Thứ 2, 29/04/2024, 17:19[GMT+7]

Chuông vàng nội ô

Thứ 2, 23/04/2018 | 08:56:02
1,858 lượt xem
Hiếm có ngôi chùa cổ nào giữ được tên gọi của một làng cổ tên Nôm như chùa Lộng làng Cự Lộng trên vùng đất gắn kết nhiều địa danh cổ như Bo, Kỳ Bố, Lạc Đạo… Đặc biệt chùa Lộng còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm về lịch sử làng Cự Lộng thế kỷ XVII…

Theo sử cũ, thời Hùng Duệ Vương, nhà nước Văn Lang phân định ngôi vị cho quan văn là Lạc Hầu, quan võ là Lạc Tướng, dân trăm họ là Lạc Dân, đất canh tác là Lạc Điền, đất ở là Lạc Thổ thì vùng đất Lạc Đạo ngày ấy (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) đã có 1 trong 50 người con của mẹ Âu Cơ về khai phá đầm, bãi gieo trồng, đánh bắt tạo thành làng mạc trù phú với những ruộng lúa, nương dâu tốt tươi, hình thành trang Đậu (ngã tư Đậu) với các địa danh Lạc Thổ (phía Bắc), Lạc Điền (đất trồng lúa), Lạc Chính (đất trung tâm), Lạc Phú (cực Bắc phường), Lạc Đạo thủy cơ phường (làng chài Cự Lộng), Đồng Lạc hay còn gọi là Tam Lạc và đạo trưởng cai quản, chăm sóc lạc dân…

Kể từ thuở “mang gươm đi mở đất”, 1 trong 50 người con của mẹ Âu Cơ đưa người từ núi Nghĩa Lĩnh về miền châu thổ sông Hồng khai phá đầm, bãi, tạo dựng cơ nghiệp của tổ tiên. Thời kỳ hậu Hùng Vương vùng đất Lạc Đạo đã có Lạc Thổ cho dân ở, Lạc Điền cho dân cấy cày… 

Các truyền ngôn và thư tịch cổ cho thấy vào đầu công nguyên Lạc Đạo đã có người giàu sang, giấu của, có chùa, có mộ hoành tráng. 

Theo cuốn “Thần tích Trần Minh Công” thì đến đầu thế kỷ thứ X (sau công nguyên) Lạc Đạo trở nên trù phú bên bờ biển Đông và trở thành Kỳ Bố Hải Khẩu, một trong vài thương cảng lớn trong toàn cõi An Nam, trở thành cứ địa của tướng công Trần Lãm. Cát cứ của Trần Lãm cũng nhanh chóng được Đinh Bộ Lĩnh từ Tràng An sang nương nhờ làm điểm tựa để dẹp loạn mười hai sứ quân rồi xưng vương. 

Theo cuốn “Xã chí xã Vũ Lãm” thì Bố Hải xưa (nay là địa phận phường Kỳ Bá và Trần Lãm) là nơi tiêu nước của dòng Lãng Khê. Sách cũng chép dòng Bạch Lãng (sông Trà Lý nay) cũng chính là tên một địa danh cổ xưa trên đất Lạc Đạo. Tại làng Lạc Đạo (nay là khu Lạc Đạo, phường Trần Lãm) có ngôi chùa cổ kính, tên Nôm gọi là chùa Ngàn, tên chữ là Viên Quang tự. Trong chùa có đôi câu đối:

Lạc Đạo kiến già lam sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự
Bồ tân duyên Bố Hải phàm kinh độ Ấn Hồ tăng.

Tạm dịch là:

Dựng chốn tổ ở Lạc Đạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang
Bến Bồ theo cửa Bố Hải, thuyền các nhà sư Ấn Hồ (Ấn Độ) đã qua đây.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ thế kỷ I (sau công nguyên) đất Lạc Đạo (nay là phường Trần Lãm) vốn là nơi tụ hội của nhiều dòng dân di cư. Do lợi thế về đất đai trù mật, dân cư đông đúc, lại có dòng Bạch Lãng (sông Trà Lý nay) chảy kế bên, cách không xa là dòng Hồng Hà nối Bố Hải khẩu với thành Thăng Long nên các thuyền bè thương lái qua đây tấp nập. Đi cùng với thương gia, nhiều thuyền của các đạo sĩ Ấn Độ sang truyền giáo ở xứ Giao Châu cũng vì thế mà ghé qua Lạc Đạo. Bỗng nhiên Lạc Đạo trở thành trung tâm truyền giáo đạo Phật, sau đó từ Lạc Đạo các thuyền truyền giáo tiếp tục ngược sông Trà Lý ra sông Hồng lên phía Bắc và về thành Luy Lâu (Bắc Ninh). Bên cạnh làng Lạc Đạo là làng Cự Lộng tương truyền nơi đây là cửa Long Vương (thần sông biển), dân khắp nơi kéo đến Cự Lộng (làng chài cực lớn) làm nghề đánh bắt cá. Ngày đẹp trời, những con thuyền từ Cự Lộng thẳng tiến ra biển. Ngày động trời, dân chài lui thuyền vào Cự Lộng đánh bắt cá nước ngọt. Cự Lộng còn có tên gọi khác là Lạc Đạo thủy cơ phường. Đến thời Lý Thánh Tông, vua ban chiếu đắp đê sông Bạch Lãng (Trà Lý) xuống đến tận cửa Đại Toàn (Thái Phúc, Thái Thụy nay) khiến cho làng Cự Lộng thành đầm kín trong đê. Thế kỷ XV - XVII, triều Lê, quá trình biển lùi cộng với sự bồi đắp của hệ thống sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý mà Cự Lộng dần dần thành vùng đất cao, cư dân sung túc, lại được chính sách của triều đình cho phép dân chài mua đất neo thuyền tránh bão, mua thổ lập nhà nên nhiều dân chài Cự Lộng đã bỏ nghề lên bờ trồng lúa nước, một số theo dòng Trà Lý xuống vùng Văn Chàng, Bến Trấn (Thụy Liên, Thái Thụy nay) tiếp tục làm nghề chài lưới.

Có ngôi chùa cổ được xây dựng muộn hơn chùa Ngàn ở làng Lạc Đạo, văn bản Hán Nôm khắc trên cây hương đài trước cửa chùa có ghi vào thế kỷ XVII, năm Ất Dậu (1705), đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất Cự Lộng cũng là điểm dừng chân của nhiều chuyến thuyền truyền chân giáo. Có đạo sĩ ngắm nhìn thế đất làng Cự Lộng là nơi cồn cao, có nhiều lạch sông nhỏ chảy uốn khúc như rồng bò, đỉa lội, chỗ thắt miệng túi, chỗ uốn hình sin, nhân dân quen gọi là dòng 99 khúc… liền vận động dân chúng dựng chùa. 

Theo truyền ngôn có 18 vị tăng và chức sắc đã cùng dân làng Cự Lộng quyên góp tiền của dựng xây Tam bảo, tên Nôm gọi là chùa Lộng, tên chữ là Phổ Ân tự. Đến năm Bính Tuất (1706) chùa đã dựng xong. Năm Canh Dần (1710), ông Phạm Hữu Phúc và vợ là Nguyễn Thị Hoàng đã hưng công lập cây hương đài ghi danh công đức xây dựng chùa Lộng, lưu truyền hậu thế. Chùa đón sư ông Lương Công Hằng, đạo hiệu Huyền Chân tự Pháp Huy về trụ trì. Theo các tàng thư, làng Cự Lộng xưa là ngư trường đánh bắt thủy hải sản lớn nhất ven sông Tiểu Hoàng thời cổ. Cánh đồng Cự Lộng hiện nay sát cạnh đê Trà Lý mùa mưa nước ngập ngút đầu người là dấu tích cổ xưa của một vùng sông nước mênh mông. Chùa Lộng được dựng trên gò đất cao nhất thời bấy giờ, cửa mở hướng nhìn về Tây phương, phía sau có dòng Bạch Lãng chảy uốn quanh, chiều tà tiếng chuông chùa Lộng ngân vang lay động dòng Bạch Lãng.

Trải qua các đời vua Tự Đức (1852 - 1865), vua Thành Thái (1893), vua Duy Tân (1913) và vua Bảo Đại (1937) các triều đều có sắc phong cho chùa Lộng, thời này các tín đồ Phật tử và nhân dân thập phương đã tôn tạo chùa Lộng to đẹp hơn. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1950 - 1954), chùa Lộng là cơ sở hoạt động cách mạng của chi bộ đảng, của bộ đội và dân quân, du kích Trần Lãm.

Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Hiếm có ngôi chùa cổ nào giữ được tên gọi của một làng cổ tên Nôm như chùa Lộng làng Cự Lộng trên vùng đất gắn kết nhiều địa danh cổ như Bo, Kỳ Bố, Lạc Đạo… Đặc biệt chùa Lộng còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm về lịch sử làng Cự Lộng thế kỷ XVII… Lúc đầu xây dựng chùa gồm 3 gian, hai chái và tam quan. Đến thời Nguyễn, chùa được tôn tạo gồm 3 gian bái đường, 3 gian phật điện, mái chảy, hồ văn 5 đấu, khung kiến trúc bằng gỗ lim, cạnh chùa có 3 gian thờ mẫu. Giữa ồn ào, náo nhiệt chốn thị thành, chùa Lộng vẫn ung dung tự tại chiều chiều điểm tiếng chuông ngân làm cho nhịp sống như có phần chậm lại.
Ni sư Thích Đàm Tuyến, trụ trì chùa Lộng, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Chùa Lộng tên chữ là Phổ Ân tự, xưa thuộc thôn Cự Lộng, xã Lạc Đạo, phủ Kiến Xương, huyện Vũ Tiên, nay thuộc tổ 4, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Chùa theo phái “Tam giáo đồng nguyên” do vậy còn có tên gọi nữa là Công đồng bản phủ. Mấy năm gần đây, nhà chùa đã cùng tín đồ Phật tử tích cực tôn tạo chùa khang trang hơn, đã xây dựng tường bao viên, xây 3 gian nhà thờ tổ, 2 gian tăng xá, tô lại tượng, tạo tác hai pho Hộ pháp, đúc quả chuông mới nặng hai tạ, tu tạo chùa chính, phủ Công đồng và Tam tòa thánh mẫu.
Ông Vũ Đình Y, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Chùa Lộng đạt danh hiệu “Chùa cảnh 4 gương mẫu” do Ủy ban MTTQ tỉnh trao tặng năm 2015, nhà chùa cùng tín đồ Phật tử trong và ngoài tỉnh không những tích cực mở lòng hảo tâm công đức xây dựng chùa mà còn đoàn kết, gương mẫu trong làm ăn, phát triển kinh tế, cùng nhau thực hiện tốt Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, xây dựng chùa Lộng 10 năm liền đạt danh hiệu “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, trở thành danh thắng của thành phố Thái Bình.
Ông Phạm Cao Xạ, trưởng ban khánh tiết chùa Lộng, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình
Chùa Lộng còn lưu giữ được bia đá, chuông đồng, tượng pháp cùng nhiều hiện vật cổ từ thời kỳ xây dựng chùa thế kỷ XVII, mấy năm gần đây thực hiện chủ trương xã hội hóa và những tấm lòng thiện nguyện của nhân dân xa gần, chùa Lộng đã mở rộng được không gian, xây dựng và cải tạo gác chuông, hồ cảnh, tượng phật bà Quan Thế Âm đã hoàn nguyện.

Quang Viện

  • Từ khóa