Chủ nhật, 19/05/2024, 19:23[GMT+7]

Chuyện từ đám cưới

Thứ 4, 08/08/2018 | 10:16:46
3,621 lượt xem
Chỉ từ một bữa cỗ đám cưới nhưng tôi đã hiểu thêm, biết thêm được bao chuyện làm giàu của những người nông dân vùng biển Tiền Hải thời nay, họ đang ngày đêm cùng đồng tâm hiệp lực góp phần làm cho vùng đất này ngày càng giàu đẹp hơn.

Kiểm tra quá trình sinh trưởng của ếch trong trang trại của anh Giáp.

Mặc dù là mùa hè trời nóng bức nhưng đám cưới ở quê vẫn khá đông vui nhộn nhịp. Là khách của gia chủ từ thành phố xuống nên tôi được mọi người nhường cho chỗ ngồi khá sang trọng. 

Vừa ngồi xuống mâm tôi đã được một bác có lẽ là cao tuổi nhất trong mâm giới thiệu luôn, bác bảo anh thì chúng tôi biết cả rồi, chỉ có cái là hôm nay mới được ngồi cùng mâm thôi. Rồi bác giới thiệu tiếp sang những người bên cạnh, phần lớn đây đều là những người đã trải qua cuộc chiến tranh, không ở chiến trường Quảng Trị thì cũng ở biên giới phía Bắc phía Tây Nam, duy chỉ có một thanh niên bác giới thiệu đây là doanh nhân Nguyễn Văn Kiểm - chủ doanh nghiệp Kiểm Linh người trẻ nhất nhưng cũng là người giàu có, thành đạt trong giới kinh doanh của xã. 

Nghe giới thiệu vậy anh Kiểm nói luôn: cháu là doanh nhân thì đúng rồi nhưng mà doanh nhân của xóm thôi, còn tuổi thì cũng chẳng trẻ gì nữa cũng ngoại tứ tuần rồi ạ.


Cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp Kiểm Linh. Ảnh: Khắc Duẩn

Bữa ăn đám cưới ở quê diễn ra cũng bình thường nhưng có một chuyện khác thường và để lại trong tôi nhiều điều suy nghĩ về lớp trẻ hôm nay, đó là khi tiệc cưới đã ngà ngà anh Kiểm hỏi tôi: Bác là nhà báo chắc bác đi nhiều lắm nhỉ?. Tôi bảo: đi thì không nhiều nhưng nếu có sự kiện thì anh em chúng tôi có mặt. Anh Kiểm nói tiếp: gần đây chúng cháu hay xem báo Thái Bình điện tử, phải nói báo có rất nhiều bài hay, rất nhiều tấm gương tốt làm kinh tế giỏi đáng để cho chúng cháu học tập, nhưng cháu nói thật, báo của các bác thiên về cây lúa, con lợn, con cá nhiều quá, bây giờ ở nông thôn để làm giàu người ta phải tìm đến những cách làm mới, những con vật nuôi mới chứ loanh quanh con lợn, con cá, cây lúa, củ khoai thì khó giầu lắm bác ạ; mà báo của các bác cũng phải đổi mới đi thì mới có người xem. Tôi nhìn anh, mọi người cũng nhìn anh. Một bác già cứ gọi là "trưởng mâm" lên tiếng: Thôi mày để bác ấy ăn cho nó ngon. Tôi bảo bác cứ để anh ấy nói vì chúng tôi cũng thích nghe những chuyện này. Anh Kiểm thấy vậy liền nói tiếp: cháu nói thật, xem báo của các bác nhiều khi chúng cháu cũng học được điều này điều khác, ví dụ báo nói tỉnh họp về việc này, việc khác, rồi các bác lãnh đạo đi thăm chỉ đạo công việc ở ngành này, doanh nghiệp nọ cũng là cái để cánh làm thương mại chúng cháu xem và rút kinh nghiệm cho cách làm của mình. Cháu làm kinh doanh nên xem tin bài về công, thương nghiệp, về quản lý thị trường cháu cũng biết làm thế nào để tránh được hàng giả, hàng kém chất lượng, không mua hàng giả về bán thì mới giữ được chữ tín của bà con. Vì chúng cháu kinh doanh ở xóm, ở xã nên không thật thà thì mất hết khách. Anh nói vậy rồi dừng lại hình như để thăm dò thái độ của tôi, rồi anh bảo: Bác thấy cháu nói vậy có đúng không? Tôi bảo: không chỉ đúng mà là rất đúng, cậu cứ nói tiếp đi. Cả mâm cỗ hình như cùng dừng lại nghe anh nói tiếp. Anh bảo: ở quê cháu đây cũng nhiều người chỉ vì lo chuyện làm ăn, lo làm giàu nên cũng có người sạt nghiệp, cũng không ít người giàu lên, giá các bác biết được những chuyện như vậy để mà viết thì chắc sẽ có nhiều người vừa học được cách làm giàu, vừa rút được kinh nghiệm để tránh không bước phải những bước mà người đi trước đã vấp ngã. 

Thế rồi anh kể về chính gia đình mình. Anh bảo cách đây dăm bẩy năm cháu đã bỏ ra gần trăm triệu đồng để mua đất tôn cao ruộng thành vườn rồi đi Nam Định mua giống cây đinh lăng về trồng cả một vườn nhưng vì thiếu kỹ thuật, lại không có kinh nghiệm nên cả hai vợ chồng vất vả mà cuối cùng thì lợi nhuận chẳng nhìn thấy đâu; buồn quá vợ cháu bảo đi buôn có khi còn dễ hơn. Thế rồi chúng cháu xoay sang làm kinh doanh, lúc đầu là bán đạm, bán lân, bán phân bón, thuốc trừ sâu, rồi mua thóc của bà con nông dân bán lại cho các đại lý. Thấy nhu cầu của bà con, cháu mở thêm cửa hàng đồ điện, rồi mở thêm các mặt hàng đồ dùng gia đình, hàng đồ chơi trẻ em, gần đây cháu mở cả cây xăng. Làm ăn bây giờ rất khó không lấy đâu ra "một vốn bốn lời" như các cụ bảo, nhưng nhờ cái tính thật thà mà bà con yêu, bà con quý nên khách đến ngày càng đông và cũng nhờ báo chí của các bác nên khi báo đăng chỗ này hàng giả, chỗ kia hàng kém phẩm chất, rồi hoạt động của quản lý thị trường chúng cháu kinh mà cảnh giác khi chọn mối hàng không tham rẻ mà mua hàng giả, hàng kém phẩm chất về bán. 

Một ông già nghe nói vậy liền bảo với tôi: Thằng này làm ăn được, vợ chồng nó ngoan và thật thà lắm. Hôm nó khánh thành cây xăng và siêu thị nó mời cả xóm ra dự đông vui phấn khởi lắm, đúng là lớp trẻ bây giờ chúng nó dám nghĩ dám làm và nó học, nó đọc nhiều nên nó biết được cách làm giàu, chứ chúng tôi ngày xưa nhờ có đi bộ đội mấy năm mới mở mày mở mặt, bây giờ nghe bọn trẻ nói chuyện nó chỉ cần mỗi cái điện thoại là biết được khắp thế giới, nghe chúng nó ngồi nói chuyện với nhau nào là ở xã này làm giàu, huyện nọ làm giàu, rồi cánh thanh niên cũng bàn cách làm giàu, địa phương cũng nhờ vậy mà mở mày mở mặt. 

Thế rồi ông kể về đứa cháu ông công tác miền Nam về quê thấy xóm làm đường cũng bỏ ra vài triệu ủng hộ, đứa này ủng hộ, đứa khác thấy vậy cũng làm theo, thế là con đường xóm đúng theo quy chuẩn đường nông thôn mới chẳng mấy chốc là xong mà vẫn còn thừa tiền để liên hoan, thăm hỏi người này người khác.

 Anh Kiểm từ nãy ngồi im lặng giờ lại nói tiếp: lúc nào mời anh về xóm em ra khu vực chuyển đổi xem mô hình nuôi ếch của anh Giáp, anh này mới đúng là có gan làm giàu, ngày xưa chắc các anh có đi bắt ếch thì cũng chỉ bắt được dăm ba con là cùng, bây giờ anh Giáp nuôi cả vạn còn bán cả  ô tô ếch nên bọn em gọi là Giáp ếch. 

Nghe Kiểm nói hay nên sau bữa ăn tôi cùng anh đến gặp Giáp ếch luôn. 

Dừng xe trước cửa Công ty Kiểm Linh ở thôn Tân Lạc, xã Đông Hoàng, tôi thầm thán phục cách vợ chồng Kiểm làm kinh tế. Trên khu đất rộng  gần 1500 m2 anh vừa làm cây xăng, vừa mở siêu thị, vừa bán các đồ chơi trẻ em như xe ôtô, xe mô tô, xe đạp điện các loại. Trẻ em có thể đi thử rồi chọn sản phẩm để mua - đúng là ở quê nhưng thuận tiện không kém gì thành phố.

Trung tâm Thương mại điện máy Kiểm Linh.

Ngồi sau xe máy của Kiểm đi theo con đường xi măng quanh co ra vùng đất mới thăm khu trang trại nuôi ếch của anh Đặng Văn Giáp, thôn Tân Lạc, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải. Mặc dù trời mưa to nhưng anh vẫn đội mưa tới các khu chuồng cho ếch ăn và kiểm tra tình hình phát triển của đàn ếch. 

Trò chuyện với tôi, Giáp bảo: ngày đầu ra đây lập nghiệp anh nuôi lợn nhưng do giá lợn lúc tăng lúc giảm nên gia đình chẳng có vốn mà theo đành bỏ cuộc. Xem trên mạng thấy người ta nuôi ếch hiệu quả anh liền bàn với vợ chuyển sang nghề nuôi ếch. Anh ra Hải Phòng chọn mua con giống rồi học kinh nghiệm chăn nuôi và tìm luôn đầu ra khi có sản phẩm. 

Mới qua gần ba năm gắn bó với con ếch, vợ chồng anh Giáp đã rút ra được nhiều bài học trong chăn nuôi đó là: việc chọn con giống trước tiên phải chọn bố mẹ mạnh khỏe và có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình nuôi phải biết sàng lọc phân loại con to ra con to, con nhỏ ra con nhỏ để dễ chăm sóc và tránh ếch ăn thịt nhau, từ đó mới có tỉ lệ sống cao. Việc chăn nuôi ếch cũng phải biết phòng tránh dịch bệnh, anh bảo: bệnh ếch hay gặp nhất là bệnh chướng hơi đầy bụng. Với loại bệnh này chỉ cần giầm tỏi cho ăn 3 bữa một tuần, cộng với tăng Vitamin C là ếch mạnh khỏe. Những ngày trời mưa ếch cũng dễ mắc bệnh lở miệng, để phòng bệnh thì phải giữ cho nguồn nước sạch nước tốt thì tỷ lệ bệnh sẽ giảm. 

Gắn bó với con ếch, lợi nhuận của vợ chồng Giáp đã tăng lên theo thời gian. Anh bảo: riêng năm 2017 anh xuất bán 10 tấn ếch, trừ hết các loại chi phí phần lãi thu được cũng trên 200 triệu đồng. Niềm vui nữa là ếch nuôi lớn đến đâu có người đặt mua đến đấy; cạnh đó thì nỗi buồn hiện nay của anh là không đủ ếch cung ứng ra thị trường. 

Anh Giáp cho biết thêm: giá diện tích rộng hơn, giá có nhiều hộ cùng nuôi ếch hơn, khi đã có bạn có thị trường thì con ếch chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và như vậy nghề mới sẽ phát triển không chỉ ở gia đình anh mà sẽ thành hiệp hội hoặc hợp tác xã cung ứng thì vui biết mấy.

Đàn ếch trong trang trại của anh Giáp.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn - câu nói của các cụ không hề sai, chỉ từ một bữa cỗ đám cưới nhưng tôi đã hiểu thêm, biết thêm được bao chuyện của người nông dân thời nay như chuyện học cách làm giàu qua mạng Internet của lớp thanh niên, chuyện muốn làm ăn phải thật thà của vợ chồng anh Kiểm, chị Duyên, chuyện bỏ con lợn đến với con ếch của vợ chồng anh Giáp và còn nhiều chuyện nữa - những chuyện làm giàu của người dân vùng biển Tiền Hải, họ đang ngày đêm cùng đồng tâm hiệp lực góp phần làm cho vùng đất này tươi đẹp hơn.

Tuấn Dung

Thu Hà - 6 năm trước

Bảo sao dân Tiền Hải giàu thế!

Tải thêm