Thứ 6, 03/05/2024, 19:44[GMT+7]

Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

Thứ 6, 03/04/2015 | 10:34:54
1,472 lượt xem
Ý chí và nghị lực đã giúp anh Phạm Đình Đức (thôn Nội, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư) thành công trong phát triển kinh tế gia đình, đưa nghề phụ về với lao động nông thôn. Nhờ đôi tay tài hoa và chiến lược kinh doanh đúng đắn, mỗi năm cơ sở sản xuất trang phục truyền thống Hanbok của Hàn Quốc mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động địa phương cùng hàng trăm lao động vệ tinh với thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 tri

Anh Phạm Đình Đức kiểm tra chất lượng sản phẩm.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang, anh Đức vui vẻ cho biết: Ở vùng đất chiêm trũng này, cũng như bao gia đình khác, cuộc sống của gia đình tôi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn hết sức khó khăn. Khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc tôi tích cực tìm hiểu, tham quan, học hỏi những mô hình có cách làm hay và hiệu quả kinh tế cao. Trong hành trình đi tìm nghề, tôi luôn tâm niệm phải tìm cho được một nghề hữu ích giúp chính gia đình mình và tạo việc làm cho nhiều người khác. Nhiều năm làm công nhân, quản lý cho hết xưởng thêu này đến xưởng thêu khác tại thành phố Thái Bình đã giúp anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghề. Năm 2011, sau 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, với số vốn ít ỏi trong tay, anh nảy ra ý nghĩ: “Tại sao mình không đưa nghề thêu về quê để tranh thủ nguồn lao động lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho bà con”. Nghĩ là làm, anh về quê, bắt tay vào xây dựng nhà xưởng trên chính mảnh vườn của gia đình đồng thời tuyển hơn 10 lao động vào làm, tất cả đều do anh trực tiếp hướng dẫn tay nghề. Hiện nay, sản phẩm chính của cơ sở là trang phục truyền thống Hanbok xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Vốn là người cẩn thận, chăm chỉ, lại có quãng thời gian làm việc tại nước ngoài nên mọi sản phẩm trước khi xuất xưởng đều được anh kiểm tra kỹ lưỡng, nhanh chóng loại bỏ hoặc sửa lỗi, được bạn hàng rất tin tưởng, đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Hiện nay mỗi tháng cơ sở sản xuất của gia đình anh xuất khẩu từ 500 - 1.000 sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc.

 

Chị Trần Thị Hà (thôn Thanh Nội, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư) chia sẻ: “Tôi là người làng bên, đã làm việc tại cơ sở của gia đình anh Đức được hơn 2 năm. Công việc của tôi chủ yếu là thêu các chi tiết trang trí trên trang phục truyền thống Hanbok. Làm việc tại đây, tôi rất yên tâm bởi lương được trả đều đặn hàng tháng. Sau giờ làm chúng tôi còn nhận hàng về nhà tranh thủ làm thêm. Hàng ngày, tôi và các chị em làm việc ở đây vẫn lo cơm nước, lợn gà, rồi đưa đón con đi học, tranh thủ những lúc rảnh rỗi lại đến làm. Mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của những người dân vùng quê vốn chỉ trông chờ vào cây lúa như chúng tôi”.

 

Anh Đức cho biết thêm: Hiện nay ở nông thôn còn một bộ phận không nhỏ lao động thừa thời gian, thiếu việc làm, không đủ trình độ vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp tập trung… Để tạo việc làm cho những lao động này rất cần nhân rộng và phát huy vai trò của những mô hình, cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn hoạt động theo quy mô hộ, nhóm hộ hoặc doanh nghiệp, giúp họ không phải ly hương tìm việc làm trong khi vẫn có kinh tế ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái. Mặt khác, để một nghề mới có chỗ đứng vững vàng không chỉ đơn giản là dạy nghề xong rồi mạnh ai người ấy lo mà quan trọng nhất là phải tạo điều kiện tốt giúp người học duy trì và phát triển nghề mới.

 

Trong thời gian tới, gia đình anh  Đức dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng để tạo thêm việc làm cho người lao động trong và ngoài địa phương. Anh bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi phù hợp, khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa nghề về dạy cho lao động nông thôn và hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Với những nỗ lực của bản thân, sự tự tin, quyết đoán trong quá trình tìm nghề và phát triển nghề tại địa phương, nhiều năm liên tục anh Phạm Đình Đức được UBND huyện Vũ Thư tặng Giấy khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi.

 

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày