Chủ nhật, 28/04/2024, 18:51[GMT+7]

Hưng Hà khó khăn giữ gìn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Thứ 3, 24/10/2023 | 10:34:58
5,689 lượt xem
Huyện Hưng Hà có hơn 200 làng có nghề với khoảng 2.000 hộ dân tham gia và 180 doanh nghiệp trong các làng nghề. Trong đó, có 53 làng nghề và 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, xã nghề, chiếm 26% tổng số làng có nghề của huyện. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên, giữ gìn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở Hưng Hà còn gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Nghề đan nón truyền thống ở xóm Quyết Thắng, xã Chi Lăng (Hưng Hà) đang đứng trước nguy cơ mai một.

Ông Bùi Hảo Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Làng nghề của địa phương chủ yếu là sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Doanh thu đạt trên 2.400 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách nhà nước trên 200 tỷ/năm. Thu nhập bình quân của lao động 3,5-5,5 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu nội địa, một số mặt hàng của các làng nghề dệt khăn được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; chất lượng lao động còn thấp, trình độ tay nghề chưa cao; ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết; số doanh nghiệp trong các làng nghề còn ít, quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ, quản lý còn hạn chế; môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn do hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ; công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, nghề làm nón ở xã Chi Lăng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, do sản phẩm nón lá không còn được ưa chuộng trên các thị trường. 

Ông Hoàng Công Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng cho biết: Trước đây, hầu hết các gia đình ở xóm Quyết Thắng đều có người làm nón, có hộ 100% thành viên tham gia. Nhưng hiện nay, chỉ còn một số ít phụ nữ trung tuổi, cao tuổi làm nghề, tỷ lệ này chắc chắn sẽ giảm xuống vì người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống. 

Thoăn thoắt đôi bàn tay khâu nón, bà Nguyễn Thị Mái, xã Chi Lăng tâm sự: Nghề này có từ lâu lắm rồi, bà biết làm nón từ năm lên 10 tuổi. Bây giờ, làm nón để giữ nghề, làm cho vui. Bởi làm một cái nón phải mất 1 ngày công, nhưng chỉ có giá 50-60 nghìn đồng/chiếc, trong khi đó nguyên liệu mua đã 30 nghìn đồng/chiếc, ngày công thấp nên mọi người không ai làm. 

Cũng mong muốn giữ gìn nghề làm nón ở địa phương, chị Nguyễn Thị The, xã Chi Lăng là một trong số ít những người trẻ tuổi thành thạo nghề ở địa phương chia sẻ: Nhà có mấy đứa cháu, định truyền nghề nhưng chẳng đứa nào chịu học. Vì làm nón vừa đau lưng vừa ít tiền. 

Không chỉ giữ gìn, bảo tồn mà phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở Hưng Hà cũng gặp nhiều khó khăn. Là 1 trong 4 làng nghề mây tre đan nổi tiếng của địa phương, làng nghề mây tre đan Tân Tiến (Chi Lăng) được thành lập năm 2003, hiện nay làng nghề có 550 lao động. 

Anh Nguyễn Văn Thành, chủ cơ sở sản xuất sợi mây ở xóm Tân Tiến (Chi Lăng) cho biết: Gia đình anh mở xưởng được 10 năm, hai năm gần đây, do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và nguồn vốn nên anh chuyển đổi từ sản xuất mây tre đan sang sản xuất sợi mây để bán cho các cơ sở sản xuất. Hiện nay, anh Thành tạo việc làm cho 30-40 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Để duy trì và phát triển nghề anh gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Từ thiếu vốn đã ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 Việc đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại một số làng nghề gặp khó khăn.

Bên cạnh khó khăn về vốn, các nghề và làng nghề truyền thống ở Hưng Hà chưa mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, chưa chú trọng thương hiệu, nhãn mác nên sức cạnh tranh kém. 

Ông Đoàn Minh Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa chia sẻ: Địa phương có hai làng nghề là làng nghề Me chuyên sản xuất bún, bánh đa, miến và làng nghề Diệc làm nghề mộc. Số lao động của hai làng nghề là trên 1.000 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Do thu nhập thấp nên người lao động chỉ coi là nghề phụ. Các hộ gia đình trong hai làng nghề, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư máy móc và cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, để giữ gìn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, ông Bùi Hảo Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết thêm: Huyện còn 17 xã, thị trấn chưa xây dựng được làng nghề. Phấn đấu đến năm 2030, có 90% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm; 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 15%/năm; thu nhập bình quân lao động tăng ít nhất từ 1,5 đến 5 lần so với  năm 2022; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. Thực hiện mục tiêu đó, huyện đã và đang chú trọng tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, quan tâm đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Nguyễn Thắm


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày