Thứ 2, 29/04/2024, 20:24[GMT+7]

Huyền tích làng Cọi

Thứ 2, 02/04/2018 | 08:58:57
8,985 lượt xem
Làng Cọi hay còn gọi là Cọi Khê hoặc Hội Khê thuộc xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư từ thuở xa xưa đến nay vẫn lưu truyền huyền tích kể về cuộc chiến đổi chủ chiếc nỏ thần của An Dương Vương được thần Kim Quy cho chiếc móng làm lẫy nỏ và đáng tiếc thay cũng chính An Dương Vương làm tuột khỏi tay chiếc nỏ thần vì “sơ ý”, nỏ đã rơi vào tay Triệu Đà. Theo huyền tích, nếu nỏ thần Kim Quy rơi vào tay ai thì người ấy được quyền làm chủ nỏ thần và đương nhiên người ấy có thế lực siêu phàm cai trị thiên hạ.

Cụm đền, đình Cọi Khê nơi truyền ngôn dấu tích An Dương Vương được thần Kim Quy đón đưa về thủy cung.

Sử cũ ghi vì không thắng được An Dương Vương trên chiến trường nên Triệu Đà xin hòa và sai con trai là Trọng Thủy đến làm con tin ở triều đình An Dương Vương. Trọng Thủy dần dà chiếm được lòng tin của An Dương Vương nhờ chiếm được trái tim và tình yêu trong trắng của con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Lại cũng nhờ Mỵ Châu mà Trọng Thủy lân la tìm được kho vũ khí của An Dương Vương nơi cất giấu chiếc nỏ thần bao lần đánh tan quân Triệu. Trọng Thủy đã chiếm đoạt niềm tin thơ ngây của Mỵ Châu để rắp tâm đánh tráo bằng được nỏ thần mang về cho vua cha Triệu Đà, tình thế khiến cho An Dương Vương không còn cơ hội chống đỡ. An Dương Vương bại trận thê thảm phải bỏ chạy về hướng biển đem theo công chúa Mỵ Châu, người con gái mà An Dương Vương rất mực yêu thương. Đến địa phận làng Cọi, cuộc chiến giằng co quyết liệt, cuối cùng An Dương Vương thua trận và được thần Kim Quy từ biển nổi lên giải thoát đón đưa về Thủy cung.

Các bậc cao niên làng Cọi kể lại rằng, từ ngày xửa, ngày xưa làng Cọi vốn là bãi biển sình lầy, lau lách. Ở giữa làng Cọi từ xưa có một ngôi đền nhỏ thờ thần hoàng làng là An Dương Vương, các cụ xưa gọi tên là đền “Loa Thành”, nhân dân ngày nay quen gọi là đền “Cây Hến” bởi nền đất của đền chỗ nào bới lên cũng có vỏ hến, nếu đào sâu hơn lớp đất dưới nền đền lên là có lớp vỏ hến dày đến cả mét, còn cây cổ thụ xanh tốt quanh năm đó là bằng chứng sát thực chứng minh làng Cọi xưa từng là bờ biển! 

Theo các tài liệu khảo cứu, huyện Chân Định khoảng những năm 221 - 206 trước Công Nguyên (TCN) là địa danh thuộc đất Thái Bình ngày nay và phải mất khoảng thời gian gần hai nghìn năm tới thời Nguyễn (thế kỷ XIX), niên hiệu Thành Thái (1889), huyện Chân Định mới đổi thành huyện Trực Định thuộc phủ Kiến Xương. 

Nhìn trên bản đồ, cách làng Cọi theo đường chim bay không bao xa là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế là bằng chứng rõ ràng rằng Chân Định thời kỳ An Dương Vương là địa danh một huyện trên đất Thái Bình. 

Theo truyền ngôn, sau khi chiến thắng An Dương Vương, Triệu Đà đi đến làng Đồng Xâm gặp người con gái đẹp người, đẹp nết, quyến luyến liền lấy làm vợ, phong làm Hoàng hậu Trình Thị. Các tục lệ làng Cọi xưa còn trong tiềm thức của các bậc cao niên phần nhiều mang tính sơ nguyên. Hội làng Cọi đầu xuân thường gọi là hội Lơ làng Cọi, hội có tục trừ ma, đuổi quỷ rất ly kỳ. Sau những trò diễn xướng dân gian như đấu võ, bắn cung, múa kiếm… dân làng liền cầm đuốc chạy theo thầy phù thủy của làng vào đình để xua đuổi ma quỷ. 

Tục truyền, An Dương Vương từng chỉ huy quân lính giao tranh ác liệt với quân Triệu Đà ngay trên đất làng Cọi Khê. Vô số binh sĩ của cả hai bên tử vong đã hóa thành những cô hồn luôn hiện về gây tai ương, dịch bệnh cho dân làng, cho nên hội Lơ đầu xuân năm mới có phần diễn trò trừ ma, đuổi quỷ. Rất tiếc hội Lơ bây giờ chưa phục dựng được các trò diễn xưa cũ. Trước đây, trong phần khai hội, một cái bồ đựng chín loại lá có gai như dứa dại, bồ kết, tầm xuân, xương rồng… được nhóm người mang đi dọc đường làng, ngõ xóm cùng đám đông hô hoán, gõ trống, phách… làm náo động cả làng quê rồi đốt các loại lá gai sắc, lấy tro rắc dọc đường làng để trừ ma, đuổi quỷ. Sau tục trừ ma, đuổi quỷ trên đường làng là cuộc đua trải trên sông. Chiêng, trống nổi lên vang động làng trên, xóm dưới, dưới sông trải nọ đuổi trải kia y như cuộc chiến thủy quân của An Dương Vương truy kích quân Triệu Đà. 

Hội Lơ làng Cọi còn có tục tung kén, già sát mang đậm màu sắc phồn thực. Người làng Cọi đẽo cành xoan, cành dâu thành một trăm cái kén giống y như kén tằm nhưng kích thước lớn gấp nhiều lần kén thực. Làng chọn một số cụ cao niên, có uy tín tung kén lên, dân làng dự hội lao vào cướp kén. Ai cướp được kén mang về cắm ra ruộng dâu, dâu xanh mướt lá, cắm xuống ruộng lúa, lúa trĩu hạt nặng bông, giắt lên mái nhà, nhà đầm ấm vui tươi, con đàn, cháu đống, thịnh vượng, an khang… Giắt vào nong kén, một nong kén bằng chín nén tơ… 

Ngoài ra, hội làng Cọi còn có tục trình nghề dệt vải của sáu giáp trong làng được tổ chức ngay trước cửa đình. Các khung dệt được người dân dựng lên bên hồ nước trước cửa đình, vào cuộc thi, các cô gái làng Cọi tay thoăn thoắt đưa thoi. Vải làng Cọi đi khắp miền đất nước, gái làng Cọi vừa xinh, vừa giòn nên dân gian lưu truyền câu ca: “Nhất ngọt là mía làng Niềm/Trai khôn Tống Vũ, gái mềm Cọi Khê” là như vậy.

Ngày nay, đình làng Cọi vẫn thờ thành hoàng là An Dương Vương nhưng phối thờ công chúa Mỵ Châu (trước kia thờ ở miếu Bà cũng ở làng Cọi) và Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đôi câu đối trước cửa đền sau đình làng Cọi phần nào giải nghĩa về huyền tích vẫn lưu truyền bấy nay:

Nam thiên tú khí tài vô tỉ

Bắc địa uy danh thế mạc đương

Dịch là:

Trời Nam tụ khí tài vô địch

Đất Bắc uy danh thế giám đương

Các bậc cao niên làng Cọi vẫn ý niệm rằng con người làng Cọi đa nghề không hẳn là vì họ đa tài mà phần nhiều nhờ vào thế đất tụ khí của làng.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam khẳng định Triệu Đà là một nhân vật có thực và đã dành riêng một chương để chép về kỷ nhà Triệu trong đó Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) được xem là người khởi lập một triều đại mới trên đất nước ta. Cuộc chiến giữa An Dương Vương và Triệu Đà cũng được sử sách ghi chép dưới nhiều dị bản, còn cuộc chiến Triệu Đà và An Dương Vương tại đất làng Cọi Khê thì nhuốm màu huyền thoại, nhưng ở làng Cọi đầu xuân có hội Lơ, lại có những di tích lịch sử cổ xưa như đền Loa Thành, đền, đình Cọi Khê thờ An Dương Vương, miếu Bà thờ Mỵ Châu đã minh chứng cho những câu chuyện kỳ bí của làng.
l
Cựu chiến binh Vũ Anh Phúc, làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư

Trong đời sống tâm linh, An Dương Vương đối với nhân dân làng Cọi Khê, xã Vũ Hội là thần hoàng (đền Loa Thành) và thành hoàng làng (đình Cọi Khê). Theo sử chép thì An Dương Vương cai trị nước Âu Lạc khoảng 50 năm, đáng chú ý nhất là công lao chế tác vũ khí và xây thành ốc của tướng quân Cao Lỗ, thời gian còn lại là những trận chiến thương vong. Trên khắp nước Đại Việt ta từ xa xưa có nhiều địa danh thờ An Dương Vương nhưng chỉ có làng Cọi Khê có lễ hội Lơ đầu xuân (bây giờ không tổ chức được) có tục trừ ma, diệt quỷ xuất phát từ sử ký về những trận chiến giữa An Dương Vương và Triệu Đà, phần nào khắc họa bức tranh đại cục bại trận của An Dương Vương.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Tuệ, làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư

Các cụ nhà tôi xưa kia mỗi độ tết đến, xuân về vẫn thường chuẩn bị những vật dụng phát ra âm thanh như chiêng, trống, mõ, thanh la… để khi tham gia lễ hội Lơ là khua chiêng, gõ mõ xua đuổi tà ma. Tôi đọc trong sử sách thấy thời kỳ dựng nước Việt ta có nhiều thành tựu lớn, trong đó hai thành tựu cơ bản nhất là đã tạo dựng được một nền văn minh sông Hồng rực rỡ và hình thái nhà nước sơ khai là nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Đền, đình làng Cọi thờ thần hoàng, thành hoàng làng An Dương Vương như bằng chứng hùng hồn xác nhận thời đại Hùng Vương - An Dương Vương là những thời đại có thật và chứng minh rằng chúng ta có một bề dày lịch sử dựng nước, giữ nước và một nền văn hiến truyền đời.
Bà Mai Thị Thanh, làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư

Đền, đình làng Cọi thờ thần hoàng, thành hoàng làng An Dương Vương thật tối linh, tối hảo. Từ ngày còn trẻ tôi vẫn thuộc làu câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Tôi kể chuyện xưa, chuyện Mỵ Châu/Trái tim lầm lỡ để trên đầu/ Nỏ thần sơ ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Câu chuyện An Dương Vương chạy đến bên bờ biển được thần Kim Quy đón xuống thủy cung cũng rất có thể là địa điểm làng Cọi của chúng tôi.

Quang Viện