Thứ 7, 27/04/2024, 23:29[GMT+7]

"Giữ lửa" làng nghề

Thứ 6, 04/08/2023 | 22:47:37
3,117 lượt xem
Với tình yêu dành cho nghề truyền thống, nhiều nông dân luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị, tinh hoa của làng nghề. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc “giữ lửa” làng nghề đang gặp khó khăn.

Người cao tuổi xã Nam Hà (Tiền Hải) duy trì nghề làm nón lá truyền thống.

Thời hưng thịnh

Sống cạnh chợ Hướng Tân từ khi còn nhỏ, ông Phạm Văn Bích, xã Nam Hà (Tiền Hải) vẫn nhớ như in về thời hưng thịnh của làng nón lá có tuổi đời hàng trăm năm. Bây giờ, khi đã trở thành Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Bích vẫn không khỏi tiếc nuối khi kể về chuyện xưa. Ông chia sẻ: Trước đây, khoảng 3 - 4 giờ sáng chợ Hướng Tân luôn tấp nập người mua bán, thương lái từ khắp nơi đổ về chợ chỉ mong mua được nón lá Nam Hà. Ngày ấy nón làm ra không đủ bán, nhiều người đến muộn phải ra về tay không. Cả làng ai cũng làm nón, không kể già hay trẻ, nhiều người phất lên từ nghề này.

Nếu như trước đây nghề làm nón lá giúp người nông dân phát triển kinh tế thì bây giờ lại giúp những người cao tuổi có thêm thu nhập. Bà Đỗ Thị Nhấn, thôn Hướng Tân năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn cùng mọi người trong xóm ngồi đan nón.

 “Ngày trước, đi quanh làng đâu đâu cũng thấy người ngồi làm nón, không mấy ai phải đi làm ăn xa. Những phụ nữ về làm dâu ở đây cũng dần học nghề và làm đến tận bây giờ. Khi ấy có nghề làm nón trong tay thì không lo đói” - bà Nhấn chia sẻ.

Cũng sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống, anh Nguyễn Quang Lễ, thôn Quân Bắc Đông, xã Vân Trường (Tiền Hải) đã gắn bó với công việc thu mua sản phẩm mây tre đan cho người dân địa phương suốt 33 năm. Hiện tại, mỗi tháng anh giúp 100 hộ trong xã tiêu thụ khoảng 1.000 sản phẩm gồm đơm, đó, thúng, nia..., thu lãi khoảng 90 triệu đồng/năm. Thế nhưng số lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường chỉ bằng 1/50 so với trước; thậm chí thu nhập 1 tháng hiện tại chỉ bằng thu nhập 1 ngày ở thời hưng thịnh của làng nghề.

Khó khăn của làng nghề

Bà Đoàn Thị Quế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Trường cho biết: Làng nghề mây tre đan truyền thống của xã đã có cách đây hàng trăm năm và được công nhận làng nghề từ năm 2003. Tuy nhiên, theo thống kê của địa phương, chỉ sau 20 năm số hộ làm nghề đã giảm chỉ còn một nửa. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 100 hộ sản xuất nhỏ lẻ. Sự “lạnh nhạt” của những người trẻ cũng là một phần nguyên nhân khiến làng nghề khó phát triển và có nguy cơ mai một; họ thường chọn đi làm tại các xí nghiệp, nhà máy với mức lương cao hơn. Chỉ còn lại những người từ 50 tuổi trở lên gắn bó với nghề truyền thống, chủ yếu là tận dụng thời gian nông nhàn. 

Anh Lễ cho biết thêm: Với sự xuất hiện của các phương tiện đánh bắt hiện đại và xu hướng sử dụng đồ nhựa “lên ngôi” khiến nhiều người không còn mặn mà với đồ mây tre đan. Còn với nông dân, các công đoạn làm ra một sản phẩm đều bằng tay nên tốn nhiều thời gian. Sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, thu nhập chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng/sản phẩm nên nhiều người đành bỏ nghề.

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề chưa đầu tư để thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm nên không chiếm được vị trí trên thị trường. Các hộ sản xuất, doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay cho sản xuất và thay đổi công nghệ. Cùng với đó là những khó khăn về giá điện, giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá sản phẩm không tăng.

“Giữ lửa” làng nghề

Ông Phạm Văn Bích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hà cho biết: Để duy trì và phát triển làng nghề nón lá, Hội Nông dân xã đã giao cho 1 cán bộ khuyến nông hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm và phát triển sản xuất. Hoạt động hỗ trợ vốn để các hộ đầu tư mở rộng sản xuất cũng sẽ được đẩy mạnh. Cùng với đó, địa phương hỗ trợ thương lái đến chợ mua bán nón lá không phải chịu thuế nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại. Với vị trí trung tâm trong khu vực, giao thông thuận tiện, cấp ủy, chính quyền địa phương đang từng bước hướng tới phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái, qua đó tạo hướng đi mới cho làng nghề phát triển và giúp các hộ sản xuất có thêm động lực gắn bó với nghề.

Người cao tuổi xã Thượng Hiền (Kiến Xương) gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống. 

Trong khi nhiều làng nghề loay hoay “giữ lửa” thì làng nghề mây tre đan truyền thống xã Thượng Hiền (Kiến Xương) lại đang phát triển tốt và mang lại thu nhập cao cho người dân. Hầu hết các hộ đều lựa chọn nghề của ông cha để phát triển kinh tế. Đi một vòng quanh xã đâu đâu cũng thấy người dân tất bật phơi sợi, đan lát, tạo nên không khí làng nghề vô cùng sôi động. Các hộ tham gia sản xuất theo từng công đoạn cụ thể. Một số hộ tập trung chiết xuất sợi để cung cấp cho người dân trong xã và tỉnh ngoài. Các hộ còn lại chủ yếu làm công việc đan lát để đáp ứng số lượng hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng. Việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề cũng được các doanh nghiệp đảm nhiệm. Nhiều hộ còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Chị Phạm Ngọc Mai, chủ cơ sở sản xuất mây tre đan Dinh Doanh cho biết: Gia đình tôi đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc hiện đại, kho đối lưu để bảo đảm sản xuất ổn định. Mỗi năm chúng tôi xuất ra thị trường nước ngoài hàng trăm nghìn sản phẩm mây tre đan các loại, đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng.

Hy vọng trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm hơn đến việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống; chú trọng công tác định hướng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ; có cơ chế phù hợp hỗ trợ các hộ làm nghề mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức lao động và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó các làng nghề sẽ tìm được cơ hội mới góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Gia đình anh Nguyễn Quang Lễ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mây tre đan truyền thống cho bà con xã Vân Trường (Tiền Hải).

Nguyễn Quang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày