Thứ 5, 02/05/2024, 05:25[GMT+7]

Gốc ở nơi này

Thứ 2, 25/06/2018 | 09:03:33
1,892 lượt xem
Phụng mệnh triều đình, Nguyễn Công Trứ thu hút tất cả những người có thể điều động được vào công cuộc khẩn hoang, trong đó có dòng họ Phạm làng Thanh Giám, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải.

Đình Thanh Giám.

Theo tài liệu Châu bản triều Nguyễn ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia, tháng 3 năm Mậu Tý (1828) vua Minh Mệnh truyền lệnh cho Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Doanh điền sứ và công bố ý chỉ cho bản tấu: “Bình dân Bắc Thành, trước vì giặc bắt hiếp đi theo có đến hàng nghìn sợ hãi trốn biệt không có đường về, không khỏi đi theo những tướng giặc còn trốn. Xin phàm kẻ nào hối quá hoàn lương, thì cho đến sở Doanh điền thú tội, theo sức mà cấp ruộng cho làm”. Phụng mệnh triều đình, Nguyễn Công Trứ thu hút tất cả những người có thể điều động được vào công cuộc khẩn hoang, trong đó có dòng họ Phạm làng Thanh Giám, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải.

Ngọc phả họ Phạm làng Thanh Giám, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải chép rằng, tổ họ Phạm của làng vốn là một trong những nguyên mộ có công giúp Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất Tiền Châu. Họ Phạm ở đây và làng Đức Cơ (xã Đông Cơ) có nguồn gốc từ Hải Dương và Nam Định, họ đều là hậu duệ của Thượng thư bộ Binh Phạm Đình Trọng triều Lê - Trịnh, cử nhân Phạm Đình Kiêm (em Phạm Đình Trọng) và Tiến sĩ Phạm Đạo Soạn. 

Hiện nay ở Đông Lâm và Đông Cơ có 10 chi họ Phạm, trong đó Đông Cơ 6, Đông Lâm 4. Nguyên mộ Phạm Duy Minh, Phạm Đình Hoa vốn quê gốc Nam Định có mặt ở Cồn Tiền ngay từ ngày đầu Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ bổ nhát cuốc khai khẩn đất đai vùng Tiền Châu ở Thanh Diêm vào năm 1828 góp công sức, tiền của chiêu mộ dân nghèo khẩn hoang lập nên huyện Tiền Hải. Câu đối ở từ đường họ Phạm làng Thanh Giám còn ghi:

“Tự Hoàng triều Minh Mệnh tu hoài dân ấp
Cập dĩ chi Doanh điền hậu thụ phong hanh”.

Tạm dịch:

“Dưới triều Minh Mệnh đã chiêu dân về đây lập ấp
Sau lại phụ giúp Doanh điền hoàn thiện việc khẩn hoang”.

Họ Phạm làng Thanh Giám chiếm gần 1/3 dân số trong làng, truyền đời đến ngày nay là 7 thế hệ. Các bậc cao niên trong làng kể rằng, xưa làng Thanh Giám hoang vu, xung quanh mênh mông nước, có 7 gò đất nổi lên dân gian gọi là “thất tinh”. Những người trong họ Phạm tìm đến, cư trú trên 7 gò đất cao đó và chia làm 7 chi. Dần dần các chi họ đều có từ đường riêng. Chi cả thờ bái vọng thủy tổ danh tướng Phạm Đình Trọng. Câu đối ở từ đường ghi:

“Lê triều trị quốc, danh nhân kiệt

Phạm tộc gia phong, xuất thế hùng”.

Tạm dịch:

“Làm quan Lê triều là một danh tướng kiệt xuất

Gia thế họ Phạm là cái nôi nuôi chí anh hùng”.

Dòng họ Phạm làng Thanh Giám có công lao lớn trong việc chiêu dân, khẩn hoang lập làng. Vua Minh Mệnh phê chuẩn tấu sớ của Nguyễn Công Trứ: “Nay các hạt Bắc Thành dần yên, nhân dân hơi biết hướng theo giáo hóa có thể nhân cơ hội này, đưa dân về ruộng đất, khiến yên nghiệp làm ăn, dân có của thường thì có lòng thường, bọn trộm cướp tất phải tan đi mà ngầm hóa” các nguyên mộ họ Phạm ngày đêm gắng sức chiêu mộ dân nghèo khắp nơi về lập làng. 

Sử cũ ghi, được sự chung tay, góp sức của các nguyên mộ, trong đó có các nguyên mộ họ Phạm làng Thanh Giám, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ nhanh chóng bắt tay tổ chức việc khai hoang đem đất Tiền Châu cùng đất đối ngạn bên tả bên hữu đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, chia thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 2.350 người, số ruộng được hơn 18.960 mẫu, trong đó lý 600 mẫu, ấp 400 mẫu, trại 200 mẫu, giáp 120 mẫu. Cứ 100 mẫu trừ đình chùa thổ trạch đất mạ, đất già 30 mẫu, còn thành điền 70 mẫu. Trong số 15 mẫu thì định làm nhất đẳng một mẫu, nhị đẳng 2 mẫu, tam đẳng 12 mẫu. Đến tháng 10 năm Mậu Tý (1828), ông đã thành lập một huyện mới có tên là Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương. 

Sách Đại Nam thực lục chép: Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển. Trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đấy, không ai dám đến gần. Đã có câu nói “ai dám đến đùa quấy ổ giặc mà chơi”. Lãnh Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên. 

Theo các tài liệu khảo cứu, đầu thế kỷ XIX tiềm năng đất đai của nước ta còn khá phong phú đặc biệt là vùng châu thổ sông Hồng. Các vua triều Nguyễn đã áp dụng các biện pháp và kinh nghiệm của ông cha ta trong lịch sử, tiếp tục thực hiện các biện pháp khai hoang, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong khoảng từ 1802 đến 1858, nhà Nguyễn đã ban hành 46 quyết định khai hoang với các lực lượng được huy động tối đa và các phương thức khẩn hoang khác nhau, như: đồn điền, doanh điền, tư nhân được nhà nước cấp vốn và tư nhân khai khẩn tự do. 

Doanh điền là một hình thức khai hoang do Nguyễn Công Trứ đề xuất và được triều Nguyễn giao cho ông đích thân thực hiện. Bản điều trần của Nguyễn Công Trứ “Khẩn hoang ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo” trước triều đình Minh Mệnh đã nêu lên một cách đầy đủ về xuất phát điểm, mục đích cũng như biện pháp để thực hiện hình thức khẩn hoang ở Tiền Châu nhằm mục đích “áo cơm cho dân nghèo” và dẹp loạn Phan Ba Vành: “Đời làm ăn xưa, chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc, không có gian tà. Ngày nay có những dân nghèo túng ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cản được”. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Huyện Tiền Hải… nguyên là đất hoang ven biển của hai huyện Chân Định và Giao Thủy, năm Minh Mệnh thứ 10 (1828) mới đặt huyện”.

Và lý Thanh Giám ra đời từ kết quả cuộc khẩn hoang Cồn Tiền đầu thế kỷ XIX, trước khi thành lập huyện Tiền Hải. Lý Thanh Giám trước đó được gọi là xóm Thanh Diêm gắn với vai trò thủ lĩnh chiêu dân của nguyên mộ Phạm Duy Minh, tự Chiêu Giám. Đình làng Thanh Giám còn thờ bức đại tự từ thời xây dựng đình niên hiệu Minh Mệnh tam thập niên 1828 “Bản tại thử” nghĩa là gốc ở nơi đây.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Năm 1828, dưới sự chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, cụ Phan Trọng Lạn là một nguyên mộ người làng Nguyệt Giám, tổng Lịch Bài, phủ Chân Định (Kiến Xương nay) đã trực tiếp lĩnh hội nhiệm vụ khẩn hoang Cồn Tiền cùng với nguyên mộ Phạm Duy Minh. Đây là cuộc khẩn hoang được giới sử gia đánh giá thành công nhất Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Lý Thanh Giám được thành lập ngày 6 tháng 3 năm Mậu Tý (1828) có ghi công lao lớn của hai cụ. Cụ Phan Trọng Lạn và cụ Phạm Duy Minh cùng 73 vị tiên công tòng mộ, tứ mộ của làng hiện được phối thờ trong đình làng Thanh Giám. Đình Thanh Giám được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) có bức đại tự ghi “Thanh Minh tự”, 58 năm sau, vào năm Thành Thái nguyên niên (1890) đổi thành làng Thanh Giám thuộc tổng Tân Phong, năm 1945 thuộc xã Phùng Hưng và năm 1955 thuộc xã Đông Lâm.
Ông Phạm Xuân Đào, cán bộ hưu trí, làng Thanh Giám, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Kể từ ngày đầu tiên nguyên mộ Phạm Duy Minh chiêu dân đến đất Cồn Tiền khai khẩn theo ý chỉ vua Minh Mệnh và thực quyền Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, các nguyên mộ đã cống hiến hết tâm sức của mình cùng chiêu dân lập đất xây làng. Câu đối ở đình Thanh Giám có ghi:“Văn chương hoa quốc khai tiền quán
Nhân hậu truyền gia tịch hậu nhân”.
Dịch nghĩa:
“Mang chữ thánh hiền làm phương đi mở đất
Lấy sự học dạy bảo con cháu đạo làm người”.

Từ thời phong kiến, làng có 12 cụ đậu khóa sinh tại các kỳ thi hương, thi hội ở trấn Sơn Nam hạ, thời Pháp thuộc có 2 cụ đậu tú tài toàn phần. Hiện nay làng Thanh Giám có 2 tướng lĩnh, 25 sĩ quan cao cấp, 1 viện sĩ, 4 giáo sư, phó giáo sư, 17 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 384 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà điêu khắc…
 
Ông Phạm Đình Anh, cháu đích tôn nguyên mộ Phạm Duy Minh, làng Thanh Giám, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải


Cụ tổ họ Phạm chúng tôi là nguyên mộ Phạm Duy Minh có công chiêu dân khai khẩn vùng đất Cồn Tiền. Cụ được gọi với cái tên thân mật là Chiêu Giám. Từ đường Phạm Duy Minh còn đôi câu đối:“Thứ sơn gốc tích khai dòng họ
Thanh hải di miu du hậu côn”
  ý chỉ rằng cụ tổ Phạm Duy Minh thực hiện nhiệm vụ của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khi thừa chỉ dụ của vua Minh Mệnh ở Tiền Châu đã tích cực chiêu mộ dân đến khai khẩn đất đai, lập nên dòng họ tại nơi này. Họ Phạm xã Đông Lâm có 3 người đã tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội là các cụ Phạm Hòa, Phạm Như, Phạm Lịch. Cụ Phạm Lịch là người đã đánh trống tập hợp nhân dân làng Thanh Giám đi đấu tranh ngày 14 tháng 10 năm 1930. Các cụ Phạm Đình Nhạ, Phạm Thị Mỗi, Phạm Đình Hảo, Phạm Đình Trù, Phạm Đình Thuyên đều tham gia cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải, nay đều là lão thành cách mạng.

Quang Viện

  • Từ khóa