Thứ 5, 02/05/2024, 02:27[GMT+7]

Anh hùng Trần Ngọc Cửu

Thứ 6, 08/06/2018 | 08:25:51
1,949 lượt xem
Ông Trần Ngọc Cửu sinh năm 1928, tham gia cách mạng năm 1946, được kết nạp Đảng năm 1948, bị giặc bắt và sát hại ngày 21/8/1950. Sự hy sinh anh dũng của ông trở thành bất tử, một tấm gương ngời sáng về lòng trung với Đảng, chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Lãnh đạo xã Tân Lễ và thân nhân liệt sĩ Trần Ngọc Cửu dâng hương tại bia tưởng niệm.

Tấm bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Trần Ngọc Cửu và liệt sĩ Trần Ngọc Minh được Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà dựng năm 1993 cạnh gốc cây nhãn ngoài đê bên con đường xuống bến ca nô, đối diện với nhà thờ Hà Xá. Dấu tích thời gian, cây nhãn xưa giặc trói Trần Ngọc Cửu bây giờ không còn, thay vào đó là cây đa nhỏ, nét chữ trên bia đã mờ. 

Năm 1950, mảnh đất này là nơi ngụy quyền quận Hưng Nhân tay sai của giặc Pháp đã nặn ra cái gọi là pháp trường hành quyết hai chiến sĩ kháng chiến người thôn Phú Hà. Trần Ngọc Cửu 23 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Chi ủy viên Chi bộ xã Phạm Lễ, đội trưởng đội phòng trừ của xã. Trần Ngọc Minh 30 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, trưởng thôn kháng chiến Mãnh Chinh, thôn Phú Hà. Đứng trước bạo quyền và họng súng của giặc hai ông vẫn bình tĩnh, hiên ngang, kiên cường, bất khuất, vẫn rành rọt thưa chuyện với nhân dân là hãy đoàn kết lương giáo, tin tưởng và ủng hộ kháng chiến, nhấn mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhất định thắng lợi; khuyên lính giặc hãy quay súng trở về với Tổ quốc rồi cùng với nhân dân hô vang khẩu hiệu cổ vũ kháng chiến. Hôm đó là ngày chính phiên chợ Đồn (21/8/1950). Tên Quang quận trưởng đã huy động bọn xã ủy, tổng tề cùng bọn vệ sĩ, bảo an, dân vệ đi dồn ép nhân dân quanh vùng về nơi chúng tổ chức hành quyết người Chi ủy viên, đội trưởng phòng trừ của xã Phạm Lễ (nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà). 

Cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lễ giai đoạn 1930 - 2010 ghi lại truyền thống vẻ vang trong quá trình đấu tranh cách mạng những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, một thời kỳ gian khổ, ác liệt và cam go, một thời kỳ mà nhiều cán bộ, đảng viên một lòng trung với Đảng, trụ vững bám đất, bám dân, phá tề gây dựng phong trào cách mạng. Xã Tân Lễ những năm 1950 có tên là xã Phạm Lễ là một “vùng tề” với hệ thống đồn bốt của giặc Pháp. Phía Tây là bốt Dốc Văn, phía Đông là bốt Đào Thành, ngay trong xã là bốt Quận và các đồn vệ sĩ Hà Xá, An Tập, Xuân Hải. Ngoài ra giặc còn lập một số tháp canh xóm Bến Hà Xá, Tân Mỹ Hà để khống chế, kìm kẹp nhân dân. Ở các thôn Công giáo Hà Xá, An Tập, Xuân Hải giặc còn lập hàng rào, xây công sự chiến đấu, trang bị vũ khí cho vệ sĩ Công giáo phản động. Trong thời gian này giặc thường tổ chức vây ráp, lùng sục bắt cán bộ và cốt cán cách mạng, nhiều đảng viên, cán bộ bị chúng bắt và sát hại. 

1 giờ đêm ngày 18/8/1950, Tỉnh ủy, Huyện ủy Hưng Hà phát lệnh phá tề, du kích Tân Lễ phối hợp với bộ đội huyện tổ chức bao vây, áp sát đồn bốt địch. Cuộc “đại náo” phá tề ở Tân Lễ đã gây khí thế toàn dân đánh giặc giữ làng, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, ba ngày sau đó giặc phát hiện lực lượng của ta chúng củng cố lực lượng. Từ ngày 19 - 21/8/1950, chúng tung lính từ bốt Dốc Văn, bốt Quận cùng bọn vệ sĩ ở Hà Xá, An Tập, Xuân Hải tổ chức vây ráp, càn quét để truy lùng cán bộ, đảng viên, du kích về nằm vùng bám cơ sở. Do có phản bội chỉ điểm chúng đã bắt được Trần Ngọc Cửu và Trần Bá Mô, đang được che giấu tại gia đình bà Mưu, cơ sở cách mạng thôn Phú Hà, đưa hai người về giam giữ ở bốt Hà Xá, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn nhưng hai cán bộ vẫn một lòng kiên trung với Đảng và cách mạng. 

16 giờ ngày 21/8/1950 tên Quang quận trưởng và bọn giặc đã dựng ra pháp trường tại đầu làng Phú Hà cạnh đường giao thông nơi tiếp giáp với chợ Đồn có bến đò và bến tàu thủy cửa Luộc nơi tập trung buôn bán tấp nập của đồng bào các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... Chúng dồn dân tới hàng nghìn người gồm bà con lương giáo để chứng kiến việc chúng hành quyết Trần Ngọc Cửu hòng lung lạc tinh thần cách mạng của nhân dân. Tên Quang quận trưởng tuyên bố: “Hôm nay bắt được tên Cửu chính cộng, không quy phục quốc gia, quốc gia tuyên bố tử hình làm gương cho kẻ khác”. Hiên ngang trước họng súng quân thù, Trần Ngọc Cửu đã biến pháp trường của chúng thành một cuộc mít tinh, ông hiên ngang vạch trần tội ác của giặc Pháp và lũ tay sai, tuyên truyền cho đồng bào tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ, ủng hộ và tích cực tham gia kháng chiến, kêu gọi đồng bào lương giáo đoàn kết, cùng đi kháng chiến, hô hào binh lính giặc lầm đường lạc lối quay về với kháng chiến, với cách mạng để được khoan hồng. Viên linh mục Trực kéo Trần Ngọc Cửu lại và nói: “Con thật là người can đảm, xứng đáng anh hùng, cha sẽ rửa tội cho con về thiên đàng với Chúa”. Trần Ngọc Cửu gạt tay linh mục và nói lớn: “Tôi không có tội gì mà phải rửa, ngoài tội yêu nước”. Chỉ tay về phía tên Quang quận trưởng, ông Cửu rành rọt: “Chính tên kia mới là kẻ có tội, làm tay sai cho giặc giết hại nòi giống, hãy rửa tội đi”. Nhìn về hướng cha mẹ, vợ con và người thân ông Cửu nói tiếp: “Tôi hoạt động cách mạng rất giàu tình cảm gia đình, thương cha mẹ, vợ con nhiều lắm chứ. Nhưng giờ phút vinh quang này hãy để cho tôi hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và dân giao phó”. Giặc dùng khăn bịt mắt Trần Ngọc Cửu, ông giật phăng khăn quẳng xuống đất, dõng dạc: “Không cần bịt mắt!” và hỏi: “Những ai bắn tôi?”. Rồi đanh thép hô lớn: 

Lương giáo đoàn kết muôn năm 

Việt Nam độc lập muôn năm Hồ Chí Minh muôn năm 

Đả đảo đế quốc Pháp và bè lũ tay sai! 

Trần Ngọc Cửu đã ngã xuống trước họng súng quân thù, cạnh cây nhãn làng Phú Hà lúc 16 giờ chiều thu tháng tám năm 1950, năm ấy ông mới 23 tuổi. Bên thi thể người đội trưởng đội phòng trừ Trần Ngọc Cửu, đồng bào lương giáo trào nên tiếng khóc uất nghẹn, xót thương và cảm phục một cán bộ của Đảng đã sống vì dân và thác vì dân. Những tiếng khóc của sự oán hờn, căm uất kẻ thù tàn bạo. Ngày hôm sau, mùng 9 tháng 7 năm Canh Dần, phiên chính chợ huyện Hưng Nhân, đông đảo đồng bào, tiểu thương, nhiều bà con giáo dân từ Bùi Chu - Phát Diệm đã tới chia buồn với gia đình Trần Ngọc Cửu, còn tu sĩ Thiêm ở Giáo xứ Hà Xá thì bày tỏ phẫn nộ với những kẻ theo giặc. 

Ông Trần Ngọc Cửu sinh năm 1928, tham gia cách mạng năm 1946, được kết nạp Đảng năm 1948, bị giặc bắt và sát hại ngày 21/8/1950. Sự hy sinh anh dũng của ông trở thành bất tử, một tấm gương ngời sáng về lòng trung với Đảng, chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trần Ngọc Cửu hy sinh ở tuổi 23 để lại người vợ trẻ và hai người con một trai, một gái. 68 năm sau, những đóng góp cho phong trào cách mạng của quê hương và tinh thần quả cảm của ông lại được sáng lên, góp vào truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Tân Lễ, của huyện Hưng Hà và của tỉnh Thái Bình. 

Ghi nhận đóng góp to lớn và sự hy sinh dũng cảm của ông Trần Ngọc Cửu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 622/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Ngọc Cửu.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)