Thứ 2, 29/04/2024, 21:22[GMT+7]

Nhớ Điện Biên Phủ trong ngày đại thắng

Thứ 2, 07/05/2018 | 08:04:59
6,780 lượt xem
Tháng 5, cả nước hướng về Điện Biên Phủ - nơi 64 năm trước (1954) đã diễn ra chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt sự cai trị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.

Di tích đồi A1.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cả nước dành hết mọi nguồn lực chi viện sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ đánh thực dân Pháp. Nhiều người Thái Bình cũng tham gia chiến dịch năm đó. 64 năm đã qua nhưng những kỷ vật thời chiến như chiếc bi đông, ăng gô, chiếc áo trấn thủ, mảnh dù của quân Pháp đến nay vẫn được các cựu chiến binh (CCB) tham gia chiến dịch năm đó lưu giữ cẩn thận cùng những câu chuyện ở chiến trường khiến chúng tôi cũng như được hòa mình vào không khí ngày chiến thắng 7/5/1954. 

Khi đó, quân đội Pháp xây dựng một pháo đài quân sự xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ với 3 phân khu: Bắc, trung tâm, Nam. Chúng cho san phẳng mọi chướng ngại vật xung quanh để tạo tầm nhìn và tầm tác chiến, điều đó đồng nghĩa với việc quân đội ta muốn tiến lại gần sẽ hết sức khó khăn bởi những bẫy mìn, bẫy dây thép gai chằng chịt cùng một khu căn cứ chiến lược được xem là “pháo đài bất khả xâm phạm” lúc bấy giờ. 

Về phía Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không khí chiến đấu hừng hực ngút trời. Các chiến sĩ của ta đã xây dựng một giao thông hào bao vây lòng chảo Điện Biên Phủ; từng tấn vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm từ dưới xuôi được vận tải bằng những chiếc xe đạp Peugeot thồ từ 200 - 300kg hàng và được đẩy bằng sức người tiếp tế cho quân ta là những đóng góp hết sức quan trọng cho lực lượng đánh Pháp. 

Góp sức cùng đồng đội chi viện cho Điện Biên Phủ, CCB Ngô Duy Phương (xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải) cho biết: Khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra, tôi nhận lệnh tham gia vận chuyển từng chuyến hàng đến các đơn vị để chi viện cho quân ta đánh Pháp. Khí thế lúc đó sôi sục lắm, mọi người ai cũng hiểu được tầm quan trọng của chiến dịch nên quyết tâm dành hết sức lực để chi viện cho tiền tuyến. Có những đồng chí ăn không đủ no, người gầy rọp lại nhưng vẫn nhường nhu yếu phẩm cho đồng đội tẩm bổ lấy sức chiến đấu.

Tại Điện Biên Phủ, quân đội Pháp huy động tới hơn 17.000 quân, trong đó có 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm, 1 đại đội pháo 155mm được xem là những đơn vị tác chiến tầm xa có hỏa lực mạnh và hiện đại nhất lúc bấy giờ. Để ứng phó với hỏa lực mạnh của địch, ngay từ năm 1953, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bí mật thành lập những tiểu đội pháo cao xạ, chính điều đó đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử ngày 7/5/1954 của quân và dân ta.

CCB Nguyễn Đình Liệu (tổ 2, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Sau khi cùng Sư đoàn 308 của ta giải phóng 2 tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Lào), tôi nhận nhiệm vụ bí mật sang Bằng Tường (Trung Quốc) tham gia huấn luyện và xây dựng 6 tiểu đội pháo cao xạ 37mm. Sau khi huấn luyện xong, chúng tôi hành quân vào trận địa, lúc bấy giờ việc di chuyển những khẩu pháo cao xạ hết sức khó khăn bởi quân Pháp liên tục cho máy bay tuần tra khắp các dãy núi. Chúng tôi phải liên tục thay lá cây ngụy trang cho pháo và người bởi nếu chỉ cần phát hiện một dấu hiệu nhỏ là ngay lập tức máy bay địch sẽ tiếp cận thả bom.

Những kỷ vật gắn liền với thời kháng chiến của các cựu chiến binh.

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh: “Chiến dịch lịch sử bắt đầu, pháo binh bắn, bắn thật mạnh, bắn cấp tập”; cùng lúc đó, toàn bộ lực lượng pháo binh của ta đồng loạt nã đạn vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiều cứ điểm của quân Pháp bị tiêu diệt, hệ thống giao thông hào của ta khi đó như chiếc thòng lọng thắt dần các vị trí xung yếu của địch. Máy bay Pháp dù có thả dù tiếp tế nhưng phần lớn rơi vào tay quân ta khiến quân Pháp vô cùng hoảng sợ. 

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt từng bộ phận, từng cứ điểm của quân Pháp khiến hàng vạn quân địch khiếp sợ đầu hàng. 

Thời khắc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 đã đi vào lịch sử khi khối bộc phá làm rung chuyển căn cứ chỉ huy của địch tại đồi A1, thổi tung nóc hầm của địch, sóng xung kích khiến cho nhiều bẫy dây thép gai bị phá vỡ, mở rộng đường tiến công cho quân ta. 

Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát, đánh dấu sự chấm dứt ách đô hộ kéo dài 96 năm của thực dân Pháp. Câu hát “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui...” vang khắp nơi.

Ở Thái Bình khi đó không khí vui như ngày hội, CCB Nguyễn Văn Khiết (tổ 28, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) cho biết: Khi biết tin quân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ, anh em chiến sĩ Trung đoàn 50, Quân khu 3 chúng tôi phấn khởi lắm. Anh em chiến sĩ ai cũng thuộc lòng lời bài hát hò kéo pháo, bài hát giải phóng Điện Biên nên ở chỗ nào cũng hát say sưa.

Xe đạp thồ hàng ra chiến trường. Ảnh tư liệu

Đã 64 năm trôi qua, các CCB tham gia giải phóng Điện Biên ngày nào giờ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn nhớ như in thời khắc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Sống với những ký ức hào hùng, những người lính Cụ Hồ tiếp tục phát huy bản chất sáng ngời, hăng hái tham gia các, phong trào, hoạt động của địa phương, góp phần ươm mầm, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tiến Đạt