Thứ 6, 03/05/2024, 13:57[GMT+7]

Cựu chiến binh trên mặt trận giảm nghèo

Thứ 2, 04/05/2015 | 08:05:52
1,558 lượt xem
Từng xông pha trận mạc, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc, trở về đời thường, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ, tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Công ty TNHH Chế biến lâm sản Việt Hà Anh của cựu chiến binh Phạm Công Tự tạo việc làm cho 35 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Năm 1970, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Phạm Ngọc Tỵ lên đường nhập ngũ, biên chế vào Ðại đội 1, Tiểu đoàn 30, Binh trạm 37, Ðoàn 559. Suốt những năm tháng chiến đấu, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông Tỵ rời quân ngũ về quê hương, cuộc sống khi đó gặp rất nhiều khó khăn.

 

Năm 2002, CCB Phạm Ngọc Tỵ đã mạnh dạn thầu khoán gần 1ha ruộng trũng, đầu tư đào ao, vượt thổ để phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2008, được sự giúp đỡ của Hội CCB xã, ông đã vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi lợn thịt và gia cầm các loại. Khi đã tích lũy được vốn, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2012 ông chuyển sang đầu tư chuồng trại nuôi lợn rừng giống và mở rộng quy mô thường xuyên nuôi 4 lợn nái, trên 30 con lợn rừng giống và hàng trăm gia cầm các loại. Ngoài ra, ông còn trồng hàng chục cây nhãn, táo, măng bát độ, nuôi cá trôi, trắm… mỗi năm trừ chi phí còn thu về từ 90 - 100 triệu đồng.

 

Cũng như hầu hết người lính sau khi xuất ngũ, cuộc sống gia đình CCB Nguyễn Văn Kểnh (thôn Cổ Dũng 1, xã Ðông La, huyện Ðông Hưng) phải đối mặt với bao lo toan bộn bề thường nhật. Năm 2005, ông cải tạo 2 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả để trồng trên 40 gốc thanh long, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, sản lượng đạt trên 6 tạ, trừ chi phí còn lãi hơn 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông mở thêm cửa hàng chuyên thu mua nông sản, chế biến thức ăn chăn nuôi vừa cung cấp cho gia đình, vừa phân phối cho các đại lý phục vụ bà con nông dân. Công việc kinh doanh ngày một thuận lợi, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Mỗi năm cửa hàng của ông tiêu thụ 1.500 - 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.

 

Tại xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình), CCB Phạm Công Tự được nhiều người biết đến là Giám đốc Công ty TNHH Chế biến lâm sản Việt Hà Anh, doanh thu hàng năm đạt từ 8 - 10 tỷ đồng. Tiếp chúng tôi, ông Tự cho biết: Năm 1969, ông nhập ngũ biên chế vào Lữ đoàn Công binh 299, Quân đoàn 1, đóng quân tại Thanh Hóa. Rời quân ngũ năm 1975, ông lao vào cuộc mưu sinh, tích cực lao động sản xuất, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Năm 2004, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông mạnh dạn thuê đất mở xưởng chế biến gỗ. Ban đầu, ông chọn giải pháp vừa làm vừa tích lũy vốn, có tiền ông tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, chỉ trong thời gian ngắn, ông nâng cấp xưởng chế biến gỗ của gia đình thành Công ty TNHH Chế biến lâm sản Việt Hà Anh, đồng thời thường xuyên tìm tòi, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm đồ gỗ do Công ty sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, hiện tại doanh nghiệp của ông còn tạo việc làm cho 35 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Tự chia sẻ: “Từng là người lính, tôi luôn thấu hiểu: Không có con đường nào dẫn đến thành công mà bằng phẳng, vì vậy đòi hỏi mỗi chúng ta luôn phải nỗ lực, phấn đấu, đồng thời phải có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm. Tôi rất may mắn vì được quân đội rèn luyện cho bản lĩnh vững vàng để từ đó khắc phục khó khăn, vượt lên làm giàu cho gia đình và xã hội”.

 

Không chỉ có các CCB như ông Tỵ, ông Kểnh, ông Tự, đến nay, toàn tỉnh đã có 112 doanh nghiệp, 407 trang trại, gia trại, hợp tác xã, trên 1.900 ao, đầm do hội viên CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động có thu nhập ổn định, mỗi năm đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, số hội viên có mức sống khá, giàu tăng lên, tỷ lệ hộ hội viên nghèo toàn hội chỉ còn 0,96%.

 

Ðồng chí Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội CCB tỉnh đã tập trung xây dựng Hội trong sạch vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tích cực tham gia công tác xây dựng, bảo vệ Ðảng, chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ trong tỉnh, từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển”.

Nguyễn Hậu

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày