Thứ 5, 02/05/2024, 02:28[GMT+7]

Biển hát đêm trăng gầy

Thứ 2, 28/05/2018 | 09:56:17
2,303 lượt xem
Thống kê sơ bộ cho thấy có hơn 50 làng ở Tiền Hải tôn thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ làm thành hoàng làng, điều đó cho thấy việc đem lại điền sản, áo cơm cho dân nghèo Tiền Hải đầu thế kỷ XIX đã khiến cư dân nơi đây và nhiều nơi khác ở Thái Bình thuở ấy tôn thờ, coi ông là ân nhân.

Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (thị trấn Tiền Hải).

Kỳ tích khai khẩn đất đai vùng Tiền Châu và dẹp loạn Phan Bá Vành có một không hai trong lịch sử lưu truyền muôn đời nhưng thẳm sâu trong tiềm thức người dân Thái Bình gần 200 năm qua vẫn còn chất chứa ngổn ngang ân sâu, oán nặng…

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là con trai Giáo thụ phủ Anh Sơn (Nghệ An) Nguyễn Công Tấn, sau thăng làm tri huyện Quỳnh Côi rồi lại chuyển làm tri huyện Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay là huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng). Thuở thiếu thời, được theo cha ăn học, thưởng ngoạn thơ văn nên chí khí sớm có phần phát lộ. Lớn lên, ông hay làm thơ và bài thơ “Đi thi tự vịnh” nức tiếng xa gần bởi có hai câu “Đã mang tiếng đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông” vừa là chí khí và động lực phấn đấu đạt vị thế của đấng nam nhi trong xã hội phong kiến, một lời tuyên ngôn đầy tự tin của kẻ sĩ khi “Phải có danh gì với núi sông” nhưng cũng là một “tai ương” cuộc đời của ông. Rất may, chí khí kẻ sĩ có khát vọng lớn ấy đã được “hóa giải” thành công ở mảnh đất đầm lầy, lau lách đầy cọp beo, thú dữ Tiền Châu.

Xưa nay, hễ nhắc đến Tiền Hải người ta thường liên tưởng đến công cuộc đại khẩn hoang với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử lập nên huyện Tiền Hải và dẹp loạn thành công cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ nhưng không mấy ai để ý một điều rất quan trọng quyết định sự thăng hoa nghiệp võ của ông trong khi bình sinh Nguyễn Công Trứ lại là quan văn “mũ cao, áo dài”. 

Đấy chính là sự kiện cậu bé Nguyễn Công Trứ con quan tri huyện Quỳnh Côi Nguyễn Công Tấn cất tiếng khóc chào đời vào một đêm trăng gầy ở huyện đường Quỳnh Côi nơi cha ông tại vị tháng 12 năm 1778, tri huyện Quỳnh Côi liền đặt tên con trai là Củng. Bối cảnh triều hậu Lê cuối thế kỷ XVIII vùng đất tri huyện Quỳnh Côi cai quản đang rạo rực không khí Cần Vương phò vua Lê Chiêu Thống. Ở huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương) có Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ người làng Thanh Nê (nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương) đang giữ chức Hữu Thị lang bộ Lễ, tước Hầu đã thuyết phục vua Lê Chiêu Thống rời bản doanh từ Chí Linh (Hải Dương) về Chân Định. Điều này được ghi rất rõ trong sách “Hoàng Lê nhất thống chí”: “Vua đóng ở huyện Chân Định, dùng nhà Đăng Quỹ làm nơi hành tại. Quỹ đưa con em và người trong họ tới lạy chào, vua đều ban cho quan tước, sau họ đưa nhau đi các làng khác, các huyện chiêu mộ nghĩa dũng. Xa gần nô nức hưởng ứng, đến xin họp quân Cần Vương, hẹn ngày cùng đến, thuyền bè kể có hàng nghìn, quân lính có hàng vạn”. 

Cách huyện đường Quỳnh Côi không xa là làng Hải An (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ) có cử nhân Đoàn Nguyễn Tuấn là con trai Hoàng giáp Tiến sĩ Đoàn Nguyên Thục, anh rể của đại thi hào Nguyễn Du. Cảnh quê thơ mộng, phiêu lãng xui khiến Đoàn Nguyễn Tuấn dựng lều thơ giữa vườn gọi là Phong Nguyệt sào (ổ gió trăng) tụ tập danh sĩ, đàm đạo văn chương thế sự chờ thời. 

Cũng thời điểm đó, Nguyễn Du là đại quan triều đình, là con rể Hoàng giáp Tiến sĩ Đoàn Nguyên Thục vì “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” không biết nên theo nhà Tây Sơn hay phò vua Lê Chiêu Thống đã dạt về đây hưởng “mười năm gió bụi” bần hàn nhưng thơ mộng. Chính “ổ gió trăng” đã giúp Nguyễn Du ký thác tâm sự thành áng văn chương bất hủ “Truyện Kiều”. Quan tri huyện Quỳnh Côi lại là đồng hương với Nguyễn Du vốn là chỗ thân quen của Hoàng giáp Tiến sĩ Đoàn Nguyên Thục vì thế mà tâm giao. Thuở ấy, Nguyễn Công Trứ mới lên chín, mười thường theo cha đến Phong Nguyệt sào ngẫm ngợi thơ văn. Cuối thời cuộc, Đoàn Nguyễn Tuấn vào Phú Xuân theo nhà Tây Sơn, Nguyễn Du tìm đường phò Lê Chiêu Thống, Nguyễn Công Tấn lúc ấy chuyển làm tri huyện Tiên Hưng (1786) xướng nghĩa Cần Vương, được vua Lê Chiêu Thống phong tước Đức Ngạn Hầu, giữ chức Tham tán nhung vụ trấn Sơn Nam. Không lâu sau, nhà Tây Sơn kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh, phong trào Cần Vương tan rã, Nguyễn Công Tấn lui về dạy học ở Hà Tĩnh, Nguyễn Công Trứ theo cha về quê. Cuộc đời Nguyễn Công Trứ tự lập trên một chặng đường mới. Có điều khẳng định hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mà cậu bé Củng cất tiếng khóc chào đời và lớn lên trong thuở hoa niên có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và chí hướng lớn của kẻ sĩ, đau đáu một nỗi niềm “Phải có danh gì với núi sông”. 

Năm 1819, trong cuộc thi Hương ở Nghệ An, Nguyễn Công Trứ mới đỗ Giải nguyên, lúc này ông đã ở tuổi 42. Ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm chức quan Tả Thị lang bộ Hình và quan lộ của ông cũng thăng trầm muôn nỗi. Chính sách hà khắc của nhà Nguyễn lúc bấy giờ khiến nhiều cuộc khởi nghĩa liên tục xảy ra làm cho triều chính nghiêng ngả. Cùng thời điểm, trấn Sơn Nam hạ nổi lên cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, người làng Minh Giám (nay thuộc xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương), vốn là nông dân giỏi võ nghệ đứng ra chiêu mộ nghĩa dũng. Trải dài vùng đất từ làng Minh Giám đến Trà Lũ (Nam Định nay), cuộc khởi nghĩa lan rộng, triều đình nhà Nguyễn điều quân đánh dẹp nhiều lần đều gặp thất bại. 

Triều đình nhà Nguyễn họp bàn, có kẻ nịnh thần đã ngầm tấu với vua Minh Mệnh “thằng Trứ vốn sinh ra ở Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam, thơ văn ngông cuồng “Đã mang tiếng đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”, nên đưa nó về dẹp loạn Phan Bá Vành. Nghe tấu có lý, vua Minh Mệnh liền chỉ dụ Nguyễn Công Trứ: “Ngươi trải làm quan trong ngoài, trẫm vốn biết. Mùa đông năm ngoái, Bắc thành nhiều việc, sai người gấp rút đi đỡ việc quân. Vừa rồi cứ tâu báo thì người cùng Phạm Đình Bảo cầm quân trước sau giết giặc rất nhiều, đã xuống chí ưu thường rồi. Duy bọn giặc nhiều lần thua mà quan quân chưa bắt hết được, khiến ta không khỏi ghì cổ tay mà tức giận. Hiện nay tình hình giặc thế nào, ngươi cứ thực tâu lên. Sau này có việc gì khẩn yếu, cho được làm tờ nói thực, niêm phong tâu thẳng” (Đại Nam thực lục, Đệ Nhị quyển, quyển XLIII).

Vâng mệnh triều đình, Nguyễn Công Trứ trở lại vùng đất từng là nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nuôi dưỡng ông khôn lớn để thực thi nhiệm vụ, báo ân triều đình. Ông đã tìm ra nguyên nhân phản loạn, tìm cách o bế cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành cầm đầu bằng cuộc đại khẩn hoang khiến nghĩa quân Phan Bá Vành không còn nơi dung thân, nương náu đã dần co cụm lại và cuối cùng bị tiêu diệt.

Nhà văn Võ Bá Cường, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Nguyễn Công Trứ là nhà nho tài tử, thi nhân nổi tiếng của nước ta nửa đầu thế kỷ XIX. Phần lớn thơ Nôm của ông trong đó có nhiều bài thể thơ hát nói (ca trù) tuyệt bút với chất điệu thơ hào hùng có thể khẳng định giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX chưa nhà thơ nào cùng thời với ông viết hay và độc đáo về đề tài chí nam nhi, chí anh hùng như Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ:“Giang sơn một gánh giữa đàngThuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?”.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo truyền ngôn, khi Nguyễn Công Trứ hưu quan, thể theo nguyện vọng của nhân dân huyện Tiền Hải, các chức sắc trong huyện tổ chức xây sinh từ thờ ông. Khi sinh từ xây xong, nhân dân trong huyện tổ chức đón rước ông từ Hà Tĩnh ra Tiền Hải. Tin này lan tới triều đình Huế, có kẻ tâu vua Tự Đức đại ý Nguyễn Công Trứ có ý cầm đầu quân làm phản. Vua cho đòi ông vào triều. Thấy vậy, chức sắc trong huyện đồng loạt làm tấu sớ kêu oan cho ông. Vua Tự Đức nhận ra lẽ phải liền ban tiền vàng cho ông về quê. Khi ông mất, nhiều làng ở Tiền Hải lập miếu thờ ông và tôn ông làm thành hoàng làng.
Ông Lê Công Hưng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Hệ thống thủy lợi của Tiền Hải từ thời Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ xây dựng khi tiến hành công cuộc khẩn hoang nhằm trị thủy, thau chua, rửa mặn, phục vụ tưới, tiêu nước qua nhiều đời đã có tu sửa, nâng cấp và vẫn phát huy tác dụng. Điều đáng kinh ngạc ở chỗ sơ đồ mạng lưới công trình thủy lợi phục vụ công cuộc khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải trải gần 200 năm vẫn giữ nguyên hiện trạng và vẫn phát huy tác dụng tích cực trong việc trị thủy, tưới, tiêu và vận tải thủy ngày nay.

Quang Viện