Thứ 2, 29/04/2024, 22:22[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 26/09/2016 | 15:21:51
759 lượt xem

 

CHƯƠNG 11: từ đôi mắt người lính

 

Những thuận lợi làm Ngọc Dung phấn chấn bao nhiêu thì những trở ngại lại làm cô suy nghĩ, trăn trở bấy nhiêu. Bệnh nhân là một thanh niên hơn cô vài tuổi. Ðưa anh về ở hẳn với gia đình sao tránh khỏi những dị nghị của bà con lối phố, của bạn bè. Nhà Ngọc Dung lại chật chội. Gia đình thêm một khẩu đã khó khăn, khẩu lại là một người thần kinh không bình thường không chỉ phát sinh khó khăn về mặt đời sống mà có thể còn xáo trộn về mặt sinh hoạt thường ngày. Nhưng chẳng lẽ sợ khó khăn, sợ tiếng đời mà để mặc nạn nhân ấy chới với, bất hạnh. Ngọc Dung quyết định đem ý nghĩ của mình thưa với ba mẹ, ý nghĩ được toát từ tình cảm cô hoàn toàn ý thức được. Nhưng chưa nói lời hệ trọng thì bà Châu - mẹ Dung đã nhận ra sự khác thường ở con gái. Bà nhìn cô bằng ánh mắt nghi ngại:

- Làm sao đêm qua con thao thức hoài vậy?

- Không, con có sao đâu. Con hơi khó ngủ một chút.

- Sao lại khó ngủ. Hay có việc gì con phải nghĩ ngợi?

- Dạ, vâng, con có một việc định thưa với ba mẹ.

Bà Châu từ vẻ lo lắng bỗng nét mặt vui hẳn lên. Những nếp nhăn mờ trên trán bà như giãn nở. Bà phỏng đoán chắc là chuyện riêng của con gái. Nó kín đáo, ý thức lắm, chả bao giờ cho bà vui lây cái niềm vui của riêng mình.

Ông Châu chồng bà đi biền biệt suốt cả thời trai trẻ. Hai vợ chồng chỉ được quấn quýt bên nhau vẻn vẹn có mươi ngày sau khi cưới. Mãi đến khi cả hai cùng đầu bạc răng long, bước sang cái ngưỡng tuổi ông tuổi bà mới lại được sống bên nhau. Ông bà chỉ có ba người con gái. Ngọc Dung là con cả, đã có nghề nghiệp. Hai em của cô là Hằng và Hạnh còn đang học phổ thông. Cái anh thanh niên da trắng, dong dỏng cao tên là gì bà cũng chưa nhớ rõ, mấy chủ nhật qua hay đến nói chuyện với Ngọc Dung. Trai gái thời nay chẳng cần mối lái gì sất. Mến nhau là cứ xoắn xuýt tìm hiểu nhau. Chắc cả hai đã tâm đầu ý hợp nên Ngọc Dung mới thưa chuyện với bố mẹ chăng?

Bà Châu hoàn toàn thất vọng khi nghe con gái thưa chuyện. Ðôi mắt mờ đục của bà nhiều lúc nhìn cô nói tưởng như không chớp. Bà ngồi tựa cái bóng, tâm trạng vừa lắng nghe vừa tỏ vẻ ngạc nhiên trước tình cảm của con gái mình. Người thanh niên ăn mày ấy bà đã quen, đối với bà chỉ là sự thương hại. Bà thương, bà cho ăn cho uống chứ bà chưa hề nghĩ đến việc rước người ta về nhà mình. Bà không ngờ Ngọc Dung lại có hành động ấy. Anh ta là thương binh lạc ư? Không có nơi nào nương nhờ, số phận rồi sẽ đẩy anh ta về đâu? Anh ta sống chết ra sao? Ôi, sao ở trái đất này lại có người bất hạnh như thế. Bà vẫn ngồi im tựa cái bóng. Hai giọt nước từ hõm mắt sâu thẳm lăn ra kéo một vệt ướt dài trên má. Một lát sau bà mới thều thào nói với con gái:

- Việc nhân nghĩa này tùy con.

Im lặng một lát, bà lại nói:

- Mẹ chỉ sợ đưa anh ấy về con vất vả.

Lại im lặng và bà lại nói:

- Con bàn kỹ với ba xem sao? Ba con từng là người lính, ba con hiểu hoàn cảnh chiến tranh, hiểu về người lính hơn mẹ.

Ngọc Dung nhỏ nhẹ:

- Vâng, con sẽ thưa chuyện với ba.

- Ba đi đâu mẹ nhỉ?

- Tôi đây! Ông Châu từ buồng trong bước ra. Ðến chỗ hai mẹ con ngồi, ông bảo:

- Tôi đã nghe hết chuyện con Dung kể với bà.

- Thế hả. Ông ở trong ấy mà... Ông đã nghe rồi, ý ông thế nào?

- Thế ý bà thế nào?

Bà Châu bảo:

- Tôi chỉ thấy thương thương người ta, còn việc đón người ta về là việc hệ trọng. Tôi nhường ông quyết định.

- Thôi được. Tôi sẽ vào viện xem sự thể thế nào đã.

Rồi ông quay sang nhìn Dung:

- Chiều nay con đưa ba vào viện thăm chú ấy nhé.

- Vâng ạ.

Ngọc Dung như trút được nỗi căng thẳng lo ngại sau mấy đêm đắn đo, nghĩ ngợi. Tuy ba mẹ chưa hẳn đồng ý rước người bệnh tàn phế về gia đình song cả hai người cùng thể hiện sự đồng cảm với ý nghĩ của cô.

Tại phòng bệnh A7, cuối buổi chiều, một vài bệnh nhân lảng vảng ra ngoài hành lang. Mấy người bệnh mệt mỏi nằm co ro, trùm chăn tại giường. Thúc ngồi xổm ở một góc giường bệnh, hai tay ôm đầu gối, mặt nghểnh lên nhìn đốm nắng chiều qua cửa sổ lắc lư trên bức tường. Có người vào, bước lại phía Thúc, anh vẫn thờ ơ, đôi mắt rê rê theo đốm nắng rung rinh vẻ thích thú. Chừng một lát, anh lại quay ra trân trân nhìn người đang đứng trước mặt. Người đó là ông Lê Minh Châu. Ông chừng tuổi ngoại lục tuần, da ngăm đen, tóc bạc, người cao, khuôn mắt quắc thước. Ông theo Ngọc Dung vào viện. Nhìn ông, đột ngột Thúc mỉm cười, miệng mấp máy:

- Bố vào đây làm gì?

- Tôi vào thăm chú - ông Châu nói.

Thúc reo lên:

- A ha, bố nhã ý vào thăm con. Bố tốt quá. Tốt nhất trần đời.

Thúc nói tiếp:

- Con có bố, con đói, con đau ông ấy chẳng nhòm ngó bao giờ.

Thúc cười khanh khách, hết cười miệng lại lảm nhảm:

- Hay là ông ấy quên mình rồi nhỉ. Mà quên từ bao giờ chứ. Ðúng rồi, quên từ lúc mình đi xa tít tịt… Mãi ở đâu nhỉ. A, nhớ rồi, ở tằng, tằng, tằng.

- Thế bố chú ở đâu? Ông Châu hỏi.

- Ở nhà quê.

- Nhà quê ở đâu?

Thúc cười hi hí:

- Ở đầu lâu con cò.

- Chú huyên thuyên. Ðầu lâu con cò to hơn lỗ mũi, ở làm sao được.

- Hí... hi... Thế thì con không nhớ rồi. Thảo nào người ta cũng quên luôn. Quên cả cái thằng này nữa.

Ông Châu nói:

- Ðúng, không nhớ quê cha, quê mẹ, ai người ta biết chú ở đâu mà chả quên.

Nói lai rai một hồi, hình như thấm mệt Thúc ngồi im, thờ ơ như không hề có cuộc trò chuyện vừa qua. Anh ta quay mặt ra cửa phòng, lơ láo như thể có ai chờ đợi ngoài đó.

Ông Châu ngước nhìn theo. Và mắt ông như bất chợt nhận ra một hình ảnh quen thuộc nào đó. Hình ảo lẫn trong muôn vàn sự thân thuộc mà ông đã gặp. Ðúng rồi, hình ảnh đôi mắt của một người lính. Gần ba mươi năm sống trong quân ngũ, ông hiểu đôi mắt của họ. Từ đáy mắt sâu thẳm như thể toát ra một cái gì rất riêng và chỉ có những người lính như ông mới có thể nhận biết được hình ảnh của đồng đội mình.

*

*       *

Bà Châu ngước nhìn chồng. Mái tóc xanh thuở nào nay đã nhuốm sương quá nửa. Mắt ông bạc đi. Lúc này trông ông không còn khỏe mạnh. Bỗng dưng bà thấy thương thương. Ông đã nghỉ hưu, bà mong muốn ông được nghỉ ngơi, dưỡng sức nhưng chẳng lúc nào bà thấy ông thư thái cả. Người ta bảo với bà, đấy là tác phong người lính. Nhưng chẳng lẽ người lính không được nhàn ư? Bà đã lo tất cả mọi việc, kể cả trông nom, chăm sóc chú Kích để ông đỡ vất vả. Nhưng việc gì ông cũng cảm thấy mình cần phải đỡ đần vợ con. Hình như ông là của mọi người, ông rất cần thiết cho mọi người. Và có lẽ vì thế ông vất vả chăng? Còn một điều này nữa, sống bên ông, hình như cái tính đa cảm, thương người của ông đã truyền sang cả mẹ con bà. Nhiều người bảo “Ông Châu phiến ái chúng như thân nhân”, nghĩa là ông thương yêu những người chung quanh như thương yêu chính mình. Ðúng vậy, cả đời bà chưa bao giờ thấy ông làm điều gì hại cho người khác, trái với lương tâm mình. Ông thường dạy các con: “Phải tránh xa điều ác. Phải lấy chữ thiện làm tâm phúc cho mình. Phải biết sống vì nhau”.

Một lần bà Châu hỏi đùa:

- Ði bộ đội, ông bắn giặc tức là ông bắn người, thế ông có tránh điều ác không?

Ông cười rất hiền:

- Bắn giặc tức là để giữ cho nhiều người không phải đổ máu. đó là làm việc thiện.

Rồi ông giải thích:

- Phật tổ ngày xưa kiêng sát sinh tha cho con rắn độc để con rắn độc cắn chết nhiều người. Tưởng làm điều thiện mà hóa ra không thiện là thế đấy bà ạ.

 

 

(còn nữa)

Nhà văn MINH CHUYÊN

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày