Thứ 5, 02/05/2024, 12:08[GMT+7]

Nhân sinh "Tập đại thành"

Thứ 6, 12/01/2024 | 16:43:46
8,536 lượt xem
Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam thế kỷ XVIII, khiêm tốn trong tựa sách “Kiến văn tiểu lục” rằng: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời cha dạy, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”.

Đền thờ danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.

Ngọc phả gia tộc họ Lê Quý ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập có ghi: Lê Quý Đôn thuở nhỏ có tên là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức ngày 2/8/1726) niên hiệu Bảo Thái thứ 7 ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập huyện Hưng Hà. Lên 5 tuổi ông đã học được nhiều bài trong Kinh Thi, 11 tuổi học sử mỗi ngày thuộc được tám chín mười chương, học Kinh Dịch mỗi ngày được một phần Cương Lĩnh và Đồ thuyết, 14 tuổi học hết Ngũ Kinh, Tứ Thư, Sử, Truyện và đọc đến cả Chư tử. Trong một ngày làm đến mười bài phú không phải viết nháp. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. Ông đỗ đầu cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình, khoa thi năm ấy, triều đình không chọn tiến sĩ và ông là Tam nguyên Bảng nhãn.

Sử sách chép rằng, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn là người tài trí vẹn toàn và thấm đẫm triết lý sống của người xưa: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu tự phẩm cao”, nghĩa là: Luôn luôn nghĩ mình như thế là đủ thì tâm được yên vui. Không cầu cạnh ai điều gì thì phẩm giá được cao trọng. Giá trị của các trước tác mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn là người ghi chép, phân loại như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu vĩ đại trong lịch sử văn hóa, văn hiến Việt Nam. Theo các nguồn khảo luận, năm Nhâm Thân 1752, Lê Quý Đôn thi đỗ Bảng nhãn và được bổ nhiệm chức thị thư ở Hàn lâm viện. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như sau: “Quần thư khảo biện”, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi. “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi; đây là một loại “bách khoa thư”, trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... “Vân đài loại ngữ” là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến. “Đại Việt thông sử”, còn gọi “Lê triều thông sử”, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh. “Kiến văn tiểu lục”, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê... Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường sá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở... “Toàn Việt thi lục” 6 quyển, là công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Lê Quý Đôn trở thành người có công đầu tiên nghiên cứu về xứ Đàng trong. “Phủ biên tạp lục” là tập bút ký của Lê Quý Đôn viết về Đàng trong, nhất là xứ Thuận và xứ Quảng từ thế kỷ XVIII trở về trước.

Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác lại sống trong thời đại là xã hội phong kiến suy tàn chất chứa đầy mâu thuẫn, “trong rủi có may”, chính trong sự suy tàn quyền lực, dòng đời lại nảy sinh những mầm mống tích cực. Nếu trước Lê Quý Đôn đã xuất hiện nhiều tên tuổi sáng láng như Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác... cùng nền tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy trong dân gian từ hàng nghìn năm đã ở vào giai đoạn rực rỡ nhưng chưa được ghi chép, phân loại, thì đúng lúc ấy, ông xuất hiện và tỏa ánh hào quang như sao sáng trên bầu trời văn hiến của dân tộc ta. “Vân đài loại ngữ” là một trong những trước tác của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và được coi là bộ bách khoa từ điển của Việt Nam. Chỉ riêng bộ sách này cũng đã khái quát sự đóng góp to lớn của ông vào kho tàng văn hóa dân tộc ta. Hầu hết những nhà nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đều tìm đến bộ sách đại tự điển này. Muốn hiểu về nền văn hiến Việt Nam thì lời khuyên là nên đọc sách “Vân đài loại ngữ”, nhưng nếu muốn biết về phong tục tập quán của người Việt thì nên đọc “Kiến văn tiểu lục”... của Lê Quý Đôn. Muốn biết tình hình xã hội Đàng trong thời phong kiến, hãy đọc “Phủ biên tạp lục”, bộ sách này còn khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn lĩnh vực sử học, những người quan tâm không thể bỏ qua hai bộ sách là “Đại Việt thông sử”, “Bắc sứ thông lục” bởi vì hai bộ sách này ngoài giá trị to lớn về kho tư liệu còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử phương pháp nghiên cứu sử học khoa học đặc thù của Lê Quý Đôn. Khi viết “Đại Việt thông sử”, Lê Quý Đôn sớm tổng kết: “Phép làm sử là phải nhặt đủ không bỏ sót, để cho người ta sau khi mở sách ra xem, rõ được manh mối, biết được đầu đuôi, tuy không tận mắt thấy tai nghe, mà rõ ràng như chính mình được thấy”. Những người yêu thích văn học cổ, có ý nghiên cứu không thể không đọc “Toàn Việt thi lục” vì sách ông viết là hệ thống thơ văn thời Lý - Trần. Trong bộ sách này, Lê Quý Đôn đã chọn được 2.391 bài thơ của 175 tác giả từ thời Lý đến đời hậu Lê vua Lê Tương Dực.

Ngoài lĩnh vực ghi chép và nghiên cứu về văn hóa dân gian, phong tục tập quán, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đối với lĩnh vực sử học, những người quan tâm không thể bỏ qua hai bộ sách là “Đại Việt thông sử”; Bắc sứ thông lục”, bởi vì hai bộ sách này ngoài giá trị to lớn về kho tư liệu mà sách còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử phương pháp nghiên cứu sử học, khoa học đặc thù của Lê Quý Đôn. Khi viết “Đại Việt thông sử”, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đã tổng kết rằng: “Phép làm sử là phải nhặt đủ không bỏ sót, để cho người ta sau khi mở sách ra xem, rõ được manh mối, biết được đầu đuôi, tuy không tận mắt thấy tai nghe, mà rõ ràng như chính mình được thấy”.

Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn là học giả kiệt xuất, một nhà khoa học lớn có những đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa của dân tộc Việt, làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam. Những trước tác của ông thể hiện tư tưởng vĩ đại, tư tưởng khẳng định và đề cao văn hóa và văn hiến Việt Nam. Ngay cả với triết học, một ngành khoa học xã hội chậm phát triển ở nước ta thời bấy giờ cũng được Lê Quý Đôn đề cập sâu sắc trong “Vân đài loại ngữ”; “Quần thư khảo biện”; “Thánh mô hiền phạm lục”; “Thư kinh diễn nghĩa”... ở những bộ sách này, tư tưởng triết học tiến bộ đã được đề cập.

Quang Viện