Thứ 5, 02/05/2024, 05:15[GMT+7]

Hoàn tiết nhất môn

Thứ 2, 09/07/2018 | 08:50:27
1,526 lượt xem
Gia đình Doãn Khuê cống hiến 3 con trai cho cuộc chiến chống thực dân Pháp được triều đình nhà Nguyễn phong tặng “Hoàn tiết nhất môn”.

Từ đường Doãn Khuê ở thôn 3, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư.

Nếu năm 1786 khi Nguyễn Du “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” trước cảnh quân Tây Sơn tiến ra Bắc mà không theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang cầu viện nhà Thanh nhưng giữ bề tôi trung đành bỏ về quê vợ ở làng Hải An (xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ nay) trải “Thập tải phong trần” ngẫm ngợi thơ văn thì năm 1847 tiến sĩ Doãn Khuê (1813 - 1885) là trọng thần triều Tự Đức đang “mũ cao, áo dài” bỗng đột ngột bỏ quan trường về quê Ngoại Lãng (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư nay) ẩn dật mà không rõ nguyên nhân. Mãi sau này khi ông mất, con cháu căn cứ vào những dòng tạp cổ của các thân sĩ lưu luyến tiễn đưa ông mới hay vì sao mà hoạn lộ của vị quan thanh liêm gián đoạn 10 năm…

Doãn Khuê, tự là Bảo Quang, người làng Ngoại Lãng (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư), đỗ tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) được triều đình Minh Mệnh thứ 20 (1839) bổ chức Hàn Lâm viện biên tu. Làm quan trải qua nhiều thăng trầm từ Tri phủ Ứng Hòa, Hàn Lâm viện thừa chỉ kiêm thị lạng binh đạo, giám sát ngự sử hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng… có thời gian vì bất đồng quan điểm với triều đình nhà Nguyễn, ông từ quan về quê cùng các con trai của mình làm nguyên mộ chiêu dân nghèo khắp nơi về Tiền Hải tiếp tục công việc khai khẩn đất đai hoang hóa và tái hoang hóa làm ra nhiều lúa gạo, cứu đói dân nghèo, phò vua giúp nước.

Giữa thế kỷ XIX, dưới thời cai trị của triều đình nhà Nguyễn, nước ta vẫn trong nghèo đói, lạc hậu. Kinh tế tự cung, tự cấp khép kín sau lũy tre làng, nông dân lam lũ lấy trồng lúa làm nghề chính. Sử thần Trần Trọng Kim đã ghi chép trong Việt Nam Sử Lược như sau: “…thuở ấy tuy một tiền được bốn bát gạo mà vẫn có người chết đói vì rằng giá gạo thì rẻ nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó… Nhà cửa phần nhiều là nhà tranh nhà lá, ít khi có nhà ngói nhà gạch… Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi giày… Nước nghèo dân khổ, lại phải lúc có nhiều tai biến, người ngoài vào xâm lược, triều đình ngơ ngác không biết xoay xở ra thế nào, lòng người ly tán, phân ra bè nọ đảng kia, giết hại lẫn nhau…”. Có thể giữa kinh thành hoa lệ, hàng ngày chứng kiến cảnh quan lại đua nhau hưởng thụ cuộc sống xa hoa, trụy lạc mà dân nghèo khắp nước đói khổ, lầm than… Doãn Khuê đã dứt áo quan về quê dạy học. Nghe tin Doãn Khuê về quê mở hương sư, sĩ tử các nơi theo về học rất đông. Tư tưởng của thầy Doãn là “Tiên phẩm hạnh, thực cương thường” (trước đề cao phẩm giá con người sau thượng tôn hình luật), bản thân ông là người mẫu mực thực hiện tư tưởng đó khiến học trò của ông đã phải thốt lên “Thầy ta hiền từ, thành thực, nhân dân khen là Phật sống, khảng khái và có chí lớn, có lòng yêu vua, lo lắng cho đất nước, chưa một ngày nào sao nhãng”. Nhưng ngày 1 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vua quan triều Nguyễn mới hiện nguyên hình là bè lũ nhu nhược “cõng rắn cắn gà nhà”. Ngay khi Gia Định rơi vào tay thực dân Pháp, quan quân triều Nguyễn đi theo xu hướng “hòa rồi hàng” thực dân Pháp thì Doãn Khuê lại tỏ thái độ dứt khoát “nghị hòa là đầu hàng” nên ông kiên quyết đứng về phái chủ chiến và là một trong người đầu tiên trong đội quân ứng chiến. Lợi dụng triều chính nghiêng ngả bọn cướp và thổ phỉ ở phía Bắc nổi lên, người dân chịu bao đắng cay, khổ cực, năm Tự Đức thứ 15 (1862), nhận chiếu chỉ vua ban, Doãn Khuê đành gạt bỏ ưu phiền nhận nhiệm vụ dẹp cướp và nạn thổ phỉ ở vùng Hưng Hóa (Tuyên Quang nay) và Sơn Tây (Hà Nội nay) đồng thời khích lệ dân chúng đứng lên chống thực dân Pháp. Năm Tự Đức thứ 16 (1863), vua Tự Đức bổ ông về nhận chức Hải phòng sứ (Đô đốc Hải quân) kiêm đốc học Nam Định. Đến năm Tự Đức thứ 20 (1867) ông cáo quan về quê nhưng vua Tự Đức không chấp thuận cũng không cho hưu quan. Để thực hiện tốt công việc Hải phòng sứ ông đã trực tiếp thực địa bờ biển từ Ninh Bình đến Hải Dương kiểm tra các đồn trại, bến bãi, xem xét việc bố phòng của các đề đốc, lãnh binh, thị sát cửa biển Trà Lý. Khi vua Tự Đức vời ông vào kinh để hỏi việc có nên mở phố thông thương ở cửa biển Trà Lý theo đề nghị của Nguyễn Huy Tê một lại quan triều đình lúc đó vừa đi công cán ở Hồng Kông về. Nhân cơ hội, Doãn Khuê đã tấu trình thêm 7 điều kiến nghị, ông tập tấu không thể mở phố thông thương cửa biển Trà Lý với những căn cứ khoa học về thổ nhưỡng, thủy triều, tình trạng lụt lội và điều kiện giao thông quá khó khăn, thực chất để ngăn Tự Đức cho Pháp đưa tàu vào cửa Trà Lý. Bản tấu 7 điều kiến nghị đương nhiên không được vua Tự Đức chấp thuận. 

Bất bình với triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, cuối năm Tự Đức 22 (1869) sang đầu năm Tự Đức 23 (1870) Doãn Khuê tìm gặp người học trò mà ông đánh giá là xuất sắc nhất của mình là Ngô Quang Bích (người làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải) mưu sự cứu nước, cứu dân. Ông gợi ý miền núi thì mở rộng sơn phòng, vỡ hoang đồn điền, xây dựng thêm đồn trại. Miền biển thì chiêu mộ dân nghèo khắp nơi về khai hoang, lấn biển. Cụ thể ở Tiền Hải công cuộc khai hoang sẽ cho nhiều lúa, ngô, tăng cường lương thực nuôi hương binh, giúp triều đình có đủ lương thảo đánh đuổi thực dân Pháp.

Bàn xong kế hoạch với trò giỏi Ngô Quang Bích, Doãn Khuê về kinh dâng tấu sớ kiên quyết từ quan về quê. Bản tấu của ông nêu rõ mục đích từ quan về quê là để khuyên dân và quyên mộ người có đủ khả năng làm công việc khai hoang, vỡ hóa. Sau ba năm đất vỡ hoang thành ruộng thì nộp 1/3 vào ruộng công, lượng số tiền quyên mà ban cho phẩm hàm. Tự Đức thấy có lợi liền chuẩn y cho ông từ quan về quê nhưng vẫn bắt ông phải nhận chức Doanh điền sứ. Doãn Khuê liền xin vua Tự Đức cho Doãn Chi là con trai hiện đang trị nhậm ở Sơn Tây về làm tri huyện Chân Định (huyện Kiến Xương nay) để cùng ông chăm lo công cuộc đắp đê ngăn mặn, khai sông, lấn biển, mở mang ruộng đồng.


Ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Doãn Khuê có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Đường quan lộ của ông không mấy thăng giáng bất thường và luôn được vua trọng ái nhưng ông đã có 6 lần trao ấn từ quan về quê. Lần thứ nhất rất đột ngột kéo dài 10 năm khiến quan lại triều chính không hiểu tại sao một vị quan chức cao, vọng trọng đang hưởng lộc ấm triều đình mà lại từ bỏ về quê sống đạm bạc. Nhưng mãi đến khi ông qua đời, thân sĩ khắp nơi thương tiếc tiễn đưa ông và để lại nhiều lưu bút con cháu mới hiểu ra rằng, ông vì lo lớp trẻ (trong đó có 3 con trai của ông) không được rèn dũa, học hành tử tế, dễ sai đường, ngập lối do vậy ông từ quan về quê mở trường dạy học là vì thế. Cũng may, trong số các học trò ưu tú của mình có Đình nguyên Hoàng giáp Ngô Quang Bích sau này là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất cho ông mưu sự kháng Pháp. Ba con trai ông sau này đều làm quan từ tri huyện trở lên và đã hy sinh anh dũng trong các trận chiến chống thực dân Pháp.

Ông Doãn Thành Hương, 81 tuổi, cán bộ hưu trí, thôn 3, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Gia đình Doãn Khuê cống hiến 3 con trai cho cuộc chiến chống thực dân Pháp được triều đình nhà Nguyễn phong tặng “Hoàn tiết nhất môn”. Quyết tâm trao ấn từ quan về quê của Doãn Khuê để được khai hoang, lấn biển mục đích là để ông thực hiện ý đồ xây dựng lực lượng và làm ra nhiều lúa gạo cung cấp lương thực giúp đỡ triều đình nuôi quân chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Ông rất thân với quan đốc học Nam Định là Phạm Văn Nghị, hai người ngầm ý với nhau chiêu mộ dân lưu tán về Tiền Hải tiếp tục khai khẩn đất đai làm căn cứ địa kháng chiến lâu dài. Bên tả (Tiền Hải), bên hữu (Nam Định) đều có căn cứ địa vừa quy tụ dân lưu tán ban ngày khai hoang lấn biển, cấy cày, đêm đêm luyện hương dũng, rèn vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Bà Phạm Thị Lý, 89 tuổi, cháu dâu tiến sĩ Doãn Khuê, người trông coi từ đường Doãn Khuê, thôn 3, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Cả cuộc đời làm quan thanh liêm, làm nghề dạy học, cụ Doãn Khuê nhà tôi một lòng yêu nước, thương nòi, chăm lo cho lớp người trẻ tuổi. Gia sản của cụ để lại cho cháu con, dòng tộc chỉ có 5 sào vườn, một mái nhà tre và rất nhiều sách chữ nho. Đáng tiếc gia đình không còn giữ được cuốn nào.


Quang Viện