Thứ 5, 02/05/2024, 19:26[GMT+7]

Sóng cồn Kỳ Bố

Thứ 6, 17/11/2023 | 15:10:01
8,827 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, môi trường thay đổi khủng khiếp dẫn đến một số cư dân thuộc lớp tiên phong bị đánh bật trở lại trung du để tiếp tục khai thác lâm nghiệp. Một số giàu nghị lực chấp nhận sống chung với lũ, vừa gieo sạ trên các đống càn, cương, bái... vừa đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có một bộ phân dân chúng chuyển hẳn sang nghề đánh bắt thủy, hải sản. Con người phải thích nghi với môi trường sông nước, đối mặt với “bão lũ” mà tồn tại. Thời điểm đó nhiều cư dân tìm đến vùng đất ven cửa sông Trà Lý còn gọi là “Bố hải khẩu” (nay là một phần phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình).

Dấu tích bên lở của dòng Bạch Lãng (Trà Lý) tại Kỳ Bố Hải Khẩu hơn 1.000 năm trước được thực dân Pháp khai thác phục vụ nhu cầu hưởng thụ và đầu độc dân nghèo Bồ Xuyên hữu, nay là hồ Ty Rượu.

Ngược dòng thời gian, hơn 2.000 năm trước khu vực Bồ Xuyên tả và Bồ Xuyên hữu (đều thuộc Hoàng Diệu) là bãi biển dài (Bái cát tràng), thời nhà Đinh (thế kỷ X) có tên gọi là Kỳ Bố Hải Khẩu. Các nguồn khảo luận cho biết, Kỳ Bố Hải Khẩu là bãi đầm lầy, lau lác um tùm, nơi đây còn nhiều truyền thuyết về các loại thủy quái thuồng luồng hoành hành. Năm tháng qua đi, nhiều lớp cư dân tiếp nối tìm đến khai khẩn đất đai, phát quang bờ bãi, tìm diệt thủy quái thuồng luồng, rắn rết… nên bãi bồi hải khẩu ngày được mở rộng, trở thành miền đất thu hút ngày càng nhiều cư dân khắp nơi đổ về sinh cơ, lập nghiệp…

Thông thường, muốn “khải mở” lịch sử một vùng đất, người ta thường “lấy cớ” dạo quanh một địa danh cổ nào đó rồi suy luận ra xung quanh. Bài viết này, tác giả cũng không là ngoại lệ khi lấy phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình làm nguyên do cho bài viết về địa danh Kỳ Bố Hải Khẩu và dấu tích hồ Ty Rượu với ô xoáy bồi lở của dòng Bạch Lãng (sóng trắng) xa xưa với các lý giải về tầm ảnh hưởng của địa danh này với các vùng đất lân cận. Các bậc cố lão ở Hoàng Diệu kể, vốn là vùng đất cổ xưa, địa thế bằng phẳng, hơi trũng, đất đai trù mật, thế kỷ X, cư dân từ vùng Ái Châu (Thanh Hóa), Hoan Châu (Nghệ An) và cư dân vùng trung du bỏ rừng xuống biển làm nghề nông và chài lưới đã tìm đến vùng đất “hải khẩu” nay là phường Hoàng Diệu sinh cơ lập nghiệp. Đến thế kỷ XV, đất nước chịu nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang, trong nước có nhiều cuộc loạn ly, khiến cho cư dân khắp nơi đổ về vùng đất này nhằm tìm sự bình yên ngày càng đông hơn. Cách không xa Kỳ Bố là phủ lỵ Kiến Xương (thời điểm đó, Kiến Xương thuộc đạo Sơn Nam, sau thuộc Nam Định) nhưng Kỳ Bố vẫn đông vui, trù phú hơn Kiến Xương. Trải nghìn năm, đến thời kỳ thuộc Pháp, mặc dù là địa bàn giáp tỉnh lỵ nhưng Hoàng Diệu lại có số dân “mù chữ” cao do chế độ “ngu dân” của thực dân Pháp áp đặt. 

Theo các tài liệu khảo cứu, kiến thức của người dân Hoàng Diệu chỉ bó khung vào hai đạo giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo (1 thôn Sa Cát theo Thiên chúa giáo và 3 thôn theo đạo Phật). Gặp nghịch cảnh, người dân chỉ biết lấy cúng tế, đồng bóng… làm cứu cánh. Nằm cạnh sông Trà Lý, Hoàng Diệu có hơn 6km đê, thời thuộc Pháp nhiều lần đê vỡ khiến cuộc sống người dân lâm vào cảnh khó khăn. Tệ cạnh tranh quyền lực thời kỳ này diễn ra khá phức tạp. Quan niệm “một miếng việc làng hơn một sàng xó bếp” ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận dân chúng. Làng Duy Tân và Sa Cát lương đều có đình riêng, chùa riêng. Năm 1890, nhà thờ Sa Cát được xây dựng, vậy là bên cạnh đình, chùa Sa Cát lương, thiết chế văn hóa của Hoàng Diệu có thêm nhà thờ Thiên chúa giáo, thể hiện sự giao thoa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây rất rõ rệt. Làng Bồ Xuyên có 7 giáp thì 4 giáp tách ra xây đình riêng, làm nên diện mạo văn hóa đa sắc thái.  

Các tài liệu khảo cứu cho thấy, vì cuộc sống sinh tồn, lớp lớp cư dân thời đại các vua Hùng đã từ vùng trung du, miền núi tràn xuống khai phá miền đồng bằng, trong đó dòng dân cư thứ 2 đông đảo hơn, nhưng tới muộn hơn là cư dân Việt - Mường. Chính họ, lớp cư dân được thừa hưởng thành tựu nền văn minh đồ đồng thau của cư dân văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ), Quang Vinh (Hà Tây) sớm thúc đẩy việc làm giàu cho bộ Dương Tuyền và bộ Lục Hải hình thành hàng trăm động, xá ở Thái Bình, trong đó có lớp cư dân sinh sống ở Kỳ Bố Hải Khẩu, nay thuộc phường Hoàng Diệu. Tương truyền đến tận cuối thời Tiền Ngô vương (thế kỷ IX - X), khi tướng Ứng Long từ Thanh Hóa ra Kỳ Bố Hải Khẩu gặp Đinh Bộ Lĩnh tại phủ đệ sứ quân Trần Lãm mới học được các thúng đựng nước của dân chài mà đan thành thuyền hình mũi lớn như ta thấy ngày nay, dùng thuyền ấy đi đánh Đỗ Động Giang, bức Đỗ Cảnh Thạc quy hàng.

Cũng theo các tài liệu khảo cứu, phía hạ lưu sông Trà Lý (thời kỳ đầu Công nguyên có tên gọi Bạch Lãng) có Bồ - Bố (Bồ Xuyên (tả - hữu), Kỳ Bố Hải Khẩu (nay là Kỳ Bá và Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) được hình thành muộn hơn. Thời quốc gia Âu Lạc được thống nhất trên cơ sở Âu Việt và Lạc Việt với chiến thắng của thị tộc Tây Âu Việt Thục An Dương Vương. Địa thế pha sông biển, đồng bằng phì nhiêu, Kỳ Bố Hải Khẩu đã trở thành một trung tâm quan trọng thứ hai của nhà nước Văn Lang, tuy xuất hiện sau vùng Tiên Bố (A Côi - Quỳnh Côi, nay là huyện Quỳnh Phụ), cửa Luộc, cửa Nỗ (Hưng Hà), cửa Vàng (Vũ Thư)..., song lại có vai trò chủ đạo ở vùng hạ lưu thời hậu kỳ Hùng Vương. Trải qua 2.000 năm biến động, để đánh giá giá trị và tầm ảnh hưởng của vùng đất hải khẩu xưa dưới thời nhà nước Văn Lang - vua Hùng thử lấy địa bàn khu vực hồ Ty Rượu (nay là công viên hồ Ty Rượu, thuộc phường Bồ Xuyên (Bồ Xuyên hữu), thành phố Thái Bình) làm trung tâm trong vòng tròn bán kính 6 - 7km, khoanh một đường tròn địa hình thấy vùng Bố - Bồ - Bá phía Tây Nam của thành phố Thái Bình khá phức tạp. Vòng cồn cát dài rộng khởi nguồn từ đống Du (xã Vũ Đông) chạy xuống ngã tư Lạc Đạo (phường Trần Lãm) xuôi xuống Vũ Chính, Vũ Phúc đến thôn An Lộc, cồn bị ngắt đoạn gần 1km rồi lại nối tiếp cồn cát rộng chiếm toàn bộ làng Kiến Xá và một phần Ngô Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư thành vòng cung giữ đất cho vùng Kỳ Bố. Men theo cống Trần (nằm giữa Trần Lãm - Kỳ Bá) là dòng sông cổ hẹp nay là kênh 3-2 từ Bắc Cự Lộng, Nam trại Trần chạy thẳng xuống cống Ngô Xá và dòng phụ rẽ xuống thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư.

Xa thêm 4km phía Đông Nam là dải đất cao vượt lên từ Bình Trật (xã An Bình, huyện Kiến Xương), ngắt quãng 2km là cồn Nam và Đông, xã Tây Sơn đến địa đầu xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương chia làm hai nhánh thành dải cồn Vũ Lạc và dải cồn Vũ Quý, Vũ Trung (xưa đều thuộc xã Động Trung, huyện Kiến Xương). Đỉnh cồn ở Lạc Đạo (Trần Lãm) đã bị bào mòn trải 2.500 năm nay vẫn còn cao 2,9m, Vũ Phúc cao 2m, gò Cồn kẻ Cọi (Vũ Hội) cao 1,8m so với mực nước biển. Mặt bằng cả vùng rộng lớn từ Tân Hòa, Tân Phong, Tân Bình, Trần Lãm, Vũ Phúc, Vũ Chính, Song An, Hòa Bình,Tam Quang (Vũ Thư) đều đạt cốt dương 1,2m…

Không chỉ bó hẹp trên địa bàn phường Hoàng Diệu, Trần Lãm, Kỳ Bá và một số địa danh ven sông Trà Lý thuộc địa phận thành phố Thái Bình, các nhà khảo cổ học đã tìm kiếm trong lớp đất trên tầng văn hóa các di chỉ ven thành phố Thái Bình mới chỉ thấy các di vật sớm nhất vào thế kỷ III trước Công nguyên, tương ứng những kỷ cuối triều Hùng, phổ biến vào thời quốc gia Âu Lạc - An Dương Vương, còn di tích thuộc Đông Hán thì rất phong phú…

Quang Viện