Chủ nhật, 28/04/2024, 18:52[GMT+7]

Minh Lãng: Trăn trở giữ nghề thêu

Thứ 2, 12/06/2023 | 08:28:50
4,162 lượt xem
Thêu Minh Lãng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Thái Bình. Những sản phẩm tinh xảo, cao cấp có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế đã khẳng định sự tài hoa, khéo léo của người thợ và sự hưng thịnh của làng nghề. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, làng thêu gần 200 năm tuổi hiện đang đối mặt nhiều thách thức trong việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống.

Tổ hợp thêu tại gia đình chị Nguyễn Thị Bé, thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng duy trì hoạt động với 9 - 10 thợ thêu.

Làng thêu gần 200 năm tuổi

Người làng kể lại, năm 1825 cả vùng Thái Bình bị ngập lụt, mất mùa, người dân đói túng, dịch bệnh hoành hành. Ba cụ Nguyễn Như Khang, Nguyễn Nghĩa, Nguyễn Ca rời làng đi kiếm sống, vô tình học được nghề thêu về truyền dạy cho con cháu và người dân làng Gòi, làng Bùi (thôn Phù Lôi, thôn Bùi Xá ngày nay), từ đó nghề thêu ra đời ở Minh Lãng.

Thời kỳ phong kiến, sản phẩm thêu của Minh Lãng chủ yếu là mũ, áo, xiêm y, trang phục của quan lại triều đình. Những năm đất nước có chiến tranh, dù bị ảnh hưởng nhưng nghề truyền thống vẫn được duy trì, tuy nhiên số khung thêu không nhiều. Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX là thời điểm cực thịnh của làng thêu. Minh Lãng trở thành xưởng thêu khổng lồ, có HTX Hợp Nhất thêu ren và HTX nông nghiệp kiêm làm thêu, thu hút hàng nghìn hộ làm nghề. Người dân từ già đến trẻ đều biết thêu, làng nghề nổi tiếng khắp vùng, hàng thêu ở đây thường được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Nghề thêu giúp đời sống người dân địa phương no đủ, sung túc.

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghề thêu ở Minh Lãng lao đao. Năm 2000, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nghề và làng nghề đã tạo luồng sinh khí mới để nghề thêu ở Minh Lãng khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Đầu thế kỷ XXI, nghề thêu lại hưng thịnh, xã có 75 tổ hợp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm thêu tay, thu hút khoảng 5.000 lao động địa phương. Nghề thêu không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.

Hơn 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự cạnh tranh gay gắt lao động với các doanh nghiệp may mặc, nghề thêu ở Minh Lãng gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Như Cảnh, thôn Phù Lôi cho biết: Mấy năm nay, một số thị trường tiêu thụ sản phẩm thêu truyền thống của làng nghề như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bị đóng băng hoặc giảm hẳn số lượng đơn hàng. Giá trị sản phẩm thêu của địa phương chưa được nâng lên, thu nhập từ nghề thêu chưa hấp dẫn nên nhiều lao động trẻ đã chuyển dịch sang các công ty may mặc. Các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp thêu vẫn duy trì hoạt động, tuy nhiên doanh thu, lợi nhuận chỉ đạt 60 - 70% so với trước; thu nhập của lao động nghề thêu hiện ở mức 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Trăn trở giữ nghề

Gắn bó với nghề thêu hơn 50 năm, trong đó có 25 năm nỗ lực kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm truyền thống của quê hương đi các nước trên thế giới, ông Hoàng Đình Chiêm, Giám đốc Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương, thôn Phù Lôi, xã Minh Lãng chia sẻ: Do tác động của thị trường và nhiều yếu tố khác, có những giai đoạn rất khó tìm kiếm đơn hàng nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, tạo việc làm để thợ thêu có thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề. Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm, sóng gió nhưng tình yêu và khát khao giữ nghề truyền thống của cha ông đã tạo động lực giúp tôi vượt qua.

Tổ hợp thêu của gia đình bà Nguyễn Thị Nhuần, thôn Thanh Trai hiện có gần 20 thợ thêu, quy mô chỉ bằng 1/3 so với trước, trong đó thợ thêu trẻ nhất hiện 38 tuổi, thợ thêu cao tuổi nhất 65 tuổi, các thợ thêu còn lại đều từ 50 - 60 tuổi. “Học thêu không khó, chỉ mất khoảng 3 - 4 tháng chăm chỉ học là đã có thể thêu được cơ bản, còn thêu tinh xảo thì cần đôi bàn tay năng khiếu và kinh nghiệm. Nhưng bây giờ lớp trẻ không kiên trì, không muốn ngồi cả ngày bên khung thêu nên chọn đi lao động trong các công ty, xí nghiệp. Tôi thấy rất tiếc vì điều đó và lo lắng nghề truyền thống của cha ông liệu có giữ gìn được đến mai sau nếu không có lớp trẻ kế cận yêu nghề, làm nghề” - bà Nhuần chia sẻ.

Dù đã ở tuổi 71 nhưng bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Súy Hãng vẫn cần mẫn thêu mỗi ngày 9 - 12 tiếng. Bà bắt đầu biết thêu khi là một cô bé 9 - 10 tuổi và từ đó đến nay cuộc đời bà gắn liền với cây kim, sợi chỉ. Bà Nguyên cho biết: Tranh thủ dịp nghỉ hè, ngày nghỉ, tôi thường động viên, dạy các cháu nội, ngoại kỹ thuật thêu, các cháu phải biết thêu thì mới yêu được nghề, giữ được nghề.

Nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19. Hiện xã có 3 doanh nghiệp, 5 cơ sở sản xuất, trên 20 tổ hợp và hơn 1.000 lao động ở 7/7 thôn vẫn duy trì nghề thêu. Thu nhập của thợ thêu bình quân từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nghề thêu góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, khủng hoảng trong tương lai do các nguyên nhân như tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng của kinh tế thế giới, giá trị sản phẩm chưa được nâng cao nên thu nhập của người lao động chưa cao, sự chuyển dịch lao động từ nghề thêu thủ công truyền thống sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác... Mặc dù vậy, hầu hết người dân Minh Lãng vẫn yêu, tâm huyết với nghề, mong mỏi gìn giữ nghề truyền thống gần 200 năm tuổi mà cha ông để lại.


Ông Hoàng Đình Vương, Chủ tịch UBND xã Minh Lãng (Vũ Thư)
Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, xã tiếp tục quan tâm, khuyến khích nhân dân, nhất là lao động trẻ gắn bó với nghề; phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho thợ thêu; tăng cường quảng bá thương hiệu, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, quan tâm tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, giúp các cơ sở, tổ hợp, doanh nghiệp thêu hoạt động hiệu quả hơn.
Nghệ nhân thêu tay Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng
Tôi đánh giá tay nghề, kỹ thuật của thợ thêu Minh Lãng không thua kém, thậm chí tốt hơn nhiều làng nghề thêu truyền thống trong nước. Tuy nhiên, hạn chế là thợ thêu Minh Lãng chỉ biết làm nghề, chưa nhạy bén khâu quảng bá, tiếp thị, nâng cao giá trị sản phẩm. Tôi nghĩ cần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thêu của địa phương như các nước châu Âu, các vùng du lịch... Ngoài ra, cần tổ chức các hội thi nhằm tạo sân chơi, khuyến khích thợ thêu thể hiện tay nghề kỹ thuật và đưa sản phẩm thêu trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Bé, thợ thêu thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng
Hiện nay, người lao động có nhiều cơ hội việc làm ở các công ty, xí nghiệp, tuy nhiên tôi luôn tự hào và muốn gắn bó với nghề thêu truyền thống của quê hương. Với tôi, nghề thêu là tinh hoa, trí tuệ mà cha ông đã truyền dạy cho con cháu, tôi trân quý điều đó và mong muốn góp công sức cùng dân làng giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống cho đời sau.
Em Bùi Ngọc Hảo, 14 tuổi, thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng
Em bắt đầu được bà ngoại và bố mẹ dạy thêu từ năm 10 tuổi, đến nay em có thể thêu được những sản phẩm đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Vào dịp hè hoặc những buổi nghỉ học em thường phụ giúp bố mẹ làm thêu. Em thấy nghề thêu rất thú vị, rèn luyện tính kiên trì, sáng tạo, tinh ý và tính cẩn thận cho người thêu.

Nghề thêu mang lại thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày