Thứ 4, 01/05/2024, 07:15[GMT+7]

Làng phát lộc vào vụ tết

Thứ 7, 25/11/2023 | 10:50:19
4,144 lượt xem
Còn gần 3 tháng nữa mới đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng làng phát lộc - thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng) đã nhộn nhịp, tấp nập vụ sản xuất chính trong năm. Năm nay sản phẩm từ cây phát lộc được giá, sức tiêu thụ tăng, người sản xuất phấn khởi.

Cứ vào vụ tết, khách hàng khắp nơi tìm về Minh Tân để đặt hàng.

Đi dọc theo quốc lộ 39A đoạn qua xã Minh Tân không khí xuân đã tràn ngập với sự xuất hiện của hàng nghìn sản phẩm phát lộc đủ kích cỡ, kiểu dáng bắt mắt. Tháp phát lộc loại nhỏ thì 3 - 5 tầng, loại lớn 15 - 21 tầng, lọ lục bình có cái cao hơn đầu người, những chiếc thuyền, nậm... được làm bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa nhiều năm kinh nghiệm cái nào cũng bảo đảm tiêu chí đẹp, độc, lạ. Mỗi sản phẩm là một công trình kiến trúc xanh. 

Chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đình Phùng, một chủ hộ sản xuất sản phẩm từ cây phát lộc nổi tiếng trong vùng cho biết: Nhà tôi trồng gần 2 mẫu cây phát lộc song đến vụ tết vẫn phải mua thêm mới đủ làm sản phẩm để cung cấp cho khách hàng. Làm phát lộc vất vả nhưng thu nhập cao hơn cấy lúa nhiều. Để làm được 1 sản phẩm phát lộc đẹp người làm phải cẩn trọng, tỉ mỉ, khéo léo trong mọi công đoạn, từ phân loại các cây thân to, nhỏ, non, già đều nhau, các mắt cây quay ra ngoài cùng một hướng, đổ cát vào trong chậu giữ độ ẩm nuôi cây, nhỏ xi măng trắng vít đầu ngọn phát lộc đến đổ nước vào chậu nhằm cung cấp đủ độ ẩm cho cây đâm chồi nảy lộc. Năm ngoái một số chậu phát lộc bị hỏng do cây bị nhiễm bệnh, cả vụ tết chỉ xuất được 3.000 sản phẩm, thu nhập giảm. Năm nay dự kiến làm trên 4.000 sản phẩm phát lộc các loại. Gia đình thuê thêm 5 lao động song vẫn phải tranh thủ làm cả tối để kịp hàng trả cho khách. Năm nay sức mua tăng, giá cũng tăng hơn năm ngoái, hứa hẹn một vụ phát lộc thắng lợi.

 Chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân miệt mài sáng tạo tác phẩm phát lộc. 

Trước đây, việc cắt cây phát lộc phải làm thủ công thì nay đã có máy cắt hỗ trợ, công việc của chị Nguyễn Thị Hiên, thôn Đình Phùng đỡ vất vả hơn. Những ngày cao điểm việc làm sản phẩm phát lộc được đẩy nhanh, bảo đảm tiến độ giao hàng đúng hẹn. 

Chị Hiên chia sẻ: Có máy móc hỗ trợ việc cắt cây nhanh, chuẩn, đều hơn, độ dài, ngắn điều chỉnh tùy thuộc vào số tầng của tháp, giúp giảm công sức, tăng năng suất, sản phẩm lên hình đẹp hơn. Công việc những tháng cuối năm nhiều, tôi được trả khoảng 6 triệu đồng/tháng. 

Chị Phạm Thị Thảo, thôn Đình Phùng cho biết: Gia đình tôi làm hàng quanh năm nhưng những tháng cuối năm là bận rộn nhất vì làm hàng tết, gia đình phải thuê thêm 8 lao động, trong đó 3 lao động ở ngoài đồng cắt cây phát lộc nguyên liệu. Từ khi sản phẩm phát lộc được công nhận OCOP 4 sao sức tiêu thụ tăng hơn trước nhiều. Gia đình tôi phải đặt hàng của nhiều hộ khác trong xã mới đủ nguồn hàng trả cho khách đặt. Thị trường tết năm nay sản phẩm tháp và lọ lục bình vẫn là chủ đạo, ngoài ra còn có các sản phẩm hồ lô, nậm, thuyền... Chúng tôi thường làm hàng theo yêu cầu của khách, nếu khách yêu cầu mẫu mới thì chúng tôi nghiên cứu rồi tự sáng tạo ra, bảo đảm đúng tiêu chí khách yêu cầu. Giờ nhiều công đoạn có máy móc hỗ trợ, tạo dáng thì đã có khuôn, do đó việc tạo sản phẩm phát lộc đơn giản, đẹp hơn. Mỗi năm, gia đình làm khoảng 4.000 sản phẩm phục vụ thị trường tết, đồng thời tiêu thụ cho các hộ khác hàng nghìn sản phẩm.

Vụ tết năm ngoái do mưa nhiều cây bị úng, hoàn thiện xong sản phẩm lại có hiện tượng cành thối phải tháo ra làm lại, nếu hỏng nhiều phải bỏ cả chậu đi. Vì thế, có hộ thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, người dân chủ động chăm sóc và chống úng, do đó cây phát triển nhanh, thân đều, thẳng, dễ lựa chọn để tạo ra các sản phẩm phát lộc đẹp. Bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất khoảng 350 - 400 sản phẩm phát lộc các loại. Sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá mỗi sản phẩm tăng 20.000 - 30.000 đồng so với năm ngoái. Từ đầu vụ, khách hàng khắp nơi trong cả nước đã liên hệ hoặc về tận thôn đặt hàng, lượng khách đặt nhiều, các hộ có đơn hàng làm liên tục tới gần tết Nguyên đán. Phần lớn khách hàng lâu năm đặt hàng qua điện thoại, qua mạng thay vì phải về tận địa phương như trước. 

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Minh Tân cho biết: Nghề làm sản phẩm từ cây phát lộc đã góp phần thay đổi cả diện mạo đồng ruộng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thôn Đình Phùng. Đến nay, toàn xã có 5ha ruộng chuyển từ cấy lúa sang trồng cây phát lộc nguyên liệu. Ngoài tự trồng, người Đình Phùng còn phải đi rất nhiều nơi để mua cây phát lộc về tạo ra các sản phẩm. Minh Tân có trên 100 hộ trồng và làm sản phẩm phát lộc. HTX vẫn tuyên truyền, vận động các hộ có ruộng cấy lúa không hiệu quả chuyển sang trồng cây phát lộc. Người dân thôn Đình Phùng sản xuất sản phẩm phát lộc đã mấy chục năm nay, không ngừng sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc, lạ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Trung bình mỗi vụ tết, làng phát lộc cung ứng ra thị trường hàng vạn sản phẩm với đa dạng chủng loại, kích thước.

Tết đến, xuân về ngoài thú chơi cây cảnh như đào, quất, mai... cây phát lộc cũng được nhiều người lựa chọn để chơi tết thay cho ước vọng một năm mới phát lộc, phát tài, sung túc hơn năm trước. Các sản phẩm làm từ cây phát lộc còn được dùng trang trí nhà cửa, phòng làm việc... cũng rất đẹp và sang, vì vậy nhu cầu về mặt hàng này ngày càng tăng cao. Các hộ dân ở thôn Đình Phùng luôn biết nắm bắt cơ hội để làm giàu từ sản phẩm OCOP 4 sao này của địa phương.


Hiện toàn xã Minh Tân có khoảng 5ha trồng cây phát lộc song vẫn không đủ cung cấp cho các hộ sản xuất sản phẩm phát lộc OCOP 4 sao.

Trung Hiếu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày