Thứ 2, 29/04/2024, 20:42[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 17/10/2016 | 09:13:24
845 lượt xem

CHƯƠNG 14: TƯỞNG NHÀ CHÚA NGỤC, THÚC ĐỐT QUÁN BÀ DẦN

Bà Châu quát to: “Chú lại nói nhảm rồi. Chú đang ngủ cơ mà, có ai vào đây đâu”. Chú Sẹo đứng im, lát sau xoay cổ nhìn khắp nhà rồi lặng lẽ ôm chăn trèo lên giường nằm.

- Bà có biết Phú nào không? Ông Châu hỏi.

Bà Châu ngẫm một lát rồi nói:

- Chắc có tên Phú, tên Phí nào đó ngoài chợ đâm chú ấy hồi tháng bảy chăng?

- Tôi cũng nghĩ thế. Vì tôi cũng mấy lần nghe chú ấy gào gọi tên Tú, tên Phú nào đó có vẻ giận lắm. Biết đâu hay là Phú cùng đơn vị với chú ấy. Nhưng cùng đơn vị sao lại hại nhau?

Bà Châu bảo:

- Khối người anh em còn giết nhau nữa là bạn cùng đơn vị.

Ngọc Dung đang ngồi đọc sách bên chiếc bàn gỗ quay ra nói:

- À, ba ơi, hôm qua con gặp bác cả Phê, bác ấy bảo cái đêm anh Kích không về nhà ngủ suýt nữa anh ấy đốt quán bà Dần đấy.

- Sao lại đốt quán bà Dần? Ông Châu hỏi.

Ngọc Dung kể: Suốt ngày hôm ấy bà Phê bảo Thúc giúp bà dọn dẹp những việc lặt vặt. Chiều tối mưa lun phun, bà giữ lại, ăn cơm xong bà bảo: “Mưa về ướt hết, chú Kích ngủ đây thôi”. Không nghe, khoác áo lên vai bảo: “Không được, phải về bố Châu thôi, bố Châu đi tìm đấy”. Lững thững ngang qua quán bà Dần, bà Dần gọi lại bảo: “Vào đây kẻo ướt. Tối nay chú Sẹo ngủ đây coi giúp tôi hàng nhé”. Gật đầu. Bà Dần mắc cho cái màn trên chiếc chõng tre mà bà thường ngủ. Lúc về bà dặn: “Phải giắt màn cẩn thận kẻo muỗi nó đốt chết”. Gật đầu. Mấy tháng trước, thỉnh thoảng Thúc cũng đã nằm canh coi quán cho bà Dần.

Chừng nửa đêm, người ta nghe phía quán bà Dần có tiếng quát tháo: “Mày là thằng gian ác. Mày đã giết hại bao nhiêu tù nhân. Anh em đốt nhà nó đi. Ðốt nhà nó, trả thù cho những người bị chết”. Sau những tiếng quát thấy có lửa sáng mọi người đổ ra. Trong ánh lửa, chú Sẹo lăng xăng tay cầm bó lửa giơ lên mái quán vừa định đốt vừa ngập ngừng, miệng kêu to: “Chuyến này mày phải chết, chết đi này”. Mọi người xô tới giằng bó lửa, túm tay chú Sẹo lệch thệch kéo ra ngoài. Một người quát:

- Sao chú Sẹo định đốt quán bà Dần?

- Nó là thằng chúa ngục gian ác, phải đốt nhà nó.

- Thằng chúa ngục nào, đây là quán bà Dần chợ Cầu chú coi hộ cơ mà?

Thúc ngơ ngơ đứng nhìn mọi người:

- Ờ ờ..., tôi cứ tưởng nhà thằng chúa ngục. Tẹo nữa cái quán này cháy thui. Hì hì. Mà cháy thì tôi đền, sợ cóc gì.

- Chú lấy gì mà đền?

- Ðừng khinh Kích Sẹo này nghèo nghe. Về được nhà ấy, á, cả chợ này tôi cũng đền thừa.

- Nhà giàu thế, sao chú không về, cứ luẩn quẩn ăn mày ở đây?

- Về đâu?

- Về nhà chú ấy.

- Nhà tôi đây mà.

Mấy người chữa cháy ra về bảo nhau:

- Chú Kích điên nhưng có khùng bao giờ đâu. Hiền như bụt, sao nay lại giở chứng đốt quán.

- Ðúng thế, chú ấy thần kinh nhưng chẳng bao giờ nghe thấy chửi tục, nói bậy. Chẳng bao giờ đập phá, càn quấy ai cả, tự dưng lại đùng đùng đốt nhà.

- Cơn bệnh nổi lên đâu phải tại chú ấy.

Một người nói:

- Hình như có điều gì ẩn khuất, thỉnh thoảng sực tỉnh, sực nhớ, chú ta vẻ căm giận ai đó.

- Hay là chú ấy bị địch bắt, bị chúng tra tấn nên mới gào chửi thằng chúa ngục nào đấy, rồi đòi đốt nhà nó?

Người lại bảo:

- Thần kinh nói nhảm, tin sao được.

Nghe Ngọc Dung kể, ông Châu bảo vợ:

- Chú ấy nói nhảm thật, nhưng tôi có linh tính điều gì đó ẩn chứa trong sự lảm nhảm ấy. Còn cái gì nữa, nghiệt ngã khiến con người này tuy rằng mất trí nhưng vẫn phảng phất một sự thật phũ phàng. Bà có nhận ra điều đó không?

- Tôi chỉ thấy thương chú ấy.

- Thương thì mẹ con bà cố gắng chăm sóc, thuốc men chu tất cho chú ấy.

- Ông đừng lo, cứ yên tâm đi tìm đơn vị chú ấy. Có được chế độ là mình làm phúc cho chú ấy đấy. Nhưng ông phải lo giữ sức khỏe, lại ốm thì khổ.

*

*     *

Ðầu tháng mười, trời Hà Nội vời vợi cao. Những áng mây trắng ngần lững lờ trôi tít trên nền trời xanh thẳm khiến cho không gian vừa thoáng đạt vừa mênh mông.

Buổi sáng, ông Châu nhảy tàu điện vào bến Kim Mã rồi lên ô tô đi Sơn Tây. Ðường ổ trâu, chiếc xe nhảy lồm chồm vật vã chừng hơn mười giờ đồng hồ, khách mệt phờ xe mới về tới bến. Con đường bến xe thị xã Sơn Tây vào viện Năm dài non bốn cây số, ông Châu phải cuốc bộ. Ðã lâu lắm ông mới đi bộ một quãng dài. Tất nhiên, so với thời gian còn là lính thì chẳng thấm vào đâu. Ông đã từng vai khoác ba lô, chân đi dép lốp từ Nam ra Bắc rồi lại từ Bắc xẻ dọc Trường Sơn vào Nam. Rồi hết chiến trường này đến chiến dịch khác cũng chỉ bằng đôi chân cuốc bộ. Mãi đến khi lên làm lãnh đạo sư đoàn, đi công tác ông mới đi bằng xe con. Vào tới viện Năm, trước hết ông Châu tìm đến ban chỉ huy viện. Ở đây ông đã gặp người bạn tri kỷ tên là Trần Phúc. Bảy năm trước, ông và Trần Phúc cùng trong ban chỉ huy một trung đoàn ở mặt trận khu Năm. Ngày đó Trần Phúc làm chính ủy, ông làm trung đoàn trưởng. Rồi sau Trần Phúc bị thương ra Bắc, về làm chính ủy viện. Ông vẫn tiếp tục sống trong những cơn bão lốc dữ dội khủng khiếp của mặt trận. Mãi đến khi quân ngụy sụp đổ, đất nước sạch bóng quân xâm lược ông mới về nghỉ hưu. Bạn hữu lâu ngày gặp nhau, bầu tâm sự dốc mãi không cạn. Ông Châu vẫn chưa thổ lộ được ý định chuyến đi của mình với bạn. Những câu chuyện về đời thường cứ nối nhau ra từ cửa miệng buồn vui của hai người.

- Thôi, chuyện đời, chuyện hưu lan man như thế là đủ. Nay nhân thể lên thăm anh, tôi có việc muốn phiền anh một chút.

- Việc gì nào, anh cứ nói đi.

Ông Châu nói:

- Chợ Cầu gần nhà tôi đó anh, có một trường hợp khá đặc biệt. Một thanh niên chừng ngoài ba chục tuổi tên là Kích, mặt mày đầy sẹo, lang thang xin ăn được bà con ở chợ thương tình đùm bọc. Rồi một hôm chú ấy bị bọn hung đồ cướp giật, đâm chém phải khiêng vào viện cấp cứu. Cháu Ngọc Dung nhà tôi, anh còn nhớ con bé không, ngày anh đến chơi nó còn bé tẹo teo, nay là bác sĩ rồi đó nó điều trị cho chú Kích. Nó phát hiện những vết sẹo cũ trên đầu, trên ngực người bệnh là những vết thương do chiến tranh gây ra, được mổ, khâu rất cẩn thận. Nó đoán chú Kích này là thương binh thần kinh bị lạc đơn vị đã lâu ngày. Ra viện chú ấy không biết đi đâu, về đâu. Tên quê quán, cha mẹ chẳng nhớ. Cháu Ngọc Dung về nhà kể lại tình cảnh bệnh nhân của mình và nói: “Con không nỡ viết giấy ra viện để anh Kích lại lang thang, để bọn hung đồ lại đâm chém anh ấy. Con muốn xin phép ba mẹ đưa anh Kích về nhà ta, thuốc men chạy chữa cho anh ấy…”. Tôi không ngờ cháu nó lại suy nghĩ và hành động như thế. Tôi đã đến bệnh viện xem xét. Với linh tính của một người lính, một người chỉ huy, tôi đã nhận ra như điều cháu Dung kể. Ðúng là một chiến sĩ anh ạ. Một chiến sĩ bị thương nặng, thất lạc lâu ngày. Tôi về bàn với bà nhà tôi rồi quyết định đón người chiến sĩ ấy về nhà mình. Ðến nay đã gần bốn năm rồi.

Ông Châu dừng một lát lại nói tiếp:

- Tôi và cháu Dung đã liên hệ và trình bày với chính quyền địa phương, với các cơ quan chính sách. Nhưng họ bảo không có giấy tờ căn cứ gì làm sao họ giải quyết được. Tôi trình bày tình cảnh cụ thể, họ lại bảo xác nhận chế độ cho một thương binh đâu có đơn giản bằng lời nói, phải có nhân chứng. Ði lại nhiều lần không kết quả, một ông bạn cùng tổ dân phố bảo: Có người đầy đủ giấy tờ mà làm thủ tục chế độ người ta còn vặn vẹo đủ thứ huống chi chú ấy không có một cái gì làm tin, lại nói suông, làm sao người ta chấp nhận được. Tôi nghĩ, giải pháp tốt nhất là tìm bằng được đơn vị của người chiến sĩ này hoặc quê quán của anh ta. Và hôm nay lên với anh cũng không ngoài mục đích ấy.

Chính ủy Trần Phúc thực sự xúc động khi nghe ông Châu kể lại việc làm nhân hậu của gia đình. Trần Phúc không ngờ ở nơi cuộc sống đạm bạc, đồng lương không đủ nuôi mình mà bạn ông lại có tấm lòng nhân ái, cao đẹp như thế.

(còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày