Thứ 5, 02/05/2024, 04:03[GMT+7]

Đồng Bình Chương sự Uông Sĩ Điển

Thứ 2, 11/06/2018 | 09:31:39
9,409 lượt xem
Uông Sĩ Đoan và Uông Sĩ Điển, hai cha con cùng đăng khoa, cùng làm quan đồng triều. Cha tiến sĩ Thượng thư Công bộ, con tiến sĩ Đồng Bình Chương sự (ngang Tể tướng). Họ Uông vốn gốc họ Giang sinh cơ lập nghiệp ở làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng nhiều đời (nay là thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy).

Làm quan trong triều vua Lê - chúa Trịnh, khi đám quần thần lao sâu vào con đường hưởng lạc, sa đọa, triều đình nhà Lê chỉ còn là bóng ma mờ nhạt, quyền bính tập trung trong tay phủ chúa, Đồng Bình Chương sự Uông Sĩ Điển (tức Uông Sĩ Lãng, 1737 - 1802), quê làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy) vốn là văn thần đời vua Lê Hiển Tông đã đem ấn Thượng thư bộ Binh được vua Lê Chiêu Thống nhà mạt Lê tin tưởng giao trọng trách giữ gìn nộp cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhà Tây Sơn mong được trọng dụng đã bị đám quần thần của chúa Trịnh phỉ báng trong khi ông đang “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” nên uất ức bỏ quan về quê đóng chặt cửa bất quan hệ với bên ngoài.

Sử cũ ghi Uông Sĩ Điển là con trai thứ hai của tiến sĩ, Thượng thư Công bộ hữu thị lang tước bá (còn gọi là Lan Phương bá) Uông Sĩ Đoan (1694 - 1784). Nhà có 5 anh em thì cả 5 đều đỗ đạt, làm quan từ cấp tri huyện trở lên. Uông Sĩ Điển (còn gọi là Sĩ Lãng) thi đỗ tiến sĩ năm 1766 niên hiệu Cảnh Hưng 27, đời vua Lê Hiển Tông. Là quan đại thần (Tể tướng) của triều Lê Cảnh Hưng với quyền cao chức trọng nhưng Uông Sĩ Lãng đã giữ trọn cho mình một cuộc sống thanh liêm, chính trực. Ông làm quan nhưng không phải xông pha trận mạc vì phần lớn thời gian ông được giao làm công tác sưu tầm, viết sách. Khi làm Đốc thị Thuận Quảng ông vẫn dành thời gian viết sách cho đến năm Tân Sửu (1781) ông được triều đình nhà Lê trao chức Bồi tụng kiêm Đô ngự sử ông càng có điều kiện thực hiện những công trình đồ sộ về sách, đáng chú ý là bộ “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”. 

Bối cảnh xã hội lúc đó Đàng trong và Đàng ngoài vô cùng phức tạp, chúa Trịnh ra sức lấn át vua Lê nhưng không khí trong phủ chúa lại rất nặng nề. Giữa lúc ấy, phong trào Tây Sơn như cơn gió mạnh cuốn bay những mộng mị về miền tươi sáng. Tháng 6 năm 1786 khi giải phóng toàn bộ đất đai đàng trong, Nguyễn Huệ tiến đánh thành Phú Xuân (Huế) và hạ thành nhanh chóng rồi vượt sông Gianh tiến ra Bắc. Tin nhà Tây Sơn tiến đánh Bắc thành lan ra phủ chúa và toàn Bắc Hà khiến cho tình hình triều chính vốn đã lùng bùng lại thêm rối ren. Kẻ mưu bàn đánh lại Tây Sơn, người giấu nỗi sợ hãi tìm cách ẩn mình. 

Trong khi quần thần vua Lê - chúa Trịnh chưa biết tính sao thì ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ đã kéo quân đến thành Thăng Long. Lúc này Uông Sĩ Điển đang giữ chức Bồi tụng, tước Thao Đường hầu là một trong những đại quan của triều Lê - Trịnh phải đối mặt với tướng quân nhà Tây Sơn, vốn là “tôi trung” của nhà Lê, Uông Sĩ Điển bỏ ra ngoài thành, khi biết Nguyễn Huệ ra Bắc chỉ là để lật đổ chúa Trịnh, khôi phục nhà Lê thì mối ác cảm với quân Tây Sơn dần vơi đi trong tâm thức của Uông Sĩ Điển. Khi thấy chiếu vua Lê Chiêu Thống vời mình vào triều, Uông Sĩ Điển đã đem chiếc ấn bộ Binh mà ông được giao trọng trách giữ gìn trao cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhà Tây Sơn để mong được nhà Tây Sơn trọng dụng. Nhiều người làm quan cùng thời với ông bên phủ Chúa đã không tiếc lời mắng nhiếc ông hàng quân Tây Sơn. 

Trong sách Hoàng Lê nhất thống chí có ghi: Nhóm quan văn triều Lê do Uông Sĩ Điển cầm đầu cùng Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên, Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ, Luyện Đường hầu Trần Công Thước, Hoàn quận công Nguyễn Hoàn… ngày ngày lui tới triều để bàn việc nước và tùy công việc mà giao tiếp với Bình (tức Nguyễn Huệ). Có thể viên quan chức Đồng Bình Chương sự (ngang với Tể tướng) lúc này đã nhìn rõ vai trò to lớn của phong trào Tây Sơn đối với vận mệnh sống còn của đất nước mà cũng có thể “tôi trung” sợ vua Lê xuống lời quở trách mà nhiệt tình làm việc công nhưng trái với thái độ của Uông Sĩ Điển, bọn quan lại bên phủ chúa tỏ thái độ hằn học, không tiếc lời phỉ báng và coi Uông Sĩ Điển là kẻ phản bội triều đình, hàng nhà Tây Sơn. Trong số hàng ngàn nho sĩ Bắc Kỳ ăn lộc triều đình nhà Lê, Nguyễn Huệ có nhiều tâm đắc với Uông Sĩ Điển nhưng tiếc thay, trong số những nho sĩ dám vứt bỏ sự ràng buộc hủ nho nặng nề thâm căn, cố đế để đến với Tây Sơn cùng Nguyễn Huệ lo lắng công việc lớn lao của đất nước lại không có tên Uông Sĩ Điển. Hóa ra, trong lúc loạn triều, vua Lê Chiêu Thống đã đổi chức Tham tụng thành Bình Chương sự, Bồi tụng thành Tham tri, phong cho Uông Sĩ Điển chức Đồng Bình Chương sự kiêm Lại bộ hữu thị lang thực chất để níu kéo ông ở lại với vua, tìm cách trói buộc chân ông vào ngai vàng. Không thực hiện được ý muốn vào Phú Xuân phò giúp Tây Sơn như Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm… Uông Sĩ Điển bất đắc chí bỏ quan trường về quê. 

Trở lại với Lê Chiêu Thống, phủ chúa tiếp tục lấn át vua, quyền bính tập trung trong tay đám quan quân phủ chúa, trong triều có đến bốn, năm trăm hoạn quan, triều chính nghiêng ngả lại không còn những “tôi trung” như Trương Đăng Quỹ, Uông Sĩ Điển kề bên, Lê Chiêu Thống chao đảo giữa vương triều. Tìm cách giữ ngôi báu, khôi phục vị thế triều hậu Lê, Lê Chiêu Thống đã cầu viện nhà Thanh (Trung Quốc). Chút hy vọng cuối cùng vào “tôi trung” đã từng cận kề bên ngai vàng quyền lực mưu sự bao năm có thể vì nể triều đình mà sẵn sàng cùng Lê Chiêu Thống sang gặp nhà Thanh, Lê Chiêu Thống “lần mò” tìm đường về làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng để tìm gặp Uông Sĩ Điển. Không trống rong, cờ mở ngựa xe hộ tống, Lê Chiêu Thống lặng lẽ, đơn độc trong sự rông rỡ của phủ chúa, lặn lội về làng quê nghèo ven biển làng Vũ Nghị gõ cửa nhà Uông cầu sự. Cửa nhà Uông vẫn đóng im ỉm, then chốt cài không lay động như một lời chối từ vị vua hèn nhát với thái độ cương quyết cự tuyệt chuyện triều chính. Bực tức với thái độ của nguyên Đồng Bình Chương sự Uông Sĩ Điển, Lê Chiêu Thống lấy viên gạch non vạch lên cửa nhà câu đối: “Ngã quốc Bình Chương thiên hạ trọng/Nhữ gia phong tục thế gian khinh” nghĩa là chức Bình Chương sự (ngang với Tể tướng) vốn ở nước ta được thiên hạ coi trọng/Đến nhà mới hay cách đối xử khiến thế gian khinh. Nói rồi, Lê Chiêu Thống ném hòn gạch non xuống ao nhà Uông mà thề độc: “Gạch nổi họ Uông còn quan, gạch chìm họ Uông hết quan”. Không lâu sau, 30 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy tràn vào nước ta, Nguyễn Huệ xưng hoàng đế tiến quân thần tốc ra Bắc đánh tan 30 vạn quân Thanh. Ở ngôi hoàng đế mấy niên, Nguyễn Huệ băng hà, con trai là Quang Toản lên thay, Nguyễn Ánh cầu viện quân Pháp đánh bại Tây Sơn lên ngôi vua, lập triều Nguyễn. Bài vị còn sót lại ở từ đường họ Uông có ghi: “Uông Sĩ Lãng mất ngày 23 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1802) khi Nguyễn Ánh đã đánh bại quân Tây Sơn và lên làm vua”.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Uông Sĩ Đoan và Uông Sĩ Điển, hai cha con cùng đăng khoa, cùng làm quan đồng triều. Cha tiến sĩ Thượng thư Công bộ, con tiến sĩ Đồng Bình Chương sự (ngang Tể tướng). Họ Uông vốn gốc họ Giang sinh cơ lập nghiệp ở làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng nhiều đời (nay là thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy) nhưng đến thế kỷ XVIII thời Trịnh Giang (1729 - 1740) vì phạm húy nên họ Giang phải đổi sang họ Uông. Uông Sĩ Đoan nhà rất nghèo nhưng khoa thi năm Tân Sửu Bảo Thái thứ 2 (1721) đời vua Lê Dụ Tông (1721) ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Sau khi thi đỗ, mặc dầu trong đám quan trường có người coi thường ông xuất thân từ một gia đình nghèo khó song do thực tài, ông vẫn được chúa Trịnh tin dùng, được vời vào phủ chúa giảng sách cho thế tử rồi được bổ dụng ra làm quan.

Ông Uông Sĩ Lừng, 96 tuổi, hậu duệ Uông Sĩ Điển, thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy

Cụ tôi là Uông Sĩ Điển sau đổi là Uông Sĩ Lãng đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, Cảnh Hưng 27 (1766) đời vua Lê Hiển Tông. Đỗ tiến sĩ, cụ tôi được bổ làm quan, thăng chức Bồi Tụng rồi Đô Ngự sử, sau chuyển sang ngạch võ có công Bình Nam (đánh chúa Nguyễn), phong đến chức Đồng Bình Chương sự (Tể tướng) kiêm Thượng thư bộ Binh, tước hầu. Tuy quyền cao chức trọng nhưng cụ tôi vẫn sống giản dị, khiêm nhường. Lúc cụ tôi giữ ấn Binh bộ Thượng thư cũng là lúc Nguyễn Huệ ra Bắc, cụ tôi đã không chống lại phong trào Tây Sơn mà nộp ấn tín cho Nguyễn Huệ rồi về nhà sống ở quê với gia đình, một vài năm sau thì cụ tôi qua đời.

Ông Uông Sĩ Thanh, hậu duệ Uông Sĩ Điển, thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy

Thời kỳ 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đường tư gia Uông Sĩ Điển được trưng dụng làm kho quân khí của bộ đội chủ lực Quân khu 3. Do trúng rốc-két của thực dân Pháp, số vũ khí, đạn dược chứa trong từ đường phát nổ, từ đường bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay, gia tộc đang từng bước xây dựng, tôn tạo lại di tích.

Quang Viện