Thứ 5, 02/05/2024, 12:25[GMT+7]

Đất liền chân sóng

Thứ 6, 05/01/2024 | 09:23:55
8,113 lượt xem
Theo các sử gia, việc Lý Bí (Lý Bôn 503 - 548) đặt tên nước là Vạn Xuân, tự xưng là Hoàng đế, định niên hiệu, lập một triều đình riêng ngang hàng với nước lớn phương Bắc là sự khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc và sự bền vững muôn đời của đất trời phương Nam. Đầu nguồn sông Trà Lý, làng Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà có đền, miếu thờ vua Tiền Lý, coi vua là Thành hoàng làng và phối thờ Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Xuôi dòng sông Hóa, neo đậu tận cùng hạ lưu với chiều dài khoảng gần 7km, làng Tu Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy như dải lụa nằm vắt ngang vùng đất Thụy Anh cũ phía trước mặt là Biển Đông dào dạt sóng vỗ, phía sau lưng là dòng sông Hóa huyền thoại, gắn với nhiều chiến công lẫy lừng thời nhà Trần (1226 - 1400) đánh tan giặc Nguyên Mông.

Lễ hội chùa Hưng Quốc, làng Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy - địa danh được cho là nơi sinh của vua Tiền Lý (Lý Bí).

Thần phả, ngọc phả của làng Tu Trình kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, có một người làm quan trong triều, do lập được công lớn nên đã được nhà vua ban tặng cho nhiều đất đai, điền hữu nhưng ông không nhận mà chỉ xin nhà vua cho phép đến một vùng đất hoang sơ, ông sẽ thả một mảnh vỏ bầu cho sóng đánh trôi đi. Mảnh vỏ bầu trôi đến đâu thì cương vực của ông ở đó. Trước thịnh tình của ông như thế, nhà vua đành lòng chấp thuận nhưng cho phép ông được mang theo quân lính hộ tống. Khi đoàn quan quân về tới vùng cửa biển, cuối hạ lưu sông Hóa thì phía bên Tây đã có làng mạc, dân cư sinh sống. Ông đành hạ trại ngay giữa dòng sông Hóa, trên những doi đất mới bồi. Ông cho lập đàn tế trời. Sau khi hiến lễ, ông tự tay thả mảnh vỏ bầu xuống nước, dòng nước nâng mảnh vỏ bầu lên cao rồi cuốn tròn theo xoáy nước. Quan quân cùng chiêm bái. Trời bỗng dưng tối sầm rồi mây gió nổi lên, gió mỗi lúc một thổi mạnh đẩy mảnh vỏ bầu trôi ra xa, rồi cứ vậy, mảnh vỏ bầu trôi về phương Nam, trôi mãi đến cửa Đại Toàn (cửa sông Diêm Hộ) gặp nước thủy triều dâng nó mới chịu đứng lại. Quân lính cắm mốc rồi vớt mảnh vỏ bầu lên. Đất đai của Tu Trình được lập lên từ đó. 

Chiều lòng người, thiên nhiên không ngừng ban tặng cho mảnh đất mới này sản vật trù phú, phong cảnh hữu tình. Ngòi Vạn, Ngòi Mới là hai điểm cực Đông và cực Tây của mảnh đất như hai cánh tay vững chãi vươn dài ra Biển Đông, ôm trong lòng bờ bãi trù mật.

Trở lại thượng nguồn sông Trà Lý, làng Tịnh Xuyên như dải lụa bên sông đỏ nặng phù sa, thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân bên bờ bãi: “Ước gì sông ngắn một gang/Để em bắc dải lụa đào, anh sang”. Nay, ước vọng đó đã thành hiện thực, cầu Tịnh Xuyên không còn ngăn sông, cách đò, dấu tích Cổ Trai - miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, quê Hoàng hậu vua Tiền Lý) đang hòa làm một. Làng Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà còn ghi dấu tích một thời liệt oanh của non sông khi vua Tiền Lý (Lý Bí) về Cổ Trai dựng biệt đồn, lập nên nước Vạn Xuân. Thời gian trôi đi kéo theo bao biến cố, thăng trầm, chỉ còn lại trong ký ức người dân Cổ Trai về một thời vàng son. Cụm di tích đình, đền Cổ Trai, xã Hồng Minh là một minh chứng sinh động ghi dấu một thời rực rỡ, hào hùng của Chu Diên, vùng đất cổ với đền Tịnh Thủy là nơi tưởng niệm Kim Xa, Mỹ Hy với hành cung Lỗ Giang thời Trần biệt cung của Khâm Từ và Tuyên Từ Thái Hậu. Vẫn còn dấu tích An Lăng, tẩm điện của vua Trần Anh Tông, Trần Cao Tông... Cổ Trai ôm vào lòng tất cả, cho dù năm tháng mờ phai nhưng những dấu ấn đẹp đẽ về một thời hùng oai của đất nước vẫn còn in dấu nơi đây. 

Tìm trong cảo thơm “Một ngày, Lý Nam Đế và tả tướng quân hành quân đến Cổ Trai, trông thấy địa thế tốt, dân chúng no đủ, phong tục tốt đẹp liền thiết lập biệt đồn...”.  Đầu năm 542, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (một hào trưởng địa phương có tài văn võ song toàn) đã nổ ra chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Nhân lòng oán hận của dân với giặc Lương dâng trào, Lý Bí đã liên kết với hào kiệt các châu thuộc miền đất Giao Châu (nước Việt Nam xưa), dấy binh chống nhà Lương. 

Theo cổ sử: Thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Hoài, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí đã đem quân theo trước tiên, Phạm Tu cũng là một tướng tài của Lý Bí từ buổi đầu khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thành công rất nhanh. Phải đối đầu với cuộc khởi nghĩa có sự liên kết giữa các địa phương, Tiêu Tư (thứ sử Giao Châu) khiếp hãi, không dám chống cự chạy trốn về Việt Châu (bắc Hợp Phố) và Quảng Châu. Cuộc khởi nghĩa nổi dậy từ tháng một năm 542, không quá 3 tháng nghĩa quân đã chiếm được châu thành Long Biên (Bắc Ninh). Sau những giờ phút kinh hoàng buổi đầu, chính quyền nhà Lương lập tức có phản ứng đối phó. Tháng 4 năm 542, vua Lương sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Nịnh Cư, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, từ hai phía Bắc - Nam Giao Châu cùng tiến đánh nghĩa quân Lý Bí. Cuộc phản kích này của giặc Lương đã hoàn toàn thất bại. Từ đồng bằng (Bắc Bộ Việt Nam ngày nay), Lý Bí đã kiểm soát được tới vùng Đức Châu (Hà Tĩnh) ở phía Nam và vùng bán đảo Hợp Phố (Quảng Châu) ở phía Bắc. Thất bại nặng nề, vua Lương lại sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng điều khiển binh mã đi đánh Lý Bí vào mùa đông năm ấy. Chủ động đánh giặc, nghĩa quân Lý Bí tổ chức một trận tiêu diệt lớn ngay trên miền cực Bắc Châu Giao. Trăm trận, trăm thắng, đến năm 544, nhằm tháng Giêng, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế (Lý Nam Đế), lên ngôi đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, lấy tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc lưu truyền đến muôn đời.

Theo sử cũ ghi: Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17/10/503). Lý Bí 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Tương truyền, có một vị Pháp tổ thiền sư lỡ độ đường, trông thấy Lý Bí đang chơi đùa cùng lũ trẻ, vẻ mặt khôi ngô, tuấn tú, người này liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư gia công chỉ bảo nên Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. 

Cũng theo sử cũ, Lý Bí đã từng ra làm quan cho nhà Lương nhưng do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác nên ông bỏ quan về quê chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Tù trưởng ở Chu Diên là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục, hết sức phục tài đức của Lý Bí nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Năm 541, thứ sử Giao Châu Tiêu Tư vô cùng tàn bạo nên bị người dân oán giận. Cùng thời điểm ấy, biên ải có giặc Lâm Ấp quấy phá. Nhân dân Giao Châu lâm vào tình thế rất khổ cực. Lý Bí làm quan cho chính quyền đô hộ nhưng bất bình nên bỏ về Cổ Trai chiêu mộ nghĩa quân. Tinh Thiều, một người giỏi văn chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan nhưng nhà Lương chỉ bổ cho chức “Quảng Dương môn lang” nên bỏ về Cổ Trai theo Lý Bí.

Sử cũ cho rằng, lúc bấy giờ ông làm chức giám quân ở châu Cửu Đức (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), liên kết với hào kiệt mấy châu đứng lên chống lại nhà Lương đều “nhất hô, bá ứng”. Quân của Lý Bôn đánh cho Tiêu Tư thua chạy về Quảng Châu và chiếm lấy Long Biên. Tháng 12 năm 542, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang trả thù. Thứ sử Quảng Châu không đồng ý nhưng Tiêu Tư vẫn thúc giục tràn sang. Tử Hùng đi đến Hợp Phố, quân lính mười phần chết đến quá nửa, thành đám tàn quân, tan rã dần. Đến năm 543, tháng 4, vua Lâm Ấp xâm chiếm quận Nhật Nam, Lý Bí sai Phạm Tu đánh tan địch ở Cửu Đức.

Quang Viện