Thứ 2, 29/04/2024, 15:23[GMT+7]

Hẹn ước ở chân trời

Thứ 6, 27/04/2018 | 11:05:02
1,025 lượt xem
Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng (1986) diện mạo nông thôn mới ở Tiền Hải hôm nay đẹp như một bức tranh...

Vân Trường (Tiền Hải) duy trì nghề mây tre đan, giải quyết việc làm cho 30% lao động toàn xã.

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã “hạ” quyết tâm “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại” tiếp tục công cuộc khẩn hoang, chinh phục thiên nhiên, quai đê, lấn biển mở rộng diện tích đất đai, vươn khơi phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Gần sát ngày Quốc giỗ 10/3 âm lịch, đoàn nhà báo Hội Nhà báo Thái Bình và Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình chúng tôi có dịp thực địa miền đất trước biển Tiền Hải, nơi sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa và tiếng trống năm 30 vẫn còn lay động để cảm nhận sự đổi thay của mảnh đất kiên cường với những con người quật cường trong gian khó vươn lên xây dựng nông thôn mới. 

Tại hội trường tầng 3 trụ sở Huyện ủy Tiền Hải, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Giang cùng các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tiền Hải thân mật tiếp đoàn nhà báo chúng tôi. Với chất giọng ấm áp, truyền cảm, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải đã thông báo vắn tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được năm 2017, kế hoạch kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2018).

Nhắc đến Tiền Hải người ta nghĩ ngay đến những cuộc khẩn hoang vĩ đại, đắp đê trị thủy cốt tử trong lịch sử để tạo dựng nên vùng đất trù mật. Trong cuốn “Nolice sur la province de Thai Binh”, tạm dịch là lược khảo về lịch sử Thái Bình do thực dân Pháp xuất bản hồi đầu thế kỷ XX có nhận định như sau: “…do các sông lớn bồi trúc liên tiếp đất phù sa, hiện tượng đất liền lấn ra biển tiếp tục diễn biến hàng ngày. Người ta đã tính rằng ở huyện Tiền Hải cứ trong mười năm đất liền lại lấn ra biển khoảng 600 mét”. 

Theo nghiên cứu của nhiều sử gia, nhận định của thực dân Pháp lúc đó đủ chính xác cũng nhằm mục đích phục vụ cho chính sách cai trị, vơ vét của cải của thực dân Pháp ở đất nước ta nói chung và Thái Bình nói riêng. Có điều không phải bàn là nhân dân lao động cần lao không riêng ở Tiền Hải luôn có ý thức làm chủ cuộc sống của mình, họ hiểu rõ hoàn cảnh thiên nhiên nơi mình đang sinh sống và người dân Tiền Hải bao đời nay vẫn hằng mơ ước có một ngày hai cửa sông lớn chở nặng phù sa bồi đắp lên bờ bãi Tiền Hải là sông Lân và sông Trà Lý sẽ gặp nhau, đồng đất Tiền Hải sẽ được mở rộng ra hướng biển, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc tràn đầy:

Bao giờ Lân, Lý giao nhau

Tiền Hải sẽ có võng đào mà ru

Bước sang thế kỷ XVII, cuộc phân tranh Lê - Trịnh đã đẩy đất nước ta chìm đắm trong cuộc nội chiến tương tàn, người dân loạn lạc, do vậy việc khai hoang lập địa hầu như không ai để ý. Đến thời Nguyễn thế kỷ XVIII, với chủ trương “dĩ nông vi bản” nên các mặt thủy lợi, khai khẩn đất hoang để phát triển nông nghiệp mới được chú trọng. Triều đình nhà Nguyễn chủ trương nắm quyền chỉ huy, đôn đốc tổ chức và cấp kinh phí cho nông dân nghèo khai khẩn đất hoang. Hình thức khẩn hoang này được áp dụng lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước ta lại chính là cuộc khai hoang ở Tiền Hải năm Mậu Tuất (1828) trên cơ sở sớ tấu của quan Tả Thị lang bộ hình Nguyễn Công Trứ. Bản sớ tâu rõ: “Hiện ở Nam Định các huyện Giao Thủy, Chân Định, ruộng bỏ hoang mênh mông bát ngát không biết mấy ngàn mẫu, nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn. Thêm nữa bãi Tiền Châu hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay cho khai hoang lập làng, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”. Từ mối lợi đó, Nguyễn Công Trứ đề nghị cụ thể: “Những đất hoang có thể khai khẩn được thì cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi cùng làm... Mộ được 50 người thì thành lập một làng cho làm lý trưởng. Mộ 30 người thì lập một ấp cho làm ấp trưởng. Mọi nhà đều được chia đất, cấp tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo, lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn. 3 năm thành ruộng chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc đề phòng năm mất mùa cho dân vay...”. Tờ sớ của Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn cho các đình thần bàn, cuối cùng nhà vua đã chuẩn y giao cho Nguyễn Công Trứ chức Doanh điền sứ để tổ chức việc khai hoang. 

Theo các tài liệu khảo cứu, vùng Tiền Châu từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX lẻ tẻ đã có người đến khai khẩn. Dân An Tứ hạ khai khẩn lập ra thôn Bát Cấp và An Phú. Các làng Đại Hoàng, Tiểu Hoàng, Thư Điền mở rộng khai khẩn lập ra các ấp trại ở ngoại đê Hoàng Môn, Diêm Trì. Làng Dũ Liễu trước đây ở sát làng Thần Huống huyện Thanh Quan cũng phát triển ra vùng đất bồi ở sông Trà Lý, lập ra làng Trà Lý vừa làm ruộng vừa đánh cá. Làng Dương Liễu Cả mở rộng khai hoang, lập ra làng Dương Liễu Trại (tức làng An Nhân). Người làng Bắc Trạch (xã Vân Trường nay) tiếp tục khai khẩn vùng đất cửa Lân lập ra các họ giáo Nam Trại (tức Nam Trạch). Nhiều dòng họ từ làng Cựu Trình Phố - An Hạ tiếp tục khai khẩn cửa Lân, Thanh Châu, Châu Nhai (xã Nam Thanh)…

Cuộc khẩn hoang nhằm giải quyết nhu cầu ruộng đất cho nông dân lưu tán nhằm dập tắt mầm mống chống đối nhà nước phong kiến do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ huy cuối thế kỷ XVIII đã để lại cho hậu thế cả một vùng đất lạc quyên. Chỉ trong 6 tháng của năm Mậu Tuất (1828) diện tích đất mới được khẩn hoang, thành lập của Tiền Hải đã đạt 18.900 mẫu, 2.300 suất đinh, 7 tổng, 40 làng, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp (văn tự khắc trên bia đá ở làng Tiểu Hoàng). Thời đó, Tiền Hải nằm trong khu vực nước thủy triều mạnh, có độ cao trung bình từ 1,9m đến 2,4m, trong khi độ cao cốt đất của Tiền Hải chỉ đạt 0,4m ở vùng thấp, 0,9m ở vùng cao nên việc đắp đê ngăn nước mặn là một công trình cốt tử. Ngoài đắp đê ngăn mặn, đê ngăn lũ sông Lân, sông Trà, sông Hồng… cũng quan trọng không kém. Việc trị thủy luôn gắn với việc khai khẩn đất đai ở Tiền Hải và bao khó khăn, gian khổ, rủi ro luôn thách thức những con người “ăn sóng, nói gió” nơi đây, bản lĩnh kiên cường giúp họ bấm chặt bàn chân chìm trong đất, trọn một đời “sống ngâm da, chết ngâm xương” nơi Tiền Châu này.

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải

Mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Tiền Hải luôn đạt hai con số, năm 2017 tăng trưởng khá cao, đạt trên 13%, thuộc tốp đầu của tỉnh. Huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi 100ha đầm nuôi tôm công nghệ cao cho giá trị kinh tế lớn. Mở rộng xuất khẩu thủy hải sản sang các nước Đông Âu. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có 27/34 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 16 xã nằm trong khu kinh tế Thái Bình. Hai lĩnh vực ưu tiên đầu tư là giao thông và trường học cùng với nhiều chủ trương phát triển kinh tế bền vững khác đang được triển khai bước đầu có hiệu quả.

Nhà văn Võ Bá Cường, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Tôi gắn bó với huyện Tiền Hải từ những năm 80 của thế kỷ XX, ngày ấy chỉ với 3kg thóc giống do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng huyện đã nhân giống và nhân điển hình gieo trồng giống mới giúp Tiền Hải trở thành huyện 5 tấn của tỉnh. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, diện mạo nông thôn Tiền Hải đã có bước tiến rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều người giàu lên từ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Về Tiền Hải hôm nay, tôi rất mừng vì những điều mắt nhìn thấy, tai nghe được.
Đồng chí Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Ngoài nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều xã trong huyện còn tích cực phát triển cây màu vụ đông đem lại thu nhập cao như xã Vân Trường. Hiện có 11ha đất canh tác được một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư công nghệ cao vào gieo trồng thực phẩm sạch.

Linh mục Trần Trung Hà, giáo xứ Bắc Trạch,xã Vân Trường, huyện Tiền Hải

Tôi thực lòng phấn khích với kết quả xây dựng nông thôn mới ở Tiền Hải nói chung và giáo xứ Bắc Trạch, xã Vân Trường nói riêng. Đời sống nhân dân trong xã không ngừng được mở mang, văn minh, hạnh phúc, no ấm và không tệ nạn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Hữu Phung, Chủ tịch UBND xã Vân Trường, huyện Tiền Hải

Trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, chúng tôi chú trọng quy hoạch vùng chuyên canh màu chất lượng cao đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời tích cực chuyển dịch cơ cấu giống, tăng cường xen canh lúa và hoa màu, xử lý tốt vấn đề rác thải, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Quang Viện