Thứ 2, 29/04/2024, 15:44[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 19/09/2016 | 14:27:00
759 lượt xem

Phòng phẫu thuật dã chiến trong một cánh rừng đước ở Cà Mau. Ảnh tư liệu, chụp ngày 15/9/1970.

 

CHƯƠNG 10: người thầy thuốc cứu mạng

 

Sau một tuần Ngọc Dung trực tiếp tiêm kháng sinh liều cao, Thúc đã cắt sốt, không còn nằm triền miên trong giấc ngủ chập chờn, mê sảng. Cái biên giới của thần chết bao lần cặp kè, nhòm ngó định cướp đi một thân hình tàn phế, cô đơn đã bị đẩy lùi. Chừng một tuần sau nữa, Thúc dần dần trở về trạng thái như cũ, trạng thái của một người bất an tâm trí, ngẩn ngơ nơi xó chợ, đầu đường.

Thúc ngồi tùm hum cuối giường bệnh, hai mắt ngửa lên trần nhà như dính vào đó, gọi hai, ba lần mới ngoảnh ra. “Không tiêm đâu. Ði đi...” - Thúc lẩm bẩm. Ngọc Dung tiến lại, một tay chỉ xuống giường:

- Anh Kích nằm xuống để khám bệnh nào.

Vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, Thúc nhoẻn miệng cười, đôi má tóp lại, ánh mắt vẫn trân trân nhìn Dung:

- Khỏi rồi, cho tôi về đi.

- Thế nhà ở đâu để về tìm người lên đón - Dung nói.

Ðôi mắt Thúc lơ láo nhìn ra ngoài cửa, miệng khe khẽ hát: Quê em miền Trung du… À, quê tôi miền Trung du đấy.

- Trung du, nhưng ở làng xã nào?

Thúc cười, lắc đầu rồi nói:

- À, quê tôi xa lắm. Xa tít tịn trên trời cơ. Bác sĩ lên đấy chưa? Chỗ thằng cuội ngồi gốc cây đa, nhà tôi ở đấy.

- Anh Kích lại nói lung tung rồi. Không nhớ quê thì về đâu?

- Về đâu à. Về chợ.

- Về chợ ai cho anh ăn?

- Ðông người.

Ngọc Dung kéo chiếc ghế vào sát giường rồi ngồi xuống làm các động tác khám bệnh. Cô lần lượt cởi từng chiếc cúc trên áo Thúc. Phần ngực trên, những vết sẹo hình cánh cung cuộn lại, tựa vào nhau giông giống mặt con hổ phù. Mạng sườn bên phải ba vết mổ rất khéo... Ðôi mắt Dung chăm chú tìm kiếm điều gì đó trên vết sẹo cũ mà cô vốn nghi hoặc từ buổi khám bệnh cho Thúc.

Ấn nhẹ ngón tay lên vết mổ, Ngọc Dung hỏi:

- Chỗ này làm sao thế anh Kích?

Thúc im lặng, giương hai mắt nhìn Dung. Dịch ngón tay sang vết sẹo bên cạnh, Dung lại hỏi:

- Vết này ai chém anh?

Thúc lắc đầu, im lặng rồi đột nhiên nói:

- Bắn. Nó bắn... Bằm, bằm, bằm...

- Ai bắn?

Thúc lại lắc đầu: Không nhớ đâu.

- Sao không nhớ người bắn mình?

Thúc vẫn lắc đầu, cười hì hì.

Ðôi mắt Ngọc Dung vẫn không rời vết sẹo. Với linh cảm và hiểu biết nghề nghiệp, cô cho rằng đây là những vết sát thương do mảnh đạn bởi vết sẹo trên người Thúc toàn là những vết phẫu thuật và khâu rất hiện đại. Ngọc Dung mặc áo lại cho người bệnh, gập bệnh án, bước sang phòng chủ nhiệm khoa.

Bác sĩ Trần Hùng đang nheo một bên mắt dõi nhìn lên đốm sáng chiếc phim chụp của một bệnh nhân nào đó. Mái tóc màu sương quá nửa của anh tôn thêm vẻ trầm tư hơi sớm ở một người tuổi mới ngoại tứ tuần. Hình như đã cảm nhận chắc chắn phần chẩn đoán chủ quan của mình về cận lâm sàng người bệnh tổn thương qua chiếc phim, bác sĩ Trần Hùng mới quay ra hỏi:

- Có việc gì thế cô Dung?

- Dạ, em muốn báo cáo về bệnh nhân Kích sẹo ạ.

- Bệnh nhân ấy đỡ rồi cơ mà.

- Vâng… Nhưng…

- Nhưng thế nào?

Ngọc Dung rút tập bệnh án trong cặp, lướt mắt qua mấy trang đầu, thư thả nói với Trần Hùng:

- Bệnh nhân Kích vào viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Những người đưa vào viện khai bệnh nhân là người ăn mày, mất trí, bị bọn xin ăn đánh lộn, đâm hai nhát dao vào ngực phải. Tiền sử: Trên người chằng chịt những vết sẹo to nhỏ. Nhiều người bảo có thể trước kia anh ta đi cướp giật, gây gổ, bị bọn đồng đảng đâm chém. Qua linh tính và khám thực thể, tôi không tin những vết sẹo lại là vết đâm chém mà là những vết thương do mảnh đạn được khâu mổ rất phức tạp, tinh vi...

- Thì có ảnh hưởng gì tới triệu chứng con bệnh của anh ta?

Trần Hùng cắt ngang câu nói của Dung. Cô ngạc nhiên giây lát rồi trả lời:

- Dạ, có chứ ạ. Ta có thể xác nhận tiền sử bệnh nhân không phải là người cướp giật, đánh lộn mà có thể là một thương binh, tâm thần, thất lạc. Ta giới thiệu về cơ quan chính sách để họ xem xét.

- Không đơn giản đâu cô Dung ơi. Phức tạp lắm. Còn gốc tích của họ, ai là người đứng ra bảo lãnh? Rồi chế độ, chính sách kèm theo nữa. Cô tưởng đơn giản đấy hả? Nhiệm vụ của chúng ta là chữa lành vết đau cho bệnh nhân - Trần Hùng nói.

Ngọc Dung tiếp tục tranh luận:

- Vâng, nhưng bệnh nhân vào đây chúng ta phải có trách nhiệm đến cùng chứ.

- Tôi đồng ý với cô, chữa bệnh đó cũng là trách nhiệm rồi. Còn trách nhiệm cái gì nữa. Trách nhiệm với cuộc đời của anh ấy ư? Việc ấy là của cơ quan chính sách, của xã hội, của gia đình, cô hiểu chứ?

Ngọc Dung nói:

- Cơ quan chính sách phát hiện được thì đâu đến nỗi anh ta thảm hại thế.

Trần Hùng bảo:

- Ngoài xã hội thiếu gì những người sống thảm hại, lang thang. Sức đâu mà người ta truy tìm tung tích của những kẻ lang thang ấy. Tốt nhất là chữa lành vết đau, cho anh ta ra viện.

- Ra viện, bệnh nhân biết về đâu, đi đâu.

Trần Hùng mỉm cười:

- Cô đúng là gái góa, lo việc triều đình. Về nơi anh ta đến đây ấy.

Ngọc Dung không nỡ làm cái công việc bình thường của người thầy thuốc trước một bệnh nhân đã đủ điều kiện ra viện. Cái việc bình thường ấy nghĩa là tóm tắt bệnh án, viết giấy xuất viện để ngày hôm sau bệnh nhân chỉ việc thanh thản rời cái giường bệnh của mình. Ngọc Dung đã điều trị cho không ít bệnh nhân nặng và tình thương của cô đối với họ được nói bằng đôi mắt quầng thâm mỗi khi gặp một ca bệnh hiểm nghèo. Riêng đối với gia cảnh và bệnh trạng của Thúc, dường như tình thương của cô còn được nói bằng những giọt nước mắt. Cô luôn phải kiềm chế sự xúc động mỗi lần đọc tiền sử bệnh án và khám bệnh cho anh.

Viết giấy ra viện nghĩa là bổn phận của Ngọc Dung đã hết còn anh ta có thể đi bất kỳ nơi đâu mà tâm tưởng anh cũng không định hướng được. Có thể lại lang thang, du nhập với bọn cướp giật, ăn mày. Có thể những mũi dao tranh giành, ghen ghét lại găm vào mạng sườn. Và cái biên giới của thần chết lại phũ phàng ập đến rình bắt anh đi. Không, không thể đang tâm để con người này phó mặc cuộc đời với những tai họa tiếp nữa.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, Ngọc Dung vẫn không sao yên giấc. Cô thao thức, nghĩ ngợi miên man. Chợt cô nảy ra một ý định, một ý định mà trong suốt cuộc đời sinh viên y khoa và làm bác sĩ cô chưa hề nghĩ tới. Ngày mai cô sẽ xin phép ba mẹ để được đưa bệnh nhân về nhà mình. Nhà Ngọc Dung nghèo thôi, ba mẹ cô đều là cán bộ đã nghỉ hưu nhưng tằn tiện, dè sẻn vẫn có thể nuôi thêm được một người nữa.

Mẹ của Ngọc Dung là người Hà Nội, vốn đa sầu đa cảm, dễ động lòng thương người như cô. Bà hay xúc động trước những cảnh ngộ éo le, đau khổ của người khác. Ngay cả khi ngồi xem kịch trên ti vi, có cảnh lâm ly, khổ hạnh là bà sụt sịt, nâng vạt áo thấm nước mắt. Với nạn nhân Kích, bà đã rõ gia cảnh. Những ngày ở chợ, bà thường hay cho Kích ăn, thường đau lòng khi bọn côn đồ đánh anh sấp ngửa. Khi Kích vào viện, biết con gái mình điều trị cho anh bà rất yên tâm nhưng vẫn băn khoăn, lo ngại mỗi khi Ngọc Dung bảo hôm nay anh ấy mệt lắm, đau lắm.

Còn ba của Ngọc Dung là người gốc Huế, tập kết ra Bắc rồi xây dựng gia đình với mẹ cô. Gần ba mươi năm trong quân ngũ, ông từng là lãnh đạo của một sư đoàn. Dù đã biết tình cảnh của Kích nhưng nếu biết Kích cũng đã từng là một người lính chắc ông cũng dễ cảm thương.

(còn nữa)

 

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày