Thứ 2, 29/04/2024, 18:11[GMT+7]

Vọng lời nước non

Thứ 2, 26/03/2018 | 09:12:00
1,700 lượt xem
730 mùa xuân đã đi qua mà hai câu thơ “lay động đất trời” của vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) khi đem lũ tướng giặc bạo tàn bại trận về làm lễ bái yết tổ tông sau đại thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba năm 1288 tại Thái Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) vẫn sục sôi khí phách chống giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt và nóng hổi tâm hồn thi ca của một dân tộc bất khả chiến bại: “Đất nước hai phen chồn ngựa đá/Giang sơn muôn thuở vững âu vàng”

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), di tích quốc gia đặc biệt, 730 năm trước vua Trần Nhân Tông đã về bái yết tổ tông sau đại thắng giặc Nguyên - Mông.

Là bậc đế vương với một tâm hồn thơ dạt dào, Trần Nhân Tông đột ngột rũ bỏ ngai vàng đi theo con đường Phật pháp, lập nên thiền phái Trúc Lâm với khát vọng nhập thế, cứu đời.

Lần đầu tiên lịch sử phong kiến Việt Nam ghi nhận triều đại nhà Trần là triều đại hưng thịnh nhất kéo dài 175 năm trải qua 14 đời vua. Trần Nhân Tông là đời vua thứ ba. Theo sử cũ ghi lại, vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và có những đóng góp to lớn, thiết thực cho dân tộc. Trần Nhân Tông là vị vua có tâm hồn thi ca, các tác phẩm thơ văn của nhà vua do “Thánh đăng ngữ lục” ghi lại tiêu biểu có Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy hậu lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự và Thạch thất mị ngữ đã bị thất lạc. Còn lại một số bài thơ, bài văn và ngữ lục được chép rải rác lưu truyền đó đây trong nhân gian. Cuộc đời Trần Nhân Tông khi còn ấu nhi đã có những biểu hiện khá rõ nét hơi hướng Phật giáo nhưng khi được ngự ngai vàng quyền lực thì vấn đề quan tâm đầu tiên của nhà vua lại là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của quốc gia Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông là con đầu của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, ông là vị vua anh minh, quả cảm, nhiều lần xông pha trận mạc đánh tan đội quân Nguyên - Mông hung nô thiện chiến, đặc biệt là hai trận chiến vang dội lịch sử vào năm 1285 và năm 1288.

Lịch sử phong kiến cũng ghi nhận Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, một vị tướng tài ba đồng thời cũng là kẻ sĩ có tâm hồn phóng khoáng. Lúc bình sinh, Trần Nhân Tông đã viết bài thơ thiền nổi tiếng vương triều. Nếu được phép so sánh, ta có thể đem bài thơ thiền của vị vua anh minh này so với những chiến công hiển hách hai lần chỉ huy đánh tan giặc Nguyên - Mông (1285, 1288) rất có thể sẽ nhầm lẫn đó là hai con người khác biệt.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hạ xuân tàn.

(Mạn hứng ở sơn phòng - Trần Nhân Tông)

Tạm dịch:

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.

Những câu thơ đọc lên nghe dạt trào nỗi buồn và có vẻ bi ai nhưng thực ra trong thẳm sâu tâm hồn Trần Nhân Tông không hề có tâm trạng bi quan mà chính đây lại là trạng thái “đạt đạo” của một vị vua bình thản trước mọi cám dỗ vật dục. Cũng chính vì “đạt đạo” trong tâm hồn đầy chất thi ca mà vua Trần Nhân Tông có thể nhìn con ngựa đá, linh vật coi sóc tông miếu nhà Trần ở Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà nay) ngả nghiêng lấm bùn đất sau khi giặc Nguyên - Mông tràn vào Đại Việt, chiếm Thăng Long, đào phá lăng mộ nhà Trần ở Thái Đường hòng cắt đứt vận khí tổ tông nhà Trần đã bị quân dân Đại Việt đánh tơi bời tháo chạy (1288), vua Trần Nhân Tông đã quỳ xuống nền đất ẩm ướt bên cạnh linh vật vẫn còn bê bết bùn đất, hậu quả do quân giặc bạo tàn gây ra, lòng nhân từ của vị vua anh minh đã phác họa bức tranh gấm vóc Đại Việt chỉ vỏn vẹn hai câu thơ lắng sâu hồn sông núi, để lại nghìn đời cho cháu con: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Sử cũ chép rằng, năm Mậu Ngọ 1258, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất. Với thái độ ngạo mạn, chúa Mông Cổ là Mông Kha ra lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai, một tên tướng được mệnh danh là “bách chiến bách thắng” đem một đạo quân ngót 3 vạn từ thượng nguồn sông Hồng (địa phận tỉnh Lào Cai nay) tràn vào Đại Việt. Với ý chí quật cường, vua Trần Thái Tông đã nhanh chóng tổ chức chống giặc, giữ nước. Thế giặc mạnh như chẻ tre, quân Mông Cổ hung hãn tiến vào Thăng Long. Trong triều có người lo sợ khuyên vua nên “nhập Tống” (ý muốn nói Đại Việt nên dựa vào thế nước Tống, vì lúc này nước Tống chưa bị tiêu diệt). Vua Trần Thái Tông đem chuyện đó kể với Thái sư Trần Thủ Độ, Thái sư đã khảng khái tấu trình: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Sau đó nhà Trần tổ chức phản công, đánh tan quân giặc ở Đông Bộ Đầu (phía Nam kinh thành Thăng Long). Lễ mừng chiến thắng được tổ chức tại tông miếu nhà Trần ở Thái Đường để báo tiệp, trong niềm hân hoan đại thắng giặc Nguyên - Mông, vua Trần Thái Tông đã truyền ngôi cho con là Thái tử Hoảng, trở thành Thái thượng hoàng. Thái tử Hoảng lấy vương hiệu là Trần Thánh Tông, công chúa Thiên Cảm thành hoàng hậu. Ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ 1258, Thái tử Trần Khâm cất tiếng khóc chào đời. Tương truyền, khi Trần Khâm mới sinh là một cậu bé tai dài, trán rộng, sắc mặt có ánh vàng nên được vua cha gọi yêu là “Kim Phật”. Lớn lên, Thái tử Trần Khâm thông tuệ, học một hiểu mười, văn võ song toàn. Thái tử thường được ông bà nội cho đi lễ Phật trong nội điện và các chùa trong kinh thành, được đọc kinh sách về đạo Phật, do đó tính cách nhân từ thể hiện từ nhỏ. Năm Kỷ Mão 1279, Trần Khâm 20 tuổi, được vua cha truyền ngôi, lấy vương hiệu Trần Nhân Tông. Là vị vua nổi tiếng khoan hòa và nhân ái, Trần Nhân Tông đã thực hiện chính sách đại đoàn kết từ hoàng tộc đến muôn dân bách tính, chăm lo bồi dưỡng sức dân, tuyển dụng và đề bạt người có tài bằng thi cử thay cho chế độ cha truyền con nối và đề cao tinh thần dân chủ.



Nhà văn Võ Bá Cường, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Trần Nhân Tông nổi tiếng là vị vua rất nghiêm minh và có tài trị quốc, an dân. Chuyện xưa kể rằng, ông đã từng phạt trượng quan Châu Diễn là Phí Mạnh về tội tham ô. Nhưng sau khi Phí Mạnh chịu tội và tỏ ra ăn năn, vua đã cho về nơi quan đường tiếp tục làm việc. Phí Mạnh đã trở lại thanh liêm, được dân chúng ca ngợi.Sử sách cũng chép lại chuyện tướng quân Trần Khánh Dư do phạm tội với triều đình đã bị tước quyền, phải về vùng núi Chí Linh làm nghề sơn tràng, bán than làm kế sinh nhai. Khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, vua Trần Nhân Tông vẫn nhớ đến ông, cho vời ra và giao cho ông chỉ huy một đạo quân đánh giặc. Cảm ân nghĩa ấy, Trần Khánh Dư đã anh dũng xông pha nơi chiến trận, lập nhiều công lớn.Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ xuất sắc của thế kỷ XIII. Trong thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do, phóng khoáng của một tâm hồn thi sĩ.


Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

Đọc thơ Trần Nhân Tông ta thấy có điều đặc biệt ẩn chứa trong mỗi câu thơ của vị vua anh minh nhất triều Trần là sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa nghiêm cách cung đình vừa bình dị dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác lẫn với sự từng trải lịch lãm và tâm hồn trong sáng, chân thành.


Nhà giáo ưu tú Vũ Quốc Huệ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ

Dưới thời vua Trần Nhân Tông, lần đầu tiên sử sách nước ta ghi lại việc đọc những chiếu chỉ của triều đình không chỉ bằng ký âm chữ Hán mà cả bằng tiếng Việt, tiếng nói hàng ngày của người Đại Việt thời bấy giờ nhằm làm cho mọi tầng lớp người dân Đại Việt thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau có thể hiểu được nội dung những chính sách liên hệ đến số phận của họ.


Nhà thơ Trần Chính, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

Trong Kiến Văn Tiểu Lục, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đã viết: “Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với đất trời, há phải dễ đời sau sánh kịp”. Được giáo dưỡng trong một môi trường văn hóa của gia tộc, vua Trần Nhân Tông nhận thấy tính bức thiết của việc phải đề ra được một giải pháp đại đoàn kết vừa có lợi cho nước, cho dân vừa có ích cho đạo.


Quang Viện

  • Từ khóa