Thứ 6, 10/05/2024, 00:59[GMT+7]

Biển bờ ngự lãm

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:44:22
2,441 lượt xem
Thời tiền Lý (Lý Bôn 503 - 548), những làng ven biển, ven sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, Diêm Hộ… có ao, hồ rộng thường tổ chức bơi trải trong những ngày lễ hội truyền thống. Vua và cận thần triều đình thường “xa giá” về những làng quê này thưởng lãm. Nhiều làng, xã của tỉnh ta từ thời nhà tiền Lý đến nay vẫn còn duy trì lễ hội bơi trải truyền thống như làng Lại Trì, Đồng Xâm (Kiến Xương); Diêm Điền (Thái Thuỵ); Đồng Hà (Tiền Hải); Đồng Minh (Hưng Hà)… trước đây ở chùa Keo và đền Đồng Bằng cũng có lễ hội bơi trải.

Biển bờ Quang Lang không ngừng bồi đắp, người dân ven bờ vẫn không ngừng nghỉ bám biển, vươn khơi.

Theo các nguồn khảo luận, vào thời Lý (1010 - 1225) tại kinh thành Thăng Long không mấy năm triều đình không tổ chức bơi trải. Lễ hội bơi trải trên sông Hồng được tổ chức rất lớn tại phía trước điện Linh Quang, kèm theo yến tiệc linh đình, nhiều khi có cả sứ giả ngoại quốc đến dự. Trên sông Hồng hàng ngàn chiến thuyền chăng cờ rực rỡ, cùng với tiếng chiêng trống rộn vang làm lay động mặt nước. Lại có làm máy Kim Giao cho chạy ở dưới sông phía dưới điện Linh Quang là nơi nhà vua và các quan ngồi xem. Máy Kim Giao làm hình con rùa lớn màu vàng, trong có đặt máy. Rùa vàng bơi trên mặt nước, chân rùa cử động được, miệng rùa phun nước trên mặt nước, mặt rùa đưa đi đưa lại và biết nhìn lên bờ. Đầu rùa biết quay về hướng nhà vua mà cúi chào… 

Hạ lưu sông Hồng và sông Trà Lý, bên dòng Diêm Hộ, nguồn nước ngọt phong phú từ bao đời còn lại, làng Diêm Điền (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) dài khoảng 1km nhưng được bao bọc 3 phía bởi sông: sông Cống Ngoại về phía Tây, sông Cống Mới phía Đông đặc biệt phía Nam là dòng Diêm Hộ chảy qua trước làng rồi mới đổ ra biển. Tục bơi trải của làng gắn liền với nghề đi biển đánh bắt hải sản và vận tải đường biển nên người dân thường mở lễ hội tế lễ các vị Thủy Thần. Theo các bậc tiền nhân kể lại, trước năm 1945 làng còn có chùa và đình, trước khi bơi phải đến tế Thủy Thần ở đình Trung vào sáng ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Cả làng gồm có 5 đội bơi đại diện cho 5 xóm (xóm Hậu, xóm Tiền, xóm Tả, xóm Hữu và xóm Trung), mỗi đội 20 người gồm 9 cặp bơi, một người cầm lái và một nguời đánh mõ hô nhịp. Vật tế lễ dâng lên Thủy Thần là một con cá vược lớn còn tươi, đặt trên chiếc mâm đồng, phía dưới trải tấm lụa màu trắng. Mỗi đội cử một đại biểu bưng lễ vật đặt trên bàn thờ. Người đại diện của mỗi xóm thường là bậc huynh trưởng, gia đình phải đủ con trai, con gái, phúc hậu (là con cháu của các bậc tiền hiền có công lao khai phá, lập xóm mở làng) với trang phục truyền thống, quần áo dài thụng màu xanh, đội khăn xếp màu đen, đi giày. Tham gia tế Thuỷ Thần gồm 1 chủ tế, 4 bồi tế, 12 quan viên. Chủ tế mặc áo dài màu xanh, khăn xếp màu đen, hai bên tả, hữu là hai hàng quan viên (là những vị trong ban hương chức của làng) và có 2 ông tây xướng và nam xướng. Các bồi tế lần lượt dâng hương, đăng, trà (2 lần), dâng thanh chước (rượu) 4 lần và ông chủ tế đọc bài chúc văn thành kính mời Thủy Thần về chứng giám các lễ vật do lòng thành của dân làng dâng cúng và cầu mong thần phù trợ đắc lực cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, nhà nhà bình yên, no đủ, hạnh phúc… Theo các nghiên cứu, trong lễ hội, thuyền bơi trải mũi hình đầu long giao, đuôi hình tôm, đầu và đuôi thuyền đều sơn son thếp vàng. Mỗi thuyền trải có 12 khoang, mỗi khoang chiều ngang dài 1 mét. Mỗi trải có 27 người, 24 tay bơi, một người ngồi ở mũi, một người lái ngồi ở đuôi và một người đánh mõ ngồi ở giữa đánh nhịp cho các tay chèo. Người chèo phải điều khiển cả hai tay, khi đi chèo ngồi, khi về đích phải chèo đứng. Sau khi tế xong các đội bơi đi xuống bến nơi có 8 thuyền trải có trang trí đầu rồng cách điệu ở phía mũi. Ở trên đình đốt vàng mã xong ở dưới bến chuẩn bị phất cờ và đốt pháo phát lệnh là các đội bơi vào cuộc. Khi tiếng pháo thứ 3 vừa nổ xong thì các thuyền bơi dàn hàng ngang trên sông Diêm Hộ lao như tên trong tiếng trống cổ vũ vang dội của dâng làng các xóm bên bờ. Các thuyền đua phải đi đúng 3 lượt mới kết thúc. Đội về nhất được nhận một con cá vược và một xâu tiền thưởng. Các thành viên tham gia bơi được mời dự bữa cơm cúng Thành Hoàng đầu năm tại đình làng. 


Cùng dải đất “ven bờ”, làng Quang Lang, một làng chài ven biển mang tên loài cây mọc hoang từng cứu sống bao đời dân đói khổ: cây báng, còn gọi là cây bần. Làng Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) được sử sách chép không chỉ là quê hương của nghề làm muối mà còn là làng chài nổi tiếng. Làng có hai ngôi đền đều mang tên “Đền thờ bà Chúa Muối”. Một tọa lạc trên đất thôn Tam Đồng, một tọa lạc trong khuôn viên chùa Hưng Quốc, di tích lịch sử cấp quốc gia và truyền ngôn nơi Lý Bí sinh hạ. Theo tài liệu khảo cứu “Vào một buổi chiều tà, bà Lê Thị Oanh (thân mẫu Lý Bí) khi ấy đang bụng mang dạ chửa có việc về thăm nhà anh trai là Lý Thiên Bảo ở ấp Vạn Xuân (nay là xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy). Khi đi đến làng Quang Lang thì trời sắp tối lại gặp cơn mưa dông, bà liền vào chùa xin ở nhờ để tránh mưa và qua đêm. Nhà sư trụ trì chùa lúc đầu nghi ngại, nhưng vốn thương người nên sau đã bằng lòng cho bà trú chân tại chùa. Đêm đó, bà đã sinh quý tử, đặt tên là Bí. Khi Lý Bí lên 7 tuổi thì cha mẹ qua đời, sư chùa Quang Lang đã nhận nuôi dạy ông. Khi trưởng thành, Lý Bí đã dấy binh chống lại nhà Lương, năm 548 sự nghiệp thành công, ông đặt tên nước là Vạn Xuân, lên ngôi Hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế. Cảm ơn công đức của sư và chùa Quang Lang, vua ban cho chùa tên Thái Bình Hưng Quốc Tự (giúp việc hưng nghiệp, mở nước). 

Còn bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh tại trang Quang Lang, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Vân, nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Truyền ngôn, thân phụ của bà là cụ Nguyễn Công Hiền, thân mẫu của bà là cụ Phùng Thị Mậu. Khi còn trẻ, Nguyệt Ảnh đã nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp nết na hơn người, đồng thời là một chủ thuyền buôn lớn, mang muối theo dọc các dòng sông Đuống, Thương... bán muối ở mọi vùng đất nước. Là một tuyệt sắc giai nhân, bà được quan quân của vua Trần Anh Tông phát hiện khi thuyền buôn của bà đang đỗ tại bến Long Biên (Thăng Long). Sau đó, bà được vua Trần Anh Tông vời vào cung và được phong là Đệ tam Cung phi (vợ thứ ba của vua). Vì được vua rất sủng ái nên bà đã bị hoàng hậu ghen ghét, đố kị và hãm hại. Bà qua đời khi đang mang thai trên đất Quang Lang, miệng còn nở tươi nụ cười. 

Quang Viện