Thứ 2, 29/04/2024, 15:37[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 05/09/2016 | 08:31:39
813 lượt xem

Phụ nữ Thái Bình đi làm thủy lợi phục vụ tăng gia sản xuất đóng góp sức của cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ảnh tư liệu

Chương 8: Gặp anh trong đôi mắt của người ăn mày

Nhân dịp 27 tháng 7 năm Bính Dần, tổ phóng viên chúng tôi được cử đi lấy tư liệu viết bài về những gương người mẹ, người vợ liệt sĩ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Tôi được chị Tiến Ninh tỉnh hội trưởng phụ nữ giới thiệu gặp Học. Chị Ninh bảo: "Cô ấy không phải vợ liệt sĩ, nhưng là người yêu liệt sĩ, một cô gái rất tuyệt vời đấy". Chị Ninh còn giới thiệu thêm: "Hiếm người con gái có nghị lực như cô ấy, vừa đảm việc nhà vừa năng nổ công tác xã hội. Hiện cô ấy là Bí thư Đảng ủy xã Vũ Chính, vừa được chọn đi dự đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc ở thủ đô Hà Nội về".

Ngần ấy "sự kiện" chị Ninh gợi mở cũng đủ kích thích viết một gương người tốt cho báo. Tôi hăm hở đạp xe về Vũ Chính. Ngày ấy vừa từ bộ đội chuyển ngành về báo tỉnh nên rất hăng. Guồng chiếc xe đạp hai dóng nữ vù vù trên con đường cát mịn làng Tống Vũ lòng thấy xốn xang vui vẻ, chẳng biết mệt là gì, mặc dù ngày đó những cơn sốt rét rừng Trường Sơn vẫn còn bám đuổi, thi thoảng quật một trận ra trò. Về tới Văn phòng Đảng ủy xã, tôi dựa xe bờ hè, thư thả bước vào phòng khách. Thấy tôi nước da mai mái, đôi môi thâm thâm, lại mặc quân phục, áo bỏ trong quần, Học tưởng là bạn chiến đấu cùng đơn vị của Thúc về thăm nên rất vồn vã. Khi tôi giới thiệu và đưa tấm thẻ nhà báo xin làm việc cô mới lấy lại phong độ bình thường nhưng vẫn niềm nở và quý khách.

Lan man, trò chuyện khá lâu, mặc dù rất ý nhị gợi Học những điều tỉnh hội trưởng phụ nữ giới thiệu để trúng chủ đề viết một tấm gương nhưng Học chẳng đả động gì đến chuyện riêng tư của mình. Cô say sưa nói về việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội ở Vũ Chính. Một vùng quê sôi động và đầm ấm, có bao người mẹ, người vợ suốt đời tần tảo hy sinh, suốt đời long đong lo gánh phần việc của chồng con để lại. Trong những năm chiến tranh, vừa lam lũ nơi đồng quê, cỏ nội vừa phải đối mặt với đạn bom của giặc Mỹ trút xuống hủy diệt xóm làng, họ cần mẫn, bền bỉ thắt lưng, buộc bụng, vượt hết khó khăn này đến khó khăn khác. Những năm tháng ấy, Vũ Chính trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên miền Bắc đạt năm tấn thóc một héc-ta, làm nên âm thanh của bài ca "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ". Làm ra hạt thóc đâu có đơn giản, đạn bom, bão giông, sâu bệnh luôn rập rình tàn phá. Làm ra hạt thóc đâu chỉ để nuôi mình, nuôi con. Hạt thóc sẻ làm hai, một nửa gửi ra chiến trường nuôi chồng, nuôi em đánh giặc. Học bảo, Vũ Chính có được một thời hào hùng ấy phần lớn là do công lao của chị em phụ nữ. Vì ngày ấy "Nam nhi bền chí nghiệp non sông", ở lại hậu phương chỉ huy ba quân nơi đồng ruộng tất tật là đàn bà, con gái. Tại đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc vừa qua, Học bảo cô đã đọc một bài tham luận về họ. Bài tham luận với tựa đề: "Nỗi khao khát chờ đợi, lòng nén chịu hy sinh và sự cống hiến của những người mẹ, người vợ ở một vùng hậu phương đối với tiền tuyến". Bài tham luận được đại hội hoan nghênh nhiệt liệt lắm. Tôi đề nghị Học nói thêm một vài kỷ niệm trong chuyến đi dự đại hội ấy. Cô cười, im lặng một lát rồi bảo:

- Tôi kể anh nghe một chuyện bất ngờ mà tôi gặp trong chuyến đi họp ở Hà Nội được không?

- Thế thì tuyệt quá.

Tôi thầm nghĩ, biết đâu chuyện bất ngờ ấy lại là điều gợi mở cho chủ đề bài viết của mình.

Học kể: Học ăn nghỉ ở một khách sạn gần Cửa Nam. Khách sạn cạnh một đường phố, người ta họp chợ rất đông. Chiều đó, cơm nước xong, Học và một người bạn cùng dự đại hội đi dạo quanh phố. Hà Thành phố xá tấp nập, chen chúc người qua lại, khác hẳn cái thị xã đồng bằng, đường rộng thênh thang, vắng vẻ ở quê Học. Qua cổng chợ Cửa Nam, có một người tóc bờm vai, quần áo cáu ghét, thủng lỗ chỗ, mặt chau nhàu những vết sẹo đang bị ba bốn đứa trẻ con vây quanh trêu trọc. Anh ta tìm cách thoát khỏi chúng, vụt chạy. Bọn trẻ con cũng không đuổi theo nữa. Đến trước mặt mấy người đứng chờ xe buýt gần đó, anh ta chìa tay ra. Một người hất hàm hỏi:

- Xin ăn không nhục à?

Chẳng nói chẳng rằng, bàn tay vụm cong cong, anh ta chìa sang người khác. Người này vẻ mặt lành lạnh, lắc đầu. Anh ta lững thững bước lại chỗ Học và cô bạn. Học thấy thương thương, móc túi cho một đồng. Anh ta cầm lấy, chợt ngẩng lên nhìn Học như để tỏ ý cảm ơn. Học nhìn lại anh ta. Bỗng cô giật mình. Như có một luồng sinh khí từ đôi mắt của người ăn mày tỏa ra. Đôi mắt có cái gì gần gũi, thân thuộc? Hình như cô đã quen người này ở đâu rồi. Anh ta là ai nhỉ? Hay là người cùng làng lên xin ăn ở trên này? Học cố hồi tưởng, lục lại trí nhớ của mình xem đã gặp, đã quen anh ta ở đâu, tên gì… Bỗng dưng Học nghĩ đến Thúc. Đôi mắt của người ăn mày giông giống đôi mắt của Thúc ngày xưa. Hay là… Không phải. Lẽ nào Thúc lại đến nông nỗi này. Chẳng lẽ hoàn cảnh của Thúc khốn khổ thế này ư.

Người ăn mày cũng chằm chằm nhìn Học. Tiến lại gần anh ta, Học lúng túng hỏi:

- Anh là… Anh tên là gì?

Người ăn mày mắt vẫn nhìn Học, miệng lắp bắp:

- Là… Là...

Khó nhọc lắm anh ta mới nói được mấy tiếng là, là.

- Quê anh ở đâu? - Học hỏi tiếp.

- Quê ở đâu! - Anh ta lặp lại câu hỏi của Học.

- Ở Thái Bình à? - Học lại hỏi.

Anh ta lắc lắc. Một bà bán chè thuốc bên cạnh bảo:

- Chú ấy bị thần kinh đấy.

Rồi bà ta tiếp:

- Lẩn thẩn chẳng biết gì đâu. Xin được đồng nào tí lại đem cho hết. Không cho thì bọn đồng đẳng nó cũng trấn sạch. Khổ thân chú ấy!

Cô bạn đi cùng thấy cử chỉ, lời nói của Học tỏ ra thân thiết với người ăn mày liền hỏi:

- Học quen với người này à?

Học ngường ngượng bảo:

- Không.

- Sao cứ hỏi người ta mãi thế?

Học thanh minh:

- Mình trông giống một người cùng quê.

- Thế hả? Anh ta có nhận ra Học không?

- Không.

- Thế chắc gì là người cùng quê.

- Anh ta bị thần kinh mà.

Người ăn mày hình như muốn nói cái gì đó mà chỉ ú ớ không nói được thành lời. Học móc túi lấy thêm một đồng nữa đưa cho người ăn mày. Anh ta lắc đầu, không nhận. Cô bạn kéo Học đi. Người ăn mày nhìn theo, thần sắc có vẻ luyến tiếc. Anh ta nói:

- Đi, hử… hở! Rồi vẫy tay chào chào.

Học nhìn lại, vẫn không hình dung ra được người ấy là ai. Cô muốn quay lại để cố nhận ra cái hình bóng ở đôi mắt quen thuộc ấy nhưng cô bạn cứ ghì tay kéo Học đi.

Đêm đó, lại một đêm Học trăn trở, thao thức. Nỗi nhớ da diết về Thúc lại cồn lên trong lòng cô. Hơn mười năm trước, cái đêm cuối cùng hai người âu yếm, tiếng anh chân tình van vỉ đòi được hưởng tâm hồn trong trắng của cô. Học từ chối, nghĩ cứ thương thương. Bao kỷ niệm mối tình đầu nồng cháy, vụng về. Bao nhớ mong của những ngày xa nhau khơi dậy từ đôi mắt. Đôi mắt đằm thắm của anh ngày nào bỗng dưng Học gặp lại ẩn chứa trong đôi mắt người ăn mày.

Hôm sau đại hội kết thúc, chiếc xe u-oát chở Học và mấy chị em trong đoàn trở về Thái Bình. Chiếc xe vừa ra tới cổng thì gặp người ăn mày hôm trước đang đứng nép một bên. Hình như anh ta đứng đợi ở đấy đã lâu. Xe nào đi qua anh ta cũng nghiêng ngó nhòm. Xe của Học vừa tới anh ta giơ một tay lên đầu chào và mỉm cười. Chiếc xe lướt qua, lao đi. Anh ta quay phắt người theo đuôi xe, tay vẫy vẫy, nét mặt có vẻ thất vọng lắm!

Ngồi trên xe, Học cảm giác hình như anh ta có cảm tình với cô. Hay là hai người từng quen nhau, nay Học đã quên, anh ta thì láng máng nhớ? Hay là Học nói chuyện và cho tiền anh ta? Vì những người hành khất rách rưới có bao giờ được nói chuyện tử tế với ai đâu. Những phỏng đoán, suy tưởng, mơ hồ ấy về nhà rồi dần dần cũng nguôi đi. Không thể có một sự trùng lặp được. Người đời giống nhau là chuyện thường tình. Có người giống nhau ở giọng nói. Có người giống nhau ở dáng hình. Có người giống nhau ở nụ cười, làn môi, đôi mắt. Với người ăn mày ấy, hình thể so với diện mạo cường lực của Thúc ngày xưa rõ ràng là hai khoảng cách, hai dung nhan khác biệt. Học đinh ninh là thế nhưng ảo giác đôi mắt của Thúc ẩn chứa trong đôi mắt của người ăn mày vẫn cứ thưa thoáng, chập chờn, len lỏi trong trí tưởng của cô.

(Còn nữa)
Nhà văn
Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày