2 tòa, 6 gian làm kiểu chữ nhị, thờ tả tướng Triệu Quang Phục. Cách đấy 200m là phủ Thánh mẫu Hoàng hậu Linh Nhân Lý Đỗ Thị. Liền với cửa Vường là hương Màn Để. Đất hương Màn Để cao, rộng, các cồn cát, cồn đất nhấp nhô trùng điệp. Những mả Ngộ, mả Lúi, mả Lác, mả Lệnh là những mộ Hán chạy suốt một dải ven sông Hồng. Phía Nam Màn Để là vùng đầm trũng, ngăn cách với vùng Kỳ Bố (nay thuộc thành phố Thái Bình) với các địa danh: Phương Cáp (trai sò), Thanh Lãng (sóng xanh), Nội Lãng, Ngoại Lãng (sóng bạc). Ngay trên đất Màn Để cũng có nhiều đầm sâu, bãi rộng, cây cối um tùm như đầm Dạ Thanh, Dạ Hương (nay là Thanh Bản, Hương Táo thuộc xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư). Gia phả họ Trần ở Thanh Bản ghi: vào thời Lê, họ Trần tới Thanh Bản khẩn đất, ban ngày vào rừng đầm lầy vẫn tối như bưng, kênh lạch chằng chịt. Dân gian có vè “Thúng làng Roi, Ngòi Thanh Bản”, hoặc “Tối như đầm Dạ”, nơi đây thần bí không kém gì đềm Dạ Trạch của tỉnh Hưng Yên. Ngược lên phía Bắc là Đồng Lại (sau đổi tên là Đồng Đại, nay thuộc xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư), Cao Biền đã dự báo “Đất phát công khanh”, “Nam thanh nữ tú”, có “voi chầu hổ phục”, nơi đây nay còn nhiều cồn rộng, cao ráo (xưa là rừng già, nơi Trần Duệ Tông đã về cầu tự). Lớn nhất là cồn Đại Thần, rộng trên 10.000m2 và cồn mả Lệnh rộng độ 7.000m2 . Chếch phía Tây tại làng Thanh Hương cùng xã Đồng Thanh là đồn Hoàng Giang (còn gọi đồn Tuần Vường) có chợ Đồn, quán Khách, bến Đồn, càn Kho. Phát triển sang phía Đông là khu An Điện có đền vua, cánh đồng vua có các cồn lớn “Ma Kê sứ”. “Lưu Binh sứ”, “Trung xuất sứ” rộng tới 40 mẫu, các cồn ấy đều gắn với giai thoại về Lý Nam Đế. Vượt qua đê là tới xã Hồng Lý, tại các làng Thượng Hộ, Gia Lạc, Phú Hậu... lại thấy những địa danh gắn với vua Tiền Lý. Nơi đây có bến Rồng nơi thuyền vua đã dừng lại, có đồng Vua, sau dân lập miếu thờ nên gọi miếu Đồng Vua. Cùng với An Điện, Phú Hậu, làng Thượng Hộ thờ Thần Phi công chúa. Theo dân gian, bà là Phi của Lý Nam Đế, bà có tài nên được Lý Nam Đế giao giữ ấn tín khi ra trận. Trung tâm của căn cứ Màn Để là 2 khu Đông Để (nay là làng An Để xã Hiệp Hòa) và Tây Để (nay thuộc xã Xuân Hòa). Giữa Đông Để và Tây Để là làng Táo (tên chữ là Hương Táo, dân thường gọi là Phương Tảo). 

Giữa Phương Tảo và An Để có cánh đồng ruộng trũng, có tên đồng Hồ (xưa là hồ nước). Ven đồng Hồ vẫn còn dấu vết Lũy Hồ. Lũy Hồ chạy từ miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa, vòng qua chùa Ông Lâu (do Linh Nhân Hoàng thái hậu xây có ghi trong văn bia) sang đến tận đầu thôn An Để, dài gần 1km, vẫn còn triền đất chạy vòng cung, trên là dải đất cao, giống như chiến Lũy, ngoài có chiến hào. Cắt thử trắc diện ở đoạn gần chùa Ông Lâu, làng An Để thấy lũy đắp trên nền đất chèn bằng đất sét, vỏ sò. Theo khảo tả di tích, thân lũy cũng đắp bằng đất sét đến tận trên mặt, hai bên bồi lắng lớp phù sa trẻ dầy gần một mét, xưa là con đường thả trâu, nay là dải đất trồng bạch đàn, có nơi vẫn thả cỏ.

Sách “Văn hóa vùng Đất Lạng Hương Mần” và truyền ngôn cho thấy, dòng họ Đỗ hương Màn Để, huyện Chu Diên xưa mà thủy tổ họ Đỗ có tên Đỗ Viện. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhận: “Đỗ Viện người Chu Diên ta...”. Theo Linh Nhân Lý, Tiền Lý triều phả lục thì: Vào thời thuộc Lương (thế kỷ VI) tại khu Tây Để, hương Màn Để có cụ Đỗ Công Cẩn và phu nhân Bùi Thị Hoan là hào trưởng trong vùng. Cụ sinh thục nữ, đặt tên là Đỗ Thị Khương, diện sinh tựa ngọc, dáng tựa tiên nga, tài đức trọn vẹn. Tuy là lệnh nữ nhưng vẫn chăm chỉ việc đồng, việc nhà.

 Quang Viện