Thứ 5, 02/05/2024, 00:20[GMT+7]

Chà Ang: Một thời để nhớ

Thứ 2, 16/07/2018 | 09:12:54
842 lượt xem
Ở nơi một bên là núi cao thẳng đứng, một bên là dòng suối Chà Ang đã có bao chàng trai, cô gái thanh niên xung phong quê lúa Thái Bình, bao chiến sĩ các đơn vị quân đội hy sinh nằm lại… Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng trọng điểm K12 vẫn mãi còn vang vọng.

Ảnh minh họa.

Chà Ang là dòng suối nước chảy xiết ra động Phong Nha, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chà Ang (K12), đường 20 quyết thắng được coi là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ, là “cửa tử”. Ở nơi một bên là núi cao thẳng đứng, một bên là dòng suối Chà Ang đã có bao chàng trai, cô gái thanh niên xung phong quê lúa Thái Bình, bao chiến sĩ các đơn vị quân đội hy sinh nằm lại… Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng trọng điểm K12 vẫn mãi còn vang vọng.

Phạm Thị Mười, quê ở xã Đông Mỹ, Dương Thị Bạn, quê ở xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình), Nguyễn Thị Phương, quê ở xã Vũ Hội (Vũ Thư) trở thành đồng đội của nhau từ năm 1965, khi cả ba đều tình nguyện đi thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Năm 1972, họ trở về quê hương, chị Mười xây dựng gia đình có được ba người con, chị Bạn ở vậy một mình, còn chị Phương thì vào chùa nương nhờ cửa Phật.

Năm tháng ấy, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các trục đường giao thông, ga đường sắt và các cầu trên toàn tuyến dọc các tỉnh phía Bắc xuôi vào Nam trở thành các trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm ngăn chặn sức người, sức của của miền Bắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng với hàng trăm đồng đội, ba nữ thanh niên xung phong Mười, Bạn và Phương đã có mặt bảo đảm giao thông cầu Tào Xuyên, cầu Hàm Rồng, Ga Gôi, Núi Lấp… Năm 1968, cả ba lại cùng đồng đội chân trần vượt Trường Sơn vào bảo đảm giao thông trên đường 20 quyết thắng tỉnh Quảng Bình. K12, đường 20 quyết thắng nơi mà cả ba nữ thanh niên xung phong cùng bị thương trong một ngày. 

Trung đội trưởng Phạm Thị Mười kể lại: Hôm ấy là ngày mùng 4 tháng 5 năm 1970, đơn vị nhận được lệnh của trên phải tổ chức làm ban ngày và bảo đảm thông đường trước 9 giờ sáng, cả đơn vị đang thi công san lấp hố bom bờ Nam đỉnh Chà Ang thì máy bay địch ập tới chúng dội bom trúng đội hình của đơn vị gây nhiều thương vong, khi chưa kịp tổ chức cứu thương cho đồng đội thì máy bay Mỹ lại quay trở lại ném bom vào khu vực của đơn vị, cả cung đường mịt mù trong khói bom giặc Mỹ. Các chị Thúy, chị Tuyết, chị Thư, chị Quyết, chị Mận, cùng trung đội quê huyện Vũ Thư hy sinh tại chỗ; các chị Bạn, chị Phương đều bị thương ở trận bom này, chị Mười bị ba, bốn vết thương trên người đến nay vẫn còn ba viên bi nằm trong cơ thể mà chưa lấy ra được. 

Chị Bạn kể: Ở tiểu đội trinh sát đếm bom trên đỉnh Chà Ang, khi máy bay địch đến ném bom phá trọng điểm, chị phải cùng đồng đội quan sát xác định địch ném bao nhiêu quả, bao nhiêu quả bom đã nổ, số bom chưa nổ là bao nhiêu và phải trực tiếp cắm cờ đánh dấu để báo cho bộ đội công binh phá nổ. Trọng điểm K12 vô cùng ác liệt. Các nữ thanh niên xung phong và các đơn vị bộ đội giành giật với kẻ thù từng phút, bảo đảm từng mét đường và máu của họ, xương thịt của đồng đội đã đổ ở trọng điểm này .

Chị Mười kể tiếp: Có trận bom của địch làm chị Nguyễn Thị Na và ba chiến sĩ công binh hy sinh tại chỗ, lập tức Dương Thị Bạn, Phạm Văn Lập, Đào Thị Chắn lần lượt thay nhau chiếm lĩnh điểm cao quan sát máy bay địch, đánh dấu bom nổ chậm, cảnh giới cho lực lượng công binh phá bom, san lấp hố bom, các nữ thanh niên xung phong Phí Thị Quyết, Trần Thị Sửu, Hà Thị Nguyệt thuộc C932 thoăn thoắt như những con sóc trên trọng điểm Chà Ang, đường 20 quyết thắng. Đó là một phần rất nhỏ của bộ phim dài về nữ thanh niên xung phong Thái Bình trên các cung đường, trọng điểm bảo đảm mạch máu giao thông những năm bom Mỹ dội.  

Sư thầy Thích Đàm Phương trụ trì chùa Phổ Quang và chùa Cau Đẻ (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) ngày ngày tụng kinh niệm Phật cầu an cho đồng đội.

Lặng im nghe tiếng mõ chùa

Tôi lặng lẽ đứng ngoài sảnh chùa Phổ Quang (chùa Cọi) xã Vũ Hội. Ngày rằm các Phật tử về chùa tụng kinh khá đông, tất cả lặng lẽ, tiếng mõ cầm nhịp của sư thầy Thích Đàm Phương đều đều cùng tiếng nguyện cầu của Phật tử. Buổi tụng kinh nguyện cầu ngày rằm kéo đến gần 10 giờ sáng. 

Các Phật tử hoan hỉ rời chùa, sư thầy Thích Đàm Phương tiếp tôi, bà hồi nhớ ký ức cùng đồng đội gần mười năm “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”: Tôi thoát tục rồi, kể lại chuyện xưa làm gì cho thêm đau khổ. Sau câu nói ấy nước mắt của sư thầy ứa ra, bà nghẹn ngào nhớ lại một thời “Đếm bom rơi trên tọa độ lửa K12, đường 20 quyết thắng Quảng Bình”. 

Nhẹ nhàng ôn về những kỷ niệm gian khổ ác liệt, sư thầy Đàm Phương chậm rãi: Ngày ở Trường Sơn, gian khổ và ác liệt vô cùng, nay sống mai chết không ai biết trước nhưng không một ai sờn lòng, tất cả sẵn sàng hy sinh, đồng đội nằm xuống người khác xung phong ra trọng điểm, ở Trường Sơn chị em thương nhau hơn anh em ruột thịt, mọi thứ thiếu thốn đối với chị em phụ nữ, hầu hết trên mình chỉ một bộ quần áo tả tơi, thậm chí quần áo lót cũng không đủ, nhiều người bị ghẻ, lở, chấy rận nhiều vô kể, cho tay lên gãi đầu là chấy rơi theo, chả tìm đâu ra bồ kết mà nấu nước gội đầu có người bị hắc lào khổ lắm, khi ngớt bom đạn giặc, chị em ra suối Chà Ang tắm, phải lần lượt canh cho nhau tắm rồi trốn vào hang chờ hong phơi quần áo khô. 

Nhắc nhớ về những người đồng đội đã hy sinh sư thầy Đàm Phương nấc nghẹn. Thoát tục và nương thân nơi cửa Phật, sư thầy Thích Đàm Phương chọn ngôi chùa của quê hương chùa Cau Đẻ và chùa Phổ Quang để ngày ngày cùng Phật tử tụng kinh niệm Phật mong cầu cho “Quốc thái dân an”. 

Tại chùa Cau Đẻ, sư thầy Đàm Phương cho dựng bia đá khắc tên 250 liệt sĩ của quê hương xã Vũ Hội và các liệt sĩ nữ thanh niên xung phong là bạn của bà một thời “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, một thời mà trọng điểm K12, đường 20 quyết thắng là trọng điểm của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của các nữ thanh niên xung phong Thái Bình đóng góp cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trọng điểm của mất mát đau thương để bây giờ mỗi lần tụng kinh, niệm Phật tiếng mõ của sư thầy Thích Đàm Phương vẫn dành riêng cho đồng đội của mình đã hy sinh tại trọng điểm Chà Ang những năm bom Mỹ dội. Còn phận mình thoát tục sư thầy Đàm Phương dặn khẽ đó là duyên phận một con người, bà không muốn tỏ cùng ai.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)