Thứ 2, 29/04/2024, 22:11[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 14/11/2016 | 10:15:09
1,067 lượt xem

Làng Tống Vũ ngày nay. Ảnh: Minh Đức

 

CHƯƠNG 18: NGUYỄN ĐÌNH THÚC TRỞ VỀ

Cái ngõ nhỏ có hàng dâm bụt đỏ như son dẫn lối vào nhà Thúc. Anh không còn nữa. Hàng dâm bụt vẫn rực rỡ cháy khôn nguôi.

Lâu rồi Học vẫn lùi lụi tựa cái bóng, cô đơn, lặng lẽ dắt xe qua lại. Cái bóng không nhí nhảnh, vui tươi dừng chân chiêm ngưỡng những cánh hoa như thuở nào.

Vào sân, linh tính từ tiếng ồn ã trong nhà ùa ra như mách bảo: Lại có chuyện không bình thường? Học sợ như cái linh tính ùa ra bất thường hơn mười năm trước, đột ngột và đau đớn! Học choáng váng gục xuống trước ngõ. Những cánh hoa dâm bụt rơi, đỏ như máu dính đầy người cô. Lần này, cái linh tính ngược lại. Tiếng ai đó vọng ra:

- Cô Học ơi, có tin mừng.

Tiếng một người khác:

- Chú Thúc còn sống nhé.

Học hồi hộp chưa hiểu thực hư thế nào đã thấy bà Tám lập cập chạy ra cửa, luống cuống gọi:

- Con ơi, mau vào đây. Bà cả Phê trên Hà Nội vừa gửi thư về báo tin thằng Thúc nhà ta hình như còn sống.

Bà nghẹn ngào nâng vạt áo lên lau nước mắt:

- Mẹ mừng quá. Nếu đúng, thật hạnh phúc cho các con. Thư đây, con đọc đi.

Học bồi hồi đứng lặng người. “Ôi! Anh Thúc còn sống ư?” - cô khẽ reo lên, tiếng reo như toát ra tự đáy lòng. Ðiều bấy lâu nay Học linh cảm như là một ảo mộng. Ảo mộng hóa thành sự thật ư?

Tay Học run run cầm lá thư mà cứ sợ có luồng gió lẩn khuất đâu đó bất thần cuốn nó bay đi mất. Những dòng chữ chập chờn, nghiêng ngả, có lúc tan ra trong đôi mắt nhòe lệ. Thư viết:

Kính gửi ông bà Tám!

Kể từ ngày nhận được tin cháu Thúc hy sinh, tôi chưa có dịp về chia buồn cùng ông bà được. Nay biên thư báo tin để ông bà rõ. Ở trên này có một người tâm thần, chừng tuổi cháu Thúc nhưng người đầy sẹo, ăn mày ở đâu đó rồi lang thang về chợ Cầu chỗ tôi bán hàng, mọi người thường gọi là chú Kích sẹo. Nhìn tạng người và giọng nói sao giống ông Tám đến thế. Nhưng hỏi quê quán ở đâu, bố mẹ là ai thì chỉ ú ớ lắc đầu. Anh ta tâm thần mà hiền và chịu khó lắm. Lúc ngồi hát cho các bà hàng nghe. Khi thu đồ đạc, dọn dẹp, quét chợ giúp mọi người. Một hôm, anh ta bị bọn cướp giật, ăn mày đâm chém, máu me đầy mặt, mấy bà hàng cuống quýt thuê xích lô đưa vào viện cấp cứu. Sau đó, ông bà Châu ở khu tập thể gần nhà tôi cùng cô con gái là bác sĩ Dung - người trực tiếp điều trị cho anh ta ở viện đón anh ta về nhà nuôi dưỡng, phục thuốc đã nhiều năm nay. Có dịp tôi kể ông bà nghe, ở đời sao lại có người tốt như thế. Nay sức khỏe của anh ấy đã khá hơn nhưng tâm tính vẫn lẫn lộn. Có lúc nhận tên là Kích, có khi lại bảo không phải đâu. Một hôm anh ta lân la đến quán tôi, tôi hỏi: Hồi này chú đã nhớ tên mình là gì chưa? Anh ta hì hì lắc đầu. Tôi đưa cho đồng bánh giò ngồi bóc ăn, đột nhiên nói nhớ, nhớ... Nhớ là gì? Tôi gạn hỏi. Lắp bắp mãi mới nói được Thích, Thúc. Tôi sửng sốt hỏi lại: Cháu tên là Thúc phải không? Lại hì hì lắc đầu.

Bà Tám òa khóc:

- Khổ thân con tôi, nó đi thì khỏe mạnh, sao bây giờ lại ra nông nỗi này.

Nhiều người sụt sùi ứa nước mắt. Học xúc động, hai hàng mi chớp chớp. Một ai đó bảo:

- Bình tĩnh để chị Học đọc tiếp xem nào.

…Tôi lại bảo: Tên bố là gì. Anh ta lắp bắp: Tam, Tàm. Thôi đúng rồi. Tôi nghĩ, bố là Tám, chắc chỉ láng máng nhớ được Tam, Tàm thôi. Linh tính báo là cháu Thúc nhà ta rồi ông bà ạ. Nhận được thư này mời ông bà lên ngay. Nếu quả là cháu Thúc thì đón cháu về. Lỡ mà không phải cũng mời ông bà quá bộ lên chơi với vợ chồng tôi rồi tôi lo tiền tàu xe cho ông bà về…

*

*     *

Mọi đêm khác, dân làng Tống Vũ thường yên tĩnh. Trong các gia đình, mọi người thường bàn tán đủ mọi thứ chuyện trên đời dưới đất, nào là ông Thần Nông lưng hơi còng xuống, tháng này không khéo mưa to, nào là ngoài ruộng trà hai linh ba bị sâu đục thân phá tiệt đến chuyện ông A, ông B được cất nhắc lên nhận chức ở Hà thành rồi chuyện con nái nhà bà Gở đẻ ra chú ỉn con hai đầu, cả chuyện I-rắc và Cô-oét xung đột... vân vân và vân vân. Ở những nhà khấm khá sắm được ti vi, trẻ con, người lớn kéo đến xem ngồi chật cả hè. Riêng đêm nay có sự chẳng bình thường. Dân làng Tống Vũ không ngồi túm tụm ở một vài nhà uống nước tán chuyện, cũng không đi coi vô tuyến truyền hình. Họ kéo nhau đến cả nhà ông Tám. Từ chiều, bà Tám đã nấu mấy nồi nước chè xanh đặc quánh, cho trẻ mượn dăm bảy bộ bàn ghế kê ngay ngắn ở sân. Bà mời chào khách đon đả. Tính bà vẫn vậy. Khách vãng lai qua lại cho là gia đình bà cưới vợ con trai hoặc gả chồng cho con gái. Không phải đâu, gia đình bà chuẩn bị đón thằng con trai độc nhất đã “quá cố” trở về. Ông Tám và Học lên Hà Nội mấy hôm rồi, tin về sớm muộn nội nhật trong ngày nay thằng Thúc bà mang nặng đẻ đau, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nuôi nó, mong nó từng ngày khôn lớn, phương trưởng sẽ về.

Bà Tám nhớ lại ngày Thúc có giấy gọi nhập ngũ, dân làng cũng đến đông như thế này. Ngày đó, vợ chồng bà sắm mâm cơm cúng gia tiên, mong cụ kỵ, ông bà phù hộ cho đứa con ra đi bình an vô sự. Thúc đi rồi, bà nhớ ơi là nhớ. Nhớ từng cử chỉ, lời nói. Nhớ cả cái nốt ruồi mờ ở bả vai bên trái. Cứ nhắm mắt là cái nốt ruồi con con ấy lại hiện ra trong mắt bà. Nỗi nhớ chưa nguôi thì tin sét đánh ập đến. Thúc anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Ðông. Bà Tám lòng đau thắt lại, chân tay rụng rời. Bà con làng xóm đến chia buồn cũng đông như thế này. Cơn đau dần dà dịu lại. Ðến khi cả nước reo vui mừng ngày toàn thắng thì ông bà lại âm thầm ngồi khóc, âm thầm ngồi thương nhớ đứa con trai không về.

Ở cái làng Tống Vũ nho nhỏ này mà có tới hơn trăm liệt sĩ, có đến mấy trăm ông bố, bà mẹ, người vợ phải nén nỗi đau riêng vì nghĩa cả. Họ lặng lẽ tần tảo quanh  năm gánh phần việc, phần đời của chồng con để lại, có riêng gì vợ chồng bà đâu. Bà Tám nghĩ vậy. Nỗi đau dần dà lại dịu đi.

Những người ngồi quây quần ở sân nhà bà Tám đoán già, đoán non độ đường những người họ đang chờ, đã về đến đâu nhỉ. Thị xã hay bến phà? Chẳng ai muốn vắng mặt khi Thúc xuất hiện ở căn nhà này, căn nhà đã vắng bóng anh gần hai chục năm nay, căn nhà có tấm ảnh Thúc đặt trên bàn thờ hương khói đã ám muội.

Trăng tròn vẫn treo lơ lửng giữa bầu trời. Gió mát vẫn dào dạt hàng tre trước cửa. Mây trôi. Những vì sao nhấp nháy như muôn vàn con mắt tinh nghịch nhìn về hạ giới. Dưới làng Tống Vũ, ở cái sân nho nhỏ, người ta nghĩ ra bao nhiêu là chuyện lý thú để tán dóc, để chờ đợi Thúc.

Ðúng vào lúc lòng kiên trì của một số người đang ở đỉnh điểm thì Học đột ngột xuất hiện. Vừa bước vào sân, cô òa khóc. Sao thế nhỉ? Chuyện gì đã xảy ra chăng? Chú Thúc đâu?... Học chẳng trả lời ai hết, chạy vội vào buồng bà Tám, nằm vật ra giường. Hiện tượng này hiếm thấy ở Học nên không ai trách cô. Hay là chú Thúc oán giận gì? Hay là Học mừng quá khi gặp lại Thúc. “Mừng vui lệ nhỏ như mưa” là câu xưa nay người ta thường nói. Thôi, cứ để cô ấy khóc cho thỏa bớt những tình cảm dồn nén bấy lâu.

Ngoài sân, mọi người vẫn bàn tán sôi nổi. Ðiều gì sẽ xảy ra khi ông Tám và Thúc xuất hiện. Một vài người chưa hiểu đầu cuối lá thư bà Phê gửi về nên tranh nhau nói:

- Chắc là Thúc cao to, đẫy đà gấp mấy lần ngày trước nhỉ?

- Hẳn là bệ vệ, chững chạc lắm phải không?

- Mắt sáng, da săn, trán cao này. Hàng ria mép khoanh cái miệng ngày xưa vốn láu táu rất có duyên nữa chứ.

Từ trong buồng, Học thét lên làm mọi người giật mình:

- Không! Không phải thế…

Ðang ngỡ ngàng, ồn ã thì ông Tám một tay xách túi một tay dắt Thúc bước vào sân. Dáng ông mệt mỏi. Thúc lùi lũi theo sau, chẳng chào ai, cứ nghênh ngang, nghênh ngó, miệng lẩm bẩm: “Ði đâu thế này, đây là đâu nhỉ...”.

Ông Tám mắt đẫm lệ, nói như người sắp khóc:

- Thưa bà con... Cháu đấy!

Bà Tám từ buồng Học nằm tất tưởi chạy ra, ôm chầm lấy Thúc, òa khóc:

- Con… Thằng Thúc con tôi… Con tôi về đây rồi.

Bà gục đầu vào vai con. Những dồn nén từ sâu thẳm cõi lòng tràn ra trong tiếng nấc, trong những giọt nước mắt. Thúc thì dửng dưng, thờ ơ, hai tay chắp sau lưng, ngửa mặt lên phía ông trăng tròn miệng nghêu ngao hát: Trên trời có ông gì nhỉ, à, ông sao tua. Ở làng hạ giới, đúng rồi, có vua ăn mày. Hì hì…

(còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày