Thứ 5, 02/05/2024, 14:55[GMT+7]

Tâm địa anh minh

Thứ 6, 29/12/2023 | 15:27:33
5,935 lượt xem
Câu ca: “Nếu là con mẹ con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê…” kể cho hậu thế nghe câu chuyện về nơi sinh Hoàng đế Lê Thánh Tông (tức Lê Tư Thành). Theo các tài liệu khảo cứu, các công thần trung thành nhà Lê chọn đất Đô Kỳ (nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) là nơi lánh nạn của Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao khi sắp sinh nở là lựa chọn “bất khả kháng”. Lúc ấy, người hộ giá Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao từ kinh thành Thăng Long về làng Đún Ngoại (Y Đún) không ai khác chính là Đinh Liệt, một khai quốc công thần nhà Lê và là chú ruột của thân mẫu Tiệp Dư và Nguyễn Xí (tướng cũ của Thái Tổ). Trên đường về đến Cầu Tray nơi giáp ranh giữa làng Chép, xã Gia Lạp, huyện Diên Hà và làng Sâm, xã Mậu Lâm, huyện Thần Khê (nay là các xã Văn Cẩm, Chi Lăng, Đông Đô) thì Tiệp Dư Ngọc Dao chuyển dạ sinh…

Đền Mậu Lâm, làng Mậu Lâm, xã Đông Đô (Hưng Hà), nơi thờ nhũ mẫu của Hoàng đế Lê Thánh Tông và cũng là nơi hoàng tử Lê Tư Thành cất tiếng khóc chào đời.

Hoàng tử Lê Tư Thành có một tuổi ấu thơ tuyệt đẹp ở một vùng quê hữu tình, đầy ắp tình yêu thương và có thể đó là “nguồn nguyên liệu” nhào nặn nên tâm hồn cao thượng, nhân văn, minh triết của vị hoàng đế anh minh nhất triều Lê. Người xưa có câu: “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, quả nhiên vậy, Hoàng tử Lê Tư Thành sinh ra ở đất Thần Khê, lớn lên nghe tiếng sáo diều ở quê bà ngoại, làng Kiều Thần, Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư, khi là bậc đế vương, Lê Thánh Tông là vị vua anh minh nhất triều Lê sơ. Nỗ lực xây dựng, phát triển đất nước của vua Lê Thánh Tông qua các chiếu, chỉ dụ như: Chiếu khuyến nông, Chiếu lập đồn điền, Chiếu định quan chế... do vậy, trong dân gian có câu: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Các nguồn khảo luận cho biết, vua là người luôn chăm lo mở mang bờ cõi và quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Trước những mối nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà một số lần Lê Thánh Tông chủ động cho quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà là để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của Đại Việt. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), vua nói với các quan phụ trách việc bảo vệ biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.

Bảo vệ non sông, gấm vóc toàn vẹn lãnh thổ được hoàng đế xem trọng, vị vua anh minh cũng không “chểnh mảng” việc “nội trị”. Truyền ngôn, thuở ấy tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng, hắn có tài xuất quỷ nhập thần. “Nghe phong thanh” tên trộm này có biệt tài, nếu định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị chắc chắn vẫn bị tên này trộm mất. Dân gian truyền khẩu, hắn là tên trộm lành nghề nhưng hắn không trộm của người nghèo khổ, lam lũ mà chỉ trộm của nhà giàu đem cho người nghèo. Vì hắn trộm đồ nhanh như gió nên một số người từng được hắn cho của trộm gọi hắn là Quận Gió. Cái tên húy ấy gọi nhiều thành quen, hễ trong thành có chuyện mất trộm, người ta luôn nghĩ đến Quận Gió. Có người còn kể, ngay ở những nơi có người canh giữ cẩn mật mà Quận Gió vẫn ngang nhiên xuất hiện rồi trộm đồ cho dù lính canh phòng cẩn mật, thường được cho là “không ai có thể lọt qua”, ấy vậy mà Quận Gió vẫn luồn qua trộm được. Tiếng đồn về Quận Gió lọt đến tai vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật. Lúc ấy sắp giao thừa, vua cải trang thành chàng thư sinh, tìm đến nơi Quận Gió đang trú ngụ. Người này tự xưng là môn sinh Quốc Tử Giám, năm hết tết đến muốn về quê xứ Thanh cúng giỗ ông bà nhưng nhà nghèo quá không có tiền nên đến phiền Quận Gió giúp cho một ít làm lộ phí. Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói: Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức, nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là một đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai? Giám sinh không do dự, trả lời: Trộm của phú ông ở cửa Tây! Quận Gió lắc đầu: Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng các làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy. Quận Gió cười nhạt. Giám sinh năn nỉ: Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không? Quận Gió vẫn lắc đầu: Không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn. Dứt lời, Quận Gió băng mình vào bầu trời đen mịt mùng như mực của đêm cuối năm. Nhai “chưa giập bã trầu” đã thấy Quận Gió trở về với hai nén bạc trong tay. Quận Gió nói: Với hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên. Cầm hai nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của nhà nước. Sáng mồng một tết, nhà vua thiết đại triều. Khi tất cả các quan tề tựu đông đủ, vua đem câu chuyện vi hành đêm 30 tết kể lại cho mọi người nghe. Hai nén bạc được chuyền tay cho tất cả các quan xem tận mắt. Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị lột bỏ hết mọi tước vị, gia sản bị tịch thu và ngay lập tức lưu đày đi châu xa.

Nguồn sử liệu cho thấy, bộ máy nhà nước trung ương tập quyền nhà Lê sơ mà Lê Thánh Tông trị vì đến mức hoàn bị từ trung ương đến cơ sở. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu Nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Nổi bật là bộ “Luật Hồng Đức”, Bộ luật được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh rực rỡ của xã hội Việt Nam thế kỷ XV. Vua Lê Thánh Tông, người khởi xướng và xây dựng Luật Hồng Đức cũng là người thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đã ban hành. Nhà vua thường bảo với các quan rằng: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ rõ: Vào tháng 3 năm 1463, nghĩa là chỉ 3 năm sau khi lên ngôi, trong một buổi chầu ông nói với các quan rằng: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”


Quang Viện