Thứ 5, 02/05/2024, 01:55[GMT+7]

Đại đội 4 pháo cao xạ: Một thời hoa lửa

Thứ 6, 01/06/2018 | 09:52:48
2,366 lượt xem
21 năm qua (1997 - 2018), những cựu cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 4 pháo cao xạ, Bộ CHQS tỉnh vẫn duy trì cuộc gặp mặt nghĩa tình vào đúng ngày đơn vị thành lập (1/6/1966).

Niềm vui ngày gặp mặt của những người lính Đại đội 4 pháo cao xạ.

Mỗi cuộc gặp là một thước phim tái hiện về những năm tháng anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của những người lính được mệnh danh “vai sắt, chân đồng” qua sự chia sẻ hồi ức, kỷ niệm của họ khi gặp nhau. Với họ, đó là những ngày tháng của một thời hoa lửa cuộc đời.

Ông Bùi Mạnh Khỏe ở tổ 7, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) năm nay gần 70 tuổi. Khi nhắc lại chuyện chiến đấu ở C4, ông không giấu được niềm tự hào khi được làm chiến sĩ của một đơn vị anh hùng. Tháng 4/1968, ông được biên chế về Đại đội 4 nhận nhiệm vụ chiến sĩ đo xa. 

Ông Khỏe nhớ lại: Năm 1968, khi Mỹ tạm ngừng ném bom, chúng chuyển sang dùng máy bay trinh sát không người lái để nắm mục tiêu của ta, Đại đội 4 được lệnh chuyển từ Tiền Hải về trực chiến tại cầu Nguyễn (Đông Hưng) phối hợp với Đại đội 2, cống Trà Linh (Thái Thụy) và Đại đội 88 thành Tiểu đoàn 54 bảo vệ thị xã Thái Bình. Là một trinh sát đo xa, chúng tôi phải thường xuyên quan sát bầu trời và sử dụng thiết bị bắt mục tiêu từ xa. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, mặc cho mỏi cổ, hoa mắt vì canh gác bầu trời song chúng tôi không một giây phút bỏ vị trí, lơ là, mất cảnh giác. Nhờ sự tinh tường, chính xác, kịp thời của những chiến sĩ đo xa như chúng tôi mà cuối năm 1969 Đại đội 4 đã một lần nữa bắn rơi chiếc máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, khiến chúng phơi xác ở Kim Động (Hưng Yên) và ngày 19/12/1969 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Là người tham gia chiến đấu ở Đại đội 4 từ khi đơn vị mới thành lập, ông Lê Đức Thanh ở tổ 23, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) nhớ lại: Đại đội 4 đóng quân ở cống Lân (Tiền Hải), mới đầu chỉ có 4 khẩu đội pháo cao xạ 37mm và hơn 40 cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị thành lập chưa lâu thì đã phải gồng mình chiến đấu với nắng, mưa trận địa và tầm tã bom đạn giặc Mỹ trút xuống. Khi đế quốc Mỹ thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, dốc toàn lực để áp đảo chiến trường Việt Nam hòng “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Quân đội Mỹ đã sử dụng hàng nghìn lượt máy bay chiến đấu để ném bom toàn miền Bắc, cũng là lúc Đại đội 4 căng sức, không một phút ngơi nghỉ để chiến đấu. Ngày nào cũng có một tốp máy bay các loại như F4, F8U, AD6 từ hướng biển Đông bay vào đánh phá các thành phố lớn của miền Bắc, trong đó có thị xã Thái Bình. Sau khi chúng cắt bom chớp nhoáng vào các trận địa của ta thì tháo chạy nhanh ra phía biển. Cống Lân trở thành một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt của không lực Mỹ, nơi có trận địa pháo cao xạ của Đại đội 4. 

Bằng sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo cùng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của mỗi cán bộ, chiến sĩ, chỉ trong năm 1967, Đại đội 4 đã bắn rơi 6 máy bay chiến đấu của không lực Hoa Kỳ.

Trong 21 năm (1966 - 1987) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đại đội 4 liên tục đạt đơn vị quyết thắng, là lá cờ đầu của lực lượng vũ trang Quân khu 3, cùng thành tích chiến đấu trên 200 trận, trực tiếp bắn rơi 8 máy bay, phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 3 chiếc khác. Đó là những thành tích chiến đấu, còn nói về Đại đội 4 là còn nói đến nghĩa tình thủy chung của bộ đội và phong trào tăng gia sản xuất giỏi. Mặc cho bom cày, đạn xới, đơn vị vẫn tranh thủ cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn quanh trận địa bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm nuôi quân khỏe, phục vụ chiến đấu lâu dài. Chỉ tính riêng năm 1967 (năm cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất), đơn vị đã thu hoạch được 1.450kg thịt lợn, 450kg thịt gia cầm, gần 3 tấn thóc, 11 tấn rau, gần 1.000 gốc sắn và một số loại lương thực khác.

Nhắc về Đại đội 4 pháo cao xạ, rất nhiều cựu chiến binh của đơn vị không thể quên phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi và những lớp học văn hóa cho những người chưa đọc thông viết thạo. Chính những hoạt động thiết thực đó đã gắn kết cán bộ, chiến sĩ đơn vị bền chặt và góp phần xây dựng Đại đội 4 trở thành “Đơn vị 5 giỏi”, được Chính phủ tặng 6 huân chương kháng chiến, Trung ương Đoàn tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi và nhiều bằng khen của Quân khu 3, của tỉnh. Và phần thưởng cao quý, tự hào nhất đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 pháo cao xạ đó là được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969.

Ông Đặng Khiêu, Trưởng ban liên lạc Đại đội 4 pháo cao xạ

Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, đơn vị đã đi vào lịch sử 31 năm nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 4 pháo cao xạ không bao giờ quên tình người sâu nặng dành cho nhau trong chiến đấu. Cho đến hôm nay, dù người còn, người mất nhưng chúng tôi vẫn nâng niu, vun đắp tình cảm ấy. Ngoài tổ chức gặp mặt kỷ niệm hàng năm để anh em chia sẻ vui buồn, Ban liên lạc Đại đội 4 còn tổ chức nhiều hoạt động như: thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với những gia đình anh em gặp khó khăn, hoạn nạn, tiễn đưa nhau khi qua đời thể hiện trọn vẹn nghĩa tình đồng đội. Tự hào về đơn vị, chúng tôi cũng ra sức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và động viên con cháu tích cực thi đua thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Đoàn Văn Vượng, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương

Những ngày đầu thành lập đơn vị, anh em cán bộ, chiến sĩ vừa phải học tập làm chủ vũ khí, khí tài, vừa chiến đấu và xây dựng trận địa. Chỉ trong hai ngày hai đêm, bộ đội đã đào đắp hàng trăm mét khối đất, hoàn thành công sự pháo, công sự cho người và giao thông hào để phục vụ chiến đấu. Trong lúc cuộc chiến cam go, ác liệt, anh em cán bộ, chiến sĩ “lên giây cót tinh thần” cho nhau bằng cách lấy những mảnh bát, mảnh đĩa đập nhỏ gắn lên vách hào dòng chữ “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Rồi anh em vẽ, viết báo tường treo ngay trên ụ súng, vách hầm hào để cổ vũ tinh thần chiến đấu; đó là những ngày tươi đẹp thời tuổi trẻ của chúng tôi.

Ông Trần Quang Đắc, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư

Ngoài những lúc trực sẵn sàng chiến đấu, anh em trong Đại đội 4 lại quây quần ca hát, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống. Chúng tôi nhớ nhất là những lần bom đạn của giặc Mỹ thổi bay lán trại, anh em lại đi vào trong khu dân cư xin tre, xin rạ về làm lại để ở. Bà con nhân dân ở Tiền Hải thương bộ đội nên không chỉ cho tre, cho rạ về làm lán trại mà còn cho cả cái ăn chống đói. Tình nghĩa quân dân đúng là như “cá với nước” khiến chúng tôi cảm động, không bao giờ quên và càng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ an toàn các mục tiêu trận địa của ta và bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, lập nên những chiến công vang dội tô thắm truyền thống của Đại đội 4 pháo cao xạ anh hùng.


Khắc Duẩn