Chủ nhật, 05/05/2024, 14:55[GMT+7]

Nâng tầm sản phẩm truyền thống

Thứ 3, 28/03/2023 | 08:56:03
2,381 lượt xem
Thời gian qua, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo ở Đông Hưng đầu tư thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã có một số sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Qua đó nâng tầm sản phẩm truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức hiện có 5 sản phẩm được tỉnh, huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Từ lâu, làng Nguyễn, xã Nguyên Xá nổi tiếng với nghề làm bánh cáy - món bánh kết tinh của hương đất, hương đồng, xưa kia được dùng như một sản vật tiến vua. Hiện nay, bánh cáy được cải tiến về mẫu mã, chất lượng ngon hơn, trở thành đặc sản của Thái Bình, trong đó bánh cáy của xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao từ năm 2020. Anh Trần Văn Đông, trưởng phòng kinh doanh, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức cho biết: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm của xưởng được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ được mở rộng, uy tín của xưởng cũng được nâng lên. Năm 2022, xưởng mạnh dạn đăng ký thêm 4 sản phẩm là kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh chè lam xây dựng sản phẩm OCOP. Vừa qua, các sản phẩm đó đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá đủ tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thành quả đó là trái ngọt của sự mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Gần 20 năm làm bánh kẹo, cơ sở sản xuất bánh kẹo Đình Mạnh, xã Đông Sơn không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm song vẫn giữ được hồn cốt món quà quê bình dị. Vừa qua, cả 6 sản phẩm bánh cáy, kẹo dồi lạc, kẹo dồi vừng, kẹo gạo lứt, kẹo lạc, kẹo vừng cơ sở đăng ký đã được UBND huyện đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để cơ sở xây dựng thương hiệu bền vững, củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Anh Nguyễn Đình Mạnh, chủ cơ sở chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn đặt tiêu chí chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, đầu tư máy móc hiện đại để nâng công suất, giảm giá thành, giảm thời gian lao động, đồng thời liên tục cải tiến mẫu mã... Do vậy, khi đăng ký xây dựng sản phẩm đặc thù địa phương, các sản phẩm bánh kẹo của cơ sở đã đủ tiêu chuẩn theo quy định. Cơ sở cũng tiên phong thực hiện gắn mã cho từng sản phẩm từ khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, đưa thương hiệu bánh kẹo Đình Mạnh vươn xa. Thời gian tới cơ sở sẽ thành lập nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm ở từng vùng miền và tham gia chuỗi sản phẩm OCOP trong cả nước.

Bà Đinh Thị Thủy, cơ sở sản xuất bánh kẹo Đình Mạnh chia sẻ: Tôi đã làm ở đây gần 10 năm. Giờ làm có máy móc hỗ trợ nên công việc không vất vả, lương bình quân 6 - 7 triệu đồng/tháng. Với người dân ở quê mức lương đó đã là cao. Tôi sẽ cố gắng cùng mọi người làm thật tốt công việc để có sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Là địa phương có nhiều tiềm năng về nguồn nông sản, bánh kẹo truyền thống, Đông Hưng đã lựa chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay huyện có 3 sản phẩm đã được tỉnh công nhận OCOP 4 sao, 3 sao, đánh giá phân hạng cấp huyện 14 sản phẩm khác đạt OCOP 4 sao, 3 sao, trong đó 11 sản phẩm OCOP 4 sao là bánh kẹo truyền thống làng Nguyễn và đang lựa chọn tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp, bánh kẹo chất lượng thành sản phẩm đặc thù địa phương. Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như định hướng, tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng, hỗ trợ tập huấn xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm... Do đó, nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, quy định về an toàn thực phẩm và môi trường, phấn đấu đạt sản phẩm OCOP vừa để nâng tầm sản vật địa phương vừa để thực hiện tiêu chí thứ 13 về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vừa qua, huyện đã thành lập các đoàn phối hợp với các xã rà soát, lựa chọn các làng nghề, sản phẩm truyền thống, đặc thù địa phương, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đầu tư vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu để nâng cao uy tín cũng như giá trị sản phẩm.

Bánh cáy và nhiều loại bánh kẹo là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Đông Hưng ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường, nhất là từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu bánh kẹo Thái Bình.

 Nhiều công đoạn sản xuất kẹo lạc của cơ sở sản xuất bánh kẹo Đình Mạnh được làm bằng máy. 

Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày